ÁI VŨ, NỮ CHỦ NHÂN HÃNG MÁY BAY Ở HAWAII VÀ NHỮNG CHUYẾN BAY CỦA CUỘC ĐỜI (Đoan Trang/NguoiViet)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

HONOLULU, Hawaii (NV) – Cũng như bao phụ nữ Việt bình thường khác trên đất Mỹ, nhưng cuộc sống của Ái Vũ, người mẹ trẻ đang sinh sống và làm việc ở Honolulu, Hawaii không chỉ tất bật, bươn chải kiểu… bình thường. Cô đang là chủ nhân của hàng chục chiếc phi cơ dân dụng, quản lý một công ty chuyên sửa chữa máy bay, dạy lái máy bay, làm dịch vụ bay du lịch trên quần đảo Hawaii,… Và, quan trọng hơn, cô một là bà mẹ độc thân, một mình chăm sóc ba đứa con thơ đang “tuổi ăn, tuổi lớn.”

Ái Vũ, chủ công ty Flying Mermaid, LLC. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Một ngày của “bà chủ hãng máy bay” 

“Alo Shawn, hôm nay có chuyến qua Hino, em chuẩn bị bay nhe!” “Hi John, chiếc máy bay sửa xong rồi, anh tới lấy đi.” Đó chỉ là một vài trong hàng mấy chục “cú điện thoại” mà Ái Vũ phải gọi và nghe mỗi ngày.

Một ngày của Ái Vũ không chỉ bận rộn chuyện đưa đón, dạy học, ăn uống cho ba đứa con trai nhỏ, mà còn “quay cuồng” trong việc điều hành một công ty tư nhân hoạt động trên quần đảo Hawaii.

Ái Vũ là chủ công ty Flying Mermaid, LLC. chỉ mới thành lập cách đây sáu năm, chuyên sửa máy bay, bán máy bay và làm dịch vụ đưa và hướng dẫn du khách đi thăm các đảo trên quần đảo Hawaii.

Ái tự hào, mình là “phụ nữ Việt đẹp nhất” của công ty. Cô không có đối thủ, vì toàn bộ nhân viên trong công ty, từ phi công, thợ sửa chữa, đến giáo viên dạy lái máy bay,… đều là đàn ông, và không phải người Việt.

Ái Vũ, chủ công ty Flying Mermaid, LLC. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Mang tiếng” là chủ, nhưng Ái làm tất tần tật mọi công việc, từ giấy tờ, dọn dẹp, lượm rác, rửa máy bay. Những người mới vô công ty, không ai biết Ái là ai, chỉ thấy có một phụ nữ nhỏ nhắn nhưng thoăn thoắt làm việc, chẳng ngưng tay ngưng chân.

Ái tận tụy với công việc, lạc quan với tình hình khó khăn suốt thời đại dịch COVID-19 cho dù du khách bay sang Hawaii giảm đáng kể, và chu toàn nhiệm vụ của một người mẹ độc thân. Tình hình dịch bệnh ở Hawaii không còn “căng thẳng” như trước, Ái lăng xăng, tất bật trở lại.

Chuông điện thoại của Ái hoạt động ở mức tối đa mỗi ngày, vì ngoài công việc, còn là những cuộc gọi của ba cậu con trai: Kobe, 8 tuổi; Stephen, 6 tuổi và Thierry, 4 tuổi. Dù có mẹ ruột ở cùng, nhưng hở ra một chút rảnh rỗi, Ái lại chạy về với con, đưa con đi chơi, tắm biển, nhắc nhở con chuyện học hành, cho con ăn,…

Sau mỗi chuyến bay, cô chủ Ái Vũ đều phụ phi công đem hành lý của khách xuống. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cô nói chuyện nhiều với con bằng tiếng Việt, để chúng có thể trò chuyện với ông bà ngoại, và không được quên tiếng mẹ đẻ. Chỉ có buổi tối là Ái thảnh thơi nhất, nhưng phải sau khi đưa các con lên giường và các bé đã yên giấc ngủ.

(*) Xem thêm video: Nữ phi công gốc Việt và chương trình huấn luyện phi công chỉ trong 6 tháng

 

Tất bật trên bờ và bay… như chim 

Nhìn làn da sạm đi vì nắng gió của người phụ nữ 35 tuổi, có thể đoán được cô “tung hoành” ngược xuôi trên đảo Hawaii này mỗi ngày như thế nào.

Hawaii nằm trên thềm một giải núi lửa gồm cả trăm đảo nhỏ chiếm một diện tích trải rộng cả 1,500 dặm vuông, nhưng chỉ có chừng 10 đảo lớn là có người cư ngụ. Trong đó tám đảo chính là Niihau, Kauai, O’ahu, Molokai, Lanai, Kahoolawe, Maui và Hawaii. Hawaii là đảo lớn nhất và thường được gọi là “Big Island” để tránh trùng tên với tiểu bang Hawaii.

Muốn đi chuyển từ đảo này sang đảo kia, trước đây còn là tàu thuyền, nhưng từ ngày Hawaii không còn phà nữa, máy bay trở thành phương tiện di chuyển chính.

“Khi dịch vụ bay phát triển, nhiều người thích bay với Ái, vì không phải phải ra phi trường trước cả hai tiếng đồng hồ để làm thủ tục check-in hay kiểm tra an ninh và ngồi chờ,” Ái nói. “Tới chỗ tụi mình là bay thẳng luôn. Khi nào muốn về thì gọi, mình cho người qua đón. Có người muốn mua một loại trái cây tươi bên Big Island, bay và về với phi cơ Ái chỉ mất chưa đầy hai tiếng.”

Hiện nay, cô làm chủ 10 chiếc máy bay dân dụng bốn ghế ngồi loại Robinson R-44 Piper cherokee, Cessna 150 Piper cherokee, và Cessna 172.

Ái Vũ đang trò chuyện cùng phi công trẻ Shawn, 25 tuổi, sau một chuyến bay. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Máy bay cũng như xe cộ, tàu thuyền, lỡ hư thì sao? “Hư lúc nào, sửa liền lúc đó, tụi mình có xưởng sửa chữa và bảy thợ sửa máy, và có cả máy bay để… bán,” Ái cho biết.

Xưởng sửa chữa máy bay của công ty cô nằm ở Honolulu, trên đảo O’ahu và một điểm sửa chữa trong đất liền, thuộc thành phố Torrance, California.

Ở Hawaii rất khó kiếm máy bay tư nhân. Kiếm được chiếc nào là khách mua liền. Nhưng muốn lái máy bay, phải có bằng, và không phải máy bay nào mua về là có thể “leo lên lái” như chiếc xe hơi, mà phải sửa sang lại.

Khách muốn mua sẽ được kỹ sư trong công ty tư vấn và làm hết giấy tờ. Nhưng nặng nhất là tiền bảo hiểm. Và vì Hawaii không có nhiều hãng bảo hiểm để lựa chọn, nên nhiều người có bằng lái máy bay, thích thuê hơn mua. Một phần mua về phải bỏ tiền sửa thêm. Đó là lý do dịch vụ cho thuê máy bay của cô chủ 35 tuổi khá đắt khách.

Bốn mẹ con Ái Vũ. (Hình: Ái Vũ cung cấp)

Là chủ, nhưng nếu cần, Ái vẫn bay và làm hướng dẫn viên cho khách du lịch. Ái nói mình “bay như chim” từ đảo này sang đảo khác, lúc cùng với hành khách, khi kiểm tra máy bay hư cần phải sửa. Mỗi lần đi đâu, Ái không bao giờ quên những người làm việc cho mình.

Ở tiệm bán bánh mochi trên đảo Maui, cô chịu khó xếp hàng dài mua gần chục hộp bánh. Hỏi mua cho ai mà dữ vậy, Ái chỉ nói “Nhiều người thích ăn bánh này lắm. Cứ có dịp bay qua đây là mình lại mua đem về.” “Nhiều người” của Ái, là phi công, nhân viên sửa máy bay, nhân viên bảo hành máy bay.

Một lần, chuông điện thoại reo lên, Ái hỏi: “Hi chú Joe, có chuyện gì vậy chú?” Qua câu chuyện, mới biết Ái vừa bị một người… than phiền là có phi cơ của công ty bay ngang qua khu dân cư.

Nói chuyện xong, Ái kể chi tiết: “Ông Joe nhắc là không được để phi công bay qua khu dân cư, mà chỉ bay qua biển thôi.” Ông Joe chỉ là người dân bình thường, có cài đặt app Flight Radar. Nhìn vào app là thấy có máy bay nào đang bay, chiếc nào sắp đáp, máy bay đó của ai.

Bốn mẹ con Ái Vũ. (Hình: Ái Vũ cung cấp)

“Mấy năm trước có một nữ phi công dù đã bay được 200 giờ, không hiểu sao đang lái thì máy bay rớt, cô ấy không sao, nhưng có hai người bị thương nặng. Một lần khác có chiếc máy bay rơi xuống ngay Chinatown. Ông Joe biết chuyện, nên cứ thấy máy bay là mắng vốn. Mình bị ông gọi mấy lần rồi, nên nhớ số của ông,” Ái cười, nói. “Cứ giả lả xin lỗi ông thôi, chứ cũng phải bay qua khu dân cư, rồi mới ra biển được chứ!”

Chỉ trên app, Ái nói: “Nè, đây là chiếc máy bay của Air Cargo, bay từ O’ahu vừa đáp xuống, còn chiếc kia là Boing 737 đang bay từ San Francisco tới.” Thậm chí, Ái còn rành từng chiếc máy bay của các hãng khác, chiếc nào bay tốt, chiếc nào từng… bị rớt.

Duyên trời định và những chuyến bay miễn phí 

Trường dạy lái máy bay của công ty mang tên Lani Lea Flight Scholl. Theo Ái, người đam mê bầu trời, chỉ cần học 40 giờ đủ để lấy chứng chỉ và được bay một mình. Từ ngày đại dịch, trường đóng cửa, những người dạy lái thất nghiệp vì không có học viên. Ái đang chờ dịch bệnh qua mau để có thể mở lại lớp. Sinh viên trẻ, thợ mới ra nghề cũng được ký hợp đồng cùng với Flight Mermaid, để sửa máy bay, được bay khắp nơi, và học thêm để trở thành phi công thực thụ.

Ái Vũ trong một chuyến bay. (Hình: Ái Vũ cung cấp)

Sự nghiệp của cô cựu sinh viên University of California, Los Angeles (UCLA) khá suôn sẻ, nhưng đường tình duyên lại hơi lận đận. Ái lấy chồng năm 18 tuổi, và nhanh chóng chia tay với cuộc hôn nhân đầu đời. Vài năm sau, Ái lập gia đình với người chồng thứ hai, một quân nhân Hoa Kỳ, và có ba mặt con.

“Có lẽ là cái duyên, vì lúc lấy chồng là khi tôi đang làm cho hãng hàng không EVA Air, sau đó là Cathay Pacific. Còn bây giờ, con cái đùm đề, tôi lại ‘dính’ với những chiếc phi cơ này.”

Để giữ được sức khỏe mà “vật lộn” với cuộc sống, trước đây khi chưa có con Ái thường chạy bộ marathon cự ly dài. Khi đã là “má sắp nhỏ” Ái thường đưa các con ra biển, hoặc leo bộ lên núi hàng tuần, để mẹ và con cùng khỏe.

Ái làm chủ hàng chục chiếc máy bay, trong đó có hai chiếc helicopter có giá năm, sáu trăm ngàn đôla một chiếc. Số tiền phải đóng bảo hiểm hàng năm rất lớn, nhưng Ái nói, cô có thể xoay xở được. Không những thế, từ hai năm qua, trong thời đại dịch khó khăn và căng thẳng, nhưng cô vẫn tự nguyện tham gia chương trình Angel Flight. Đây là chương trình bay miễn phí đưa bệnh nhân mắc bệnh ung thư đi khám, chữa bệnh, hoặc trường hợp cấp cứu cần đưa tới bệnh viên lớn.

“Những người này, cuộc sống của họ không còn bao nhiêu, còn người cấp cứu thì tính bằng giây, bằng phút, nên giúp họ bay miễn phí, thấy họ bớt được chi phí, là tôi vui rồi,” Ái tâm sự.

Ái Vũ và người thợ sửa máy bay tại một xưởng sửa chữa của công ty ở Hawaii. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Dù đang nắm giữ khối tài sản bạc triệu, nhưng với Ái, ba đứa con là của cải vô giá, không gì đánh đổi, không gì thay thế. Cô không muốn ai gọi mình là “bà chủ” hay “giám đốc” gì cả. Bất cứ ai mới quen, chưa biết, hỏi Ái làm nghề gì, cô đều trả lời rất nhanh: “Dạ, em làm mẹ.”

Với Ái, con là tất cả, cùng đồng hành với cô trên những “chuyến bay” của cuộc đời còn bao thử thách, nhưng mang đầy hơi thở ấm áp của mùa Xuân, tựa như những vần thơ làm xao động lòng người:

Cho con dòng sữa ngọt đường
Mẹ là ánh sáng vầng dương diệu kỳ
Xua đêm tăm tối qua đi
Mang mùa xuân đến thầm thì bên con.

[kn]