Các mâu thuẫn trong những tờ báo đảng

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
VÀI ĐIỀU SUY NGHĨ Ở CÁI CHẾT ĐỖ ĐĂNG DƯ ĐỌC TỪ BÁO ĐẢNG CỘNG SẢN
(12 tháng 10 2015)Câu chuyện về cái chết của Đỗ Đăng Dư trong trại giam số 3 công an TPHN gây xôn xao dư luận. Về khía cạnh pháp luật thì đã có những người am hiểu bình luận, nhất là về thi hành giam giữ, khởi tố với người dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên bài viết này nhìn từ góc độ kinh nghiệm của một người từng kinh qua tất cả các thể loại tạm giam trong chế độ này.

Sau nhiều ngày im ắm từ khi cháu Dư đưa vào bệnh viện. Đến khi tin cháu Dư chết được xác nhận chính thức. Đồng loạt báo chí đưa ra một bản tin gần như giống nhau hoàn toàn. Điều đó cho thấy báo chí được lệnh im lặng chờ đợi và chuẩn bị khi nào đưa bài. Một sự chỉ đạo được từng ấy báo chí có lẽ phải từ cỡ Bộ Chính Trị.

Thứ nhất

Báo Tiền Phong mô tả, Đánh chết bạn tù vì rửa bát bẩn: “Các bị can bị tạm giam cùng buồng đã đỡ và hô hoán báo cáo cán bộ quản lý để đưa Dư đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Đến tối cùng ngày, Dư được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục theo dõi, điều trị”.

Báo An ninh thủ đô mô tả, Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm việc hành hung bị can Đỗ Đăng Dư: “Khoảng 5 phút sau, Dư đi ra khỏi khu vệ sinh thì bị ngã xuống sàn nhà. Bình, Trường và Đức Anh đã chạy lại đỡ Dư dậy. Cùng lúc đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – cán bộ quản giáo phát hiện sự việc như trên đã báo cáo chỉ huy đơn vị. Ban Giám thị Trại tạm giam số 3 đã chỉ đạo khẩn trương đưa Đỗ Đăng Dư đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Hà Đông”.

Theo các bạn thì sự thật nằm ở đâu, phạm nhân hô hoán để cán bộ quản giáo biết hay là cán bộ quản giáo cùng lúc đó phát hiện sự việc. Tóm lại là pham nhân hô hoán hay cán bộ phát hiện. Đây là điểm mâu thuẫn rất lớn giữa hai tờ báo lớn. Sự mâu thuẫn này cho thấy có sự giả tạo ở thời điểm nhạy cảm, quan trọng nhất trong tình tiết vụ án đó là phát hiện vụ án. Và nếu như vụ án được bắt đầu bằng một sự giả tạo thì ắt quá trình của nó phải mang đậm sự giả tạo, đó là điều tất nhiên.

Đoạn tin dưới đây tất cả các tờ báo đều đưa tin giống nhau.

Khoảng 8h30 ngày 4-10-2015, Dư, Bình, Trường và Đức Anh ăn sáng tại buồng giam. Theo lịch phân công, sau khi ăn xong Dư phải rửa bát cho các bị can cùng buồng. Do thấy Dư rửa bát bẩn, Bình gọi Dư đến ngồi ở khu vực giữa 2 bệ xi măng nơi bị can ngủ. Bình đứng đối diện Dư và dùng tay phải tát 2 cái vào má trái, dùng chân trái đá 3, 4 lần vào đầu Dư theo hướng từ trên xuống dưới.

Với những người bình thường khi đọc sẽ không phát hiện được điều gì trong mẩu tin đưa trên. Nhưng với số lượng gần 5000 người bị tạm giam (không tính tạm giữ) một năm ở Hà Nội (khi chưa nhập Hà Tây). Ít nhất sẽ có vài chục nghìn người ở Hà Nội từng bị tam giam thấy điểm khác lạ trong bản tin này.

Thứ hai

Không có lịch phân công rửa bát trong buồng tạm giam công an TP. Chỉ có ”nhân dân ” hay “lái xe”… những thành phần bị bắt nạt, hèn yếu nhất trong buồng giam phải thực hiện công việc này.

Thứ ba

Mọi việc đánh đập không bao giờ diễn ra vào buổi sáng tầm 8 giờ 30, nhất là một cách nghe rất truyền thống là bắt đồng phạm quỳ dưới ”mà” (tiếng lóng chỉ lối đi giữa sàn). Đây là giờ mà cán bộ gọi lấy cung, đi lấy quà, lăn tay…vì thế mọi việc tra tấn giữa các tù nhân với nhau như vậy chỉ diễn ra vào buổi chiều tối. Sau giờ điểm danh.

Thứ tư là tù nhân ăn gì vào buổi sáng mà dùng đến bát, đũa, thìa. Ăn mỳ tôm hay ăn xôi, miến, phở. Hay trại giam số 3 Hà Tây có cho tù nhân ăn bữa sáng đựng trong bát? Người viết bài này đã trải qua gần như tất cả các thể loại tạm giam, từ công an phường, công an quận, công an thành phố đến công an bộ. Chưa bao giờ trại giam cấp ăn sáng cho tù nhân. Ở trại tạm giam số 1 của CATPHN tất cả bát nhựa đều để ở khu ngoài có khoá ngăn, đến giờ ăn trưa phạm nhân được mở ra lấy bát ăn cơm, sau đó cất lại khu ngoài.  Chỉ có những đại ca có tên tuổi trong giang hồ hoặc là đại bàng trong buồng giam mới có suất ăn sáng bằng bát nhựa, có thể dùng nhựa và vải vụn làm chất đốt để đun nước sôi nấu mỳ tôm.

Thứ tư

Thế mà mấy thằng oắt con chưa đến 18 tuổi ăn sáng trong buồng tạm giam bằng bát. Muốn ăn thế thì gia đình phải hối lộ vài triệu một thằng cho quản giáo trong một tháng để quản giáo làm ngơ cho đun nấu, mang bát vào ăn, ăn sáng một cách thảnh thơi như vậy.

Thứ năm

Chúng ta nên nhớ Lê Văn Luyện, sát thủ 17 tuổi bị giam chung với các phạm nhân khác đều thành niên. Không có cái gọi là phòng giam C15 nào để giam riêng vị thành niên cả. Tôi đã từng ở chung phòng với một cậu bé giết 16 tuổi phạm tội giết người và ông già 65 tuổi tội lừa đảo. Nếu ở trại tạm giam có phòng giam cho trẻ em dưới 18 tuổi thì bắt buộc các trại giam, trại cải tạo cũng phải có phòng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Thực tế là trẻ em dưới 18 tuổi phạm tội đến mức phải bị lệnh tạm giam rất ít, trừ những tội đặc biệt nghiêm trọng … vì thế trại tù không có phòng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Thường thì chúng sẽ được ưu ái giam vào buồng tiền án, tiền sự lần đầu hay tiếng lóng gọi là ”tù con so”.

Vậy là 5 điều khó tin nhất trong nhà tù lại xảy ra cùng một lúc. Sự thực thì những yếu tố này có thể diễn ra trong nhà tù, nhưng ở tỷ lệ cực thấp cho mỗi yếu tố. Nhưng ở vụ án này xác suất thật tình cờ đến kinh ngạc là cả 5 yếu tố khó tin lại có thể có cùng một lúc.

Thứ sáu

17 tuổi Đỗ Đăng Dư bị bạn tù là Vũ Văn Bình đánh chết. Cái cách đánh mà chỉ có những đại bàng từng trải, có uy lực mới làm được. Đó là đủ uy vũ để bắt người khác quỳ xuống và dùng chân đá theo hướng từ trên xuống.

”dùng chân trái đá 3, 4 lần vào đầu Dư theo hướng từ trên xuống dưới.”

Bạn hãy thử hình dung bạn đánh một người đang ngồi, bạn đá từ trên xuống sẽ thế nào? Người bình thường chỉ đá từ dưới lên vào mặt hay ngực người ngồi. Vũ Văn Bình mới 17 tuổi đi chân đất (trong tù không có giầy , nếu có chỉ là giày vải mềm loại buộc giây nhưng đã bị quản giáo thu dây) đá vào đầu Dư theo hướng từ trên xuống. Không ai dại gì đá từ trên xuống vào đỉnh sọ người, vì đó là chỗ cứng nhất, thế đá lại khó nhất. Vậy mà Vũ Văn Bình thực hiện được những cú đá như trong báo chí miêu tả.

Sự thực chỉ có thể trong tình huống ấy là Vũ Văn Bình giơ gót chân và nện xuống lưng của Đỗ Đăng Dư. Bất kể ai từng đi tù đều hiểu đó là cách đánh phổ thông nhất. Nhưng thường người thực hiện đánh như vậy là người có nhiều năm tù giam ở những trại tạm giam, trại tù mới có kinh nghiệm để thực hiên như vậy. Nếu Vũ Văn Bình trước đó từng bị giam giữ nhiều lần hay qua trường giáo dưỡng thì có thể Bình biết được cách đánh chuyên nghiệp như vây. Nhưng nếu Bình đã rành cách đánh như thế thì Bình sẽ hiểu quy tắc không thể manh động đánh trong giờ hành chính. Một người có cách đánh điềm tĩnh, lỳ lợm, uy hiếp đầy toan tính như bắt người khác ngồi dưới lòng ” mà” (nơi tiện cho việc tra tấn nhất trong buồng giam) không thể nào manh động làm sai điều cốt lõi là đánh ngay trong giờ cao điểm là 8 giờ 30.

Thứ bảy

Thủ phạm Vũ Văn Bình ở tuổi vị thành niên, sau khi đánh chết Đỗ Đăng Dư bị khởi tố vì tội ” cố ý gây thương tích ”. Các nhân chứng trong buồng đều dưới 18 tuổi. Nguyên nhân xuất phát từ Dư thiếu trách nhiệm trong việc rửa bát cho sạch theo lịch phân công. Thủ phạm không dùng hung khí chỉ dùng tay chân không đánh vài phát.

Những tình tiết ngẫu nhiên có được sẽ là điều khoản giảm tội Vũ Văn Bình đến tối đa.

Những yếu tố cực kỳ hiếm hoi có thể xảy ra bỗng nhiên xuất hiện đồng loạt trong cái chết của Đỗ Đăng Dư. Mới kể sơ sơ đã là 7 yếu tố mà bất kỳ ai từng ngồi trong trại giam đều thấy được. Đây là một kịch bản được dưng lên, những yếu tố được lồng ghép để vụ việc thành đơn giản. Việc luật sư chứng kiến việc mổ tử thi không ký vào biên bản không phải là điều hay như người ta vẫn nghĩ. Lẽ ra anh ta phải xin sao ra làm hai bản. Anh ta ký nhận vào một bản và ghi rõ lý do tôi đồng ý với những vết thương bên ngoài như đã thể hiện trong biên bản và tôi phản đối biên bản khám nghiệm  vì có những vết thương nội tạng bên trong không được thể hiện.

Công nhận những vết thương bên ngoài như đã nhìn thấy. Như thế ít ra anh ta sẽ có chứng cứ về những vết thương bên ngoài. Mà vết thương bên ngoài do dùng chân không đá thì để lại dấu vết thế nào hay không thì quá dễ hiểu, nhất là dẫn đến tử vong, điều ấy chỉ có trong truyện của Kim Dung.

Nhưng anh ta đã không ký nhận mặc dù có mặt, anh ta trở ra tay không với lời khuyên gia đình nên mang xác đi chôn luôn, để đó chả giải quyết gì. Đó là điều tôi không thể nào hiểu nổi.

Có lẽ tôi không hiểu là phải, vì tôi chưa học xong cấp ba. Còn anh ta đã học xong đại học, thêm khoá học nữa để bồi dưỡng thành luật sư. Suy nghĩ của một thằng kinh nghiệm tù nhiều và suy nghĩ của một luật sư học hành đầy đủ, đến nơi, đến chốn không thể hiểu nhau là điều tất nhiên. Như câu ví chim sẻ không thể hiểu được chí của đại bàng vậy.

Người Buôn Gió
(Posted by adminbasam) Các