MỘT MẪU CHUYỆN ĐỜI
Tác giả sinh năm 1941, dạy học từ năm 1964 đến 1975. Định cư tại Mỹ 1991 nay đã về hưu và sống tại Orange County, California.
*
Tôi sắp kể chuyện đời tôi, một câu chuyện nhạt-nhẽo về một phụ nữ bình thường, và tầm thường; vì tôi chẳng có một tài năng gì đặc biệt, chẳng có một ước vọng gì cao cả, xa vời.
Năm nay tôi 80 tuổi, tức là sinh năm 1942, tuổi ngọ. Nhiều người nói nữ tuổi ngọ giỏi giang, nhưng bương-chải, bôn- ba đường đời. Tôi chẳng bôn-ba đây đó, chẳng mạo hiểm kinh doanh làm giàu, chỉ yên phận với một ít tiền hưu. Ấy vậy mà suốt đời tôi cứ ray-rứt, không trọn vẹn được những việc bình thường, như một người con, một người vợ, một người mẹ, một người bạn, nói chi đến những bổn phận đối với dân tộc, với nhân loại. Đời tôi giống như một con thuyền nhỏ-nhoi giữa biển lớn, mà cha tôi là vì sao Bắc Đẩu, mẹ tôi là cái la-bàn, hai con tôi là thùng nước ngọt, bạn Johnny người Mỹ là tài công, còn chồng tôi lại là một loài thủy ngư đục thủng đáy thuyền. Tâm hồn tôi như một giải lụa trắng; chồng tôi như một vệt mực đen quệt ngang.
Khi tôi sinh ra năm 1942 tại Hà Nội, quân Nhật đã chiếm đóng toàn cõi Đông Dương, như lời mẹ tôi kể. Mẹ tôi lúc ấy mới hai mươi tuổi, bố tôi 22. Sau này đọc hồi ký của bố, tôi mới biết hồi đó bố mẹ tôi cùng hoạt động bí mật trong một tổ chức thanh niên chống cả Pháp, Nhật lẫn cộng sản. Hai người yêu nhau giữa những hiểm nguy của công tác. Ngoài đời, mẹ tôi đang học nghề y tá; bố tôi đã đậu tú tài Pháp, có năng khiếu hội họa, sinh sống bằng cách đi dạy học trường tư, viết và vẽ cho mấy tờ báo.
Đối với tôi, cuốn hồi ký của bố là một bảo vật vô giá, mà hơn mười năm nay tôi đã nâng niu, cẩn mật dịch ra tiếng Anh từng chữ từng câu, theo di nguyện của bố. Tôi đang đặt nó trên bàn trước cửa sổ, từ lầu hai một chung cư, nhìn xuống phố chợ đông đúc của Little Sài Gòn.
Căn hộ này, hai con tôi, một trai, một gái đã chung tiền mua cho mẹ ở một mình, dọn từ tiểu bang Pennsylvania về được ba năm rồi. Từ nơi ít người Việt, về đây tôi như được hồi sinh. Tôi cám ơn cộng đồng tỵ nạn Việt Nam đã cho tôi sống những năm cuối đời giữa đồng hương, với sinh hoạt giống như vùng chợ Bàn Cờ của Sài Gòn xưa. Rẽ bên phải có phở, bún bò; quẹo bên trái có hủ tiếu, bánh cuốn; trước mặt có đậu hũ chiên hành, bắp nướng xối mỡ, sau lưng có bánh xèo, mì Quảng…Đến Mỹ từ tháng tư 75, tôi không thể tưởng tượng tôi đã sống gần nửa thế kỷ ở miền Đông vắng- vẻ giá lạnh.
Mặc dù ở tuổi tám mươi, tôi cảm thấy sức khỏe còn tốt, đi đứng vững- vàng, mắt vẫn còn đọc rõ chữ trên Internet. Tôi đang dịch chương cuối cùng cuốn hồi ký của bố. Cả một thời đen tối nhiễu nhương đầy thảm kịch, như một trích đoạn phim diễn ra trước mắt. Nhớ thương bố mẹ mà nước mắt chảy ròng- ròng, tôi khóc thoải mái như đứa trẻ lên ba giữa căn phòng xinh xắn, một mình.
Khi nạn đói 45, 46 xảy ra ở miền Bắc, tôi mới 4 tuổi, nhưng ký ức về những chuyến xe chở xác chết trên đường phố vẫn còn rõ nét mỗi khi nhớ lại. Cuối năm 46, kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Bố đem hai mẹ con rời thành ra khu. Mẹ sung vào ban quân y, bố vào ban văn hóa, báo chí. Vì được đọc nhiều tài liệu sách báo cập nhật hàng ngày, nên bố hiểu rõ tình hình trong ngoài. Ngay từ những năm 48, 49, bố đã tinh tế nhận ra lý tưởng chiến đấu của bố trái ngược hẳn với ban lãnh đạo. Khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa Lục vào tháng 10- 1949, thì chiều hướng cách mạng kiểu Mao càng rõ nét. Năm 1953, bố mẹ quyết định rời chiến khu, bỏ về thành. Nhưng chưa kịp ra đi cùng nhau, thì me chết trong một trận bỏ bom. Bố chôn cất mẹ xong, dắt con gái 11 tuổi bí mật rong- ruổi trốn khỏi mạng lưới công an về lại Hà Nội, nhờ dân các làng đi qua che-chở. Các chiến hữu của bố vẫn hoạt động nội thành, sắp xếp cho bố đổi tên họ và đưa ngay vào Sài Gòn. Bố vốn họ Lý, bây giờ đổi thành Nguyễn.
Vào tới Sài Gòn, nhờ tổ chức hỗ trợ, bố mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, lại đi dạy tư, viết và vẽ dưới những bút hiệu khác nhau. Căn nhà cốt cho tôi ở, còn bố di động ngủ nhiều nơi khác nhau.
Khi mẹ mất, bố mới có 33 tuổi, thế mà bố ở vậy suốt đời, nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Tôi tốt nghiệp ban Anh ngữ Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, năm 1965, vào lúc mà ngưới Mỹ bắt đầu đổ quân vào miền Nam; các cơ sở văn hóa Mỹ được thiết lập dưới nhiều dạng. Tôi dễ dàng xin được vào dạy tại Hội Việt Mỹ, tự túc sinh kế.
Bây giờ, tôi đã tự lập, nghĩ rằng bố sẽ nhẹ nhàng xong bổn phận, có thể lập gia đình với một cô bạn cùng làm trong tòa báo rất quí bố. Nhưng bố từ chối; đêm nào trước khi ngủ, bố cũng ngồi yên lặng trước bàn thờ mẹ cả tiếng đồng hồ. Tôi cũng rón- rén ngồi sau bố, nhìn ảnh mẹ mà nước mắt chảy dài.
Hồi học Văn Khoa, hình như có một định nghiệp gì mà tôi gặp một sinh viên ban Việt Hán; anh hơn tôi hai tuổi, viết chữ Nho rất đẹp, vì anh có năng khiếu hội họa. Có lẽ bố tôi là họa sĩ, nên khi gặp anh, tôi mến ngay và hai đứa đi đến tình yêu lúc nào không hay. Khi học xong cử nhân, anh cũng đi dạy tư như bố tôi. Hai năm sau chúng tôi thành hôn, và chúng tôi có hai đứa con sinh hai năm liên tiếp 70,71. Bố tôi vui lắm, hầu như các cháu ngoại làm vơi đi nỗi sầu muộn u uất mấy chục năm.
Nhưng cảnh đời bất trắc, như cơn giông ùa tới phá tan bầu trời trong xanh. Sau thảm họa Mậu Thân, chồng tôi bỗng có những lần vắng mặt cả tuần, nói với tôi, anh đang muốn tìm việc kinh doanh để có thêm tiền nuôi gia đình, chứ dạy học nghèo quá. Tôi mừng là anh biết lo gia đình, không hỏi han gì thêm.
Đầu năm 75, bố tôi gọi tôi ra phòng khách nói chuyện. Ông bảo tôi, con phải tính kế đi khỏi nước để cứu hai đứa trẻ; tình hình nguy cấp lắm, không thể để hai đứa sống trong cảnh khốn khổ sắp đến; phần bố đã có tính toán riêng với tổ chức của bố; bố theo dõi tin tức quốc tế rất sát, nên phải quyết định ngay. Tôi cũng thấy viễn tượng đen tối đang tới gần, nhưng chưa biết tính sao, vì chồng tôi cứ đi vắng hoài, không ngó ngàng gì đến nhà cửa, con cái. Kinh doanh gì nữa, lúc này.
Trong một buổi dạy tại Hội Việt Mỹ, giờ nghỉ tại phòng giáo sư, Johnny bỗng cầm ly cà phê đến mời tôi và xin được nói chuyện. Johnny tốt nghiệp cao học ban văn chương, theo phái bộ văn hoá Mỹ đến Việt Nam, làm trong ban giám học Hội Việt Mỹ. Tôi và anh, giờ nghỉ thường nói chuyện với nhau như bạn đồng nghiệp; anh rất đứng đắn, có tư cách trí thức, cũng hơn tôi hai tuổi. Chúng tôi bàn luận về văn chương Anh Mỹ rất tương đắc. Hôm nay, vẻ mặt anh có vẻ nghiêm nghị, khác hẳn những ngày trước. Johnny dè dặt hỏi tôi, tình hình căng thẳng lắm, chị có tính rời khỏi Việt Nam không? Y như câu hỏi của bố tôi; anh ta ở trong ban giám học, chắc chắn anh ta hiểu rõ sự việc. Anh nói, chị nên quyết định sớm; khi chị nghĩ kỹ rồi, anh sẽ giúp cả gia đình đi ngay bằng máy bay.
Quả thật, đến đầu tháng tư thì sinh hoạt Hội Việt Mỹ có vẻ khác thường; hình như có dấu hiệu đóng cửa rồi; tâm trí tôi rối bời, gọi cho Johnny và nói đã quyết định cho gia đình tôi đi, hai vợ chồng, hai đứa con. Johnny sốt sắng lo giấy tờ ngay. Chồng tôi về với vẻ mặt căng thẳng, hỏi em sửa soạn đồ đạc đi đâu? Tôi báo anh tin mừng, đã nhờ Johnny lo máy bay sẵn sàng cho cả gia đình đi tuần sau. Chồng tôi ậm ừ vài tiếng rồi lại biến đi. Chiến trận tiến gần Sài Gòn; Trong lúc hỗn loạn, Johnny lái xe đến đón, thì chồng tôi không có mặt như lời hẹn. Vì hai con, như bố tôi nói, tôi phải quyết định dứt khoát không thể chần chờ, phải gạt nước mắt theo Johnny lên xe ra phi trường.
Thế là ba mẹ con đến Mỹ được một tuần thì tin Sài Giòn đã sụp đổ. Không một tin gì từ chồng tôi và bố tôi . Johnny tận tụy giúp ba mẹ con chỗ ăn ở đàng hoàng; lại giới thiệu tôi vào làm phụ giáo trong một trường trung học, vì vốn tiếng Anh có sẵn.
Tuy lương giáo chức khiêm tốn, nhưng sinh kế vững vàng giúp tôi nuôi hai con dần khôn lớn, mặc dù tâm hồn tôi gần như rã- rượi vì chờ trông bố và chồng vô vọng. Johnny chính là cứu tinh giúp tôi vượt qua bao gian- nan trong đời sống mới. Ròng- rã 15 năm khắc- khoải, có lần tôi tưởng đã ngã vào vòng tay Johnny khi anh bất ngờ tỏ tình; anh nói đã yêu tôi từ những ngày ở Hội Việt Mỹ. Trong phút giây yếu đuối, bỗng hình ảnh bố tôi ngồi yên lặng mỗi đêm trước bàn thờ mẹ làm tôi hoảng sợ. Tôi quì xuống tạ ơn Johnny bao năm cưu mang mẹ con tôi, nhưng tôi chưa thể chấp nhận, mặc dù hình như hai con tôi, nay đã vào đại học, tỏ ra thương quí anh và đồng ý. Đó là vào năm 1990.
Một lần tôi đi siêu thị, bất ngờ nhìn thấy một phụ nữ trông quen quen. Tôi tiến đến nhìn mặt cô ta cho rõ; vừa thấy tôi, cô có ý lẩn tránh, rẽ qua lối khác, lẫn vào đám đông. Tôi cứ tiến đến chặn đầu, quả nhiên đó là người em họ chú bác của chồng tôi. Cô ta đành phải dừng lại. Rồi bất ngờ cô ôm chầm lấy tôi khóc nức nở.
-Chị ơi, em qua theo diện kinh doanh vài tuần lễ. Chúng mình vô góc quán vắng này, em kể hết mọi chuyện cho chị nghe.
Số là, sau thảm họa Mậu Thân, chồng tôi trốn quân dịch, nhưng lại sa vào mạng lưới của cộng sản. Trong thời gian sinh hoạt bí mật, anh quen với một nữ đồng chí; hai người tằng tịu với nhau có một đứa con. Đó là thời gian chồng tôi nói dối tôi là làm kinh doanh. Khoảng năm 1974, cô ta có lệnh về Bắc, mang theo đứa con trai. Vào những ngày tháng tư 1975, anh được tin cô ta sẽ theo đoàn quân chính quy vào xâm chiếm miền Nam; vì thế anh cố ý ở lại chờ cô ta, không theo tôi đi Mỹ. Nhưng vài năm sau, cô ta bỏ anh, cả đứa con cũng không nhận anh là cha; về mặt chính trị, anh không được chế độ mới tin dùng; hiện giờ anh ấy sống vất- vưởng, thân tàn ma dại.
-Khi em sắp đi Mỹ, anh ấy gặp em, nói em cố tìm gặp chị, nói với chị là anh ấy xin quì xuống tạ tội cùng chị và hai con.
Cô ta vừa kể xong, tôi bỗng cảm thấy người tôi rũ xuống như không còn xương sống, tim tôi lạnh cứng như cục đá, một bức màn băng giá quây tròn quanh tôi, ngăn tôi với cuộc đời, với loài người. Tôi mơ hồ nghe cô ấy thét lên, nhiều người ùa tới; người ta khiêng tôi lên xe cứu thương. Không biết thời gian bao lâu, tôi mở mắt lờ- mờ thấy Johnny và hai con ngồi cạnh giường bệnh viện.
-Mẹ tỉnh rồi anh ơi, chú Johnny ơi!
Con gái tôi vui mừng reo lên.Tôi nằm bệnh viện vài bữa, được bác sĩ cho về nhà tĩnh dưỡng. Hai con đi học, một mình Johnny chăm sóc tôi. Anh chăm sóc tôi như một người chồng chung thủy; không…. , hơn một người chồng. Nhưng trong lòng tôi chỉ dâng lên một tình cảm kính ngưỡng anh như một vị thánh, mà không hề là một tình yêu nam nữ. Cái bức màn băng giá xuất hiện hôm trước trong siêu thị đã làm tê liệt mọi xúc cảm nam nữ trong tôi rồi. “Tha thứ cho em, Johnny. Em không thể nào trở thành một người vợ bình thường nữa”.
Khi thân xác tôi khỏe trở lại, tôi tự hứa sẽ không để cho tâm mình suy sụp như thế nữa. Tôi quyết định cho Johnny và hai con biết tất cả sự thực. Chúng tôi hẹn nhau cùng đi ăn tối tại một nhà hàng thanh lịch.
Tôi kể lại mọi sự, rồi nói thêm ngay :
-Bây giờ, người đàn ông đó không còn là gì đối với mẹ. Nhưng ông ta vẫn là bố ruột của hai con. Ông ta sống rất khổ cực; tùy các con xử sự.
Hai con tôi quyết định ngay, chỉ gởi một món tiền thích hợp để nuôi bố, mà sẽ không thư từ liên lạc. Lòng tôi thư thái nhẹ nhàng, đi dạy học trở lại với niềm tin vững mạnh vào cuộc sống. Tôi dùng nhiều cách để tìm bố tôi, nhưng tôi biết ông làm việc cẩn mật lắm. Tôi cho đăng trên nhiều báo một thứ mật hiệu mà chỉ hai bố con biết. Quả nhiên, vào năm 1993, khi hệ thống Liên Xô đã sụp đổ, tôi nhận được một cú điện thoại với số lạ :
-Hello, tôi muốn nói chuyện với bé…..
-Vâng tôi là bé…Xin lỗi ông là…
-Tôi là đàn em của cụ X….Cụ nói là cụ mừng lắm khi biết tin bé…Cụ đang sống ở một nơi an toàn. Khi nào bé cần gì, thì cứ gọi số này.
Tôi sung sướng như được hồi sinh. Tôi đã tìm được người cha kính yêu của tôi. Nhưng theo cách sống của bố, tôi không cho Johnny và hai con biết việc này.
Gần hai tháng, tôi không thấy Johnny gọi, tôi cảm thấy lòng tôi dậy lên một tình cảm nhớ nhung. Nguy quá, tôi phải tự trấn áp. Không, không thể bước vào sai lầm một lần nữa. Mỗi lần như vậy, tôi lại ngồi trước bàn thờ mẹ tôi, và nhìn vào bức tranh của họa sĩ Toulouse-Lautrec mà bố tôi rất thích, bức họa quảng cáo cho ca sĩ quán rượu Aristide Bruant năm 1892. Bức tranh này thay cho hình ảnh của bố, vì khi rời Việt Nam gấp quá tôi không kịp mang gì hết.
Mới đây, con gái tôi cho tôi biết chú Johnny tâm sự, đời chú chỉ có mẹ là người chú yêu, không lấy được mẹ, chú cũng không lấy ai; hai tháng nay chú đang dự một khóa thiền trong rừng. Tôi xúc động muốn khóc, nhưng nói với con gái rằng mẹ không thể nào sai lầm lần nữa; mai sau chú già, có việc gì các con phải đền ơn chú.
Năm 2000, tôi báo tin cho bố tôi biết hai cháu lập gia đình năm ngoái, năm nay đều sanh hai đứa chắt cho ông ngoại. Bố tôi cười sung sướng. Giọng cười của bố vẫn sang sảng. Nhưng không bao giờ tôi dám hỏi bố đang ở đâu. Được nói chuyện với bố là tôi hạnh phúc rồi.
Niềm vui lớn của tôi bây giờ là sau khi ở trường về, tôi săn sóc chơi đùa với hai cháu nội ngoại. Mùa hè năm 2005, tôi nhận một cú điện thoại vào nửa đêm:
-Hello, bé…tôi là đàn em của ông cụ. Cụ đã mất cách đây một tuần, chúng tôi đã lo tang lễ cho cụ hoàn toàn trang nghiêm với di huấn hỏa thiêu. Trước khi mất, cụ trao cho tôi một hộp, dặn dò sau đám tang mới gởi cho bé. Ngày mai bé sẽ nhận bằng bưu điện khẩn cấp, nhớ ở nhà đón nhận.Chúng tôi chỉ biết chia buồn cùng bé. Xin chào.
Tôi buông điện thoại, khóc òa. Các con cháu chạy ùa vào phòng, hoảng hốt. Tôi chỉ tay lên bức tranh của Toulouse Lautrec treo trên tường:
-Ông ngoại các con đã mất rồi, cách đây một tuần.
Các con tôi báo cho Johnny biết. Anh cư xử như một người con rể Việt Nam. Anh phân công ngay, sắp xếp các con đi mua sắm thức ăn đồ uống, để ngày mai làm một tang lễ đơn giản trong vòng gia đình.
Tôi hoàn toàn tê liệt, thụ động, chỉ ôm cái hộp di sản của bố nhận được sáng nay.
*
85 năm đời bố nằm trong cuốn hồi ký. Bố dặn dò tôi phải dịch ra tiếng Anh cho các con cháu đọc hiểu được, nhớ về cội nguồn dân tộc, nhưng trước hết là cội nguồn gia tộc họ Lý. Bố viết và vẽ bản đồ thôn làng, nơi mà bố đã chôn mẹ, dặn con cháu về tìm và bốc mộ cho mẹ, rồi hỏa thiêu. Bố cũng viết kỹ về quê nội, quê ngoại, dặn con cháu phải về trùng tu nhà thờ tổ. Đó là di chúc về những việc cụ thể; còn những chương sách phê phán những lý thuyết chính trị, xã hội, nhân sinh, tôi không mấy quan tâm, mặc dầu tôi cố gắng dịch thật sát.
Năm 2007, tôi chính thức về hưu. Tôi dành nửa thời gian chăm sóc hai cháu nội ngoại, nửa thời gian dịch cuốn hồi ký của bố, chỉ lo ngã bệnh hay qua đời giữa đường đứt gánh thì không chu toàn được di ngôn của bố.
Tôi nhận được một lá thư của Johnny gởi từ một thiền viện, chúc mừng tôi đã về hưu hưởng tuổi già. Anh nói lúc này anh mới yên tâm hoàn toàn, khi mẹ con tôi đã ổn định mọi mặt.
Kể từ năm này, anh sẽ ở luôn trong thiền viện như một tu sĩ. Anh viết, những việc anh làm cho ba mẹ con mấy chục năm nay, chỉ như hạt muối bỏ biển so với cả triệu sinh mạng người Việt chết trong tù cải tạo, trong rừng sâu, dưới biển mà “chúng tôi” có trách nhiệm.
Tôi không hiểu tại sao tôi đa cảm quá; đọc thư Johnny mà lòng thổn thức không nguôi. “
Johnny ơi, dù anh nói thế nào, em vẫn nợ anh một món nợ. Nếu kiếp này em chưa trả anh được món nợ phu thê, thì em nguyền hẹn anh vào một kiếp khác”.
Năm 2019, hai cháu nội ngoại của tôi đã vào đại học, hai con tôi bàn đưa mẹ về vùng Little Sai Gòn, California ấm áp, vui hưởng tuổi già trong cộng đồng đông đảo người Việt.
Bây giờ tôi đang ngồi trước bàn laptop, đánh máy những trang cuối cùng bản dịch hồi ký của bố. Sáng nay, tôi thấy nhẹ-nhõm, đã hoàn thành một phần di chúc; phần còn lại đành phải để cho con cháu tiếp tay thực hiện.
Điện thoại reo, con trai tôi báo cuối tuần tất cả con cháu sẽ bay về Cali làm lễ mừng mẹ thọ tám mươi.
Đào Ngọc Phong
California ngày 4 tháng 10 năm 2022
Nguồn: https://vvnm.vietbao.com/a247716/mot-mau-chuyen-doi-buc-man-bang-gia