Thư Viện Việt Nam và Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH tưởng niệm 48 năm Quốc Hận
April 29, 2023. Lâm Hoài Thạch/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) – Đông đảo đồng hương đến dự buổi tưởng niệm 48 năm Quốc Hận, do Thư Viện Việt Nam và Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH tổ chức tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove, tổ chức tối Thứ Sáu, 28 Tháng Tư.
Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH đồng ca bài “Người Di Tản Buồn” của nhạc sĩ Nam Lộc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Trước giờ khai mạc, một số đồng hương đã đến trước bàn thờ di ảnh các tướng lãnh QLVNCH tuẫn tiết trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 để thắp hương khấn vái.
Mũ Đỏ Vũ Long Sơn Hải điều hợp chương trình, và ông cũng là biệt đội trưởng Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH yểm trợ chương trình văn nghệ này.
Sau nghi thức khai mạc, nhà báo Du Miên, thành viên ban tổ chức, ngỏ lời chào mừng mọi người.
Ông nói: “Đêm qua, tôi trằn trọc, vì cú điện thoại của anh Hồ Ngọc Minh Đức, chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. Anh báo cho tôi là thành phố không cho ủy ban làm Lễ Tưởng Niệm 30 Tháng Tư và Kỷ Niệm 20 Năm thành lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ đúng ngày, giờ truyền thống đã từng tổ chức hàng năm là vào 10 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư. Thành phố cho biết là giờ, ngày này thành phố sẽ tổ chức nhân dịp 30 Tháng Tư. Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Minh Đức từng làm việc này rất nhiều lần đúng vào ngày 30 Tháng Tư theo thông lệ hàng năm.”
Đông đảo đồng hương đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Qua đó, theo ông Hồ Ngọc Minh Đức cho biết, Lễ Tưởng Niệm 30 Tháng Tư và Kỷ Niệm 20 Năm thành lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ phải tổ chức vào 10 giờ sáng Thứ Bảy, 29 Tháng Tư, không được tổ chức đúng ngày 30 Tháng Tư như những năm trước.
Chương trình văn nghệ được mở đầu với bài “Người Di Tản Buồn” của nhạc sĩ Nam Lộc, do Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH đồng ca, và được tiếp nối với những tiếng hát trong biệt đội cùng đồng hương.
Trong số đồng hương đến dự, bà Nguyễn Thanh Thủy, chủ tịch Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, cựu chỉ huy trưởng Biệt Đội Thiên Nga, thuộc Nha Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, bày tỏ: “Năm nào cũng vậy, kể từ đầu Tháng Tư thì tôi nhớ đến những ngày tang thương của đất nước Việt Nam mình. Nghịch cảnh đổi đời khắc nghiệt trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 khiến cho biết bao nhiều đồng bào miền Nam phải chịu cảnh gia đình ly tán, khi Cộng Sản đã chiếm miền Nam. Chính tôi cũng là nạn nhân sau cuộc chiến, vì tôi bị Cộng Sản giam cầm hết 13 năm trong nỗi uất nghẹn.”
Nghị Viên Kimberly Hồ nói: “Là một hậu duệ của chiến sĩ VNCH, tôi luôn ghi nhớ sự hy sinh của những thế hệ đi trước, trong đó có cha tôi. Không phải chỉ biết ơn và ghi nhớ những chiến sĩ anh hùng VNCH và đồng minh, mà chúng ta còn phải noi theo gương họ để giữ vững tinh thần chống cộng cứu nước, quyết không để cho Cộng Sản len lỏi vào thành trì chống cộng của chúng ta tại Little Saigon.”
Ông Lâm Quang Hải, cựu hội trưởng Hội Ái Hữu Bạc Liêu, tâm tình: “Năm nào tôi cũng đến đây dự Lễ Tưởng Niệm 30 Tháng Tư, để tưởng nhớ các vị tướng VNCH đã tuẫn tiết trong ngày cuối Tháng Tư, 1975, đồng thời cũng tưởng nhớ đến các anh hùng chiến sĩ VNCH đã vì nước quên mình, và nhất là nhớ về quê hương tổ quốc Việt Nam.”
Ông Lê Xuân Hùng, hội trưởng Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Trị, khẳng định: “Vì tôi là cựu quân nhân VNCH, nên tôi cảm thấy mình có tội với tổ quốc và đồng bào miền Nam, vì mình chưa làm tròn bổn phận của mình thì đã bị Cộng Sản Bắc Việt chiếm lấy miền Nam.”
Ông Phạm Ngọc Lân, hội trưởng Tây Ninh Đồng Hương Hội, nói: “Biến cố 30 Tháng Tư là nỗi buồn chung cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên đối với tôi, ngày nào còn Cộng Sản cai trị đất nước mình, thì mỗi ngày đều là ngày đau buồn của quê hương dân tộc.”
Một số đồng hương đã kể lại chuyện rời xa đất nước sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.
Cô Kim Phượng, ca sĩ Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH, kể: “Chiều 30 Tháng Tư, 1975 thì tôi còn nhỏ nên không biết chuyện gì đã xảy ra tại Sài Gòn mà rất nhiều người xôn xao, thành phố như đang hỗn loạn. Tôi có người bạn gái ở gần nhà có chồng là người Đại Hàn, cho tôi biết là Việt Cộng chiếm Sài Gòn, nên chị và người chồng phải rời Sài Gòn để về Nam Hàn, và chị cho tôi đi theo. Tôi theo gia đình này đến xứ Hàn, rồi được những nhân viên của tòa đại sứ Mỹ tại đó cho tôi được sang Mỹ theo diện tị nạn Cộng Sản.”
Cô Phương Linh, đến ủng hộ chương trình văn nghệ, kể lại: “Ngày 25 Tháng Tư, 1975, ba tôi về cư xá Cogido Biên Hòa, đón gia đình chúng tôi về Sài Gòn. Vì lúc đó, ba tôi là kỹ sư của hãng giấy Cogido Sài Gòn. Mẹ và năm chị em chúng tôi được đi trên xe GMC, còn ba tôi thì chạy xe Vespa theo sau. Khi xe đưa chúng tôi đến ngã ba Hàng Xanh thì ba thất lạc chúng tôi, vì Việt Cộng đã bắt đầu đánh vào Sài Gòn rất mạnh.”
“Lúc đó thành phố rất hỗn loạn, mẹ và chị em chúng tôi phải trốn tại nhà kho của hãng giấy, nên không ra ngoài được. Vì không thể chờ chúng tôi được nữa, nên 11 giờ trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975 thì ba tôi đã xuống tàu rời bến sông Sài Gòn. Sau đó, ba tôi được định cư tại Hoa Kỳ. Đến năm 1984, ba bảo lãnh mẹ và bốn đứa em tôi sang Mỹ trước, vì lúc đó tôi đã có gia đình. Đến năm 1994, thì gia đình chúng tôi mới được sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ.”
Nhà thơ lính Trạch Gầm bày tỏ sự đau lòng của mình: “Chúng tôi là những chiến sĩ cầm súng cho đến giờ phút cuối. Trong lòng của chúng tôi cho đến bây giờ thì ngày nào cũng là ngày 30 Tháng Tư. Bởi vì sau ngày này, chúng tôi không đổ thừa về vấn đề thất trận, nhưng chúng tôi đã buông súng mà còn để lại biết bao nhiêu hệ lụy sau này.”
Bài thơ “Lời Trước Nghĩa Trang” của ông như lời tâm tình của mình với các chiến hữu đã nằm xuống vì đại cuộc, và cũng là một trong những vết thương lòng của những người lính già xa quê hương: “Tao sống đến ngày cuối cùng cuộc chiến./ Được cái hơn mày nhìn thấy đau thương./ Đành làm người ngu đổ thừa vận nước./ Uổng cả tháng ngày gối đá nằm sương./ Mày đã hơn tao vì mầy đã chết./ Hưởng chút lễ nghi hưởng chút ân cần./ Có được người thân cho lời nuối tiếc./ Còn tao bây giờ sống cũng như không.”