“BI ƠI ! CON Ở ĐÂU ?” THƯ CỦA MỘT NGƯỜI CHA MONG ĐƯỢC GẶP CON SAU 40 NĂM XA CÁCH (Mai Quan Vinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hình ảnh đứa con thơ đang hồn nhiên ngồi trước hiên nhà, là hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận được trước lúc tôi đau đớn xa con.” (Hình cung cấp) 

Lời tòa soạn: Đầu tuần này, chúng tôi nhận được một bài viết của ông Mai Quan Vinh từ San Diego, bày tỏ niềm mong ước của một người cha nay đã luống tuổi, đang bị bệnh tim trầm trọng, ao ước được gặp con gái đã xa cha hơn bốn thập niên. Sự chia ly của cha con xuất phát từ những bất hòa trong quá khứ của một cặp vợ chồng trẻ mới tị nạn ở Mỹ. Qua điện thoại hôm thứ Hai, ông Vinh nói với Viễn Đông, “Tôi đã đợi 20 năm, 30 năm, rồi 40 năm mà vẫn chưa được gặp lại con gái.” Ông mong có một sự mầu nhiệm nào đó giúp cho cha con ông được gặp nhau. Chúng tôi đăng bài viết này cũng với niềm hy vọng vào sự mầu nhiệm đó, và với niềm tin mọi sự bất hòa, hiểu lầm trong quá khứ sẽ được xóa tan bằng tình thương, bằng sự cảm thông, để cho một chút niềm an ủi, sự hòa giải có cơ hội được thể hiện giữa thế gian đang có quá nhiều điều bất an, tranh chấp. Tuy được gởi vào cuối tháng Tám, bài viết đề ngày 2 tháng 9, 2022. Khi đọc những lời tâm sự trong bài viết, độc giả sẽ hiểu tại sao người cha lại muốn bài viết được đề ngày như vậy.

Bi Ơi, Con Ở Đâu?

Ngày 2 tháng 9 năm 1976 đứa con bé bỏng của tôi mở mắt chào đời, khai sinh với cái tên Nguyễn […], tên thường gọi bé Bi.

Giọt máu ân tình đã kết tinh hình hài một sinh linh bé bỏng, trong hành trình lưu vong của đôi nam nữ Việt Nam nơi đất khách quê người.

Sở dĩ bé Bi không mang họ Mai của cha, do vợ chồng tôi chưa làm giấy tờ hôn thú. Thời gian đó tôi chưa đủ sức gánh vác tất cả: chi phí sinh nở của vợ, chi phí nuôi nấng con thơ, cùng hàng loạt chi phí khác bủa vây đời sống hai sinh viên nghèo. Bé Bi được vài tháng tuổi, tôi nghỉ học đưa vợ con đến thuê nhà tại thành phố Arlington, Texas. Suốt ba năm, tôi gửi con cho babysit chăm sóc. Vợ tôi tiếp tục chương trình đại học. Tôi khởi đầu cuộc mưu sinh bằng nghề rửa chén nhà hàng.

Công việc có lợi tức ổn định, không quá sức đối với một thanh niên xốc vác như tôi. Một thực khách thân quen tốt bụng, đã giới thiệu tôi vừa học Anh Văn vừa học nghề Điện Lạnh tại trường NTSU (North Texas State University) để từ đó tôi có thêm việc làm. Tôi nhận làm đủ mọi việc, cho dù nặng nhọc đến mấy, miễn chân chính là tôi làm tất tần tật chẳng nề hà. Cuộc sống gia đình tôi dần dà ổn định, mỗi ngày qua càng thêm tươm tất, êm đềm và ấm áp hơn. Cho đến một ngày…

Vợ tôi chủ động nói lời chia tay tôi, ngay khi em tốt nghiệp đại học vào tháng 6 năm 1979. Tôi bất chợt ngỡ ngàng khi biết mình bị người bạn thân lấy mất trái tim người vợ tôi yêu thương. Tôi lao đến trút cơn thịnh nộ vào tình địch, nhưng tôi càng bất ngờ hơn khi vợ tôi quyết liệt bảo vệ người tình. “Tôi chưa hề yêu anh, mình chia tay đi.”

Câu nói của vợ tôi chính là ngón đòn chí tử, đã đánh tôi đổ gục cả thể xác lẫn tinh thần. “Anh ở lại với con cũng được, tôi sẵn sàng nuôi anh ăn học. Nhưng anh đừng mong tôi có tình cảm với anh.”

Tự ái của một thanh niên 23 tuổi buộc tôi nuốt trái đắng vào lòng, buông bỏ hết yêu thương chỉ trừ đứa con bé nhỏ tôi hằng nâng niu yêu quý.

Vợ tôi nói, “Anh thương con, tôi biết. Nhưng bé Bi còn quá nhỏ, sống với tôi con có tương lai hơn. Tôi hứa với anh, khi nào bé Bi 18 tuổi tôi sẽ cho nó đi tìm anh.”

Vợ tôi bao giờ cũng có lý trong mọi quyết định. Em vừa tốt nghiệp đại học, chân trời trải rộng trước mắt. Em học chuyên ngành xã hội, kiến thức đầy đủ nên chắc chắn rồi, em chăm sóc nuôi dạy con vẫn tốt hơn tôi. Ngay trong đêm vợ tôi nói lời đoạn tình đoạn tuyệt, tôi đã dọn đồ để sáng sớm hôm sau lặng lẽ ra đi. Hình ảnh đứa con thơ – bé Bi – đang hồn nhiên ngồi trước hiên nhà, là hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận được trước lúc tôi đau đớn xa con.

Thời gian lặng lẽ trôi nhanh, con tôi tròn mười tám tuổi. Tôi mỏi mòn mong đợi, nhưng lời hứa năm xưa của mẹ bé Bi vẫn biền biệt tăm hơi. Tôi không thể biết, mẹ của bé Bi có cho con đi tìm cha như lời đã hứa hay không? Riêng tôi vẫn khắc khoải đợi chờ con mười tám tuổi lần nhất, con mười tám tuổi lần hai… và mãi đến hôm nay, sự đoàn tụ của cha con tôi vẫn còn là ẩn số.

Tôi có đi tìm con hay không? Câu trả lời muôn thuở vẫn là: Có đấy! Nhưng chưa lần nào tôi được gặp con.

Nước Mỹ tuy rộng mênh mông, nhưng việc tìm người thân đâu khó? Thế nhưng 43 năm qua, chưa lần nào tôi gặp được con mình. Tôi vẫn dõi theo từng bước con trưởng thành, qua kênh liên lạc với những người bạn chung của ba và mẹ bé Bi thời đại học. Thế nhưng lần nào nung nấu nhớ thương con, tôi đi tìm thăm bé Bi thì y như rằng tôi đều vướng những trở ngại không ngờ vào giờ phút cuối.

Lần cuối cùng là vào tháng 11 năm 2019, khi người bạn học cũ tổ chức tân gia căn nhà mới mua ở Texas. Bạn có nhã ý mời tất cả bạn học cũ, từ thời chúng tôi mới chập chững đến Hoa Kỳ học hành và khởi nghiệp. Bạn cho tôi biết, có mời cả vợ chồng của mẹ bé Bi đến dự. Trong thâm tâm tôi thầm cảm ơn người bạn tốt bụng, muốn giúp tôi có cơ hội được gặp lại con.

Tôi đặt vé và nôn nao đợi ngày bay, nhưng đúng ngày giờ đã hẹn tôi lạc lõng chơi vơi giữa sân bay Dallas, Texas. Tôi không liên lạc được bất cứ người bạn nào, kể cả người bạn đã mời tôi dự tân gia. Thất vọng tột cùng nhưng tôi không còn sự chọn lựa nào khác, ngoài việc đổi vé để bay về lại California.

Khi tôi buông lời trách móc, những người bạn cũ của tôi đều chung lời giải thích: “Nó (vợ cũ của tôi) yêu cầu tụi tao không được cung cấp bất cứ thông tin nào về mẹ con của nó cho mày. Chỗ bạn bè mà, tụi tao đã hứa thì phải giữ lời.”

“Thế tao không là bạn của tụi mày hay sao?”

“Tôi khởi đầu cuộc mưu sinh tại Mỹ bằng nghề rửa chén nhà hàng.” (Hình cung cấp)

*
Tôi quen vợ tôi trên chuyến tàu di tản, trong cơn biến loạn kinh hoàng tháng Tư năm 1975. Khi người bạn đồng hành thân thiết của tôi kiên quyết lẫn tránh tình em, tôi đã được em chọn lấp vào chỗ trống. Cuối tháng Năm 1975 cùng rời đảo Guam, chuyển đến trại tỵ nạn Fort Indiantown Gap ở tiểu bang Pennsylvania thì tôi với em chung đời sống vợ chồng.

Cuối tháng Sáu 1975 rời trại tỵ nạn, vợ chồng tôi về tá túc chung nhà với chị gái của em tại thành phố Denton thuộc tiểu bang Texas. Bé Bi được vài tháng tuổi, tôi đưa gia đình chuyển đến thành phố Arlington thuê nhà ở riêng. Vợ tôi học rất giỏi, nên tôi ủng hộ em học tiếp tại UTA (University of Texas at Arlington). Phần tôi đi làm để có lợi tức trang trải tiền thuê nhà, tiền gửi giữ con, tiền điện nước, xăng xe… cùng hàng loạt chi phí sinh hoạt khác.

Mỗi cuối tuần, nhà ở của vợ chồng tôi trở thành điểm hội họp của những sinh viên Việt Nam xa xứ. Mọi người xúm xít nấu nướng, uống bia, đàn hát và nhảy múa tưng bừng. Vợ tôi đam mê khiêu vũ và em khiêu vũ rất đẹp, vì vậy vợ tôi rất vui với những mini party mỗi cuối tuần như thế. Tôi dạo đó chưa biết khiêu vũ là gì, nhưng là người duy nhất đi làm nên“hầu bao” kha khá, tôi trở thành “nhà tài trợ” cho nhóm sinh viên chung trường với vợ có những cuộc vui.

Tình người Việt Nam xa xứ thời gian đó, đối với tôi là điều thiêng liêng khó tả. Hạnh phúc êm đềm cứ lặng lẽ trôi, cho đến ngày vợ tôi tốt nghiệp đại học thì em nói lời chia tay người chồng em “nhặt” được trên đường di tản.

“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…” tôi tự trách tôi “quá cục mịch, quá quê mùa.…” như lời em nói, vì vậy tôi không hề oán trách người vợ trẻ của tôi bất cứ điều gì. Em chối bỏ tình tôi, để chọn lựa một tình yêu khác xứng tầm với em là điều dễ hiểu. Tuy không thủy chung, nhưng người vợ trẻ của tôi trung thực. Tôi tôn trọng em về điều đó, vì vậy tôi tin em sẽ giữ tròn chữ tín về đứa con chung duy nhất của vợ chồng trước lúc chia tay. Với kiến thức em tích lũy từ một đất nước văn minh, tôi vẫn tin em dạy dỗ bé Bi không quên nguồn cội.

“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…” đứa con bé bỏng ngày nào của em và tôi không có lỗi. Em và tôi cũng không nợ nần hay oán trách gì nhau, một khi duyên nợ ba sinh chấm hết thì mình chia tay lặng lẽ. Để từ đó đến giờ mỗi người chúng ta đều có cuộc sống riêng, không còn chút vấn vương nào chuyện thời quá khứ.

Tôi không mong con phải chọn giữa mẹ và cha mình, nên tôi đã và sẽ không làm bất cứ điều gì khiến chúng tôi vô tình làm tổn thương nhau. Tôi vẫn luôn tôn trọng em như ngày xưa tôi đã từng, đến bây giờ vẫn vậy…

Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn […] – bé Bi – con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều, lần cuối trong đời cha được ôm chặt bé Bi vào lòng nghe con khẽ gọi hai tiếng “Cha ơi!”

Mai Quan Vinh
September 02, 2022