Chiến tranh tàn khốc vì nó hủy diệt con người. Nhưng trong chiến tranh
vẫn có sự lãng mạn. Có lẽ đó là cách nhìn của những người nghệ sỹ qua những lăng kính màu sắc khác nhau để tìm một vẻ đẹp trong nỗi chết. Để sống còn.
Những người viết sử miêu tả thủ đô Luân Đôn Anh Quốc trong những ngày tháng bị Đức Quốc Xã không kích tan nát, là thời gian người dân Luân Đôn phát sinh ra những mối tình lãng mạn và họ rất thích. Có lẽ rơm với lửa ngồi trong hầm với nhau lâu ngày cũng bốc cháy.
Chiến tranh Việt Nam cũng vậy. Có những bài hát gọi những trái sáng do máy bay C-47 hay C-119 thả xuống bằng dù để tìm địch quân núp ban đêm, là “những đóm mắt hỏa châu”, như đôi mắt long lanh “sáng ngời” của người yêu. Hỏng lo canh gác mà ngồi “tâm sự” với trái sáng nè, Đại Úy.
“Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi.
Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời.
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối
như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối.
Những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi.”
Nhà văn quân đội Phan Nhật Nam viết về những trận địa pháo khủng khiếp của Cộng quân rót vào thành phố An Lộc đang bị bao vây trong mùa hè đỏ lửa 1972, là “mạn thiên hoa vũ”. Tạm dịch ra tiếng Việt là những bông hoa khiêu vũ trên trời. Ui, nghe du dương hông kìa trong khi hàng chục ngàn người đã chết tan xác vì những trái đạn pháo kích tàn bạo này.
Xạ thủ Hảo Hảo cũng bị mắc căn bịnh lãng mạn này. Gọi súng ống là những dụng cụ giết người mà ai cũng sợ, là “cục cưng”, là người iu, là bồ nhí. Khi ôm cục cưng trong tay thì cảm thấy rạo rực đê mê. Cũng chẳng có gì lạ lùng vì thời chiến các anh lính Cộng Hòa gọi súng là vợ đạn là con. Có bài hát gọi súng M-16 là “em mười sáu tuổi” nữa kìa.
Trong những ngày rong ruổi trên các nẻo đường ở Ukraine. Chàng xạ thủ “lãng mạn” đã tìm thấy chứng tích của những bông hoa tử thần trên đường phố Kharkiv, như “mạn thiên hoa vũ” từ trên trời rớt xuống.
Kharkiv là thành phố ở vùng đông bắc Ukraine rất gần biên giới Nga và thành phố này bị pháo kích đêm ngày. Trên vỉa hè có hai lỗ đạn pháo kích đường kính khoảng 20 cm. Lỗ đạn nhỏ như vậy thì có thể là đạn phóng lựu. Mà bộ binh Nga chưa vào được Kharkiv nên đoán là bom chùm (cluster bomb) của hỏa tiễn hành trình của quân Nga nã vào thành phố này rất nhiều.
Một người họa sỹ Ukraine sáng tạo nào đó đã quỳ mọp xuống cầm cọ dùng sơn trắng tô lên những vết thẹo chiến tranh thành những bông hoa tan thương. Và dòng chữ bằng tiếng Ukraine như sau: “Điều gì đã cho một bông hoa như vậy?”, và “Những bông hoa này sẽ không đi vào quên lãng”.
Câu viết nhẹ nhàng nhưng đã làm người đọc bâng khuâng thấm thía và buồn. Nét cọ sơn màu trắng biểu tượng cho hòa bình hay tang tóc, và dòng chữ ôn hòa nhưng quyết tâm pha lẫn niềm kiêu hãnh. Nó sẽ không tác dụng sâu xa bằng nếu người họa sỹ đó dùng sơn màu đỏ và những ngôn từ sắt máu sặc mùi tuyên truyền giết chóc, tự đánh mất nhân bản như địch quân đang làm.