Tháng Tư trong trái tim của mọi người dân Việt dù ở hải ngoại hay ở tại quê nhà vẫn là những kỷ niệm đau buồn khó quên dù đã 46 năm qua.
Những người già nằm xuống, những đứa trẻ lớn lên, cuộc đời bao thay đổi đổi thay nhưng tình yêu quê hương vẫn còn đó.
Mời quý bạn xem lại những hình ảnh thân thương của Sàigòn ngày xưa mà suốt đời chúng ta vẫn nhớ mãi.
Youtube Sài Gòn Của Tôi (Saigon of Mine)
Xin mời đọc tâm tình của người viết về Tháng Tư đau buồn qua bài thơ dưới đây
Bài Tình Thơ Tháng Tư
Tháng Tư đến mùa Xuân nơi xứ lạ
Khắp nẻo đường hoa nở vạn màu tươi
Trên phố đông rộn rã tiếng chào cười
Thiên hạ sống rộn ràng mừng nắng ấm
Tháng Tư cũ quê tôi buồn sâu đậm
Bởi nhà tan nước mất, khóc chia ly
Bạn tù đày, người đau khổ ra đi
Kẻ bỏ xác nơi rừng sâu, biển lạnh
Ôi! Vận nước thịnh suy ta khó tránh
Cuộc hồng trần! Ôi! tan hợp, hợp tan
Bao mươi năm! Sầu, khổ, hận vô vàn
Biển vẫn mặn! Nỗi đau thương còn đó
Mây vẫn trôi, trời vẫn còn mưa gió
Nhưng cuộc đời: bao thay đổi, đổi thay
Nhiều bạn xưa vĩnh biệt cõi trần này
Người còn sống đã mắt mờ, tóc bạc
Bao mươi năm! Cuộc đời dầu đổi khác
Nhưng tấm lòng yêu nước, nhớ quê hương
Và nỗi buồn của kẻ sống tha hương
Vẫn còn đó trong lòng người dân Việt
Gặp nhau đây với niềm đau tha thiết
Nhìn cờ vàng, đọc thơ cũ nhạc xưa
Ta cùng nhau tìm lại chút vị thừa
Nhớ kỷ niệm, nhớ anh hồn tử sĩ
Xin chúc Bạn vẫn vững tâm bền chí
Sống xứ người nhưng ta vẫn Việt Nam
Người Việt Nam: tình cảm, dũng chí làm
Điều lợi ích cho người, cho Dân Tộc
Sương Lam
Thế là đã 46 năm trôi qua kể từ ngày vận nước đổi thay. Thời gian trôi qua nhanh quá và có những thay đổi, đổi thay trong cuộc sống đã làm cho chúng ta vui vẻ hoặc đau buồn. Có những người thân quen ngày xưa bây giờ phải nghìn trùng xa cách cả một đại dương và cũng có những người đã ra đi không bao giờ còn được gặp lại nhau. Những đứa trẻ lớn lên, học hành thành đạt nơi xứ người đem lại sự hãnh diện cho cộng đồng người dân Việt tại hải ngoại.
Bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ màu cờ vàng ba sọc đỏ, bao nhiêu gia đình đã ly tán, bao nhiêu người đã tử nạn trong biển sâu rừng vắng trên bước đường tìm tự do, bao nhiêu sự cực khổ gian nan trong cuộc sống nơi xứ người đã vẽ lên bức tranh quốc hận đau thương. Bởi thế vào tháng Tư hằng năm, bạn và tôi, xin hãy dành một phút tưởng niệm đến những người đã khuất cho lý tưởng tự do, bạn nhé!.
Ngày tưởng niệm! Chẳng đợi kêu mời rước
Ngày đau buồn! Dân Việt khắp năm châu
Một phút thôi! Xin kính cẩn cúi đầu
Để truy niệm đến những người đã khuất
Saigon cũ giã từ trong u uất
Nơi xứ người, Tôi, Bạn nhớ Quê hương
Tháng Tư Buồn! Người ở lại quê hương
Hờn vong quốc! Ai buồn hơn ai nhỉ?
(Trích trong Portland Tháng Tư Buồn- Thơ Sương Lam)
Xin mời xem lại những hình ảnh thân thương của Sài Gòn ngày cũ mà thấy đau buồn khi nhớ về những kỷ niệm quý yêu đã mất.
Xin cám ơn nhà thơ Hoàng Nguyên Linh, nhạc sĩ Võ Tá Hân, ca sĩ Ngọc Quy đã đưa chúng tôi về kỷ niệm ngày xưa qua youtube đầy tình cảm này.
THÁNG TƯ BUỒN – Nhạc Võ Tá Hân – Thơ Hoàng Nguyên Linh – Ca sĩ Ngọc Quy
Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, chúng ta đã học được một bài học về sự biết ơn. Người viết xin được chia sẻ với quý bạn những giòng tư tưởng và hai mẫu chuyện Thiền dưới đây để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé.
Sống Trong Thế Giới Biết Ơn.
*Xin biết ơn những người khiển trách ta, vì các người giúp ta tăng trưởng định tuệ.
* Xin biết ơn những người làm ta vấp ngã, vì các người khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn.
* Xin biết ơn những người bỏ rơi ta, vì các người đã dạy cho ta biết tự lập.
* Xin biết ơn những người phản bội và đâm sau lưng ta, vì các người đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta.
* Xin biết ơn những người lường gạt ta, vì các người tăng tiến kiến thức cho ta.
* Xin biết ơn những người làm hại ta, vì các người đã tôi luyện tâm trí của ta.
* Xin biết ơn tất cả những người khiến ta được Kiên Định Thành Tựu.
Câu chuyện Thiền thứ nhất
Câu chuyện con lừa
Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.
Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn. Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn. Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)
Câu chuyệnThiền thứ hai
Thiền Sinh và Con Bọ Cạp.
Một thiền sinh ngắm nhìn dòng suối hiền hòa, bỗng nhiên trông thấy một con bò cạp rớt xuống suối. Vị thiền sinh này đưa tay vớt nó và nhẹ nhàng để nó lên mặt đất. Con bò cạp theo phản ứng tự nhiên là cong đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng ông không hề tức giận, vì đã làm được một việc mà ông thích làm là cứu sống được con bò cạp. Sau đó, ông đứng lên đi, nhưng đi được vài bước, thì ông quay lại nhìn con bò cạp, thấy nó lại té xuống suối nữa. Ông vội vàng chạy lại vớt nó, rồi cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Lần thứ hai cũng như lần đầu, ông cũng bị nó chích nữa. Trông thấy cảnh tượng này, một sư huynh đứng bên cạnh bực mình, nói lớn: “Con bò cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cắn hoài, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó”. Ông thản nhiên trả lời rất hay: “Chích là thói quen của con bò cạp, giúp nó là thói quen của tôi”. Đó chính là thói quen của lòng từ bi. Chúng ta giúp đỡ người khác bằng một thái độ không mong họ phải biết ơn, đền ơn. Người như vậy mới làm nên đạo cả.
Nhưng triết lý của câu chuyện không ở góc độ này, mà muốn nói điều quan trọng hơn. Đó là nếu chúng ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người, nếu không chịu đựng được những cú chích của con bò cạp, cú chích của những lời thị phi, của lời hãm hại, của sự đày đọa, của những gian lao thử thách, thậm chí là việc sát hại, chúng ta sẽ không bao giờ thành công được. Vì thế, thiếu vắng lòng từ bi, lòng khoan dung, lòng kham nhẫn mà làm nhiều Phật sự chừng nào, lòng sân hận, buồn phiền của chúng ta càng dễ lớn chừng đó. Đôi lúc chúng ta làm Phật sự trở thành ma sự là vì vậy. Tâm huyết quá lớn, nhưng không có sự tu tập để chuyển hóa được nghịch cảnh, để thăng hoa đời sống tâm linh và đạo đức, thì sự sân hận, uất ức và sự si mê sẽ có cơ hội lớn mạnh, len vào tâm trí chúng ta để trở thành những thói quen mới. Đó là thói quen xấu trước những hoàn cảnh không thuận duyên. Triết lý của câu chuyện ở chỗ đó.
Chúng ta thấy bò cạp có thói quen chích. Nhân tình thế thái trong cuộc đời cũng như vậy. Đôi lúc chúng ta nhiệt tình với người nào đó quá mức, chúng ta giúp đỡ, xây dựng, giáo dưỡng người đó càng nhiều thì càng làm họ bị trói buộc, cho nên nhà Nho nói rằng giáo đa thành oán. Thói quen của sự phản bội, của nhân tình thế thái là những thứ dễ làm chúng ta chán nản lắm và nếu như không có lòng chịu đựng được những cú chích của nhân tình thế thái thì tốt hơn, chúng ta đừng bao giờ dấn thân hành Bồ tát đạo. Chúng ta tu tập hạnh Độc giác, tức giác ngộ rồi nhập Niết bàn còn tốt hơn; vì làm quá độ chẳng những không có lợi cho người khác, còn hại đến bản thân và đời sống nội tâm của ta rất nhiều.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 560-ORTB 985-4282021)
Sương Lam
Website: www.suonglamportland.wordpress.com