Thư Cho Con
Ngày 15 tháng 11 năm 2015
H,
Vào tháng 7 năm 2013, trong chuyến đi Mỹ, Trương Tấn Sang đã chính thức mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và đã được Tổng thống Obama nhận lời. Đúng hai năm sau, vào tháng 7 năm 2015, Nguyễn Phú Trọng lại chính thức ngỏ lời mời Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam và cũng được Tổng thống Obama hứa sẽ sang Việt Nam vào một thời điểm thích hợp, dự trù vào tháng 11, nhân chuyến công du châu Á, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Manila, và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Kuala Lumpur. Do vậy, cả báo chí Mỹ và Việt Nam đều dự đoán Tổng thống Obama sẽ tới Việt Nam trong chuyến công du châu Á trong tháng 11, nhằm đánh dấu dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam.
Trong khi đó, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề chính trị, pháp luật và an ninh của Indonesia, cho biết nước ông có thể trở thành quốc gia thứ nhì trong khu vực kiện Trung Quốc, vì yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, nếu Bắc Kinh và Jakarta không thể giải quyết vụ tranh chấp lãnh thổ này, thông qua đối thoại. Nó khiến Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phải nói “Bắc Kinh không phản đối đòi hỏi chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna”; đồng thời cho biết “Indonesia không có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa và cho là lãnh thổ của mình”.
Mặt khác, tin từ Nguyễn Thùy Trang cũng cho biết “Ngày 29/10/2015, Việt Nam đề nghị Hải Quân Nhật đóng quân tại vịnh Cam Ranh và ngày 1/11/2015 Quốc Phòng Nhật họp khẩn để trả lời đề nghị của Việt Nam”.
Mặc dầu, đây có thể chỉ là một “đòn nhá” thể hiện cái là “mánh” của VC giả đò đề nghị để đánh lừa dư luận là chúng tìm cách “thoát Trung”… Nhưng, dầu sao, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cấp tốc tiến hành chuyến viếng thăm Việt Nam như dự định, để điểm danh Thái Thú CSVN, thu xếp các tranh chấp nội bộ của chúng; đồng thời cung cấp các đặc quyền cho các nhóm “lợi ích”, các kẻ trung thành, chiêu dụ lãnh đạo CS Việt Nam triệt để phá thế cờ “Thoát Trung và xích lại gần Tây Phương”, khi đang có sức ép khá mạnh trong giới trí thức, tuổi trẻ và toàn dân Việt Nam, đòi lãnh đạo Việt Nam phải tận dụng thời cơ để “xoay trục”, đưa đất nước đi vào hướng dân chủ thật sự; và chỉ đạo CSVN tiến hành đại hội sao cho phù hợp với Bắc Kinh…
Từ đó, Bắc Kinh công bố cuộc viếng thăm VN trong 2 ngày 5 và 6-11-2015, nói là theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Nhưng, trước khi Tập Cận Bình đến VN, có dư luận cho rằng Nhà Nước CSVN, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tấn Dũng, đã “bật đèn xanh” cho dân biểu tình chống họ Tập, qua những lời nhắn được phổ biến dồn dập trên các facebook, hẹn cả ngày giờ và địa điểm, ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, để mọi người đều ngầm hiểu phải ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng, vì nghĩ rằng hắn chống Tàu. Nó cũng khiến giới trí thức trong nước phần nào đã kêu gọi nhau đứng sau lưng Nguyễn Tấn Dũng, để hắn thay đổi VN “từ từ”, vì thay đổi mau lẹ sẽ gây ra rối loạn, làm mồi cho Trung Quốc xâm chiếm…; một thứ chiêu bài hòa hợp hòa giải, vừa xoa dịu, vừa làm tăng lòng tin của giới trí thức đấu tranh trong nước và hải ngoại đối với Nguyễn Tấn Dũng.
Theo đó, vào ngày 5 tháng 11 mọi người tập trung biểu tình để đưa ra thông điệp yêu cầu Trung Quốc:
§ Tôn trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông;
§ Chấm dứt hành động bắn giết ngư dân Việt Nam;
§ Nhà cầm quyền Trung Quốc phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế;
Biểu tình sẽ diễn ra từ 9 giờ sáng trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn.
Cũng được biết thêm là trước đó, vào các ngày 2, 3 và 4 tháng 11, tại Hà Nội, một số nhà hoạt động đã xuống đường mang theo biểu ngữ phản đối chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình, theo thông báo sẽ diễn ra trong hai ngày 5 và 6 tháng 11. Đồng thời, tại Hà Nội, cuộc mít tinh – hội thảo vể “Lịch sử Chủ quyền Biển đảo Việt Nam”, vào sáng ngày 4 tháng 11, của 3 đơn vị gồm Chương trình Minh Triết Làm chủ Biển Đông, Viện Nghiên Cứu Văn Hóa Biển, Viện Nghiên cứu Lý Luận và Phát Triển, cũng được tiến hành.
Nhưng, đến ngày 5/11/2015, ngày Tập Cận Bình đến VN, tại cả 2 thành phố lớn Sài Gòn và Hà Nội đồng loạt diễn ra các cuộc biểu tình qui mô như dự trù đãbị đàn áp dã man, tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Lãnh sự quán nước này tại Sài Gòn.
Mặc dù rất khó khăn khi tới gần khu vực đã định trước, nhưng những nhóm người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn bằng nhiều cách tập hợp được lực lượng và giương cao các biểu ngữ phản đối. Ngay lập tức lực lượng công an và dân phòng ra tay đàn áp. Nhiều người bị bắt về các đồn công an, một số bị đánh đập, gây thương tích.
Ông Trần Bang, cựu sỹ quan bộ đội VC, từng tham gia cuộc chiến biên giới chống Tàu cộng xâm lăng năm 1979, nay bị côn đồ giả dạng đánh đổ máu ngay giữa trung tâm Sài Gòn [xem hình; dù đã bị đánh đổ máu, công an vẫn bắt ông Trần Bang đưa đi giam giữ. Do bị mất nhiều máu, ông đã ngất xỉu; phải đến 5 tiếng sau, CA mới để gia đình đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Ảnh: Facebook Nguyen Huu] vì tham gia biểu tình phản đối Tập Cận Bình. Trao đổi với CTV Danlambao sau khi đã hồi tỉnh, ông Bang cho biết bản thân ông rất căm phẫn khi chứng kiến cảnh công an đàn áp những người biểu tình ôn hoà, thậm chí đánh đập cả phụ nữ. Theo ông, máu của những người dân Việt Nam yêu nước đã bị đem nhuộm làm thảm đỏ để tiếp đón Tập Cận Bình. Dù vết thương trên trán vẫn còn đang rỉ máu, ông Trần Bang khẳng định sẽ chắc chắn tham gia vào các cuộc biểu tình tương tự trong tương lai. Ông nói: “Tôi đã từng ở trên chốt [biên giới], đối chọi với cái chết, và tôi cũng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc.” Nhiều người khác đã bị hành hung và bị bắt về đồn. Ít nhất 40 người đã bị CA đánh đập thô bạo và bắt giam.
Cho đến khuya cùng ngày, một số người đã ra khỏi đồn CA. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trên 15 người biểu tình vẫn tiếp tục bị giam giữ qua đêm. Danh sách những nhà hoạt động còn bị CA bắt giam trái phép gồm có: Dương Đại Triều Lâm, Nguyễn Nữ Phương Dung, Đinh Nhật Uy, Trần Bùi Trung, Nguyễn Thị Bích Ngà, Nguyễn Hữu Tình, Huỳnh Thành Phát, Nguyễn Lân Thắng, Đỗ Tửng, Nguyễn Tấn Thành, Bạch Huỳnh Hải Linh, Nguyễn Hữu, Nguyễn Quốc An, Hoàng Bình… Mọi người bị tách riêng và đưa đi giam giữ tại các đồn CA khác nhau, chủ yếu quanh khu vực quận 3, Sài Gòn. Trong số này, rất nhiều người bị đánh gây thương tích. Thân nhân, bạn bè đã trực tiếp đến các trụ sở CA để yểm trợ tinh thần cho những người bị bắt.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên hay tin con mình là Đinh Nhật Uy bị bắt, đã vội đến trụ sở CA phường 3, quận 3, yêu cầu thả người. Do phải chờ quá lâu, bà vừa nằm xuống ghế cho đỡ mỏi lưng thì liền bị CA đuổi ra ngoài [Hình ảnh phổ biến trên facebook cho thấy, giữa đêm khuya, người mẹ già của Đinh Nhật Uy đã phải nằm ngay dưới vỉa hè, trước trụ sở CA để chờ tin con mình].
Đến trưa ngày 6/11/2015, sau khi Tập Cận Bình hoàn tất bài phát biểu trước quốc hội CSVN, những người bị bắt trước đó dần dần ra khỏi đồn CA. Trong số này, cô Nguyễn Thị Bích Ngà là người cuối cùng ra khỏi đồn CA vào lúc 14 giờ chiều cùng ngày. Riêng Nguyễn Nữ Phương Dung, một cô gái trẻ tại Sài Gòn, bị CA phường 6, quận 3, lập biên bản cáo buộc tội danh “gây rối trật tự công cộng”, với mức xử phạt là 750 ngàn đồng. Tất cả đều bị giam giữ trên 24 tiếng trong tình trạng mệt mỏi với nhiều vết thương trên người. Được biết, một số sinh viên tham gia cuộc biểu tình sáng 5/11/2015 hiện cũng đang bị công an và nhà trường đe doạ và gây khó dễ.
Nội vụ xảy ra cho thấy cái “mánh” của Nguyễn Tấn Dũng đã hiện rõ, qua chuyện đàn áp dã man các cuộc biểu tình; vì có không ít người trong dư luận coi như Dũng ngầm cho biểu tình để lấy lòng số người vốn tưởng Dũng là người có chủ trương “thân Mỹ”, có hướng “thoát Trung”, qua một số tuyên bố “mát dạ”…; để rồi cho Tập Cận Bình chứng kiến cảnh đàn áp dã man, đẫm máu, các cuộc biểu tình chống Bình để lấy lòng, để chứng tỏ sự tận tụy phục vụ Bắc Kinh của Dũng. Nhờ vậy, chuyến đi của Bình coi như thành công như ý.
Đúng vậy, ngày 5-11, máy bay chở Tập Cận Bình và Phu nhân đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ra đón Bình có Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh; Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Trưởng ban Đối Ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân và nhiều viên chức cao cấp khác. Tại đây, Bình cho biết tháng 4 năm nay, trong chuyến thăm Trung Quốc của Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã đồng ý củng cố truyền thống hữu nghị giữa hai nước, tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên mọi lãnh vực, mở rộng giao lưu nhân văn…, nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài…
Buổi chiều cùng ngày 5-11, Nguyễn Phú Trọng chủ tọa Lễ đón chính thức Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch và có cuộc hội đàm tại Trụ sở Trung ương Đảng về quan hệ giữa hai nước nhằm “thúc đẩy phát triển quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại…”; đồng thời ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai bên… Đến tối, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đồng chủ tọa tiệc khoản đãi Tập Cận Bình.
Cùng ngày 05/11/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tập Cận Bình. Dịp này, Bình đã mời Dũng thăm Trung Quốc vào “thời điểm thích hợp” sau khi đề nghị hai bên tăng cường “gặp gỡ cấp cao” và “trao đổi chiến lược”. Điều đáng quan tâm là, trái với tuyên bố gần đây của Nguyễn Tấn Dũng chỉ trích Bắc Kinh đã gia tăng các hành động xâm lấn và “không nghe những lời nói viển vông của phương Bắc”, nhưng khi gặp Tập Cận Bình Dũng lại cho rằng “trong thời gian qua, quan hệ Việt – Trung có bước phát triển tích cực.” Điều này chứng tỏ Dũng đã trở mặt để “kiếm điểm” đối với Tập Cận Bình, cho dầu cái “thời điểm thích hợp” đó không biết xa hay gần với “đại hội đảng” nơi quyết định vị trí của Dũng cho tương lai cầm quyền ở VN.
Sáng hôm sau, 6/11, Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đã có cuộc gặp các đại biểu thanh niên hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang tham dự Chương trình Gặp gỡ hữu nghị 400 đại biểu thanh niên hai nước có mặt tại Hà Nội, trong Chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt – Trung lần thứ 16, trước khi gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng Tập Cận Bình có bài phát biểu dự trù 10 phút tại Quốc hội Việt Nam; nhưng thực tế Bình đã nói suốt 20 phút.
Tại Quốc Hội, khi Bình phát biểu, toàn thể đại biểu đứng dậy vỗ tay dài lâu hoan nghênh lời Bình huấn thị. Không một ai dám ngủ gật như thường thấy; không một ai dám có một cử chỉ không đồng tình; không một đại biểu nào dám đứng dậy đi ra ngoài…, để thể hiện tính “nhất trí” của toàn thể lãnh đạo CS Việt Nam, từ 16 ủy viên Bộ Chính trị, hơn 200 ủy viên TƯ, đến hơn 500 đại biểu Quốc hội một lòng quy phục Bắc Kinh. Coi như Bình đã điểm danh xong đám Thái thú CSVN; đặc biệt là 4 tên lãnh đạo hàng đầu trong Bộ Chánh trị: Trọng, Sang, Dũng, Hùng [xem biếm họa của Babui trích từ http://dcvonline.net/].
Nhìn chung, trong cuộc viếng thăm, Bình đã tung 1 tỉ nhân dân tệ tiền viện trợ trong trong 5 năm để phát triển hạ tầng cơ sở, cho vay ưu đãi 250 triệu USD xây dựng đường sắt Cát Linh-Hà Đông, và 300 USD cho dự án đường cao tốc Mông Cái-Vân Đồn; cùng nhiều ký kết với hứa hẹn tốt đẹp; để từ đó coi như thành tựu âm mưu biến Việt Nam thành một khu tự trị như Tân Cương, Tây Tạng trong tương lai, và nuốt trọn vùng Biển Đông trong chiến lược toàn cầu của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Có điều rất đáng lưu ý, mà trong suốt cuộc viếng thăm, cả đám lãnh đạo CSVN coi như làm lơ; đó là chuyện bảng số xe được Bình mang sang sử dụng đeo biển số oo79, như cách Bình ngầm nói rằng: “Hãy liệu hồn, nên nhớ bài học Đặng Tiểu Bình dạy năm 1979”.
Đáng nói hơn nữa là chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam, ngày 7 tháng 11, tới Singapore, Tập Cận Bình lộ ngay bản mặt gian hùng. Khi phát biểu ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, Tập Cận Bình nhắc lại những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại, như lời tờ Straits Times viết: “Mr Xi repeated China’s position that islands in the South China Sea have been Chinese territory since ancient times and that the Chinese government must uphold its sovereign rights and maritime interests”.
Nhiều người cho rằng Tổng thống Mỹ không cần thiết đến Việt Nam sau khi Tập Cận Bình đến đây; vì ông đã chỉ thị cho Đại sứ Ted Osius ở Hà Nội nói rằng “Mỹ không có chủ trương lật đổ CSVN”, chuyện của VN phải do người VN lo liệu. Hoàng Sa & Trường Sa là của VN chớ không phải là của… Mỹ. CSVN có chịu kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc Tế như Philippines hay không cũng là chuyện của CSVN, không phải của… Mỹ. Thế lực của Mỹ trên hải trình quốc tế Nam Bắc Thái Bình Dương, thông qua eo biển Malacca, vẫn là thế lực của Mỹ đương đầu với Trung Quốc, đừng mong Nguyễn Tấn Dũng “thân Mỹ” để “thoát Trung” mà ôm hận. Phải nhớ trước sau gì Nguyễn Tấn Dũng chỉ là Thái thú đi bằng đầu gối trước Tập Cận Bình mà thôi. Mới đây, Mỹ còn cho dựng chuyện “Terror in Little Saigon” để gây mâu thuẫn và làm xáo trộn cộng đồng người Quốc gia VN chống cộng ở hải ngoại, trong khi những nỗ lực “chống Tàu diệt Việt Công” đang tiến những bước dài thành tựu, từ quốc nội đến hải ngoại, khiến nhiều “đại gia đỏ” tìm đường tháo chạy, và nhiều loại “ếch luộc”, từ “Việt kiều mất nết” đến “HO quên nguồn”, ngỡ ngàng nhìn “con đường tội lỗi” của chính mình đang trải vàng những chiếc lá úa mùa thu trên đại lộ bình minh quang phục quê hương. Nên nhận rõ mặt thật của Mỹ để thấy Mỹ chỉ lo cho quyền lợi Mỹ; để khi cần sẽ thương lượng trên những quyền lợi phù hợp với cả hai.
Mặt khác nhìn 2 lá bài Tập Cận Bình & Nguyễn Tấn Dũng trên tay 2 kẻ chuyên tráo bài 3 lá hàng đầu của 2 nước, dư luận hết sức bàng hoàng nghĩ đến cái “phồn vinh giả tạo” ở các thành phố lớn trên toàn cõi VN. Đó là cái “phồn vinh giả tạo” có được từ những đồng tiền “phát triển” qua những gói thầu lớn nhỏ, lọt vào tay các nhà thầu Tàu, cho các “nhóm lợi ích” làm giàu, tạo thành lớp trưởng giả mới “vô tư hưởng lạc” trên trùng trùng đau khổ của dân oan và người nghèo, trên khắp vùng đất nước.
Không nói đâu xa, chỉ nhìn điển hình vừa lộ rõ qua hình ảnh chiều và tối ngày 1/11, hàng chục nghìn người đổ về Trung Tâm Thương Mại Nhật Bản vừa khai trương tại quận Long Biên [xem hình]. Các nhà hàng, quán ăn cho bọn người “hoang dâm vô cảm” hầu như không còn chỗ trống.
Cách đó không xa là xóm nghèo ở ngoại ô thành phố [Xem hình Xóm Nổi không khác gì một đống phế liệu tồn tại mấy mươi năm qua, với những những ngôi nhà phao nổi lên trên mặt nước nằm ngay dưới chân cầu Long Biên].
Vấn đề rất đáng quan tâm là phải nhìn thấy cái “mánh” của Thái thú Nguyễn Tấn Dũng và dã tâm của Tập Cận Bình, để dồn mọi nỗ lực yểm trợ tuổi trẻ “chống Tàu diệt Việt cộng” đang đạp qua mọi sợ hãi và ngày càng lớn mạnh ở quốc nội.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già
(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)