Chẳng biết tôi có nên tiết lộ một bí mật của đời tôi không. Thôi thì cứ nhắm mắt đưa chân vậy. Hồi nhỏ tôi bú sữa của vú nuôi! Thời tôi còn oe oe, chuyện này là chuyện bình thường. Các bà mẹ không cho con bú sữa được có thể vì bận bịu, vì không có sữa. Chứ lý do sợ xấu vòng số 1 hồi đó chắc không thành vấn đề. Mẹ tôi hình như không có đủ sữa cho tôi bú. Vú nuôi của tôi là u Rổ. Thật sự ra u đã rời gia đình tôi rất sớm, ngay khi…hoàn thành nhiệm vụ nên tôi chưa đủ trí khôn để nhớ tên người đã nuối nấng tôi từ những ngày tháng chập chững vào đời. Tôi biết được tên u trong một hoàn cảnh hết sức…đau khổ! Những bà cô bà dì, những ông chú ông cậu tôi hồi đó, mỗi khi muốn chọc tôi, cứ nhè nói một câu hết sức vô duyên: “ Thằng này là con của u Rổ mà!”. Tôi cũng nhớ là hồi đó tôi tức đến bật khóc mỗi lần bị trêu chọc như vậy. Câu nói quái ác này làm tôi mang nặng mặc cảm mình không phải là dòng giống nhà! Không hiểu ông vua cuối cùng của chế độ quân chủ Trung Hoa, vua Phổ Nghi, có mặc cảm giống tôi không vì ông vua này cũng bú vú nuôi. Cũng dám lắm! Có thể vì vậy mà ông vua này không giữ nổi ngai vàng cho dòng họ chắc cũng vì mặc cảm không thuộc dòng Mãn Thanh chăng!
Nói chơi như vậy nhưng sự thực cũng không xa lắm. Hồi đó tôi quyến luyến với người vú hơn là với mẹ ruột của mình. Có lẽ vì con nít chỉ nhìn gần, thấy ai cho mình no bụng là thương quý. Ai có núm vú có sữa cho bú là người được thương hơn. Chuyện…tình cảm này thường không được chú ý tới. Người ta chú ý tới những vấn đề thực tế hơn. Cho bé bú sữa người khác quả đã đặt ra những vấn đề về sức khỏe cho trẻ sơ sanh. Người vú nuôi có đủ những tiêu chuẩn về vệ sinh và sạch sẽ khi tiếp xúc với hài nhi không? Những người bỏ con ruột để mang sữa cho con người khác bú thường là những người nhà quê, nghèo khổ nên quả thật là thiếu kiến thức và điều kiện để giữ gìn vệ sinh. Thời tôi còn bú, vấn đề vệ sinh không là một vấn đề quan trọng. Tôi đã thấy những người lớn mớm cơm cho trẻ thơ. Họ bỏ cơm vào miệng, nhai cho nát, nhè ra và đút cho con nít ăn. Biết bao nhiêu vi trùng đi theo thứ thức ăn…nhai lại này. Dù người mớm cơm là mẹ ruột đi chăng nữa thì cũng chẳng vệ sinh chút nào.
Nghề vú em tàn lụi đi phải chăng là vì ý thức vệ sinh của con người? Chắc không phải vậy. Lý do quan trọng nhất có lẽ vì sự bột phát của các loại sữa công nghệ. Đầu tiên là sữa đặc có đường rồi tới sữa bột. Thơm ngon hết biết. Cho con bú bằng bình vừa sang, vừa ngon, vừa bổ hơn bú mẹ. Lại khỏi phải dùng tới cái bình…thịt, vừa hao của vừa để dùng vào việc khác được! Riêng tôi lại chỉ khoái cái lon sữa bột Guigoz bằng nhôm. Nó là người bạn chí tình trong tù cải tạo. Dắt theo người mỗi lần đi lao động để cải thiện linh tinh, khi cọng rau, khi con nhái, khi mấy chú dế. Bữa ăn thì lon Guigoz biến thành nồi thành soong, vừa mau sôi, vừa dễ ké bếp bạn nếu kẹt “chất đốt”. Còn chút gì để dành cho bữa ăn sau thì lon Guigoz biến thành cái chạn làm nản lòng mấy chú kiến, anh gián. Dân cải tạo chúng tôi hồi đó hết sức mang ơn nước Hoà Lan đã tiên đoán thời cuộc để chế tạo ra cái lon muôn vàn tiện lợi cho lũ tù cải tạo chúng tôi.
Công lao của nước Hòa Lan đã lớn nhưng công lao của anh Trung Cộng còn lớn hơn nữa. Khi không anh khổng lồ này chơi trò sữa độc. Anh bỏ chất melamine vào sữa làm chết vài bé sơ sanh và làm nguy cơ bệnh sạn thận và suy thận cho cả trăm ngàn bé khác. Melamine thường được dùng trong công nghệ sản xuất đồ nhựa, làm nguyên liệu trong sản xuất chén đĩa, keo dán, tấm formica, đồ gia dụng, bảng trắng, phân bón. Nghe ra chẳng có chút liên quan nào với sữa cả. Vậy bỏ cái chất quỉ quái này vô sữa làm chi vậy? Mấy anh Trung Cộng có tính khó thương là gian dối trong thương trường, ai đã từng xài đồ made in China đều đã rõ. Nhưng gian dối đến bất lương và độc ác đối với trẻ thơ vô tội trong trường hợp này lại khác. Đó là một tội ác! Họ đã pha thêm nước vào sữa tươi để tăng lợi nhuận. Nếu cứ làm loãng sữa khơi khơi bằng cách pha thêm nước vào thì con nít chúng cũng biết. Bán buôn gì được cho ai? Bởi vậy nên mấy anh mới bỏ thêm melamine vào để qua mặt máy kiểm tra chỉ số chất đạm. Loại sữa tươi pha nước dĩ nhiên sẽ loãng đi và độ đạm của sữa sẽ thấp. Melamine là chất rất giàu nitrogène mà nitrogène lại là chất được dùng như tiêu chuẩn để máy kiểm tra xác định độ đạm có trong thực phẩm. Vậy là máy bị qua mặt cái vù. Máy đâu có phân biệt được khác biệt giữa chất đạm tự nhiên trong sữa và nitrogène của melamine. Rõ ràng là sữa đủ chất nitrogène nhưng nitrogène này là loại dỏm không phản ánh đúng giá trị dinh dưỡng của sữa tự nhiên. Đã…vô bổ, chất melamine lại còn làm sữa nhiễm độc. Loại sữa…bất lương này được xuất cảng đi khắp thế giới để làm sữa bột, kẹo bánh và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ sữa. Thế giới rung động về trò bất lương của những anh không tim này. Các bà mẹ hoảng sợ không dám cho con bú sữa bò nữa. Họ trở về nguồn, cứ vạch áo ra nuôi con cho chắc ăn. Cách làm ăn bất lương của mấy anh tàu cộng bỗng có tác dụng phụ: trẻ em được bú tí mẹ! Đó là một thứ công lao của quỉ.
Tí mẹ thường bị coi thường. Kéo cưa lừa sẻ / Ông thợ nào khỏe / Về ăn cơm vua / Ông thợ nào thua / Về bú tí mẹ! Câu…kệ này có từ thời tôi còn nhóc, vừa đọc vừa nắm tay kéo qua kéo lại giữa mẹ và tôi, truyền qua tới thời tôi chơi với con và nay con tôi lại chơi với cháu tôi. Trò chơi con nít nên con nít nào cũng cười khanh khách khi trúng cái tí mẹ mà không biết tí mẹ đây đã bị đẩy xuống hạng chót. Thực ra sữa mẹ oai phong lắm chứ. Con bò tuy lớn xác nhưng sữa bò vẫn thua sữa mẹ xa chừng. Bà Marie Tarrant, Giáo Sư tại Viện Đại Học Hương Cảng, đã ca tụng sữa mẹ: “ Sữa mẹ có nhiều lợi thế cho các bé. Nó có chứa nhiều kháng thể và bảo vệ các em khỏi các rối loạn đường ruột như tiêu chảy chẳng hạn. Ngoài ra sữa mẹ làm cho bé tăng trưởng một cách an toàn, không bị béo phì… Hợp chất dinh dưỡng trong sữa mẹ thay đổi khi bé phát triển, không như sữa bình. Trẻ bú sữa mẹ chỉ hấp thu những gì chúng cần; trẻ bú sữa bình nhiều khi bị hấp thu quá tiêu chuẩn cần thiết”. Sữa mẹ có đủ carbohydrates, chất đạm dễ tiêu hóa, các chất dinh dưỡng, sinh tố và khoáng chất cần thiết cho trẻ. Mới đây, hai cơ quan Liên Hiệp Quốc là Quỹ Bảo Trợ Nhi Đồng Quốc Tế UNICEF và Cơ Quan Y Tế Thế Giới WHO đã ra một nghị quyết khuyên nên trở lại việc nuôi con bằng sữa mẹ. Bản nghị quyết đã viết: “ Không một loại sữa bột nào có thể có một tổng hợp tuyệt hảo chất đạm, carbohydrate và chất béo giúp trẻ em tăng trưởng và bồi bổ sự mở mang trí óc trẻ như sữa mẹ”. Trẻ cần được nuôi thuần bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu, sau đó có thể cho ăn kèm trong khi vẫn cho bú ít nhất tới đủ 2 tuổi. Một số nghiên cứu cho biết là có sự liên hệ giữa việc tiêu thụ các thức ăn có gốc sữa với các bệnh ung thư prostate, tiểu đường và bệnh run Parkinson’s. Giáo sư Peter Dingle của Viện Đại Học Perth ở Úc cũng đã cho biết: “ Cách dinh dưỡng của người Tây phương có liên hệ tới việc gia tăng các chứng bệnh quên Alzheimer’s, ung thư và bệnh tim mạch. Dẫn đầu các thực phẩm tệ hại nhất mà chúng ta dùng và là thủ phạm của các bệnh mãn tính là sữa bò! Tỷ lệ ung thư ở Trung Hoa là 1% trong khi ở Úc là 13%. Thật điên rồ khi nghĩ rằng cho trẻ ăn uống theo kiểu Tây phương là tốt”. Đấy, sữa mẹ ngon lành như vậy, lại thêm chẳng mất tiền mua, chẳng cần pha phách, chẳng phải hâm nóng, chẳng phải đi kiếm ngoài tiệm, tiện lợi trăm bề, sao lại bỏ phí đi? Đó là thứ sữa bắt được của trời. Anh “cơm vua” sao mà hơn được! Cơm vua còn vậy, cái tí con bò lấy tư cách gì mà so sánh!
Cho con bú là một kỳ công của người mẹ. Nó đòi hỏi sự hy sinh. Trước hết là hy sinh cái đẹp của thân hình. Con vầy vò hàng ngày như vậy thì còn chi là cái bình sữa thiên nhiên xinh đẹp. Lại còn phải hy sinh ăn kiêng để có dòng sữa tốt. Tỏi, ớt, tiêu sẽ gây nên mùi vị khó chịu trong sữa khiến bé bỏ bú. Trà, cà phê, nuớc uống tăng lực, coca, rượu, bia, thuốc lá sẽ khiến bé nóng nực, khó ngủ, quấy khóc. Làm mẹ cần phải kiêng những thứ không cần thiết nhưng gây được những ý vị của miếng ăn này. Ngày xưa, các cụ còn quan niệm là không nên ăn cá, ốc, ổi v..v.. sau khi sanh nhưng thực ra những thứ này chứa rất nhiều vi chất cần thiết cho nguồn sữa mẹ.
Sữa mẹ hay sữa của vú nuôi thì chất lượng cũng rứa nếu dùng cùng một thứ thực phẩm. Nghề vú nuôi đã chết từ khi sữa bò được phổ biến. Vú bò đã đánh ngã vú người. Nhưng từ khi anh Trung Quốc chơi bẩn bỏ melamine vào sữa thì tình hình biến đổi: nghề vú nuôi khởi sắc trở lại. U Rổ của tôi lưu lạc từ sau khi hoàn tất nhiệm vụ nuôi tôi giờ chắc đã ra người thiên cổ. Nếu u còn sống thì cũng chẳng còn khả năng tiết sữa ra cho con thiên hạ lớn khôn. Họa chăng nếu như câu “con vua thì lại làm vua / con sãi ở chùa lại quét lá đa” còn thiêng thì cỡ cháu hay chắt của u lại có cơ hội hiên ngang ra quân!
Chỉ hai tuần lễ sau khi vụ bê bối sữa độc bùng nổ với con số 4 em tử vong và hàng chục ngàn em phải tới bệnh viện tại Trung Quốc để kiểm tra bệnh sỏi thận, tức thời hàng ngàn cái quảng cáo xuất hiện trên internet chào mời dịch vụ cho bú thuê. Các bà mẹ có bé sơ sanh đổ xô đi tìm thuê các vú em. Họ là những người có công ăn việc làm vững chắc, đang trong thời kỳ thăng tiến nghề nghiệp nên không thể bỏ sự nghiệp, bỏ tương lai để ngồi nhà chờ cho con bú. Luật pháp Trung Quốc cho phép các sản phụ được nghỉ từ 4 tới 6 tháng để nuôi con nhưng trên thực tế ít có sản phụ nào nghỉ hết thời gian này. Họ còn lo cho sự nghiệp của họ. Ông Lin Zhimin, Giám Đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ gia đình tại Bắc Kinh, giải thích: “Họ đang ở trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, hoặc có thể mất việc nếu nghỉ hộ sản. Vì thế, họ không muốn mất vài tháng để cho con bú”. Theo nhiều thống kê, khoảng 40-65% các bà mẹ ở thành thị phải dùng sữa bột để nuôi con. Nhiều người cho rằng con số thực cao hơn rất nhiều. Chen Zhu, Bộ Trưởng Bộ Y Tế Trung Quốc, cho rằng sự thay đổi trong lối sống thành thị là một trong những nguyên do khiến các bà mẹ không có thói quen nuôi con bằng sữa mẹ. Lý do khác là cách quảng cáo của các hãng sản xuất sữa bột trên truyền hình và báo chí đã tạo ra sự hiểu lầm là sữa bột tốt hơn sữa mẹ. Chính các bác sĩ, dược sĩ và các chuyên viên dinh dưỡng được các hãng sản xuất sữa bột thuê xuất hiện để quảng cáo đã làm mọi người hiểu lầm. Yanhong Wheeler, tác giả của nhiều cuốn sách về nuôi dạy trẻ em, cũng đã phải than van: “ Ở Trung Quốc, người ta tin rằng sữa bột giầu dưỡng chất hơn sữa mẹ. Đó là một lời nói dối. Chẳng có điều kỳ diệu nào có thể khiến sữa bột vượt hơn được sữa mẹ!”
Điều không may của người này lại là cơ hội may mắn cho người khác. Cô Zhan Liying, một sản phụ mới sanh hồi đầu tháng 8 vừa qua, đã tới một trung tâm cung cấp dịch vụ gia đình vào ngày 24/9 để chờ người tới thuê cô làm vú em. Cô có vẻ biết nắm bắt thời cơ: “ Khi bê bối sữa bột nổ ra, nhu cầu thuê người cho con bú tăng vọt. Đó là một cách để những bà mẹ trẻ như tôi kiếm tiền!” Họ thực sự kiếm ra tiền. Một phụ nữ tại thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên cho biết là cô tính sơ sơ 40 đô Mỹ mỗi ngày cho bú. Mắc như vậy mà cô cũng nhận được 30 cú điện thoại trong chỉ có một tuần. Bán sữa mẹ vẫn là một hành động chẳng nên khoe khoang ở Trung Quốc. Nhiều người vẫn cho bán sữa trời cho là một điều gì như tội lỗi. Bỏ bê con mình không cho bú lại còn tội lỗi hơn. Trên một diễn đàn internet, một ông có nickname “Blue Forever” đã viết: “ Ai mà thích cái cảnh con của người khác bú sữa của vợ mình chứ!” Sữa trời cho mình chỉ có thể cho không. Như trong trận động đất tại Tứ Xuyên trung tuần tháng 5 vừa qua, một nữ cảnh sát đã được ca ngợi là anh hùng khi cô đã cho vài chục đứa trẻ mồ côi bú. Anh Li Jun ở Hán Dương có cô vợ là cái máy sản xuất sữa loại xịn. Mỗi giờ cô có thể tiết ra tới 200 ml sữa, gấp đôi số sữa cần thiết để nuôi con gái. Sữa thừa cô dùng để…rửa mặt! Đôi khi nhiều quá không biết làm gì, bỏ đi thì uổng nên bắt chồng rửa mặt cùng. Anh Li thấy uổng quá nên rao bán sữa vợ trên internet. Rao bán mà anh còn mắc cở sợ mọi người hiểu lầm anh lợi dụng vụ sữa độc để kiếm lợi nên anh thòng thêm là nếu ai nghèo quá, anh sẽ cho không. Vậy nên các u Rổ Trung Quốc đôi khi phải dấu kín việc làm của mình.
Nghĩ lại tôi thấy tội cho vú nuôi của tôi. Hồi đó u phải ở luôn trong gia đình tôi để thường xuyên cho tôi bú. Lương hướng có là bao. Đâu có làm vú em như đi làm văn phòng với cái giá ngất ngường 40 đô Mỹ một ngày như các vú em Trung Quốc ngày nay! Tôi cũng có nỗi thương đau của tôi. Cho tới khi lớn khôn tôi vẫn rung động trước cảnh các em bé được bú mẹ. An lành và hạnh phúc biết bao. Nỗi ám ảnh khiến tôi viết những dòng sau trong truyện ngắn “ Hạnh Phúc”: “Bé gái mới làm người được hai ngày, chưa có được một cái tên, mút lấy mút để núm vú mẹ. Đôi tay nhỏ xíu hồng màu máu quơ quào quanh bầu ngực trắng muốt của Liwah. Đôi mắt đẫm thương yêu của nàng rủ xuống nhìn cặp môi mỏng manh bám vào núm vú. Chiếc áo ngủ màu xanh nhạt điểm những cánh hoa nhỏ xíu màu xanh đậm trật ra hở cả một khoảng vai tròn trĩnh mượt mà. Trường ngồi lặng ngắm hình ảnh lạ lẫm trước mắt. Có lẽ được làm mẹ Liwah mới biểu lộ được hết vẻ dịu hiền của nàng. Trường đọc được ngàn nét hân hoan trên khuôn mặt vợ. Cặp mắt dìu dịu ngời sáng, đôi môi hồng mỏng lơ là trễ xuống, cánh mũi phập phồng như muốn thu vào tất cả mùi vị thơ ngây thoang thoảng phát ra từ giọt máu tinh khôi của hai vợ chồng. Đôi tay bồng con còn ngượng nghịu ém chặt như muốn cột chắc con vào lòng mẹ. Đứa bé no nê nhả núm vú ra. Bầu ngực căng sữa rung rinh cứng cỏi. Nụ hồng xinh xinh của Trường như được phết thêm một lớp màu nâu non đậm đà. Nước miếng của con ướt đẫm cả quầng ngực mẹ. Trường cảm thấy tất cả nhiệm màu trong sự thay da đổi thịt của vợ. Bầu ngực thanh tân ngày nào nay đã kết trái thành nguồn sữa cho con”.
Đời người có những khoảnh khắc bất chợt đọng lại lâu dài trong ký ức. Hạnh phúc ở đó và thương đau cũng ở đó!
Song Thao
11/2008