BỜ TỬ SINH (Trần Thúc Vũ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, chỉ trong vòng hai tháng, hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị đưa vào các trại tập trung “cải tạo.”

Hắn bị tống vào hầm tối sau một trận đòn dằn mặt vì “ngoan-cố” vì vi-phạm rất nặng nội-qui.. Chiếc còng chữ U xiết chân hắn vào thanh sắt tròn xuyên qua hai bức tường và hai trụ xi măng,
Đó là ngày thứ 318 trên đất Bắc.
Chính vì cuốn sổ nhỏ và cây bút chì mà hắn đã dấu diếm được bao lâu nay khi từ Nam đặt chân lên đất Bắc – trong ấy, với nét chữ viết li ti như con kiến, hắn đã ghi một chút cảm xúc, một chút thương nhớ, một vài câu thơ thoáng vội… một vài suy-nghĩ rới rạc,, Và hắn phải trả giá!
Bây giờ thì hắn cầm chắc cái chết.. Phan-Khôi chỉ có hai câu thơ ” Nỗi sầu như tóc bạc – Hễ cắt lại dài ra..” , vậy mà gần hai mươi năm lao tù.. Còn đồng cảnh phe thất trận ‘quân- cán- chính’ thì bị lên án trăm thứ tội, kể cả món ” nợ máu với nhân-dân!”… Chuyên-chính sẽ nghiền nát chúng mày như cám!.. Lần này không ngọai lệ, tên “cán-bộ giáo-dục” cũng hét vào mặt hắn trước khi đóng sập cửa lại.. Hắn mím môi, ý-chí sống còn của hắn bùng dậy mãnh-liệt,,
Từ lúc vào đây với cái an biệt giam, mỗi ngày hắn được một suất bo bo cứng như đá vào lúc trời vào tối, hắn cố-gắng tập cho quen với .. chuột, với muỗi mòng, nhất là bóng tối âm u… Chỉ có một điều hắn không thể “khắc phục” được, chính là cái nhượng chân trái của hắn đè lên thanh sắt tròn đã tê dại.. cứ thế này, nếu sống được thì cũng trở nên tàn-phế! May cho hắn lúc bị đưa vào đây, hắn được một người tù “tự-giác” là một người lính Biệt-động quân thuộc những toán nhảy Bắc từ những năm 63, 64.. đã thoáng nhìn rất nhanh xuống đôi dép râu dưới chân hắn và làm ngơ… Nhờ vào đôi dép, đã nâng gót chân hắn, đỡ được sức nặng đè xiết của nhượng chân vào thanh sắt rỉ sét nham nhở,, Càng lâu về sau, cơ-thể mỗi ngày mỗi teo lại, chiếc còng chữ U cũng lỏng ra, không còn xiết chặt vào cổ chân như lúc ban đầu..
Hắn không thể nhớ được bao nhiêu ngày đã đi qua trong bóng tối lanh lẽo của căn hầm.. Người đưa “cơm” cho hắn mỗi ngày một lần vẫn là người tù “tự-giác” biệt-kích kia…và dưới ánh mắt của tên cán-bộ mở khóa, cả hai người tù chỉ đưa được cùng nhau một tia nhìn ái-ngại thoáng vội,,
Tên cán-bộ mở cửa nhưng không bao giờ bước chân vào căn hầm đầy mùi xú-uế nồng-nặc, gã đứng sát cửa vẩy vẩy chùm chìa khóa, luôn miệng hối thúc, luôn miệng chửi thề vì phải chịu mùi hôi hám hắt ra… Khi cánh cửa bằng tôn nặng kéo siết và đóng sập lại, một âm-thanh rên rỉ rợn người kéo dài, nhưng với hắn, mỗi ngày, chỉ có mỗi giây phút ấy, cái âm-thanh ấy là quý giá cho cái gọi là sự tồn-tại của đời sống hắn!
Râu tóc đã tua tủa, tóc đã phủ qua gáy xuống quá vai… bết lại thành bức rèm chặn bầy muỗi đói và cũng trở thành chiếc khăn cho hắn lau đôi bàn tay nhớp nháp của mình,
Hắn không còn biết bao nhiêu ngày tháng đã đi qua, trong cái bóng tối mịt mù, cơ-thể hắn hầu như cũng tan hòa vào cái cõi đen vô thanh khí,, nhưng thính-giác thì lại trở nên tinh nhạy hơn, hắn bắt được tiếng bước chân của người tù đưa “cơm” rõ hơn từ xa.. và hắn vui mừng khi thấy thân-thể mình không bị ghẻ lỡ như những anh em tù bị biệt giam trước đây, kháng độc tố trong hắn thật mãnh-liệt.. hắn thầm cảm-tạ Thượng-đế và huyết-thống của bậc sinh-thành đã ban cho… Và hắn cũng tự biết, mọi sự uất hờn, căm giận sự thô-lỗ chửi rũa của tên quản giáo.. sự thèm khát.. sự thương nhớ , ngậm-ngùi, sẽ trở thành những mũi dao cứa nát, sẽ đưa hắn đến cái chết nhanh hơn…
Sức-khỏe bất đầu suy-kiệt, chân tay đã bắt đầu run rẩy, đầu óc bắt đầu tù mù nửa thức nửa tỉnh.. quờ quạng tìm vầu nước nhưng giữa chừng hai tay lại buông xuôi…Hắn biết hắn đang trượt dần, trôi dần vào một cõi khác.. có cảm giác một luồng gió thổi ngược lên từ đốt xương sống lưng cuối, lạnh buốt hai bờ vai,,,
Có tiếng mơ-hồ đâu đó – Báo cáo cán-bộ hắn đã chết,,,
Thực ra thì hắn vừa lịm đi!
Thân xác hắn được vội vã đem ra bỏ ở lưng chừng núi, và chính cái bếp trại tự dưng bốc cháy lúc ấy đã cứu mạng hắn.. hai người tù khiêng hắn ra bìa rừng được lệnh tên quản giáo bỏ hắn đấy, không vội lấp đất, cùng chạy về trại xem có
việc gì…
Chính vì vậy mà hắn còn sống.. Hắn hồi-sinh nhờ sương đêm, và cơn gió tinh-khiết của núi rừng đã thổi bạt đi mùi ám khí, bầu trời đầy sao và mông mênh, hắn hít thở bầu dưỡng-khí thiên nhiên như một kẻ cháy bỏng thèm khát,,
Cố-gắng ngồi dậy, và trong ánh sáng mờ mờ của sao trời, hắn nhận ra đây là một bãi đất trống hiếm hoi bất chợt bên triền núi, và nhận ra ngay rằng khoảng trống này chính là nương rẩy của người dân-tộc!
Hắn lần mò sờ soạng rồi nhận ra đậy là một rẩy trồng bí đỏ bỡi những lông cứng trên thân lá nhám, bàn tay hắn đụng vào một quả bí non nhỏ nhắn.. và quả thứ hai,, đã làm dịu đi cái đói lả người,, Vị ngọt của hai quả bí thấm vào người như một phép mầu, mạch sống dường như được lay động.. Ôi! Cho mãi đến sau này không một loại trái cây nào có thể sánh được cái vị ngọt ngào thần tiên ngày ấy!
Và ánh mắt của hắn trong đêm cũng vừa bắt kịp một ánh lửa bùng loáng lên rồi tắt đi, hắn đoán được ánh lửa chỉ cách hắn vài chục mét.. Bao nhiêu thời-gian tối-tăm trong căn hầm, ánh lửa ấy là cả một sự diệu-kỳ! Hắn cố-gắng đứng lên đẻ đi về phía ấy nhưng đôi chân hắn không đủ sức chuyển-dịch.. Hắn bò.. Cái thân ma của hắn lết từng chút, và cuối cùng cũng đến được cái đích ấm-áp trước mặt!
Đó là một túp lều trống trải _ Lửa ấm thỉnh thoảng bùng lên từ những thân gỗ mỗi khi có cơn gió thổi thốc vào đám tro hồng.. Hắn biết đây là nơi canh nương rẩy của người dân-tộc trong vùng.. Hắn nằm xuống nơi chốn ấm-áp này và thiếp đi..
Một vật gì đó rất nhẹ chạm vào và lay động chân hắn làm hắn thức tỉnh, mơ màng không biết mình đang ở đâu, trí não vẫn còn lù mù, váng-vất,, Dần dần vọng vào tai hắn có tiếng người đối đáp.. và có bàn tay đặt nhẹ lên vai hắn – tiếng một người đàn bà như thúc giục cùng với tiếng kêu mừng rỡ của người đàn ông – chắc là họ thấy hắn còn sống! Bây giờ hắn đã tỉnh, trí nhớ đã dần trở lại,
Một cánh tay mạnh-mẽ nâng đầu hắn lên, hắn lừ đừ mở mắt nhìn, nhưng luồng ánh sáng ban ngày ập thẳng chói chang khiến hắn choáng-váng, tối đen cả đầu óc, hai bàn tay luống cuống đưa lên mắt bịt chặt…
Giọng lơ lớ của người đàn ông:
_ Mày chưa chết phải không!
Tiếng người đàn bà giọng Kinh nghe khá hơn:
_ Có phải mày là tù cải-tạo? Họ tưởng mày chết nên bỏ mày ngoài này?
Hắn lay động đôi mi gật đầu,
Rất lâu, những quầng đen trong mắt hắn nhạt dần, ánh sáng như sữa đã xuyên qua riềm mắt, hắn từ từ mở hai mắt nhìn hai người trước mặt.. Là người Dao, người Mèo hay người Thái hắn cũng chẳng biết nữa.. nhưng tia nhìn của họ thì đầy sự thương cảm,, Hai người, có lẽ là cặp vợ chồng, trao đổi với nhau bằng tiếng của họ, giọng người đàn bà có lúc như van lơn, có lúc như bực-bội, giọng người đàn ông nhẹ tiếng nhưng vẻ như càu nhàu… Cuối cùng hắn được anh ta nâng dậy và đỡ lên lưng
_ Mày thối quá!
… Hắn lại thiếp đi trên lưng người đàn ông, và chỉ tỉnh dậy khi được đặt xuống – Đôi mắt hắn đã quen với ánh sáng nhưng vẫn còn nhức-nhối không dám mở rộng.. Hắn được đặt nằm trong căn nhà sàn nhỏ bé không có ai ngoài hai vợ chồng. Người chồng trông vạm-vỡ so với dáng nhỏ-nhắn của người vợ- Hắn khó đoán được tuổi họ bỡi hầu như người dân-tộc miền núi già đi rất nhanh bỡi cuộc sống vất-vả…
Hắn lại thiếp đi lúc nào chẳng biết cho đến khi người chồng vực hắn dậy để hắn ngồi dựa người vào vách, người vợ ngồi xuống trước mặt hắn với chen cháo bốc khói, và chậm rãi múc từng thià bón cho hắn, mùi cháo bắp nếp thơm lừng phảng-phất hương một loại dược thảo.. Hắn nuốt từng thìa cháo bắp , món ăn tuyệt-vời sau bao nhiêu ngày tháng đói cháy lòng trên đất Bắc,,
Người đàn bà dùng kéo cắt hết râu, tóc cho hắn rồi người chồng cõng hắn xuống thang, đỡ hắn đứng xuống – Chân hắn đã khá hơn nhưng chưa vững, người chồng dìu hắn đi từng bước chậm về hướng một con suối.. Hắn được đật vào dòng nước mát lạnh, dòng nước được chuyển từ suối cao bằng máng xối là những thân vầu chẻ làm đôi gác lên nhau.. Người chồng giúp hắn cởi bỏ quần áo, hắn lỏa thể, thân-thể như bộ xương khô… anh ta cẩn-thận mở ba lớp giấy, lấy ra một bánh xà-phòng “72 phần dầu” được gọi là “xà bông đá” giúp hắn tắm gội- Nước bẩn chảy từ đầu, từ người hắn xuống đặc quánh như chất keo, phải bao nhiêu lần nước dội mạnh mới trôi hết.. hắn cảm thấy người nhẹ hẫng, đồng thời, một cảm-giác xúc-động tri ân dâng trào, và hắn khóc…
Người chồng chừng cũng đoán ra được xúc cảm này.. anh ta vỗ nhẹ lưng hắn và mặc cho hắn một bộ quần áo cũ ngắn củn cỡn màu lam,
_ Mày đừng sợ, tao sẽ chữa chân cho mày..
Và mổi ngày ba lần, người đàn ông bóp nắn đôi chân cho hắn bằng một loại nước thuốc đậm đặc ngào ngạt mùi quế có pha lẫn hương vị của các loài dược-thảo nào khác suốt một tuần liền , và mỗi ngày là hai bữa cơm bắp xay… Hắn dần dần hồi-phục và tự chống gậy đi được một mình,,
Một buổi tối, đôi vợ chồng ân-nhân mà hắn đoán là người Dao, bày ra trên sàn một nồi cơm nếp được nướng bằng ống vầu, gọi là cơm lam, có cả thịt heo và cút rượu nhỏ,
_ Mày và tụi tao ăn bữa cơm này, ngày mai tao phải trả mày lại cho trại tù.. mày đừng giận tao.. Ngần ngừ một lát người chồng tiếp: tao sợ…
Người vợ ngước mắt nhìn hắn:
_ Cả bản cũng thương chúng mày, chúng mày khổ, tụi tao cũng khổ,,
Thế là hắn được đem trả về trại,
Tên trại trưởng Ngoạn bước vào “bệnh xá” nhìn hắn:
_ Thôi, cho nghỉ bồi dưỡng ba ngày, thứ hai trở về đội- Từ nay ráng mà cố-gắng học-tập cải-tạo cho tốt, bao giờ đảng cũng mở rộng sự khoan-hồng đối với các anh,,
Ngày thứ ba, tên “cán-bộ giáo-dục” đến cân đo bộ xương của hắn, xong lừ mắt:
_ Cho mày 37 ký !
Vậy ra trọng-lượng thân người hắn chưa được đủ con số đó, đội ơn đảng cho hắn thêm được một chút thịt da sau khi hắn suýt được “giải-phóng” khỏi cuộc đời tù!!
Cho đến baonhiêu năm rồi trong lòng hắn vẫn mang hai cái ơn nghĩa vô cùng lớn lao, sâu nặng: Cặp vợ chồng ân-nhân nghèo-nàn chốn rừng núi miền Bắc xa xôi và người bạn tù Biệt-kích đã làm ngơ không lấy đi khỏi hai chân hắn đôi dép râu theo qui-định với những người bị biệt giam…
Trong cuộc đời còn lại, hắn biết chắc-chắn mình chẳng thể có cơ-duyên nào dun rủi để gặp lại, để đền đáp được cái tình người sâu dày ấy! Lòng hồi-tưởng và cõi tâm-linh in đậm những hình bóng ấy như một sự thâm-tạ âm-thầm…