BÀI CA HOÀI QUỐC (Hoàng Phong Linh-Võ Đại Tôn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ngày xưa…

Cha tôi là một Ông Rồng

Mẹ tôi là một Bà Tiên.

Hai Người nên duyên

Dựng quê hương bốn ngàn năm lịch sử.

Từ phương Bắc chống ngăn giặc dữ

Vào phương Nam mở rộng cõi bờ.

Dạy tôi từ thuở còn thơ

Lớn lên đừng quên giống Việt !

Nửa máu trong người oai linh dũng liệt

Là của Cha tôi.

Còn nửa giòng kia êm đẹp rạng ngời

Là của Mẹ – hiền như thơ lục bát.

Sữa tôi uống – ngàn con sông chảy về thơm mát

Vào quê hương nước cũng thành Thơ.

Chị em tôi giặt  áo ven bờ

Đêm trăng sáng, vò trăng hay vò áo ?

Nước Sông Hồng đổi phù sa thành gạo

Giòng Hương Giang đò chở nặng ca dao.

Từ trời cao

Chín con Rồng cũng xuống quê tôi ngủ

Quên nẻo về, nằm mơ tình tự,

Thành Cửu Long, lúa mọc đầy lưng.

Lúa Nàng Hương, hoa gạo rưng rưng,

Thơm ngát cả vùng Á Đông muôn dặm.

Thành quách nào dựng cao thăm thẳm

Bằng dãy Trường Sơn hiển hách quê tôi ?

Mấy ngàn năm sừng sững vói trời

Thêm mộng mị vào rừng thiêng cổ tích !

Chú Bác tôi từng đập tan xiềng xích

Giặc xâm lăng từ phương Bắc, phương ngoài.

Những nông dân áo vải sờn vai

Bình tâm chết, nằm mơ như sông núi.

Những con người không tên, không tuổi,

Dựng quê hương thành tuổi, thành tên !

Làm sao tôi quên

Lũy tre làng vang tiếng chày giã gạo,

Đàn gà con huyên náo,

Bầy trâu già cũng thuộc tiếng hò khoan ?

Và… “Cô tát nước bên đàng

Sao Cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?”.

Tuổi ấu thơ mơ đếm bạc lì-xì

Ba ngày Tết  mộng dài như thế kỷ.

Những cái tên bình yên như Cu Tèo, Cu Tý

Đến bao giờ được nghe lại bên tai ?

Mấy bức tranh xưa quán chợ trải dài

Màu mực thắm, vẽ gà, vẽ lợn.

Ông Thầy Đồ ê a giọng lớn

“Nhơn chi sơ…” – còn đâu nữa ngày xưa ?

Trong lòng tôi trời đang xuống cơn mưa

Nơi xứ lạ – trở thành dân mất Nước !

Giữa kinh thành ngựa xe xuôi ngược

Tôi bỗng cười như kẻ dại điên.

Tôi gọi Cha Rồng, tôi nhớ Mẹ Tiên,

Trong tiếng cười nhiều thủy tinh vỡ vụn…

Hồn tôi đang ngập lún

Vào vũng sầu, thương nhớ mê man.

Đây cũng có bướm vàng

Sao không phải con bướm ngày xưa ép sách ?

Đây cũng có bờ sông lau lách

Sao không vẳng giọng hò Mái Đẩy, Nam Ai ?

Cũng ao sâu ruộng dài

Sao không gợi mùi thơm Đất Nước ?

Hương dầu dừa tóc ai bóng mượt

Nụ cười duyên nghiêng nón bài thơ ?

Cũng cá tôm đầy lưới chật lờ

Sao không thấy bầy cá rô, cá lóc ?

Bên vệ đường tôi ngồi mơ quán cóc

Chén Chú, chén Anh, xị-đế cạn dần

Tình quê hương trong ánh mắt bình dân !

 

Giờ đây…

Xung quanh tôi chẳng có một người thân

Tên thành phố cũng là tên xa lạ.

Nơi đây có trăm đường vạn ngả

Nẻo nào đâu dẫn tới Quê tôi ?

Góc công viên thành tượng đá tôi ngồi

Ai có hỏi, xin trả lời : Mất Nước !

Nhưng nào ai biết được

Máu trong người tượng đá còn đây,

Chờ ngày mai ứ đọng dâng đầy

Thành thủy lưu theo về sông, về biển,

Theo đường trăng, theo ánh sao hiển hiện,

Chảy về Quê – tìm lại tháng năm xưa.

Nghe Mẹ ru con hòa nhịp võng đưa :

  • Hò ơ… thương mấy cho vừa

Tình Quê, tình Nước, chết chưa hết Tình !.

 

Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)

(Hải ngoại, lưu vong).