ĂN TRỘM (Peter C. Trần # Mười Lúa)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Con ơi học lấy nghề cha,
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.
Tôi không thích câu ca dao này. Nó phản giáo dục. Nó gieo vào đầu đám con nít hỉ mũi chưa sạch, ăn chưa no lo chưa tới, đầu óc còn non nớt, cái tư tưởng: ăn trộm là một “nghề” bình thường, thậm chí còn dễ kiếm ăn, dễ làm giàu. Ăn trộm đương nhiên dễ làm giàu, dễ như chạy xe ôm, như buôn chổi đót! Tôi so sánh như vậy, là bởi vì ở VN có nhiều người khoe: chỉ chạy xe ôm, buôn chổi đót mà cất dinh thự như hoàng cung! Trộm làm giàu đương nhiên, nhưng đó là tội phạm, chớ không phải “nghề”. Muốn hiểu và thấm thía điều này, bạn phải từng là nạn nhân của bọn trộm cướp. Đồng tiền nó liền khúc ruột! Bạn bị chúng cướp hết tiền của, do mồ hôi nước mắt làm ra, thì bạn tự động sẽ căm thù loại tội ác này.
Gần đây nghe người ta nói ra nói vào chuyện VN: bắt ăn trộm, đánh ăn trộm, chém ăn trộm,… bị bỏ tù! Luật lệ VN như vậy. Còn các nước giãy chết, thì sao? Mấy nước khác tôi không rành lắm. Tui biết sơ sơ luật lệ của Mỹ. Để tui viết chơi chuyện trộm xưa và nay, trộm VN và trộm Mỹ.
1. Trộm VN.
* Trộm thời xưa.
Tui nghe má tui nói, hồi “năm Thìn bão lụt”, ăn trộm nhiều dữ lắm. Trong miền Nam, chuyện bão lụt là chuyện lạ, rất hiếm. Năm Thìn có lẽ là năm 1952. Lúc đó tui chỉ là “hư không”, vì tui tuổi giáp ngọ, tức là còn hai năm nữa tui mới được phép “xuất xưởng”, chui ra khỏi bụng má tui. Tui chỉ nghe anh Tư tui kể lại:
– Bão dzui lắm mày ơi! Nhảy lên cái, gió nó đẩy mầy đi cả tằm (3 mét)! Không thủ thế, nó thổi té úp mặt xuống đất, thì cái lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc!…
Thời đó dân bắc kỳ hai nút chưa “Nam tiến” thành công, nên anh Tư tui hỏng biết mấy tiếng “té sấp mặt l.o.n”! Mà có biết, chắc cũng không xài, vì nghe nó chướng lỗ tai lắm. Anh Tư tui tuổi Thìn, năm đó đã 12 tuổi nên biết và nhớ rõ lắm.
Miền Trung bão lụt hà rầm, như cơm bữa. Miền Nam thì năm khi mười hoạ mới có bão một lần, cho nên hễ nói chuyện gì xa xưa dữ lắm, người miền nam dùng thành ngữ “năm Thìn bão lụt” là vậy. Má tui nói “năm Thìn bão lụt”, không có nghĩa là chuyện xảy ra năm 1952, mà có thể trước đó, hay sau đó. Đại khái là hồi xửa hồi xưa, lâu lắm rồi!
Thời xa xưa, cái thời “năm Thìn bão lụt”, miền Nam còn hoang vu, dân rất thưa. Cọp beo trên rừng đầy nhóc, còn dưới sông thì sấu lội cả bầy.
Cá tôm thì khỏi nói. Tôi nghe má tui nói, cá lóc ở miệt rừng U Minh nhiều vô số kể, và vì ít có người bắt, cho nên nó sống tới già, mọc râu luôn! Quê má tui ở tận Nhà Ngang, Huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang, gần rừng U Minh thượng, cho nên bà biết nhiều chuyện về rừng lắm. Có ai thấy cá lóc mọc râu chưa hỏng biết. Tui nghe nói vậy, thì tin vậy thôi. Nhà quê cũng thường đồn thổi những chuyện kinh dị không đầu không đuôi, không ai kiểm chứng nổi, trong đó có chuyện những con lươn sống lâu năm, thành tinh, mọc chân, mọc đuôi thành con chồn (cáo). Tui nghe kể, tin gẫy cổ, tin như người ta tin chuyện Lê Văn Tám đốt kho đạn. Con nít mà!
Ở quê tui, mỗi năm sau mùa gặt, nhà nào cũng lo tát đìa ăn Tết. Cá nhiều tới độ phải dùng cộ, cho trâu kéo về, chớ khiêng không nổi. Dân quê miền Nam ai cũng biết cái cộ. Người thành thị hay người miệt ngoài, hỏng biết thì inbox, tui tả cho nghe. Chỉ bắt cá bự, còn cá nhỏ bỏ hết. Ai cũng có đất, có đìa, nên người đi “bắt hôi” không có. “Bắt hôi” là sau khi chủ nhà bắt xong, người bắt hôi nhảy xuống đìa bắt lần thứ hai. Tương tợ như “hôi của”, nhưng ở đây được chủ cho phép. Chủ bắt giỏi cỡ nào, cũng còn sót, cho nên bắt hôi có khi cũng tóm được những con cá lớn không thua gì bắt thiệt.
Cá nhiều vậy, cách gì ăn cho xuể, cho nên phải làm mắm cả mấy khạp da bò, để dành mùa nước nổi, mùa cấy, có mà ăn. Sau này dân đông, ăn nhiều, và người ta làm lúa thần nông, xịt thuốc diệt sâu rầy, cho nên cá mẹ cá con chết láng. Giờ cách gì kiếm ra cá lóc mọc râu! Tát đìa, bắt thiệt, cũng không có cá để bắt. Bắt hôi chỉ có vọc sình cho đỡ buồn chớ cá đâu còn mà bắt.
Thời đó, dân thưa thớt, mỗi nhà cách nhau có khi vài trăm mét. Đêm hôm có chuyện gì, không thể cầu cứu láng giềng, cho nên người ta “đánh mõ la làng” thì hàng xóm mới nghe mà tiếp cứu. Nhà nào không có mõ thì đánh thùng thiếc. Vừa đánh vừa lấy hết xí quách la thật to: “Bớ làng xóm! Bớ làng xóm!” Nghe kêu la thất thanh kèm theo tiếng mõ hay tiếng thùng thiếc, thì hàng xóm sẽ vác dao mác, gậy gộc, thau, thùng,… chạy tới tiếp cứu, vì không trộm cướp thì cũng cháy nhà, hay có người bị “trúng gió” nặng.
Má tui nói trộm cướp nhiều nhất là cái thời Việt Minh cấm chợ. Họ cấm dân quê ra chợ, theo chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị”, bằng cách không cho chở lúa thóc, cá mắm, gia súc,… ra chợ bán, và ngược lại, cấm mua sản phẩm từ dân thành thị. Nông sản tự nhiên biến thành hàng lậu. Chở mà họ tóm được sẽ tịch thu, bắt luôn người, y chang cái thời sau 75, trạm mọc lên như nấm sau cơn mưa, trạm khắp mọi ngõ ngách! Lọt được ra thành, trên đường về cũng bị chận xét. Sờ soạng, lột quần lột áo để khám là chuyện nhỏ! Họ lấy cả dây luộc rà dưới lườn ghe coi có giấu vải vóc hay sản phẩm nào của giặc không. Má tui nói họ xét tới vậy đó. Xét đường thuỷ gắt quá, thì người dân “nhảy dù” bằng đường đồng, đường bộ. Đường đồng, đường bộ ngõ ngách mênh mông, “nhảy dù” dễ lọt hơn đường thuỷ.
Họ nghĩ rằng làm vậy bọn Tây xâm lược và bọn tay sai Việt gian bán nước sẽ chết đói, nếu thiếu lương thực. Đồng thời không mua sản phẩm của chúng, không người tiêu thụ, chúng cũng sẽ sập tiệm. Dân chúng sống ở thành thị dù không theo giặc, cũng bị “lạc đạn”! Kệ! Mục đích biện minh cho phương tiện! Giống chiến thuật “vây thành”, cắt đường tiếp tế, thời xửa thời xưa vậy.
Đọc đến đây, thế nào cũng có người sẽ chỏ mỏ vô nói: Thì ông Diệm ngày xưa cũng cũng ác ôn, dùng Ấp Chiến Lược, Khu Trù Mật để diệt cộng, gọi là chiến thuật “tát nước bắt cá”. Tui hoàn toàn không cãi gì về mặt chiến thuật trong chiến tranh. Chỉ bàn chơi một chút, chuyện ai làm giỏi, ai làm dở, ai ác hơn ai thôi. Phải nói là ông Diệm tát dở ẹc, hiền khô, khi bắt cá thì mười con sót hết 9, nên nó sinh sôi nẩy nở cực nhanh, cực mạnh. Ông Diệm tát nước bắt cá thua xa hai quốc gia Philippines và Malaysia, những kẻ áp dụng chiến thuật này đầu tiên! Họ tuyên truyền ông Diệm lê máy chém khắp nơi, nhưng kỳ thực, dân miền Nam có ai biết, hay thấy máy chém hình dạng ra làm sao! Nếu ổng chịu áp dụng luật 10/59, cứ “cẩu đầu trảm” phụp phụp phụp,… như họ nói, thì làm gì còn thằng nào “phải phóng” dân của ổng?
Nhìn về phương Bắc, vó ngựa Thành Cát Tư Hãn đã từng san bằng cả một Trung Hoa rộng mênh mông, lan sang cả những nước khác, khiến Mông Cổ thời đó trở thành một đế quốc hùng mạnh, rộng lớn, mặt trời không bao giờ lặn trên trên xứ sở bao la, ai nghe cũng mất hồn, khiếp vía. Chiến thuật của Đại Hãn là gì? Gieo kinh hoàng: Thành nào bị vây mà không chịu đầu hàng, thì khi chiếm được, sẽ giết sạch đàn ông đàn bà, con nít, già trẻ, không chừa một mạng, kể cả chó mèo cũng giết! Những thành trì lân cận vì sợ bọn mọi Mông Cổ tàn sát hết dân lành, nên có khi đầu hàng trước khi đánh.
Sau cùng thì “bên thắng cuộc” thường là những kẻ độc ác, khát máu, dã man, tàn bạo, coi mạng người thua mạng con kiến. Trung Quốc bị Mông Cổ diệt.
Bao vây thành thị khiếp vậy, nhưng Tây và dân thành thị có chết hay không? Chúng vẫn sống hùng sống mạnh, nên lại có thêm thành ngữ “chả chết Tây nào”! Ngược lại, dân quê thì khố rách áo ôm, già trẻ trai gái đều đồng loạt biến thành “Chử Đồng Tử” hết! Chết đói thì không, vì lúa gạo, rau củ, và gia súc không thiếu. Nhưng quần áo và vật dụng xài thường ngày như cái nồi, cái chén,… nông dân làm sao sản xuất, mà cấm chợ, không đi chợ, làm sao mua? Người ta ăn bằng muổng dùa (gáo dừa khô cắt đôi dùng thay chén). Chuyện có thiệt trăm phần dầu, chớ hỏng phải bịa đặt, tuyên truyền, gạt người, như thời trước 75 đâu. Người ta phải mặc cả bố tời, loại bao bố dùng đựng lúa. Cũng là chuyện thiệt. Má tui nói có hai vợ chồng kia (tên gì, lâu quá tui quên), nghèo tới độ chỉ có một cái quần mặc chung. Hễ chồng mặc đi ra ngoài, thì vợ ở nhà làm bà Eva, sexy 100%. Bà đi thì ông làm Adam, cũng 100% mát mẻ từ đầu tới chân! Có ai ghé nhà, thì bất đắc dĩ họ phải mặc bao bố tời để che thân, vì nó ngứa ngáy lắm, mặc hoài sao chịu thấu!
Trộm cướp nổi lên đương nhiên. Kẻ trộm vẫn hay nguỵ biện: “Bần cùng sinh đạo tặc. Không trộm lấy kặt gì ăn?” Tui nói nguỵ biện, là bởi vì người xưa cũng có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, chớ không phải hễ nghèo là đi lên núi Lương Sơn Bạc hành nghề đạo tặc.
Nhà nghèo như hai vợ chồng kia thì trộm không chiếu cố, vì có kặt gì để trộm? Nhà khá một chút thì phải cẩn thận, cửa đóng then cài, và trang bị dao mác gậy gộc để phòng chống.
Má tui kể lại: hồi đó ăn trộm muốn đột nhập vô nhà, thường có hai cách. Một là đào ngạch, hai là khoét vách. Đào ngạch “thịnh hành” hơn khoét vách. Khoét vách gây tiếng động, chủ nhà dễ phát hiện. Vách lá sẽ kêu sột soạt. Vách ván thì càng khó khoét hơn. Còn ngạch cửa thì cứ đào kiểu đào đường hầm, như họ đào địa đạo Củ Chi. Đào từ từ, nhẹ nhàng, không hề gây tiếng động. Đào đến canh ba gà gáy cũng xong, và đó là thời điểm chủ nhà ngủ mê nhất, dễ đột nhập nhứt.
Ăn trộm chuyên nghiệp, chúng cũng ranh ma lắm. Khi đào xong, chúng không chui vô liền, mà chúng cầm cái nồi đất đưa vô trước. Thời đó nồi đồng, mâm thau, là báu vật, chỉ phú hộ mới sắm nổi. Nồi nhôm và nồi stainless steel (inox) chưa có. Nồi nung bằng đất rẻ mạt nên thông dụng. Nếu chủ nhà biết có kẻ đào ngạch, thì họ sẽ ngồi canh. Chờ nó ló đầu chui vào, sẽ dùng dao phơ cho một nhát, hay dùng chày nện cho một cú. Nó đưa cái nồi vào trước, cùng lắm bể cái nồi, rồi túm quần chạy thục mạng! Chỉ bể cái nồi đất, thay vì nát sọ, phun óc, hay mất luôn chỗ đội nón! Nếu nhá cái nồi đất vào mà không động tĩnh gì, chừng đó tên trộm mới đưa cái đầu thật vào và chui lên. Coi như đại công cáo thành, tha hồ gom của. Nhưng vỏ quít dày, cũng có móng tay nhọn. Chủ nhà biết mánh, nên khi nó đưa cái nồi đất vào lần đầu, cứ ngồi tỉnh bơ. Chờ cái vật đen đưa vào lần thứ hai mới ra tay, thì chắc chắn sọ cứng cỡ nào cũng nát. Chết chắc.
Thời đó, đập bể sọ hay chém lìa đầu mấy tên đào ngạch khoét vách, chẳng tù tội gì cả. Bảo vệ tài sản và người thân là chuyện chính đáng. Quân trộm cướp mới là tai ương của xã hội. Khử trừ chúng là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Tù tội gì?
* Trộm VN thời nay.
Trộm cắp, giựt dọc thời này có thể nói đã tới cực điểm, và có lẽ đã trở thành một chứng ung thư di căn, hết thuốc chữa. Coi những người Việt ra nước ngoài, từ quan chức, dân du học, cho tới dân xuất khẩu lao động, đã làm nhục quốc thể đến cỡ nào? Có ai biết chuyện ông “Đại sứ mò sò” ở Mỹ không? Quan chức cao cấp bậc nhất, đại diện cho một quốc gia mà còn đi bắt trộm sò, thì còn cái nhục nào hơn? Có ai biết con nhỏ ăn trộm làm ở đài truyền hình, ra nuớc ngoài ăn cắp, bị nhốt mấy bận, phải giả điên mới được thả về không? Còn chuyện Đại sứ vi cá mập, cũng đang dậy sóng ở Chile nữa!
Những bảng cảnh cáo việc trộm cắp viết bằng tiếng Việt, treo khắp nơi trên đất Nhựt, đất Nam Hàn, đất Đài Loan,… chắc ai cũng biết. Người biết tự trọng, có tự ái dân tộc, đọc những bảng cảnh cáo đó, chỉ muốn độn thổ, hay lấy quần trùm lên đầu cho người ta khỏi nhìn ra mình là dân Việt.
Đó là dấu chỉ một xã hội “bần cùng sinh đạo tặc”, hay dấu chỉ của một nền giáo dục băng hoại, phá sản? Ai chịu trách nhiệm? Thì những kẻ “trồng người”, trồng ra cái giống trộm cướp đó, chớ ai vô đây?
Vợ chồng tôi dự tính từ lâu, sẽ làm một chuyến du lịch Âu Châu cho biết, trước khi nằm ngay đơ cán cuốc. Tới nay cũng chưa đi được. Nói là không dám đi thì đúng hơn, vì sợ bọn khủng bố bất ngờ hét lên “Thượng Đế Alah muôn năm”, rồi ầm một tiếng bom nổ, banh xác! Cũng từng chuyển hướng muốn đi Nhựt, đi Nam Hàn, nhưng cũng thôi, vì qua đó đi đâu cũng thấy bảng cảnh cáo người Việt là lũ ăn cắp, hãy coi chừng họ,… thì vạch đất chui cũng không vạch được. Đi Trung Quốc cho biết kỳ quan Vạn Lý Trường Thành, càng không muốn. Qua đó làm giàu cho quân xâm lược à? Thôi, ở nhà cho khoẻ, khỏi sợ chết, khỏi sợ nhục, khỏi tiếp tay cho giặc.
Đọc báo bên đó, thấy trộm bi giờ “văn minh”, tiến bộ hơn ngày xửa ngày xưa ngàn lần. Thời này chúng không đào ngạch khoét vách, mà cạy cửa, cắt khoá, leo tường,… bởi vì đám nhà giàu (thường là cường hào ác bá, gian thương, COCC), nhà cao cửa rộng hơn ngày xưa dữ lắm. Toàn dinh thự năm bảy tầng, sang như cung đình, to như Nhà Trắng, xây bằng bê tông cốt sắt, nền tráng xi măng rồi lót gạch. Xe ủi dù mạnh ngàn mã lực cũng chưa chắc lay chuyển, đào cách nào? Vách xây bằng gạch, tô xi măng, chấp cả dòng dọ bọn trộm khoét tới Tết Công Gô cũng không khoét nổi!
Vô được những nhà này thì vàng bạc châu báu tha hồ hốt, đô la tha hồ gom! Mất của mà chúng không dám “đánh mõ la làng” để cầu cứu, cũng không dám báo cửa quan, và nếu có báo, thì mất trăm khai một! Trộm vậy mới đã! Giàu mau lắm! Trộm một đêm chắc bằng ba chục năm làm, chớ hỏng phải ba năm!
Thậm chí bọn trộm vặt như trộm chó cũng “văn minh” hơn xưa ngàn lần. Chúng đánh bã, dùng chích điện,… nháy mắt là con mồi nằm gọn trong tay chúng. Chúng chẳng cần rình mò chi cho mệt. Trộm công khai giữa ban ngày ban mặt. Chúng chẳng hề biết sợ trời sợ đất và sợ bất cứ ma nào. Xong phi vụ, không cần xách quần chạy thục mạng, mà nhảy lên xe dzọt cái te, mất dạng, không ai trở tay kịp.
Trộm vặt như trộm chó, cướp xe, giựt đồ, xâm nhập gia cư giết người cướp của,… tuy đã đến mức báo động, nhưng chưa phải là quốc nạn. Bọn trộm tài nguyên quốc gia, ăn cắp công quỹ hàng triệu, hàng tỷ đô mới đáng nói. Chúng đông như quân Nguyên! Tôi ăn cắp chữ nghĩa ở bển chớ hỏng phải tự phát minh đâu! Lạ một điều là người ta cũng nói, cũng la, cũng chửi bới, cho có lệ, chớ không ai dám trói chúng và đánh cho dập mật, bể phổi, nát gan, đánh tới chết, như đánh trộm chó? Cũng không ai dám trói gô chúng lại, cột bảng trước ngực, chụp hình treo trên phố, như bọn chủ siêu thị làm cho kẻ trộm vặt? Và dĩ nhiên, chúng vẫn sống hùng, sống mạnh, sống trường thọ. Chúng có “kim bài miễn tử”, nên không ai dám đụng tới cọng lông của chúng. Trộm bây giờ là một “nghề” có “môn bài” đàng hoàng!
Thời nay, trộm cướp hoành hành như chỗ không người, như ở cái xứ man di không có luật pháp! Nghe phát ớn!
2. Trộm cướp ở Mỹ.
Chắc chắn cũng sẽ có người nói: Mỹ hay ho gì, cũng trộm cướp. Báo chí, truyền hình, Face Book đăng hàng ngày. Đồng ý. Không có xứ nào không có trộm cướp. Thời VNCH trước 75 cũng có trộm cướp, hối lộ, đĩ điếm, hút sách, băng đảng,…. Tệ nạn xã hội, ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy thôi. Chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít, luật pháp có nghiêm minh hay không, và cách xử bọn chúng. Thử nhìn sơ qua luật pháp Mỹ về chuyện trộm cướp.
* Trộm siêu thị.
Ở Mỹ, trộm vặt trong siêu thị xem ra rất nhỏ, nhưng thật sự hậu quả của nó không nhỏ. Lấy đồ đem ra khỏi tiệm là trộm. Chỉ cần giấu lọ son môi nhỏ xíu ở chỗ “đồi thông hai mộ” chẳng hạn, chưa kịp đem ra khỏi tiệm, cũng đủ kết tội trộm rồi. Thời buổi high tech, máy thu hình giăng mắc như mạng nhện, nên mấy tay đạo chích rất khó hành nghề. Máy thu hình rành rành ra đó, chối cách nào cho được. Cái lý do “quên”, cho dù quên thiệt, cũng không ai tính, không ai tin, vì chuyện “nhớ trả tiền” là bổn phận, là trách nhiệm ắt có của người đi mua sắm. “Ăn bánh trả tiền”! Ăn quỵt sẽ trả giá cách khác! Đó là luật.
Shoplifting involves the taking or concealment of items being offered for sale. Depending on state law and factors including the value of items shoplifted, it may be charged as an infraction, a misdemeanor or a felony, and may result in incarceration, probation and/or a fine. (Tạm dịch: Ăn cắp trong chợ bao gồm lấy hay giấu những món hàng được bày bán. Tuỳ theo luật Tiểu Bang và giá trị món hàng bị lấy cắp, mà người ăn cắp có thể bị xử tội tiểu hình hay đại hình, và có thể bị phạt ngồi tù, quản chế hay phạt tiền, hoặc vừa quản chế vừa phạt tiền.)
Chủ tiệm không có quyền bắt trói, đánh đập, hay bất cứ hành động nào làm nhục kẻ cắp, dù kín đáo hay công khai. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì hậu quả không nhỏ chút nào. Ra toà, dù bị phạt nặng hay nhẹ, chắc chắn một điều, là lý lịch của đương sự sẽ có một “dấu chàm” đen thui thùi lùi. Dấu này dính theo người đó cho tới lúc “đi đầu thai” kiếp khác. Đi xin việc, làm bất cứ chuyện gì, người ta cứ bấm 9 con số An Sinh Xã Hội, thì cái “thẹo” đó sẽ nhảy ra cái bụp! Muốn thi vào làm Cảnh sát chẳng hạn, chỉ cái thẹo hình sự nhỏ tí tẹo vì quên, vì lỡ dại giấu chai kem hay bàn chải vào túi áo mà không trả tiền, thì coi như về chăn gà cho má.
Hình phạt này mới đáng kể! Nó đeo theo phạm nhân như bóng với hình, bất khả phân ly, đeo suốt kiếp! Xem ra rất nhẹ, nhưng coi chừng, “chữ NHẸ có dấu NẶNG” đó! Phạt vậy người ta mới sợ, mới tởn tới già!
Tôi mở ngoặc nói thêm một chút vài kiểu phạt khác của luật pháp Mỹ.
* Khi lái xe, thấy xe chỡ học sinh ngừng bên lề đường, mở đèn đỏ chớp chớp liên tục, thì người lái cả hai chiều, phải dừng lại, y như khi thấy stop sign trên đường, và phải chờ cho đến khi xe hết chớp đèn mới được chạy tiếp. Không ngừng, không chờ? Ticket $695 USD! Bảy trăm đô vì tội không ngừng! Thốn tới óc chưa!
* Còn xả rác? Coi chừng, $1000 USD đó! Bảng cảnh cáo: “1000 fine for littering” cắm đầy trên xa lộ và khắp mọi nẻo đường đời! Dám xả rác không? Thách đó!
* Bệnh “đái đường” thì sao? Có thuốc trị hông? Mấy người mắc bịnh “đái đường” ở VN, hay Ấn Độ, ngon thì sang đây “thử thời vận”, coi chú Sam “điều trị” bịnh này ra sao. Công viên nào cũng có nhà vệ sinh. Chê hôi, chê không thoải mái, chê không mát, bèn tự nhiên móc súng bắn đại xuống cỏ hay bụi cây cho đã. Có người báo cảnh sát. Cảnh sát đến hiện trường không thấy gì hết, vì súng đạn đã giấu kỹ, chiến trường cũng khô rang không còn dấu tích. Tưởng vậy là qua truông? No! No! No! Họ có dụng cụ ghim xuống đất. Chất “phóng xạ” được phóng ra từ nòng súng vẫn còn đó. Máy nó kêu beep một cái, là bị còng liền! Phạt bao nhiêu? Tuỳ Tiểu Bang và tuỳ thành phố. Ở Los Angeles, đái bậy bị phạt $1000 và đó là tội hình, có thể kèm theo 6 tháng tù giam, và dĩ nhiên bị ghi vào lý lịch hình sự suốt kiếp! Bịnh “đái đường” với loại thuốc và liều lượng như vậy, “bịnh nhân” nào cũng bình phục, và kẻ không bịnh cũng không dám bịnh!
Trở lại chuyện ăn trộm.
Bắt trộm, trói tay, mang bảng trước ngực chụp hình, niêm yết trước cửa siêu thị, như ở VN, chỉ là giải pháp tạm thời, sẽ qua đi, sẽ biến mất. Nó làm cho kẻ trộm bị sỉ nhục một thời gian, rồi huề cả làng, chẳng còn dấu vết gì! Nó làm nhục kẻ trộm là chính. Tính răn đe cho đương sự có thể có hiệu quả, nhớ đời, nhưng với những người khác, có lẽ không hiệu quả bằng việc chế tài kiểu luật pháp Mỹ.
Cũng bởi luật pháp VN không trừng trị thích đáng trộm cướp, cho nên người dân vì quá “bức xúc” mà ra tay trừng trị một cách rừng rú với bọn trộm siêu thị như vậy. Bắt, đánh đập, thậm chí giết bọn trộm chó, cũng tương tự, vì người dân quá uất hận, mà giao cho công an thì họ xử chúng như người ta “gãi ngứa”. Mới đây, tên Nguyễn Hoàng Ân ở Cần Thơ, làm bằng cấp bác sĩ giả, mở phòng mạch hành nghề tỉnh bơ, mà họ chỉ xử phạt hành chánh! Trời! Gặp Mỹ là gỡ lịch mút chỉ cà tha, vì đó là hành động giết người! Đại hình là chắc.
Tương tự, đánh ghen kiểu “đánh hội đồng”, lột quần lột áo, cạo trọc bôi vôi, trét ớt vào “tử huyệt” cho chừa thói trăng hoa, post lên mạng để bêu xấu,… ở Mỹ sẽ tù mọt gông! Đó là cách hành xử mọi rợ, vô pháp vô cương, không hề thấy ở các xứ văn minh. Người Mỹ cũng đánh ghen, nhưng họ đánh trúng thủ phạm: Đánh thằng chồng chớ không đánh tình địch. Nên nhớ: Một bàn tay không vỗ thành tiếng. Thằng chồng không mất nết, không hám của lạ, không dê đạo lộ, không trác táng, thì dù “con hồ ly tinh” có dạng hai chân mời mọc cũng vô hiệu! Cắt cái cẳng số ba của “kẻ chủ mưu” quăng cho chó tha, quạ đớp? Cắt xong cột vô bong bóng bay, thả lên trời xanh biệt dạng? Cắt xong bỏ vào cối quay sinh tố, chỉnh sang high speed, ấn nút nhẹ một cái, tất cả tan thành nước? Yes! They did all of those! Năm 1993, John Wayne Bobbitt là tên chồng hảo ngọt đầu tiên, bị bà vợ Lorena ra tay cắt cái bửu bối đó quăng trên freeway. May mà người ta tìm được và lấy keo dán lại cho anh ta xài đỡ, không thì “tàn đời trai” vì cái thói mèo mỡ gà đồng! Trả thù đời kiểu trên đây, cũng vô tù, nhưng ít nhất là các bà vợ ghen tuông đó đánh trúng người, trúng thủ phạm, chớ không có ngu muội và tàn ác như đàn bà VN!
Luật Mỹ không cho phép hành xử như VN. Kẻ trộm sẽ thưa ngược lại tội giam giữ người trái phép, tội gây thương tích, tội xâm phạm nhân phẫm con người, gây thiệt hại tinh thần,… Đền tới tán gia bại sản, tới sập tiệm và tù tội nữa.
Người Mỹ văn minh, ý thức, là do giáo dục học đường, là nhờ giáo dục gia đình, học đuờng, và cũng một phần là do luật lệ nghiêm minh. Dần dà họ thành thói quen, chớ không phải trong bụng mẹ chui ra là thành người văn minh đâu. Tôi không tin “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Thiện phải do giáo dục.
* Đột nhập gia cư.
Hoàn toàn khác với tội trộm vặt siêu thị vì nó nguy hại đến an nguy, tính mạng của nạn nhân. Tội đại hình (felony)! Trộm/cướp có vũ khí hay không, ở nơi công cộng hay đột nhập gia cư, coi chừng ăn kẹo đồng, vì người Mỹ sở hữu súng rất đông, và họ sẵn sàng nhả đạn để bảo vệ tài sản, bảo vệ chính họ, và gia đình của họ. Luật pháp bảo vệ người dùng súng để tự vệ trong trường hợp này.
Đột nhập gia cư, chủ nhà có quyền bắn, dù kẻ trộm/cướp có vũ khí hay tay không. Toà sẽ không hỏi chủ nhà cái câu lảng xẹt: “Trước khi bóp cò, ông/bà có chắc là kẻ đột nhập có vũ khí, có nguy cơ sẽ làm hại đến ông/bà hay không, mà ông/bà bắn nó?” Người ngu cũng biết rằng, đâu có ai quởn và đủ bình tĩnh để “phỏng vấn” kẻ gian, xem nó có vũ khí hay không, trước khi nổ súng? Nó không cầm súng hay dao mác trong tay, cũng không có nghĩa là nó không giấu trong người? Chờ nó móc súng ra mình mới có quyền bắn nó à? No way! Nó có võ, hay nó bắn nhanh như John Wayne trong phim cao bồi, thì mình chết trước!
Nó đột nhập vô nhà mình, thì nó là kẻ xấu đáng bị trừ khử. Nó có vũ khí hay không, không cần biết. Thường thì chúng ít khi nào tay không dám đột nhập gia cư. Nó đột nhập vô nhà mình, chắc chắn cũng không phải vào để chơi, để thăm nom mình. Không giết người cướp của, thì cũng bắt cóc, hiếp dâm,… Tóm lại, xâm nhập gia cư là đại hình, và người chủ nhà vì tự vệ, vì bảo vệ gia đình và người thân, có quyền bắn xả láng, mà không sợ luật pháp kết tội.
Tương tự, ở VN, nếu trộm/cướp đột nhập vô tư gia hay cơ sở kinh doanh, chủ có chém chết nó, cũng giống như dân Mỹ dùng súng để bắn mà thôi. Tình huống giống nhau, chỉ khác vũ khí được dùng để tự vệ. Cho nên xử nhốt tù người chém ăn trộm, chỉ VN mới làm vậy.
Mở ngoặc nói thêm: Khi bắn, phải bắn từ phía trước. Bắn từ phía sau là thua! Toà sẽ nói rằng: “Nhà ngươi cố sát! Nó đã sợ, đã bỏ chạy, đâu còn đe doạ đến tính mạng nhà ngươi mà phải giết nó?” Thêm chút nữa: Một khi đã khống chế được kẻ trộm, chủ nhà không có thể tự tiện tra khảo, mà phải giao cho cảnh sát xử lý. Không thể trói nó lại rồi trấn nước, tùng xẻo, cắt lưỡi, lột da,… kiểu đánh trộm chó ở VN! Tù mọt gông!
Có nhiều người lập luận rằng: Cái đứa ăn cắp của công hàng triệu, hàng tỷ tỷ đô, thì vẫn an nhiên tự tại, còn được tôn phong là “đại gia”, là kẻ thành đạt, trong khi một đứa trẻ vì đói mà ăn cắp vài ổ bánh mì thì bị tù, là không trúng. Tôi không đồng ý lập luận đó. Trộm cướp là tội. Không phải vì người khác ăn cắp nhiều hơn thì kẻ ăn cắp ít không có tội. Không phải không bắt và không xử kẻ ăn cắp nhiều, thì kẻ ăn cắp ít không có tội. Tội vẫn là tội và phải bị chế tài theo luật định. Cho nên ăn cắp một thỏi son, một chai kem, một bàn chải đánh răng ở siêu thị Mỹ, vẫn bị luật pháp trừng trị thích đáng, dù trị giá vật mất cắp không lớn, thiệt hại siêu thị không nhiều.
Bọn sâu dân mọt nước, làm tổn hại đến đất nước, đến an nguy của dân tộc, phải đền tội thích đáng. Làm sao để những kẻ đại gian đại ác đó phải đền tội, là chuyện nên làm, cần làm, và phải làm. Muốn vậy, phải thay đổi luật lệ, dẹp hết những “kim bài miễn tử”, phá bỏ hết những bao che bất công. Luật lệ phải công minh, áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt dân hay quan. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không có ai được đứng trên pháp luật, ngoài pháp luật. Ngồi đó kêu ca, than vãn, so đo chuyện xử tội ăn cắp bánh mì,… chỉ là thấy cái ngọn mà không thấy cái gốc cần bứng!
Ở Mỹ, đột nhập vào gia cư, cướp cơ sở thương mại, bị ăn đạn là thường và cũng không ai bênh hay thương tiếc. Người bắn kẻ cướp còn được tuyên dương chớ không bị phiền hà với pháp luật. Luật pháp sẽ xử tù những tên cướp xấu xa đó không khoan nhượng, bất kể họ là ai, con ai, cháu ai, giai cấp nào.
Ở các nước văn minh, dù là Tổng Thống, Thống Đốc Tiểu Bang, Nghị sĩ, Dân biểu, cảnh sát, luật sư, quan toà,… tất cả đều vô tù gỡ lịch khi phạm pháp. Bà Tổng Thống Nam Hàn đang ngồi tù là chuyện có thật cả thế giới đều biết.
Bất kể người ta ca ngợi, tung hô, quảng cáo về sự giàu có, cảnh đẹp, cơ hội làm ăn,… tới cỡ nào của một đất nước, tôi cũng bỏ ngoài tai. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đối với tôi, đó mới thật sự là một đất nước văn minh, an bình, đáng sống.
Peter C. Tran