Tùy bút
“Hà-Nội dịu dàng, Hà-Nội thướt tha, Hà-Nội quyến rũ…” Bằng một giọng không còn là Bắc-Kỳ nguyên thủy, diễn giả nhấn giọng ở dấu nặng mỗi khi lập lại danh từ riêng “Hà-Nội”. ..
Cứ mỗi lần chữ “Nội” được phát âm, cái dấu nặng dường như nặng hơn và dội thẳng vào tâm thức tôi; ở đó bao kỷ niệm ấu thơ đang yên ngủ, bỗng trở mình, thức giậy.
Trong khi diễn giả vẽ ra những cảnh sắc nên thơ, những con đường yêu mến của Hà-Nội thuở xưa thì hồn tôi như ngây, như dại, âm thầm tìm về những ngõ ngách quanh co của một quá khứ mịt mùng; nơi có tiếng sóng rì rào bên bờ cát mịn, tiếng chuông chùa đồng vọng trên đồi cao, tiếng chuông nhà thờ ngân vang khi chiều xuống và tiếng xình xịch rã rời của chuyến tàu đêm.
Bỗng dưng tôi tưởng như tôi thấy được chuyến xe lửa mệt nhọc đang hổn hển thở từng ngụm khói đen sì giữa cánh đồng bao la. Và từ một toa xe dơ bẩn, tôi đang lặng người, trải dài bao thương nhớ theo từng vết lăn trên đoạn đường đầy rỉ sét.
Khi tàu đến Suối-Dầu, nhìn ánh nắng mỏng lướt nhẹ trên rừng cao su xanh rì và chiếc cầu nhỏ bắt ngang con suối cạn để vào Quận đường, tôi không nén được xúc động! Phạm-Đình-Phê, ngón đàn vĩ cầm không đối thủ của Nha-Trang đã phục vụ nơi đây, một thời. Nếu thính giả đài phát thanh Nha-Trang từng mê hoặc tiếng vĩ cầm của Phê thì các cô gái Nha-Thành cũng nghe lòng mình đắm say khi tiếng Tây-Ban-Cầm của Phê dìu dặt trong điệu Rhumba Melody trầm buồn vào những buổi họp mặt. Bây giờ, tôi không hiểu sau bao nhiêu năm tù đày, ngón đàn của người anh cô cậu có còn làm nhức nhối lòng người nghe hay anh phải bán đàn và sử dụng những ngón tay thon dài ấy vào động tác lao động để mưu sinh? Tôi thở dài, nhìn rừng cao su im lìm lùi lại phía xa.
Tàu tiến vào Thành, nơi xuất phát loại mít ráo dày cơm, xơ ít; loại ô mai ngọt, bùi, màu vàng tươi như lòng đỏ trứng gà; loại vú sữa nếp dày cơm, hạt nhỏ; loại sam-bô-chê ngọt như mật; loại chuối tiêu trái nhỏ nhưng thơm khi chín vàng.
Mùi thơm của chuối chín chắc chắn không giống mùi thơm của lúa. Nhưng màu vàng của chuối chín cây lại rạng rỡ chẳng khác chi màu vàng của cánh đồng lúa từ đường rầy xe lửa vào đến bìa làng; nơi đó, những mái nhà ngói đỏ thẹn thùng núp sau vườn cây ăn trái. Trong những vườn cây ấy, tôi biết chắc chắn thế nào cũng có cây mận với những trái đỏ hồng, hình quả chuông; cây chùm ruột với những trái nho nhỏ, kết thành chùm, từ xa trông như chùm nho xanh; cây bông điệp với những đóa hoa nhỏ nhắn màu vàng xen lẫn đỏ.
Tàu đến Cây-Dầu-Đôi, nơi có ông thầy bói nổi tiếng một thời. Con tàu vẫn tiến về phía trước nhưng hồn tôi lại lui về quá khứ, vì thấy cây cổ thụ vẫn tỏa rộng bóng mát êm đềm trên con đường nhựa ngập nắng.
Trên con đường ngập nắng ấy, đã biết bao lần tôi cùng bạn bè đạp xe đạp từ Nha-Trang lên đây để xem bói. Đứa học giỏi thì nhờ thầy bói xem sẽ đậu hay hỏng; đứa học dở thì nhờ thầy bói xem có bị bảng “cót” (không đủ điểm để thi lại kỳ hai) hay không? Cũng có nhiều nam sinh đi theo chỉ với mục đích được đi cùng với một nữ sinh nào mà chàng ta ngầm để ý.
Xem bói xong, chúng tôi thường đến nhà bạn ở Bình-Can ăn thanh long. Những trái thanh long vỏ tím hồng và ruột mát, ngọt tự nhiên, bây giờ nghĩ đến cũng bắt thèm. Từ quốc lộ vào làng, chúng tôi phải đạp xe hàng dọc trên bờ ruộng khô. Những bờ ruộng này chia cách cánh đồng lúa mênh mông thành những thửa ruộng vuông vắn. Cuối những thửa ruộng ấy là lũy tre già. Bên kia lũy tre, dòng sông Cái lặng lờ xuôi ra biển, lưu lại đấy từng đụn cát im lìm.
Trên đường về, chúng tôi không quên ghé Phú-Vinh thăm bác Lê-Văn-Đào, giáo sư Anh văn và cũng là ngón đàn vĩ cầm một thời với Ba tôi ở Hội Mỹ-Thuật Nha-Trang. Chúng tôi cũng ghé thăm chú Vân-Sơn, người có ngón đàn Hạ-Uy-Cầm tuyệt vời của ban ca nhạc Bình-Minh, đài phát thanh Nha-Trang.
Sau đó chúng tôi ghé Chợ-Mới uống nước dừa tươi. Ôi! Những trái dừa xiêm nho nhỏ, xinh xinh, vừa tới độ “nạo” đã cho chúng tôi từng miếng dừa non beo béo, dòn dòn và từng ngụm nước dừa trong, mát, ngọt mà bất cứ loại giải khát nào trên hành tinh này cũng không thể sánh bằng.
Ngoài cái thú uống nước dừa, nam sinh còn thích ghé Chợ-Mới để ngắm những người con gái có làn da mỏng, trắng và mịn như da con gái Dalat. Riêng tôi, tôi thích ghé Chợ-mới để thỏa mãn khứu giác vì mùi cam sành, mùi xoài chín cây, mùi hoa chanh, hoa bưởi. Bưởi ở đây không mang tên diễm lệ như Thanh-Trà ở Huế, không ngọt đậm đà như bưởi Biên-Hòa. Nhưng bưởi ở đây mọng nước và hương vị riêng biệt của nó cộng với tý muối ớt cũng đủ làm cho dịch vị của chúng tôi tiết ra gấp bội.
Từ Chợ-Mới tôi có thể thấy mái chùa Hải-Đức vươn cao trên ngọn đồi dày đặc cây táo nhơn. Bậc cấp cao nghệu trước cổng chùa đã bao lần đếm bước chân tôi? Gốc bông sứ bên hông chùa đã bao lần nghe tiếng tôi “gạo” bài thi hoà với tiếng mõ nhịp nhàng thoát ra từ chánh điện? Mấy chú kỳ nhông có còn phóng nhanh vào khóm lá khô khi bất ngờ thấy tôi đang rón rén hái trộm đoá ngọc lan?
Nhiều hôm học xong tôi men theo con đường mòn phía sau chùa Hải-Đức để sang ngọn đồi lớn; nơi chùa Phật-học im lìm sau hai hàng cây khuynh diệp, trường Bồ-Đề nương theo triền đồi thấp, và chùa Ngọc-Hội ẩn mình vào cuối ngọn đồi, về phía Tây. Từ ngọn đồi này tôi có thể thấy ngôi nhà thờ cao nghệu ở ngã sáu.
Dạo đó, những đêm Giáng-Sinh tôi thường choàng khăn voan quanh cổ, khoát chiếc áo lạnh ngắn, đi dọc theo đường Gia-Long, dưới hai hàng me sầu, rồi men theo bậc cấp bên hông nhà thờ, lên đến gốc đa, chỉ để nghe những bài thánh ca.
Cách nhà thờ không xa lắm, trên đường Nguyễn-Hoàng, Nhơn có còn cùng Ka-Lăng ru đời bằng Vần Thơ Sầu Rụng? Dàn hoa mimosa trước nhà “người” Hạ-Uy-Cầm Hà-Quang-Đức có còn nở rộ những đóa vàng hình tháp chuông? Cuối đường Thủ-Khoa-Huân, trường trung học bán công Lê-Qúy-Đôn có còn tổ chức những lớp luyện thi toán lý hóa vào mỗi mùa Hè?
Tôi vẫn nhớ, quanh trường Lê-Qúy-Đôn, hoa giấy nở rộ trên dàn, đơm bóng mát êm đềm trước những ngôi nhà tĩnh mịch. Nhiều khóm hoa giếng trắng, tím, hồng mọc hoang trên những vùng cát trắng, cạnh nhóm cây thồn bồn. Tôi thích hái hoa giếng, rút từ giữa đài hoa cái tim dài và nhỏ, rồi xoè bàn tay để cái tim lên, thổi nhẹ một tí là cái tim quay vòng vòng.
Ánh mắt tôi vượt khỏi rặng dương liễu và dừng lại nơi Trung tâm huấn luyện Không-Quân. Lòng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến Nguyễn-Đình-Tân, “dân” B-2, đã trở về lòng đất từ một cao độ trùng trùng! Và Nghị, người thường đi chiếc Vespa xanh xám, đến nhà tôi mỗi sáng chủ nhật để nghe ban Bình-Minh tập dượt. Là một người yêu nhạc, thích nghe nhạc, nhưng khi Nghị chết chỉ có tiếng phản lực thét gào!
Đến căn cứ Thủy-quân Lục-chiến tôi lại nhớ một lần ban Bình-Minh cùng nhóm học sinh đến đây ủy lạo binh sĩ theo lời mời của người hùng Nguyễn-Bá-Liên. Lần đó, Thúy-Minh đơn ca Em Gắng Chờ của Huỳnh-Anh, Hoàng-Thu đơn ca Mùa Thái Hòa, Thanh-Điệp vừa đệm phong cầm vừa hát bản Dạ-Khúc của Nguyễn-Mỹ-Ca và nhiều học sinh khác cũng đem niềm vui đến cho những người lính chiến. Sau đó, chúng tôi được một sinh viên sĩ quan Quân-Y, bút hiệu Hoàng-Việt-Sơn, tặng bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung-Thu mà nay tôi nhớ không trọn:
…. Về đây tôi đã gặp nàng,
Bên bờ biển đẹp lòng tràn nhớ thương.
Đêm Thu ai hát Nghê thường?
Phong cầm chuyển phím tay hường nhẹ buông.
……
Em về đâu? Em ở đâu?
Cho tôi nghe mãi tiếng đàn,
Tâm tình giọng hát qua làn gió đưa.
Thúy-Minh, Thanh-Điệp, Hoàng-Thu,
Những hình bóng cũ bao giờ phai đâu!…
Bây giờ không biết vị bác sĩ Quân-Y “về đâu? ở đâu?”, nhưng tôi biết người hùng Nguyễn-Bá-Liên đang ở một nơi rất yên bình và không có hận thù!
Và kia là Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân; nơi tôi có những gắn bó không rời; nơi tôi hiểu thế nào là lễ nghi quân cách của một quân chủng nặng truyền thống trưởng giả; và cũng là nơi Bùi-Tiết-Qúy, “dân” B-3 và Mùi, “dân bê bối (B-4) của tôi” đầu quân.
Qua khỏi cụm thông già nơi bệnh xá Hải-Quân là Chutt với những tô phở gà thịt thơm, bánh phở dai, nước dùng trong vắt và vài cái trứng non, ăn thơm thơm, bùi bùi.
Cách hàng phở không xa là con dốc nhỏ nối liền Chutt với Cầu-Đá. Tôi thích xuống Cầu-Đá vào mùa Thu để nhìn lá bàng bay bay trước khu phố hẹp và trong vòng rào Hải-Học-Viện; để nhìn những đợt sóng triền miên kéo về tung bọt trắng xóa bên ghềnh đá chơ vơ; để thấy con tàu an bình nhờ sự vây bọc của ngọn Corniche de Cauda và hòn Bảy-Miếu; để thấy mấy chàng Hải-Quân trong quân phục tiểu lễ trắng, áo dạ màu xanh đen, rời xe lam với những bước vội vàng.
Khoảng cách từ hòn Bảy-Miếu đến mõm núi cuối làng Xóm-Bóng có thể gọi là “cửa lớn” của “ngôi nhà” Nha-Trang; vì muốn vào Nha-Trang bằng đường thủy phải qua vùng biển ấy.
Nơi vùng biển ấy, mỗi sáng, từng đoàn ghe lũ lượt ra khơi từ Xóm-Bóng, và mỗi chiều, từng cánh buồm no gió lửng thửng trở về. Cũng nơi vùng biển ấy, vào những đêm tối trời, những điểm sáng ly ty của đoàn ghe câu mực trông rực rỡ và kỳ bí như những vì sao lấp lánh trên nền trời đêm.
Trên mõm núi cuối làng Xóm-Bóng là tu viện và trường dòng. Không xa hai chốn trang nghiêm ấy, về hướng Bắc, là Hòn-Chồng; nơi dường như lúc nào sóng cũng nổi cơn cuồng nộ, dội ầm ì vào ghềnh đá cheo leo. Chính cái âm thanh vang động này và hình ảnh những lượn sóng vỡ ra trắng xóa đã đem đến cho Hòn-Chồng tính chất hùng vỹ và lãng mạn. Những lần đến đây tôi thích ngồi lặng lẽ nhìn những nhánh rong rêu sậm màu chờn vờn theo từng lượn sóng rạc rào trên những phiến đá phẳng, cạnh mặt nước. Ngoài mấy đụn cát bên bờ vắng, Hòn-Chồng chỉ có nắng, gió, đá và sóng. Trong tiếng thét gào của sóng, Hòn-Chồng âm thầm ghi lại không biết bao nhiêu mối tình thơ!
Lui về hướng Tây Nam, tôi thấy lại vườn ổi ở Lương-Sơn với bác giữ vườn đôn hậu. Ngày xưa, bất cứ toán học sinh nào đến đây, chỉ trao cho bác ít tiền tượng trưng là có thể ăn tại chỗ bao nhiêu cũng được. Ổi ở đây không lớn như ổi ở Bac Mỹ-Thuận hay Bac Vàm-Cống. Nhưng ổi ở đây da mởn, vị đậm đà, ruột đỏ hồng. Những trái ổi chín cây lại có mùi thơm ngọt ngào, lúc nào cũng quyến rũ lũ chim non.
Và đây, Tháp-Bà ngào ngạc trầm hương đang soi mình bên dòng sông Cái. Từ chân cầu Xóm-Bóng lên đến chánh điện không biết phải qua bao nhiêu bậc cấp, nhưng những người hoang mang trước nhiều uẩn khúc của dòng đời đầy hệ lụy đã tìm đến đây cầu nguyện, xin xăm. Vào dịp Tết hay cuối tuần, khung cảnh Tháp-Bà tấp nập hơn, vì lũ học trò như chúng tôi thường đến đây chụp hình, xin xăm và hái lộc.
Rời khóm cây đầy bóng mát và mấy tàng phượng vỹ đỏ rực quanh Tháp-Bà, ánh mắt tôi dừng lại một chốc nơi hòn Đá-Chữ chơ vơ giữa lòng sông Cái. Trên hòn Đá-Chữ, một cây Bồ-Đề nhỏ nhắn, lẻ loi.
Nếu cây Bồ-Đề trên hòn Đá-Chữ xinh như loại cây trong chậu kiểng, thì cây Bồ-Đề trên miếu Sinh-Trung lại sum sê, um tùm như một cổ thụ. Từ mặt đường lên đến cổ thụ này cũng phải qua nhiều bậc cấp ven triền đồi. Từ đồi này nhìn xuống cửa sông Cái, doi Xóm-Cồn lặng lẽ với những mái nhà lụp xụp dưới rặng dừa xanh. Xóm-Cồn im lìm bao nhiêu thì trên đồi này cảnh vật cũng tĩnh mịch bấy nhiêu, tuy dưới chân đồi là bến xe đò Sinh-Trung nhộn nhịp, xô bồ.
Đối diện với bến xe Sinh-Trung là Rọc-Rau-Muống; nơi rau muống được trồng từng ao, từng ruộng, lan mãi đến đường Trần-Qúy-Cáp. Chính sự hiện diện của những ruộng rau muống đã tạo nên giao điểm của sự khác biệt nơi đường Trần-Qúy-Cáp: Một bên thì, Nha-Trang tấp nập, Nha-Trang yêu kiều, Nha-Trang lộng gió; và bên kia là vùng quê êm đềm bên những ruộng rau muống xanh ngút ngàn.
Nhắc đến đường Trần-Qúy-Cáp là nhắc đế tiệm nem Ninh-Hòa với những chiếc nem chua nho nhỏ, chỉ đủ vừa cắn làm đôi; những cuốn chả ram dòn rụm, có con tôm ở giữa; những lụi nem nướng bốc khói trên lò than hồng; và những đòn chả lụa nóng, dai, thơm mùi lá chuối.
Mỗi món ăn có một mùi thơm riêng biệt. Như mùi thơm của chả lụa không thể nào giống được mùi thơm của tô phở Chutt. Và hương vị phở Chutt cũng hoàn toàn khác với hương vị phở Bắc chính thống của tiệm phở Hợp-Lợi, trên đường Trần-Qúy-Cáp, gần đường rẽ vào Phường-Củi.
Con đường vào Phường-Củi khởi đầu từ đường Gia-Long, men theo công trường Trịnh-Minh-Thế trước sân ga, cắt đường Yersin, Hoàng-Tử-Cảnh, Độc-Lập và Trần-Qúy-Cáp. Nhờ vậy, từ phở Hợp-Lợi, nếu muốn sang đường Độc-Lập, chỉ cần đi vòng tiệm bánh Thanh-Vân là đến.
Đầu đường Độc-Lập, trước công trường Trịnh-Minh-Thế, là nơi ngày xưa tôi thường chen lấn, cố tìm một chỗ gần lề đường để xem duyệt binh. Lớn hơn một chút, tôi không đến đầu đường Độc-Lập để xem diễn hành nữa, mà tôi đến để mua sách, mua bản nhạc tại nhà sách Kim-Anh. Tôi vẫn nhớ chị bán sách tên Tuyền, có mái tóc rất dài và mượt như tơ. Cũng nơi đây, tiếng phong cầm dồn dập của Hoàng-Đình-Phiên nghe chẳng khác chi tiếng đàn chuyên nghiệp của Trần-Văn-Lý. Ngoài ra, vào những lúc tinh thần chùng thấp, Phiên cũng thích ru hồn bằng tiếng vĩ cầm thiết tha. Phiên là “linh hồn” của ban Gió-Mùa, đài phát thanh Nha-Trang. Nhưng mỗi khi Ba tôi – cụ Điệp-Linh – yêu cầu, Phiên cũng tăng cường cho ban Bình-Minh.
Xuôi theo đường Độc-Lập, chưa đến rạp xi-nê Tân-Tân, nhưng khứu giác của tôi bắt đầu “báo động” liên tục vì mùi thức ăn từ nhà hàng Dân-Thiên; nơi xuất phát những món ăn Tây chỉ thua nhà hàng Frigate ở bưu điện chút xíu thôi. Nhìn mấy bích chương đồ sộ treo ngay trước rạp Tân-Tân, không làm sao tôi không nhớ những xấp chương trình xi-nê mà thời đó chúng tôi rất thích cất giữ như cất giữ “Lưu bút ngày xanh” vậy. Tờ chương trình nào có in bản nhạc là chúng tôi tập hát ngay. Những bản nhạc được ưa chuộng lúc bấy giờ là Rivière Sans Retour, Bernadine, Letters In The Sand, Soyonara, Only you, v. v…
Nhắc đến mấy bản nhạc này không làm sao tôi không nghĩ đến bác Nguyễn-Hữu-Dưỡng, giáo sư toán và cũng là ngón đàn vĩ cầm cùng thời với Ba tôi trong Hội Mỹ-Thuật Nha-Trang.
Cách rạp Tân-Tân chỉ vài căn phố là ngã tư Độc-Lập và đường Nhà-Thờ. Nơi đây lúc nào lời ca và nhạc Ấn-Độ cũng vang dội từ máy khuyếch đại âm thanh đặt ngay trước rạp Tân-Tiến. Vốn không thích nhạc và phim Ấn-Độ và cũng không thích thưởng thức nhạc một cách ồn ào, không bao giờ tôi đến rạp Tân-Tiến để xem xi-nê mà chỉ đến vì… hủ tiếu, mì, sâm bổ lượng và các món chè. Nếu Sài-Gòn có Chợ-Cũ với những món ăn vặt rất hấp dẫn của mấy chú Ba-Tàu thì Nha-Trang có khu vực chung quanh rạp Tân-Tiến.
Rời khu vực Tân-Tiến, chỉ cần qua khỏi Garage Charner, tôi đã thấy lại cái quán nhỏ của ông Tàu già chuyên bán sữa đậu nành và pa-tê-sô, ngay ngã ba Độc-Lập và Công-Quán. Ngày xưa, mỗi khi thâu thanh hoặc phát thanh trực tiếp xong, Ba tôi thường đưa toàn ban Bình-Minh đến quán này uống sữa đậu nành. Những lần đó, chú Phan-Phi-Phụng, giáo sư trường trung học Kỹ-Thuật và cũng là người chơi Banjo Alto với cả ngón út của bàn tay trái, thường kể những mẫu chuyện rất ý nhị.
Từ quán ông Tàu già, thấy ánh đèn sáng rực trước rạp xi-nê Minh-Châu, tôi bùi ngùi nhớ lại giọng hát, tiếng đàn của những nghệ sĩ tài tử của trường Võ-Tánh cũng như của ban Bình-Minh vào những dịp tổ chức xi-nê có phụ diễn tân nhạc để gây qũy. Những lần đó, Thanh-Điệp độc tấu phong cầm những bản Conserto của J. Rosas, Ivanovici, J. Strauss, v.v…, và Nguyệt-Thu không bao giờ đơn ca Sérénata mà không có tiếng vĩ cầm réo rắc của Phạm-Đình-Phê. Một lần, cũng tại rạp xi-nê Minh-Châu, Ka-Lăng, Thanh-Điệp, Bích-Khuê, Bích-Khê cùng Thọ và Luân trong trường ca Hội-Trùng-Dương của Phạm-Đình-Chương, hòa âm của Nghiêm-Phú-Phi, đã đem giải nhất trong cuộc thi văn nghệ toàn miền Trung về cho trường Võ-Tánh.
Qua khỏi rạp Minh-Châu, nơi góc đường Công-Quán và Yersin, hàng cây khuynh diệp trước ngôi nhà của nhạc sĩ Minh-Kỳ đang lã mình trong gió. Giờ đây Minh-Kỳ không còn nữa, thảo nào hàng khuynh diệp thì thầm tiếc thương!
Từ nhà nhạc sĩ Minh-Kỳ có thể nghe tiếng Dalida trong bản Bambino phát ra vang dội từ máy khuếch đại âm thanh nơi rạp Tân-Quang, ngay ngã sáu Nhà-Đèn. Xeo xéo Nhà-Đèn, trên đường Quang-Trung, là ngôi nhà của Hoàng-Cầm, tiếng hát nhà nghề.
Từ nhà Hoàng-Cầm trở ra đường Độc-Lập, quẹo phải là đầu đường Phan-Bội-Châu; nơi có căn lầu hai tầng của Trần-Nam, người có biệt tài xử dụng Tây-Ban-Cầm giả tiếng Đại-Hồ-Cầm mà bất cứ người nào có trình độ thẩm âm cao thế mấy đi nữa cũng khó có thể phân biệt. Nhưng đó chỉ là sở đoản của Trần-Nam thôi; sở trường của Trần-Nam là tiếng Clarinette trầm và đục.
Qua khỏi nhà Trần-Nam khoảng vài căn phố là ngôi nhà hai tầng của Thérèse Scott; người đã đơn ca bản Giòng Sông Xanh, phát thanh trực tiếp vào hôm khai mạc đài phát thanh Nha-Trang. Hôm đó Thanh-Điệp cũng đơn ca Trở Về Thôn Cũ của Nhị-Hà. Sát bên nhà Thérèse Scott là cửa hàng của gia đình Thúy-Minh và Hoàng-Thu, hai giọng nữ của ban Bình-Minh.
Xuôi theo đường Phan-Bội-Châu, qua khỏi rạp Modern, là khu phố sầm uất nhất của Nha-Trang. Vào những ngày trước Tết, chợ Tết thường được tổ chức trong lòng phố này, chiếm hẳn khoảng đường từ rạp Modern đến Toà án. Ban ngày chợ Tết thường đông người lớn tuổi đi mua sắm. Ban đêm là thời gian của người trẻ và lính. Cứ mỗi chiều, xe GMC từ các trung tâm huấn luyện Không-Quân, Hải-Quân, Đồng-Đế kéo về, “đổ” xuống cạnh chợ Tết không biết bao nhiêu là sinh-viên sĩ-quan và lính. Nhờ vậy, lúc nào chợ Tết cũng mang sắc thái vui tươi, nhộn nhịp.
Mỗi lần đi chợ Tết, chúng tôi thường chọn những chiếc áo dài vừa ý nhất, những chiếc áo lạnh hợp thời nhất và thế nào cũng choàng những chiếc khăn voan hợp với màu áo. Chúng tôi thích đi từng hai hay ba đứa với nhau, vừa đi chầm chậm vừa cắn hạt dưa vừa nói chuyện thầm thì. Thời đó, trong nhóm chúng tôi ít đứa được phép trang điểm, cho nên chúng tôi rất thích cắn hạt dưa cho môi hồng hồng. Chúng tôi, và hầu như tất cả mọi người đi chợ Tết ban đêm, cứ lượn lên lượn xuống dọc theo hai hè phố tràn ngập ánh sáng, rực rỡ lụa là, thơm mùi bánh mứt và lanh lảnh tiếng chào mời của mấy cô bán hàng xinh xinh. Khi nào biết “bị” người khác phái để ý và đi theo, chúng tôi thích thú trong lòng nhưng không hiểu tại sao lại cứ lẫn vào mấy cửa hàng để… trốn!
Một trong những nơi chúng tôi thường trốn là căn phố hai tầng của Mầu, ngay trước chợ Đầm. Mầu là “tay” Saxophone nồng cốt của ban Bình-Minh. Nếu ai đã nghe tiếng Saxophone Alto của Mầu nức nở từng hồi trong bản J’ai Rêvé De Vous, người đó sẽ không còn muốn nghe tiếng Saxo. của ai khác nữa, ngay như của Louis Amstrong!
Cách nhà Mầu một con đường nhỏ dẫn ra biển là cửa hàng và khách sạn của gia đình chú Huỳnh-Anh, người sử dụng Đại-Hồ-Cầm độc nhất của Nha-Trang thời bấy giờ. Ngày xưa, mỗi tối đi học Anh-Văn ở Thanh-Thương-Hội, gần Tòa Tỉnh, tôi thường đạp xe đạp qua đây và thấy chú Huỳnh-Anh ngồi đọc sách hoặc hút thuốc ngay dưới trụ đèn đường. Về sau, các lớp Anh-Văn ở Thanh-Thương-Hội không còn nữa, cũng như chú Thu-Hoài – giọng ca nồng nàn, ấm áp nhất của Nha-Trang vào thời điểm đó – đã giã từ tiểu đoàn Bảo-an phòng vệ Tòa Tỉnh.
Vì đài phát thanh nằm trong khuôn viên Tòa Tỉnh cho nên, ngày đó, trước hay sau khi thâu thanh hoặc phát thanh trực tiếp, tôi thích lang thang quanh những con đường rợp bóng cây bàng để thỉnh thoảng nghe tiếng trái bàng rơi trên mặt đường.
Trước đài phát thanh, bên trái, cuối giải cát vàng là Xóm-Cồn; nơi có Đài thiên-văn Yersin. Bên phải, con đường Duy-Tân uốn mình bên giải cát mềm và hàng thông cằn cỗi.
Cạnh những hàng thông này, dạo vừa cùng gia đình từ Dalat dời về Nha-Trang, mỗi chiều chủ nhật, tôi thích đến để nghe ban nhạc “Kèn đồng” (quân nhạc) của Hải-Quân hòa nhạc. Thỉnh thoảng khán giả cũng “nổi máu nghệ sĩ”, tình nguyện hát một bản. Lúc ấy tôi chỉ hơn mười tuổi. Nhưng khi nghe một người hát bản Viễn-Du tôi vẫn hiểu bản ấy không nên hát với ban nhạc “Kèn đồng” và trong khung cảnh này. Tuy vậy, lời ca, tiếng nhạc cũng dẫn dắt hồn tôi đi thật xa. Nhìn trời lồng lộng, nhìn biển mênh mông và nhìn quân phục tiểu lễ trắng của nhạc công, tôi thích. Tôi buồn. Và tôi ước mơ!
Dọc theo đường Duy-Tân là viện Pasteur, Khu Công-Chánh, nhà hàng Beau Rivage, Grand hotel, v. v… Nhưng nơi tôi thích nhất là ngã ba Duy-Tân và đường Bá-Đa-Lộc, vì đường này chạy ngang ngôi trường thân yêu của tôi: Trường Trung Học Võ-Tánh.
Trường Võ-Tánh là tòa nhà đồ sộ hai tầng, mái lợp bằng ngói đỏ, tường sơn màu trứng sáo. Trong sân trường trồng nhiều cây sao, nhưng cây còn nhỏ, chưa tỏa được bóng mát um tùm như hai hàng cây sao dọc theo đường Bá-Đa-Lộc. Trường tôi không giàu nên sân trước không được tráng xi-măng mà chỉ được “nện” bằng đất đỏ, sân sau là bãi cát trống, đầy hoa giếng và cây thồn bồn. Trên bãi cát này, ngày xưa, học sinh thường dựng sân khấu lộ thiên để trình diễn văn nghệ vào những dịp bãi trường hoặc mừng Xuân.
Đối diện với trường Võ-Tánh, cách một khoảng đất trống và đường Yersin, là sân vận động; nơi tôi thường theo Ba tôi đi xem đá banh, để thấy Ba tôi lăng xăng phỏng vấn, viết bài cho tờ Đuốc-Thiêng.
Từ sân vận động, theo đường Yersin ngược lên phía ga xe lửa, tôi bỗng lặng người khi thấy lại ngôi nhà cũ – nơi chị em tôi lớn lên trong vòng tay thương yêu của người Mẹ rất đẹp và trẻ cho đến độ ai cũng tưởng Bà là chị tôi; và người Cha mang giòng máu nghệ sĩ nhưng sống khắc khổ như vị chân tu!
Cách nhà tôi độ vài gốc cây muồng là khách sạn Phụng-Hoàng; nơi Hàn-Phong-Cao đã lớn lên, đã ca vang những ca khúc tình tự dân tộc và đã đưa tiếng ca ngọt ngào ấy theo từng vết lăn của đoàn Kỵ-Binh.
Xéo góc với khách sạn Phụng-Hoàng, trên đường Gia-Long, là ngôi nhà của Thanh-Hoa, người có giọng soprano cao vút, cũng trong ban Bình-Minh. Cùng với tiếng vĩ cầm lảnh lót của Phạm-Đình-Phê, tiếng hát Thanh-Hoa đã làm say đắm không biết bao nhiêu tâm hồn yêu nhạc trong sầu khúc cổ điển Sénérade của Schubert.
Trong nỗi nhớ khôn cùng, tôi tưởng như tôi thấy lại tôi của những lần chơi vũ cầu trong sân, hoặc tập xe đạp trên đường Yersin, té lăn nhào trong tiếng cười rộ của đám bạn cùng lứa. Ngày đó, nếu đường Yersin cho tôi những tràng cười hồn nhiên của tuổi ấu thơ thì khi tôi lớn hơn một chút, đường Gia-Long lại cho tôi những bâng khuâng, nhung nhớ ngập lòng, vì tiếng còi của những chuyến tàu đêm.
Đối với tôi, Nha-Trang tươi thắm nhất là khi những tia nắng đầu ngày vừa le lói cuối vùng biển xanh, và Nha-Trang dịu dàng nhất là thời gian trước khi màn đêm về. Vì lẽ đó, tôi thích lang thang một mình trên ngọn đồi sau chùa Hải-Đức để nhìn những tia nắng cuối cùng của một ngày còn bịn rịn trên ngọn Corniche de Cauda trong khi cả một vùng không gian rộng lớn đang từ từ chìm vào màn đêm.
Bây giờ, tuy đã xa Nha-Trang hơn một phần tư thế kỷ, nhưng đôi khi, từ vùng “a-lại-gia-thức” sâu thẳm, tôi vẫn như thấy được những tia nắng hấp hối trên đỉnh Corniche de Cauda. Những lúc ấy, hồn tôi rỗng lặng để cảm nhận được tất cả vẻ đẹp hùng vỹ của quê Nội thân yêu.
Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...
Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh
- Đài Little Saigon
- Đài Saigon-Houston
- Ðài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Lê-Văn)
- Đài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Nguyễn-Vĩnh-Châu)
- Đài Tiếng Nói Việt Nam Tại Montreal
- Tạp Chí Giao-Chỉ
- Văn Liệu Văn Học Hải Ngoại
- Tâm Tình Người Lính Năm Xưa
- Hệ Thống Truyền Thống Việt Nam Hải Ngoại
Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Giới Thiệu
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Phê Bình
- Lê Nhật Thăng
- Nguyễn Gia Bảo
- Phụng Hồng Giới Thiệu
- Phụng Hồng Phê Bình
- Phụng Hồng Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Tạp Chí Giao Chỉ
- Trần Bình Nam
- Nguyễn Đình Sài
- Nguyễn Đình Tuyến
Tặng Phẩm Của Bạn Hữu
- Hoàng Vũ Bão — Tập Thơ Nửa Đời Thương Đau
- Tuý Hà
- Mũ Nâu — ĐML 55 Năm Cầm Bút
- Huy Tâm — Chỉ Còn Là Kỷ Niệm
Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu
- Họa Sĩ Phạm-Thông và Di Tích Lịch Sử
- Mạn Đàm với Đặng-Thái-Sơn
- Nhạc Sĩ Trường-Sa và Những Dòng Sông Xưa
- Tài Danh Lưu Lạc Khánh-Ngọc
- Nhạc Sĩ Lê Dinh
- Chuyến Bay Định Mệnh
Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu
- Hồi Ký Kháng Chiến “Hành Trình Người Ði Cứu Nước”
- “Tìm Nhau Từ Thuở” của Giáo Sư Xuân-Vinh
- “Tù Binh Và Hòa Bình” của Phan-Nhật-Nam
- Thi Phẩm “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”
- Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha Trang
- Nỗi Niềm Của Một Phụ Nữ
- Đêm Đại Dương
- Hội Ngộ Của Hải-Quân V.N.C.H.
- Trường Việt Ngữ Hùng Vương tại Houston
- Quân Nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà
Bài Mới Chưa In Thành Sách
- Nó Đã Nhầm
- Cháu Đích Tôn Của “Ngụy”
- Cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh
- Đề Đốc Trần Văn Chơn
- Cô Bé Trong Nhà Thờ
- Hỡi Người Trẻ Việt Nam
- Mặt Chuột
- Góp Ý Với Lê Mã Lương
- Góp Ý Với Bill Hayton
- Người Hùng Của Tôi — John McCain
- Bạn Lính
- Người Trẻ Việt Nam Hôm Nay
- Quốc Ca Mới Của Đảng
- Ngậm Miệng Ăn Tiền
- McCain Ra Đi
- Tại Sao?
- Lời Tử Sĩ
- Trường Sa — Hải Đảo Tội Tình
- Trường Sa Thuộc Về Ai?
- Kỷ Niệm Với Chữ Nghĩa
- Niềm Kỳ Vọng Của Ba Tôi
- Nỗi Niềm Của Người Vợ Lính
- Cộng Sản Việt Nam Rơi Mặt Nạ
- Từ HCM Đến “Bức Tử” Trường Sa