Đôi lời: 40 năm sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, mà người dân vẫn nghèo là vì lãnh đạo ăn của dân không chừa thứ gì. Làm sao dân có thể ngóc đầu lên nổi khi chúng “Ăn của dân không từ một chỗ nào, từ tiền BHYT của thương binh. Cháu nghèo trường dân tộc cũng bị hiệu trưởng, ban giám hiệu ‘ăn’ gần 3 tỉ đồng. Đến liều vắc-xin con con cũng ăn của các cháu!” 40 năm sau chiến tranh, người dân vẫn nghèo, 80 năm sau chiến tranh, có thể người dân chuyển từ nghèo thành… mạt!
Sau 40 năm nước nhà hòa bình thống nhất, vì sao dân ta vẫn nghèo?! Câu hỏi nầy làm day dứt trong lòng những ai thực sự yêu nước thương dân! Các nhà báo, nhà trí thức tâm huyết tốn nhiều công sức, giấy mực phản ánh thực trạng đáng buồn này, những mong chia sẻ nổi khốn khổ với người dân, đánh động nhà cầm quyền và dư luận xã hội xé toạc lớp vỏ hào nhoáng nhà cao cửa rộng, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” nơi phố thị, để nhìn thấu đáo sự thật cuộc sống bần cùng của lớp dân nghèo dưới đáy xã hội!
Tôi vừa đọc bài Phát triển bộ comlê của Tuấn Khanh trên báo Thế giới Tiếp thị ngày 12 – 18/11/2015, cám ơn Tuấn Khanh viết thay tôi và bao người về thực trạng đói nghèo của dân ta! Anh viết:
“… Không khác gì chuyện ở Ethiopia hay Somali, Việt Nam đã có những gia đình khốn khó đến mức mẹ cha tự vẫn, để không là gánh nặng của gia đình. Đất nước được bảng bình chọn nào đó, gọi là hạnh phúc nhất cũng có em bé đi học về, đói đến mức xỉu, té xuống sông mà chết. Những người hàng xóm của bé Phạm Thị Nhung (Hà Tĩnh) nói rằng đám tang của em, gia đình nghèo đến mức không có được một bữa cúng cho đàng hoàng. Lục lọi cả nhà, thật nghẹn ngào khi không tìm thấy có món nào đáng giá 10 ngàn đồng để bán, mua đồ cúng cho em.“…
“Trên các website của chính quyền địa phương, thành tựu giải quyết đói nghèo, không còn hộ nghèo… vẫn được đưa lên. Nhưng đau thay hiện thực không hoàn toàn là như vậy. Để được công nhận là hoàn thành chỉ tiêu xóa nghèo, chính quyền địa phương nhiều nơi đã ép dân không được nghèo, bất chấp hoàn cảnh. Không phải không lý do mà từng có chuyện người trong làng ở Tam Nông, Phú Thọ hạ sát trưởng bản vì thấy mình không được xét hộ nghèo. Cái nghèo làm con người Việt Nam tuyệt vọng…, khiến người cha thấy gia đình mình ở Tây Ninh không sống nổi, nên đã nổi lửa thiêu chết mình và 3 đứa con.
Đoạn cuối bài báo, Tuấn Khanh viết:
“Bộ com-lê của các nhà lãnh đạo, các quan chức ngày càng hợp thời trang, càng đắt tiền nhưng che lấp khốn cùng của nhân dân, chỉ nuôi dưỡng ngọn lửa âm ỉ của giận dữ và tuyệt vọng, sẽ thiêu cháy lớp vỏ đẹp đẽ đó bất kỳ lúc nào…
Là nước thuần nông đa số nông dân nghèo, lại hứng chịu liên miên các cuộc chiến tranh tàn phá suốt 30 năm. Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước năm 1975, nhà cầm quyền chế độ mới theo đuổi “ý thức hệ cộng sản”, đề ra những chánh sách vô nhân tiếp tục tàn phá đất nước tan hoang, đến năm 1986 mới sực tỉnh cơn mê đề ra đường lối “đổi mới” cứu nguy sự sụp đổ chế độ! Đến nay, sau 30 năm “đổi mới”, đất nước dẫu khoát trên mình bộ mặt mới, cuộc sống người dân có dể chịu hơn…! Thế nhưng, nhà cầm quyền vẫn chưa thoát ra “cơn mê cộng sản”, với đường lối “đổi mới” nữa vời kềm hãm sự phát triển của đất nước, sự phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng trong đời sống xã hội diển ra ngày càng gay gắt, người giàu ngày càng giàu hơn, người nghèo ít có cơ hội thoát nghèo! Phải chăng đó là căn nguyên tình trạng nghèo đói của một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay? Đại hội XII của Đảng sắp đến, người dân mong chờ có những quyết sách mới, nhân sự mới khả dĩ làm biến đổi thực trạng đất nước, giải quyết tình trạng đói nghèo của người dân. Nếu không, thực trạng đau buồn nầy sẽ tiếp diển chưa biết đến bao giờ! Bởi lẽ một sự thật trần trụi, người cộng sản cầm quyền đương thời vô cãm trước nỗi khổ đau của người dân nghèo, việc chăm lo cải thiện đời sống của họ được chăng hay chớ, không phải ưu tiên hàng đầu trong chánh sách quản trị quốc gia! Để thực hiện thể chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” họ vung tay đổ tiền của vô tội vạ vào những tập đoàn kinh tế nhà nước, làm giàu những kẻ cầm đầu bất tài ăn hại, như vụ án Vinashin, Vinalines trước đây không lâu; hay hội chứng đua nhau xây tượng đài, trụ sở hoành tráng ngày nay mặc cho người dân nghèo đói, ngân sách quốc gia cạn kiệt là những minh chứng không thể chối cãi!
Tôi lấy làm xấu hổ khi nhìn thấy hình ảnh cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sống như ông hoàng trong ngôi nhà như cung điện, cùng cô vợ mới xinh như mộng! Năm rồi tôi đi thăm mấy người bạn cũ nguyên lãnh đạo tỉnh bạn cùng thời với tôi, bọn tôi lâu ngày gặp nhau hàn huyên tâm sự chuyện dân, chuyện nước, anh bạn tôi nhắc đến ông Nông Đức Mạnh nói có vẽ bực bội: “Ổng phải biết ổng là ai chứ, đường đường từng là tổng bí thư đứng đầu Đảng và 90 triệu dân mà sống như vậy coi sao được…!”. Ôi! Đâu chỉ có ông Nông Đức Mạnh, còn nhiều, nhiều lắm cán bộ, viên chức đương nhiệm hay về vườn có cuộc sống cách xa vời vợi người dân bình thường, nhưng có mấy ai nghĩ đến cuộc sống bần cùng của người dân nghèo!
Nước ta người giàu mới nổi tăng khá nhanh. Theo quan sát của tôi, không phải ai cũng làm giàu chân chính và người rộng lòng mở hầu bao cứu giúp người nghèo qua các hoạt động xã hội – từ thiện không nhiều, đến nỗi động lòng trắc ẩn giáo sư Trần Hữu Dũng – Chủ nhân trang Viet-studies, ông viết trong bài “Thư gởi đại gia” hôm đầu năm có đoạn: “… Đã có một tài sản khổng lồ… ông/bà nên nghĩ nhiều hơn đến việc san sẻ với người khác, cho những thế hệ mai sau. Tôi nghĩ rằng ông/bà không khỏi đau đáu nhìn đồng bào mình còn quá nghèo. Tôi hi vọng ông/bà không chai đá đến nỗi khi thấy những người lam lũ ngoài đường thì ông/bà không chút gì thương cảm, hoặc tệ hơn nữa, cho rằng sở dĩ họ nghèo khổ như vậy hoàn toàn là lỗi của họ…”
Một đêm buồn, 16/11/2015
Đặng Kiên Trung