(tặng bạn tôi, Truờng Sơn Lê Xuân Nhị) PHẠM TÍN AN NINH
Nghe danh anh đã lâu, cũng đã từng gặp anh một lần ở New Orleans ngay sau khi cơn bão Katrina không thể bứng anh ra khỏi vùng đất cái nôi nhạc Jass này, nhưng lúc ấy có lẽ vì đang là người nổi tiếng, bạn bè vây quanh, nên anh chẳng nhớ tôi là ai, một gã tròi ơi nào từ tận Bắc Âu đến chào, bắt tay và xin chụp với anh một tấm hình.
Bị tù đày khốn khổ hơn tám năm. Ra tù lại càng đau lòng hơn khi thấy vợ con nheo nhóc, và cả miền Nam như trong địa ngục, tôi có cảm giác như lạc loài ngay trên chính quê hương mình, nên cùng vợ con và một số bạn tù tổ chức vượt biên. Nhờ một chiếc tàu chở dầu của Vương quốc NaUy cứu vớt trên biển Đông, trước khi cơn bão lớn ập xuống. Với ân tình này, chúng tôi chọn đất nước Bắc Âu xa xăm băng giá nhưng đầy ắp tình người này để gởi phần đời còn lại của mình và vun đắp tương lai cho mấy đứa con. Sau khi tạm ổn định đời sống và việc học hành cho các con, tôi bắt đầu hồi tưởng quá khứ, tìm đọc những tác phẩm, bài viết của những người đi trước, đặc biêt những tác giả gốc lính và tất nhiên viết về lính, đời lính, với những thăng trầm, vinh nhục cùng những hệ lụy đớn đau sau ngày tan đàn xẻ nghé.
Trong một vài tác giả yêu thích, tôi đặc biệt say mê những câu chuyện của một nhà văn có cái bút danh khá dài, luôn đi cùng tên họ trong khai sanh, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, bởi phong cách viết rất “lính” của anh. Bộc trực, khí khái, máu lửa, lãng mạn, và phảng phất chất phong trần, ba gai của lính, nhưng lại đầy ắp nhân bản, nghĩa tình. Đọc một bài viết của anh, có khi đang cười khoái chí, nhưng ngay sau đó lại nhạt nhòa nước mắt! Đặc biệt hầu hết trong những câu chuyện đều có bóng dáng của những địa danh quen thuộc một thời mà đơn vị tôi từng có mặt trong nhiều cuộc hành quân đầy máu lửa, và tất nhiên có những đồng đội, huynh đệ của tôi đã nằm lại vĩnh viễn tại các nơi này: Dak Song, Dak Pét, Pleime, Bu Prang, Quảng Đức, An Khê, Chư Pao,, Hàm Rồng, Kontum, Dakto, Tân Cảnh. Vì vậy càng đọc tôi lại càng thấy gần gũi với anh hơn.
Đọc tiểu sử tác giả, biết anh sinh ra và lớn lên ở thành phố Ban Mê Thuột, nơi đại đơn vị của tôi đặt bản doanh, nên khi ấy dù có phải hành quân xa ở đâu, thi thoảng bọn tôi cũng ghé về đây nhìn “Bụi Mù Trời” để thấy đời “Buồn Muôn Thuở”. Anh là phi công của Phi đoàn Quan Sát 114, thuộc Sư Đoàn 2 KQ, đồn trú tại phi trường Nha Trang, một thành phố an bình thơ mộng, ngay bên bờ thùy dương với gió reo song vỗ, nhưng hằng ngày vẫn bay yểm trợ cho đơn vị tôi trong các cuộc hành quân trên khắp Vùng 2, đặc biệt tại chiến trường khốc liệt Kontum trong những năm 1972-1973 ngập tràn khói lửa. Lúc ấy có lẽ anh cũng vừa mới ra trường để bắt đầu cuộc đời bay bổng. Và trong giai đoạn này, chắc chắn mỗi ngày anh đều phải bay trên đầu giặc, trước cả một rừng hỏa tiễn phòng không tối tân, ác liệt của kẻ thù.
Ngày 24.4.1972, ngay sau khi Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn 22.BB tại Tân Cảnh bị Công quân tràn ngập, Đại Tá Lê Đức Đạt, vị tư lệnh hào hùng đã từ chối lời mời lên trực thăng để vượt thoát cùng với cố vấn Mỹ, ở lại cùng chiến đấu và hy sinh với quân sĩ dưới quyến, Sư Đoàn 23.BB (-) của chúng tôi từ Ban Mê Thuột nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên Kontum để kịp ngăn chặn hơn ba sư đoàn của Mặt Trận B3 do Tướng CS Hoàng Minh Thảo chỉ huy, tràn xuống chiếm Kontum nhằm làm bàn đạp uy hiếp Pleiku, nơi đặt bản doanh của Quân Đoàn II. Riêng đơn vị tôi, Trung Đoàn 44BB, đã có mặt tại An Khê từ đầu năm 1972, đặt dưới quyền điều động trực tiếp của BTL Quân Đoàn, để thay thế một lữ đoàn thuộc SĐ101 Không Kỵ Hoa Kỳ vừa rút quân về nước, đảm trách một vùng hành quân thay cho Sư Đoàn 22BB đã di chuyển lên mặt trận Tân Cảnh, và làm lực lượng trừ bị cho Quân Đoàn. Ngày 14.5,1972 chúng tôi nhận lệnh rời An Khê di chuyển đến phi trường Cù Hanh, Pleiku để được được không vận lên Kontum, tái hợp với Sư Đoàn. Khi các phi cơ C-130 chuyển quân đáp xuống phi trường Kontum lúc nửa đệm, thành phố tối đen và đang bị pháo kích dữ dội, vài phi cơ tại phi trường bị trúng đạn còn đang nghi ngút khói, chúng tôi nhận lệnh tức tốc lên đảm trách tuyền Tây Bắc, cách trung tâm thành phố khoảng 7 cây số, thay cho một Liên Đoàn BĐQ cùng một đơn vị của Tiểu khu Kontum.
Đào hầm hố, củng cố hệ thống thủ chưa xong thì khoảng 5 giờ sáng, Sư Đoàn 320 CS tung hai trung đoàn bộ chiến 48 và 64 được dẫn đầu bởi một tiểu đoàn xe tăng T-54, tấn công vào phòng tuyến. Chúng không ngờ có một đơn vị thiện chiến mới toanh từ vùng Duyên Hải vừa mới đến, đã đánh tan bọn chúng bằng một trận hào hùng. Bắn cháy 7 xe tăng T-54,và bắt sống một chiếc, khoảng 100 xác bỏ lại, số còn lại bỏ chạy tháo lui, bị các chiến đấu cơ của Sư Đoàn 6 KQ truy kích, tiêu diệt. Sau đó chỉ 10 ngày. chúng tăng cường thêm Sư Đoàn 2 và một sư đoàn tân lập (sau này là F-10) xâm nhập từ Lào mở cuộc tấn công vào thành phố. Và lần này, chúng cũng lại đụng độ với lực lương Trung Đoàn 44 chúng tôi mới vừa rời tuyến Tây Bắc về phòng thủ vòng đai thành phố, theo kế hoạch hoán đổi dưỡng quân. Cuộc chiến lần này cũng ác liệt không kém, khi đich lợi dụng sự phòng thủ sơ hở của lực lượng Địa Phương Quân Tiểu Khu, đã đưa cả một lực lượng đặc công và xe tăng đánh vào Bênh Viện 2 Dã Chiến, chỉ cách TTHQ của BCH Trung Đoàn 44 một hàng rào phòng thủ. Quân Đoàn đã điều động tối đa các phi đoàn Quan Sát yểm trợ cho trận chiến này. Chúng tôi lại tao nên chiến thắng vẻ vang, thêm 8 tăng T-54 và T-59 bị bắn cháy kể cả tên chỉ huy, và một số địch buông súng đầu hàng, xin được hồi chánh. Mọi ý đồ của địch đã bị bẻ gãy.
Tôi vẫn còn nhớ, trong một trận chiến khá ác liệt, Cộng quân tung cả một trung đoàn nhằm tiêu diệt một đơn vị của chúng tôi. Trong thời khắc nguy khốn nhất, tôi nghe tiếng gọi trên tần số Không Lục:
– Ninh Kiều, Sao Mai 09 gọi!
– Ninh Kiều nghe bạn 5/5!
– Bạn lệnh cho đứa con của bạn cho tôi xin một nàng Thúy Kiều, màu áo gì cũng được (1)
– Nhận 5! Màu tím!
– Tôi đang ở trên đầu đứa con của bạn. Bọn vịt con rất đông, một số đang bao vây, một số khác đang tiến gần đến vị trí con của bạn. Tôi đã gọi 2 phi tuần yểm trợ cho bạn, đang trên đường đến mục tiêu!(2)
– Đã nhận ra bạn. Một đứa con khác của tôi đang ở hướng 10 giờ của bạn. Phòng không chung quanh rất nhiều, bạn cẩn thận. Tôi sẽ bảo các đứa con liên lạc trực tiếp với bạn để tránh ngộ nhận,
– Yên chí! tôi đ… sợ bọn vịt con này! Tôi sẽ ở chơi với các đứa con của bạn cho tới khi nào hết nước, và sẽ gọi Sao Mai kế tiếp lên vùng ngay. (3)
Hai phi tuần AD-6 đánh theo hướng dẫn của Sao Mai 09, khi người phi công tài hoa này đã bắn hai quả đạn khói chính xác ở hai địa điểm khác nhau, làm địch không kịp trở tay, nên bị thương vong nặng nề, phải bỏ chạy. Anh gọi tiếp 2 phi tuần khác, túc trực tại phi trường Pleiku, bay lên truy kích tiêu diệt cả hai tiểu đoàn địch.
Từ Trung Tâm Không Trợ Sư Đoàn, ông tư lệnh theo dõi và lên tiếng ca ngợi:
– Tuyệt vời lắm Sao Mai 09. Sẽ có thuởng cho ban!
Tiếng la hét, chửi thề trong nỗi vui mừng của chàng phi công trẻ lại vang lên trên tần số Không Lục, chẳng cần biết người đang đối thoại với mình là ông tướng một sao, tư lệnh chiến trướng! Trong không khí căn thẳng, ngột ngạt chúng tôi cũng phải phì cười!
Phi đoàn trưởng Phi Đoàn 114 khi ấy là Thiếu Tá Nguyễn Xuân Tám, bạn cùng khóa 17 Võ Bị với anh Trung Đoàn Phó nổi tiếng với danh hiệu Bá Hòa (sau đó là Trung Đoàn Trưởng) của tôi. Hỏi ra mới biết Sao Mai 09 hôm ấy là một ông Thiếu úy trẻ măng, gốc Ban Mê Thuộc, nơi đặt bản doanh của đại đơn vị chúng tôi. Chúng tôi còn được biết thêm là ông “quan một” Không Quân này vốn con nhà “quí tộc”, bởi ông cụ từng là dân biều thời Đệ 1 Công Hòa, nhưng vì đã trót sinh ra bất phùng thời, và lớn lên ngay giữa một thành phố lính, ngày nghe tiếng súng, đêm thì cả bầu trời thắp sáng hỏa châu và nhà nào cũng vang vang những khúc ca tình lính, nên chàng trai vừa có tâm hồn nghệ sĩ lại vừa có máu giang hồ tráng sĩ, mới tròn 19 tuổi đã tình nguyện “ vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai”(?)
Chàng là một phi công có tài, ra trường chưa nhuốm mùi sương gió, mà bay bổng thì không hề thua ai. Nhưng có lẽ vì quên mất mấy câu trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du “chữ tài liền với chữ tai một vần”, nên mỗi lần hứng chí là lén xách máy bay ra nhào lộn biều diễn đủ kiểu ngoạn mục, nhưng ngoài sách vở và phi lệnh, khi ngứa mắt bọn VC dưới đất thì nhào xuống thấp bắn quả roket rất chính xác chỉ điểm cho khu trục oanh kích, mà chẳng cần biết SA-7 hay phòng không bọn nó giấu ở đâu. Vì vậy các đơn vị bộ binh thì “mê” anh ta, nhưng ông Phi Đoàn Trưởng 114 thì rất nhức đầu, nên mấy lần đã phải lái xe gởi anh ta vào đồn Quân Cảnh nghỉ mát, nhưng rồi lại đích thân đón chàng ta ra sớm và xé mấy tờ lệnh phạt đã ký sẵn để trên bàn.
Coi bộ chẳng biết sợ trới đất gì, nhưng chàng ta có trái tim nhân hậu, hết lòng với Tổ Quốc và chí tình, yêu thương đồng đội chiến đấu dưới cánh máy bay của mình. Một lần bay thám sát, yểm trơ cho một đơn vị Địa phương quân bị Cộng quân tràn ngập tại một tiền đồn, vị đồn trưởng yêu cầu cho đánh bom ngay trên đầu mình để tiêu diệt địch, anh đã bật khóc khi gọi oanh tạc cơ và cúi đầu chào vĩnh biệt những người đồng đội kiêu hùng trong hai hàng nước mắt!
Một lần tăng phái cho Quảng Đức, trong một ngày nghỉ, không tới phiên mình, nhưng anh đã gật đầu nhận lời bay cùng với một sĩ quan Biệt Kích để đi tìm, hướng dẫn, yểm trợ cho một toán Lôi Hổ bị Cộng quân truy đuổi trong rừng. Biết mình có thể bị phạt, nhưng chàng ta lại mãn nguyện khi đã hoàn thành một sứ mạng cần thiết để cứu nguy đồng đội.
Một hôm, giữa “Mùa Hè còn đang Đỏ Lửa”, nghe tin bào đệ của anh tử trận tại phía Bắc Võ Định Kontum. Chúng tôi rất đỗi bất ngờ và đau đớn, vì người em trai của anh lại là một HSQ rất gan dạ thuộc đơn vị chúng tôi: TS1 Lê Xuân Bích. Anh thuộc toán thám sát, đã ngã xuống trong một cuộc đột kích rất hào hùng vào “sở chỉ huy” của một đơn vị địch. Sau này tôi trách anh ta, sao không nói trước với chúng tôi một tiếng. Vả lại ông sếp của anh lại là bạn cùng khóa với ông Trung Đoàn Phó (sau này là Trung Đoàn Trưởng) của tôi. Chuyện dễ thôi mà! Anh buồn lắm, khi bị ông già giận bảo “mày bay bổng cả ngày, chỉ có mỗi thằng em mà không lo cho nó.” Nhưng rồi anh lại hạ giọng “Tính của tớ khó nói lời nhờ vả lắm, hơn nữa trót sinh ra thời chinh chiến thì chuyện sống chết cũng là lẽ thường tinh!”
Nói thế, chứ chúng tôi biết là trong lòng anh đang có một vết thương không bao giờ lành được, nhất là đứa em trai có đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ với anh, đã nằm lại đâu đó trong núi rừng xa tít mịt mờ, nhưng trong trái tim anh luôn có một nấm mồ đẹp đẽ nhất cho thằng em thương quý của mình.
Mùa Hè 2021, tôi đến tham dự một buổi ra mắt sách của người bạn, Nhà văn Huỳnh Công Ánh, từng là Đại Đội Trưởng Trinh Sát nổi tiếng của của Sư Đoàn 22 BB, được tổ chức tại Nam Calfornia. Khi nghe người MC giới thiệu tên tôi, một vị khách mời từ hàng ghế đầu bước xuống phía dưới bắt tay tôi và giới thiệu mình là Trường Sơn Lê Xuân Nhị. Tôi bất ngờ nhưng nhận ra anh ngay, và ngạc nhiên vì thấy anh khá tiều tụy với cái đàu cạo trọc. Tôi cảm động khi anh tỏ ra rất thân tình và hẹn phải sớm gặp nhau để cùng nhậu một chầu mừng cuộc trùng phùng cho kịp trước khi anh phải bỏ lại bạn bè. Thấy tôi tròn mắt, anh cười, bảo “ung thư tới thời kỳ cuối!”
Cũng như ngày xưa, khi bay trên đầu địch, trước họng súng phóng không dày đặc, anh vẫn đùa cợt tỉnh bơ. Chưa kịp hẹn nhau, thì hai ngày sau, bất ngờ có anh Huỳnh Văn Phú, nhà văn rất dễ thương củaTQLC, ghé Bolsa thăm tôi cùng một số bạn bè. Tôi hú một số anh em thân tình cùng anh Phú và báo cho Trường Sơn Lê Xuân Nhị, hẹn gặp tại một quán ăn ở Fountain Valley. Chưa lái xe được, nên bà xã đưa chàng ta đến, xách theo hai chai Win và một chai XO. Đứng nghiêm.đưa tay lên chào mọi người, tự xưng mình là thằng út. Trong số các ông anh hôm ấy có Trung tá Võ Ý, nhà thơ Bắc Đẩu của Không quân, cựu Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn Quan Sát 118, Pleiku, là là bạn cùng Khóa, thân thiết với anh Phi Đoàn Trưởng 114 Sao Mai của Trường Sơn Lê Xuân Nhị.
Vậy rồi, đột nhiên bạn ta khỏe ra. Lại hú bạn bè đến uống rượu tiêu sầu và bù khú chuyện ngày xưa. Gặp anh, tôi cười bảo, ngày xưa SA-7, 12 ly 7 phòng không dày đặc mà bạn chẳng coi ra chi, huống hồ bây giờ mấy cái con vi khuẩn tí ti, thì là cái quái gì với bạn phải không? Cứ uống và vui lên đi, chiều hôm tối rồi. Anh ta cười tít cả mắt. Cứ vài hôm là anh hú bạn bè, tụ tập ở nhà anh, một phòng rộng lớn phía sau, trong khu Anaheim. Bà xã anh chiêu đãi nhiều món ăn ngon, còn rượu thì đủ thứ. Anh ôm vai người này, bắt tay người khác, như sợ thời gian với bạn bè chẳng còn lại bao nhiêu. Ai cũng yêu quí, xem anh như anh em, một người bạn dễ thương, khí khái, nghĩa tình.
Điều làm tôi cảm động hơn , là ngay giữa tư gia, anh trịnh trọng trưng lá hiệu kỳ lớn của Sư Đoàn 23 BB. Đơn vị mà tôi đã hơn 10 năm phục vụ, và có biết bao đồng đội hy sinh, còn anh thì suốt cả một thời làm phi công, đã luôn ở trên vùng trời để yểm trợ chúng tôi. Và đặc biệt nhất là bào đệ của anh, TS1 Lê Xuân Bích, người em yêu quý mà anh cùng có nhiều kỷ niệm tuổi thơ, đã hào hùng nằm xuống vào mùa Hè 1972 tại chiến trường Kontum, tô thắm cho lá hiệu kỳ này.
Mới đây, bệnh lại tái phát, anh buồn lắm khi không thể đến chung vui buổi họp mặt “Đời Ghét… Đời Thương” của người bạn làm thơ thân thiết Trạch Gầm. Thiếu anh, rượu XO không còn hương vị nồng nàn, và dư âm của những bản nhạc lính dù được hát bởi các nàng ca sĩ của lính một thời, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan cũng chưa đủ làm ấm lòng bè bạn.
Xin được cám ơn và ca ngợi anh, một người lính trẻ hào hùng, một người cầm bút khí khái, thẳng thắn, nghĩa tình, mà bạn bè ai cũng mến mộ. Cầu chúc sức khỏe anh ngày một tốt hơn để chia sẻ kỷ niệm, yêu thương cùng bạn bè và san sẻ ý nghĩa cuộc đời bay bổng, thăng trầm cùng với tha nhân.
Little Saigon, 20.1.2025
Phạm Tín An Ninh
(người bạn lính Sư Đoàn 23BB)
Chú thích: (các ám danh đàm thoại)
(1) nàng Thúy Kiều = trái khói màu (2) vịt con = việt cộng (3) lấy nước = lấy xăng