ANH NGỌC – DUY TRÁC – SĨ PHÚ (Đông Kha)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

3 nam danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc tình ca trước 1975: Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú 

Nếu như ở thể loại nhạc vàng có “tứ trụ” gồm 4 nam ca sĩ – nhạc sĩ tài năng, nổi tiếng và được yêu thích nhất: Duy Khánh, Chế Linh, Nhật Trường, Hùng Cường, thì ở thể loại nhạc tình ca (cách gọi chung cho loại nhạc trữ tình bán cổ điển trình diễn thính phòng) cũng có 3 người nam danh ca nổi tiếng nhất, được nhiều thế hệ ca sĩ kính trọng và ngưỡng mộ, đó là Duy Trác, Sĩ Phú và Anh Ngọc.Điểm chung của những nam danh ca này là không được qua một trường lớp đào tạo thanh nhạc nào. Điều này có vẻ là một nghịch lý, vì dòng nhạc trữ tình tiền chiến có tính chất thính phòng, bán cổ điển, mang tính nhạc thuật cao, nhưng các nam ca sĩ này vẫn chinh phục được khán giả bằng giọng hát rất tình cảm, và cũng không kém phần điêu luyện.

Một điểm chung đặc biệt khác của cả 3 nam canh ca Duy Trác, Sĩ Phú, Anh Ngọc, đó là dù sở hữu giọng hát được đánh giá là “thượng thặng”, ít người sánh bằng như vậy, nhưng họ đều xem việc đi hát như là một cuộc dạo chơi, không phải là nghề chính và mỗi người đều có công việc chuyên môn khác nhau. Nếu như Duy Trác là một luật sư (đồng thời là dịch giả – ký giả), Anh Ngọc là nhân viên sở thông tin trong 10 năm, sau đó nhập ngũ và làm việc ở trong đài phát thanh quân đội, còn Sĩ Phú là một quân nhân chuyên nghiệp mang hàm cấp tá.

1. Danh ca Anh Ngọc

Mặc dù được mọi người xem là một nam danh ca nổi tiếng của tân nhạc từ cuối thập niên 1940 cho đến nhiều năm sau đó, nhưng ít người biết rằng ca hát không phải là nghề chính của Anh Ngọc. 
 Ông từng chia sẻ về việc này:“Thực ra ca nhạc đâu phải là nghề của tôi. Nhiều người không biết đến chuyện đó, nên cho là tôi suốt đời hoạt động ca nhạc. Nhưng thực ra không phải. Điều đó người ta không nghĩ ra, tôi cũng không muốn nói đến. Thực ra tôi không phải là một người ca sĩ nhà nghề, đi hát chỉ là chuyện phụ thêm thôi.”

Anh Ngọc sinh năm 1925 tại Hà Đông, trưởng thành tại Hà Nội và từng theo học các trường Thăng Long, Puginier và Louis Pasteur ở đây. Dù sinh trưởng trong một gia đình mang tính truyền thống, nhưng từ khi còn rất trẻ, ông đã yêu thích ca hát, đặc biệt là các bài nhạc Tây, khi mà tân nhạc Việt Nam vẫn chưa hình thành rõ nét.

Năm 1947, ông vào Huế thăm một người anh làm việc ở đây và lưu lại Huế hơn 1 năm. Trong thời gian này ông được nữ danh ca Minh Trang mời hát trên đài phát thanh Huế.

Năm 1949 Anh Ngọc vào Sài Gòn để khởi đầu cộng tác với đài phát thanh Pháp Á, nơi Minh Trang đang cộng tác. Sau đó, ông lần lượt được mời hát trong chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Quân Đội, Đài phát thanh Sài Gòn, đài Mẹ Việt Nam, đài Tiếng Nói Tự Do và Đài Truyền Hình Việt Nam.

Danh ca Anh Ngọc (trái) và nhạc sĩ Nhật Bằng đang làm việc tại đài phát thanh

Thời gian sau đó, Anh Ngọc trở xướng ngôn viên trên đài phát thanh, đồng thời phụ trách chương trình ca nhạc “Tiếng Nhạc Tâm Tình” từ đầu thập niên 1960 cho đến tháng 4 năm 1975. Chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc từng được nhà văn Mai Thảo nhận xét là “một chương trình được yêu mến, đợi chờ và tán thưởng nhất trong nhiều năm”, được sự cộng tác của các giọng ca thượng thặng của nền tân nhạc Việt Nam ở trong thời kỳ vàng son, như là các canh ca Kim Tước, Thái Thanh, Mai Hương, Hà Thanh,… cùng sự phụ hoạ của một ban nhạc đàn dây gồm những nhạc sĩ tên tuổi.

Về giọng hát của danh ca Anh Ngọc, nhiều đồng nghiệp và người thuộc giới văn nghệ đã thừa nhận tài năng của ông, một giọng ca trung hòa được 2 yếu tố là giọng ca tuyền cảm và dày dặn về mặt kỹ thuật:

“Ngoài việc truyền đạt lời hát một cách rõ ràng và chuẩn xác, Anh Ngọc còn sử dụng cách luyến láy cũng như phân đoạn câu hát để nói lên ý nghĩa của bài hát, hay nói đúng hơn là những ý nghĩa chứa đựng trong bài hát” (Jason Gibb)

Anh Ngọc và những bài nhạc tiền chiến (Thu âm trước 1975)

 “Tiếng hát ông rất mạnh, sang sảng. Ông lên tới những nốt rất cao mà không mỏng, xuống được những nốt trầm mà vẫn dầy, vẫn rõ. Khoảng cách của các nốt nhạc được ông xướng lên đồng đều, không lép mà chắc nịch. Phải nói đến chuyện trời cho ấy vì ngày nay nhờ kỹ thuật âm thanh ai cũng có thể tự nghĩ rằng mình có giọng ca thiên phú.

Anh Ngọc có làn hơi phong phú. Ông là một trong số ca sĩ hiếm hoi của Việt Nam vẫn giữ được trường độ của một câu nhạc rất dài. Từ chuyện thiên phú phải nói đến chuyện nhân tài: ông hiểu nội dung ca khúc và cách diễn tả. Nói một cách khác ông rất thông minh và nắm được cách thế bắt buộc của câu hát. (ca sĩ Quỳnh Giao)

Lần cuối cùng danh ca Anh Ngọc đứng trên sân khấu là ở tuổi 79. Cho đến nay, dù vắng bóng đã lâu, nhưng hình ảnh phong độ cùng “giọng hát trượng phu” đó sẽ không bao giờ bị phai mờ theo thời gian. Hiện nay ông đang an nhàn tận hưởng tuổi 96 bên gia đình.

2.Danh ca Duy Trác

Danh ca Duy Trác sinh năm 1932 tại Sơn Tây, sau đó di cư vào Sài Gòn, bắt đầu hát từ những năm giữa thập niên 1950. Tuy là một trong những nam danh ca được yêu thích nhất trước 1975, nhưng Duy Trác hầu như không bao giờ hát ở phòng trà hay nhạc hội, mà chỉ hát trên đài phát thanh và thu âm trong băng đĩa. Vì vậy nhà văn Duyên Anh đã đặt cho ông biệt danh “chàng ca sĩ cấm cung”.

Sau này Duy Trác giải thích rằng ông là ca sĩ khó học thuộc lời nhạc nhất trong số những ca sĩ Việt Nam từ trước đến nay, nên chỉ tự tin khi hát trong phòng thu âm. Ngoài ra ông cũng nói rằng mình không có cảm giác thoải mái khi đứng trước công chúng hay máy quay phim, thậm chí là máy chụp hình. Đó là lý do mà trước 1975, hầu như Duy Trác chưa từng đứng hát trước công chúng, và ít khi lên truyền hình. Cũng vì vậy mà thật khó để tìm thấy hình của Duy Trác trước năm 1975, tấm hình sau đây là lần đầu tiên ông ghi hình một bài hát trước khán giả, đó là trong Paris By Night số 20 năm 1993:

Cũng như danh ca Anh Ngọc thì danh ca Duy Trác tự nhận rằng ca hát chỉ là nghề tay trái. Ông tâm sự:

“Tôi lạc bước vào khu vườn âm nhạc trong mấy chục năm, và dù ca hát là nghề tay trái, nhưng dài hơn bất kỳ nghề tay phải nào của tôi. Trong vườn âm nhạc này, tôi đã gặt hái được nhiều hoa thơm cỏ lạ, tôi đã được hưởng những phút giây hạnh phúc, tôi đã được khán thính giả trao cho cái tình thân ái, tình tri kỷ, nên tôi chợt nghĩ rằng khi tôi rời khu vườn âm nhạc này, tôi sẽ khép 2 cánh cửa lại và ra đi với lòng thanh thản. Xin cám ơn âm nhạc, xin cám ơn bạn bè, xin cám ơn cuộc đời”.

Duy Trác và những bài nhạc tiền chiến (Thu âm trước 1975) 

 
Nhắc đến danh ca Duy Trác, người ta nhớ về những ca khúc mà có lẽ là khó có người nào hát hay hơn, đó là Thuở Ban Đầu (Phạm Đình Chương), Thương Tình Nhân (Phạm Duy), Áo Lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên), đặc biệt là 2 ca khúc được viết dành cho giọng hát Duy Trác, đó là Hương Xưa (Cung Tiến) và Đôi Mắt Người Sơn Tây (Phạm Đình Chương)

Duy Trác – Đôi Mắt Người Sơn Tây 

 
Khi sáng tác xong Đôi Mắt Người Sơn Tây và đưa cho nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương để thu thanh trong băng nhạc Phạm Mạnh Cương thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương nhắn nhủ là ca khúc này hãy để cho Duy Trác hát. Còn nhạc sĩ Cung Tiến, sau khi sáng tác xong bài Hương Xưa năm 1955, ông ghi lời đề tặng bài hát là: Tặng Khuất Duy Trác (là tên thật của danh ca Duy Trác).

Danh ca Sĩ Phú

3.Trong 3 nam danh ca được nhắc tới trong bài này thì Sĩ Phú là người nhỏ tuổi nhất (sinh năm 1940, năm sinh trên giấy tờ là 1942), nhưng trong khi 2 người còn lại đều trên thượng thọ, thì Sĩ Phú mệnh ngắn hơn, đã ra đi năm 2000 ở tuổi tròn 60.

Nam danh ca Sĩ Phú tên thật là Nguyễn Sĩ Phú, sinh năm 1940 tại tại thành phố Boneng Thaket, Lào. Cha của ông là người Hà Nội và mẹ quê ở Bắc Ninh, nhưng vì người cha làm việc bên Lào nên cả 4 anh em của ông đều được sinh ra tại đây.

Khi Sĩ Phú được 4 tuổi, cả gia đình chuyển về lại Hà Nội ở được 10 năm thì di cư vào Nam năm 1954. Bấy giờ khi làm lại giấy tờ, ông đổi năm sinh lại thành 1942.

Thời thơ ấu của Sĩ Phú có một vài sự kiện đặc biệt và kỳ lạ, đó là sống ở Lào cho đến năm 4 tuổi ông vẫn chưa biết nói, chỉ khi về lại Hà Nội thì ông mới bắt đầu nói tiếng đầu tiên. Một hôm cậu bé Phú được dẫn đi chơi ở vườn bách thảo, và câu nói đầu tiên trong đời của Sĩ Phú là: “Mợ ơi, em thấy con voi” (Miền Bắc thời xưa, người ở thành thị thường gọi cha mẹ là cậu mợ, và xưng là em).

Không lâu sau đó, khi mới được 5,6 tuổi, Sĩ Phú thể hiện năng khiếu ca hát bẩm sinh và thường hát nghêu ngao cả ngày. Năm đệ ngũ (lớp 8), ông có theo học một lớp nhạc lý, học thổi khẩu cầm và thổi sáo rất hay, nhạc cụ nào ông cũng có thể sử dụng được, nhưng chỉ thích chú trọng về ca hát.

Thuở nhỏ ông được cho biết là rất sáng dạ, không bao giờ đụng tới sách vở nhưng điểm vẫn rất cao. Vì học hỏi nên khi mới 16 tuổi (là tuổi trên giấy tờ, tuổi thật là 18), ông được nhảy lớp để vào thẳng học đại học.

Năm 18 tuổi, khi vẫn còn theo học đại học, Sĩ Phú đã bắt đầu nghề giáo, trở thành giáo sư 2 môn Toán và Lý đệ nhất cấp ở hai trường trung học Thăng Long và La San Nghĩa Thục. Cũng trong thời gian này, ông cũng đã bắt đầu đi hát, nhưng chủ yếu là cho các chương trình của Tổng Hội Sinh Viên chứ không tham gia vào làng nhạc, không thu thanh thu dĩa.

Năm 1962, Sĩ Phú tốt nghiệp đại học và vào quân ngũ. Ban đầu ông ghi danh vào hải quân, nhưng do trục trặc nên cuối cùng trở thành sĩ quan không quân. Từ năm 1963 cho đến 1965, Sĩ Phú được gửi qua Hoa Kỳ 3 lần để học lái trực thăng và các lớp huấn luyện quân sự khác.

Trở về Việt Nam, Sĩ Phú phục vụ không quân, cũng từ đó giọng hát của ông bắt đầu được công chúng Sài Gòn biết tới, chủ yếu là từ trên đài phát thanh và dĩa nhạc. Khoảng năm 1965, ông gặp vấn đề về tình cảm khiến cho tinh thần bị suy sụp một thời gian, nhưng có vẻ như điều đó càng làm cho giọng hát của Sĩ Phú trở nên nồng ấm, dịu dàng, như lời tâm tình gửi đến khán giả qua những bài ca tình buồn và day dứt.

Sau 1968, Sĩ Phú được Bộ Tư Lệnh Không Quân giao phó vai trò Trưởng Khối Cổ Ðộng Tuyên Truyền và Trưởng Ban Tâm Lý ᴄhιến cho Sư Ðoàn 5, phụ trách các chương trình phát thanh, phát hình của Không Quân, trong đó có chương trình Tuyển Mộ Phi Công cho binh chủng Không Quân ở Ðài Truyền Hình Quân Ðội.

Có một lần Sĩ Phú xuất hiện trên Ðài Truyền Hình Sài Gòn vào năm 1968 và hát một bài hùng ca trong dịp kỷ niệm ngày thành lập binh chủng Không Quân. Hình ảnh Sĩ Phú trong bộ đồ bay rất hào hùng, với vóc dáng cao lớn và đẹp trai cùng giọng hát trầm ấm đầy nam tính, quyến rũ, tên tuổi của ông đã trở thành đề tài cho những sự bàn tán sôi nổi của thanh niên nam nữ thời bấy giờ. Chẳng mấy chốc, người ghi danh vào binh chủng Không Quân rất đông, tạo nên một phong trào gia nhập Không Quân ồ ạt. Lực lượng Không Quân từ một con số khiêm nhường đã trở nên lớn mạnh gấp chục lần có sự góp công không nhỏ của Sĩ Phú.

Tên tuổi của danh ca Sĩ Phú trong thời gian này đã lên tới đỉnh cao chót vót, dù với bổn phận của một quân nhân, ông không xuất hiện nhiều ở phòng trà hay vũ trường, chỉ thường diễn trong các chương trình văn nghệ của binh chủng không quân và hát trong một số dĩa nhạc, các đài phát thanh, truyền hình.

Sĩ Phú – Tuyển Chọn Nhạc Hay Nhất 

Trong thời đỉnh cao của mình, Sĩ Phú đã góp tiếng hát trong nhiều băng nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh, băng nhạc Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, đồng thời cộng tác một thời gian dài với “Chương Trình Hoa Thời Đại” (sau đó đổi tên thành chương trình Phạm Mạnh Cương) phát hàng tuần trên đài Truyền Hình Việt Nam từ năm 1969.

Trong suốt hơn 10 năm sự nghiệp âm nhạc của Sĩ Phú tại Sài Gòn trước 1975, vào thời điểm đất nước có biến động mạnh mẽ với nhiều mất mát, đau thương, thì giọng hát êm đềm của Sĩ Phú có một sức mạnh lớn lao trong những bài tình ca như tưới mát cho tâm hồn của cả một thế hệ, xoa dịu bao thương nhớ, đớn đau, xót xa của những người phải xa nhau. Dù vậy, cũng như Anh Ngọc và Duy Trác, danh ca Sĩ Phú luôn nói rằng ca hát chỉ là nghề tay trái.

Đối với những nam danh ca thượng thặng này, con đường âm nhạc chỉ như là một cuộc dạo chơi, tuy nhiên có thể nhờ vậy mà họ hoàn toàn thoải mái khi hát, không chịu áp lực từ nghề hát, không vướng bận sinh kế, được tự do chọn ca khúc mà mình thích, từ đó đã thăng hoa được đến đỉnh cao ít người có được.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

https://phailentieng.blogspot.com/2021/05/anh-ngoc-duy-trac-si-phu.html?fbclid=IwAR2OMhaAtl-7vuBhQNzAbwwarx8wW6Ch8IAbkr202TUdZAdiIQHjxsrinvU