TUỔI HẠC NƠI VÙNG TRỜI BÌNH YÊN (Kiều My)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trời xanh xanh ngắt…ố … ố… kìaHai con hạc trắng, bay về, bay về bồng lai.

Bầu trời Nam California tháng sáu vẫn còn dịu mát nhờ những luồng gió từ vùng biển Thái Bình Dương thổi vào thành phố, mang đến làn không khí êm ả cho những ngày giao mùa giữa xuân hạ, trước khi bước vào mùa hè rực nắng chói chang. Trong không khí hân hoan của một ngày đẹp cuối tuần, nhà văn Trần Việt Hải, chủ soái của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã tổ chức một buổi tiệc long trọng mừng sinh nhật thứ 93 của nhà văn Nguyễn Quang. Trong dịp này, những ngọn nến cũng được thắp sáng lung linh, để tưởng nhớ ngày giỗ thứ 6 của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, là phu nhân của nhà văn Nguyễn Quang.

Trong buổi tiệc thân mật hôm nay, Kiều My nhận thấy có rất nhiều vị giáo sư khả kính như: giáo sư tiến Sĩ Trần Huy Bích, giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa, giáo sư Dương Ngọc Sum…Ngoài ra, còn có rất nhiều nhà văn như: Vi Khiêm, Phạm Gia Đại, Chu Tất Tiến, Dương Viết Điền, Phạm Quốc Bảo… Các thi sĩ gồm có: Dương Hồng Anh, Lê Trọng Nguyễn Nga, Nguyễn thị Mắt Nâu, Phi Hồ – Nhật Quang… Bên cạnh đó, còn có những nhạc sĩ tên tuổi như: Võ Tá Hân và đặc biệt có nhạc sĩ không quân Phan Đình Minh trong chương trình Từ Cánh Đồng Mây, đến từ Dallas, Texas… Giới truyền thông báo chí như anh Thiều Minh, nhiếp ảnh gia Paul Lê Văn, … cũng có mặt làm nhiệm vụ nghề nghiệp đăng tải lên truyền thông, truyền hình, cũng như báo chí về những sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại. Đặc biệt, còn có sự hiện diện của chị Nguyễn thị Tâm An trong Mạng Lưới Nhân Quyền, anh John Tạ giám đốc công ty dược thảo Pricess Lifestyle, anh Hùng Ngọc chủ nhân cơ sở Ferrari Auto Sales & Repair… Lại thêm nhà văn Ngọc Cường và phu nhân Bích Điệp, hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn, và nhiều quý vị trong những hội đoàn tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia VNCH. Với những thành viên trong NVNT&TTG như NV Khánh Lan và phu quân Mạnh Bổng v.v…

          Trong không khí thân mật của thính phòng NT studio, mọi người gặp gỡ nhau tay mắt mặt mừng trong tình thân ái. Mọi người dành thời giờ quý báu cùng đến đây chung vui ngày sinh nhật đại thọ của nhà văn đàn anh Nguyễn Quang, là nhân vật chính của sự kiện hôm nay. Đồng thời, cũng  tưởng nhớ ngày giỗ thứ sáu của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, phu nhân của anh Nguyễn Quang. Nữ sĩ MDHT được biết đến qua hai bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc; đó là: Kiếp Nào Có Yêu Nhau và Đừng Bỏ Em Một Mình…đã được giới yêu nhạc rất yêu thích, và cũng được nhiều ca sĩ trình diễn.

          MC Mộng Thủy khai mạc chương trình bằng lời chào nồng nhiệt đến quý vị quan khách. Tiếp đến là nghi thức chào cờ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ; sau đó, phút Mặc Niệm… được diễn ra trong không khí thật trang trọng.

Nhà văn Vi Khiêm đã điểm qua những tác phẩm của NV Nguyễn Quang như: Ôn Cố Tri Tân, Phận Đàn Bà, Ngoại Tình, Thầy Giáo Làng v.v… Điều này đã nói lên NV Nguyễn Quang có một trí óc sáng suốt với một tâm hồn yêu văn chương mà ông đã cống hiến cho độc giả cũng như nền văn học Việt Nam hải ngoại từ nhiều năm qua.

          Nhạc sĩ Võ Tá Hân cùng gia quyến với MĐHT, đã kể những mẫu chuyện về kỷ niệm đẹp và khó quên với nữ sĩ tài hoa này với niềm cảm mến dạt dào. Nhạc sĩ Võ Tá Hân đã phổ nhạc bài thơ “Bài Thơ Cho Huế” của MDHT và được song tấu Tây Ban Cầm với ca sĩ Ái Liên với tiếng hát truyền cảm của cô.

          MC Mộng Thủy nói về cuộc tình đẹp của đôi uyên ương Nguyễn Quang và MĐHT, với những kỷ niệm khó quên mà anh chị đã cho nhau từ lúc gặp gỡ cho đến tuổi hoàng hôn. Từ ngày chị vĩnh biệt cõi đời, anh rất đơn côi với nỗi nhớ khôn nguôi người bạn đời cho đến hôm nay. Có thể nói, đây là mối tình đích thực rất hiếm hoi trên cõi đời này.

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG VÀ NỮ SĨ MINH ĐỨC HOÀI TRINH

          Đặc biệt, trong dịp này NV Nguyễn Quang đã kể lại quá trình hoạt động của phu nhân quá cố Minh Đức Hoài Trinh của ông, cho nền dân chủ của đất nước, cũng như tranh đấu nhân quyền cho người dân Việt và sinh hoạt văn học Việt Nam tại hải ngoại, Ngoài ra, ông bà cùng giúp đỡ người Việt tị nạn ở Pháp quốc.

          Trong chương trình văn nghệ, nhóm Ngũ Long Công Chúa của NVNT & TTG đã trình diễn màn hoạt cảnh rất đặc sắc trong bản nhạc Triệu Đóa Hoa Hồng, sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ người Nga Raimond Voldemarovich. Năm nàng công chúa: Thụy Lan, Lệ Hoa, Minh Khai, Minh Thư và Minh Châu…Từng công chúa lần lượt mang những đóa hoa hồng đỏ tuyệt đẹp tặng cho ngôi sao sáng Nguyễn Quang. Chiếc bánh sinh nhật thật lớn cũng được cắt ra để chia sẻ niềm vui, cũng như những lời chúc tốt đẹp của mọi người dành cho ngày mừng đại thọ của ông.

TỪ TRÁI SANG: NV KIỀU MY, NV NGUYỄN QUANG, BÍCH ĐIỆP, LỆ HOA, MINH THƯ, THỤY LAN, MINH KHAI, MINH CHÂU

Chương trình văn nghệ rất phong phú được đóng góp bởi các tiếng hát trong NVNT & TTG và các thân hữu. Giọng hát truyền cảm của ca sĩ Ngọc Quỳnh đã cất lên trong nhạc phẩm Kiếp Nào Có Yêu Nhau, thơ của MĐHT, Võ Tá Hân phổ nhạc… Đã gây cảm xúc người nghe và ngậm ngùi nhớ đến nữ sĩ tài hoa MĐHT. Ca sĩ Mạnh Bổng thật sôi động trong điệu chachacha qua nhạc phẩm Nắng Chiều, một ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.

          Ca sĩ Không Quân Phan Đình Minh từ Dallas, cũng đã cống hiến những bài hát do anh phổ nhạc từ  bài thơ của Trần Việt Hải: Mưa Chiều Nhớ Ai. Ngoài ra, người nhạc sĩ tài hoa này cũng đã phổ nhạc với tâm huyết của mình qua bài thơ: Mẹ Ơi Con Không Về của MDHT. Và cũng chính anh đã hát lên ca khúc này với niềm cảm xúc dạt dào. Bài hát Mẹ Ơi Con Không Về đã là một động lực, lại thêm ân tình mà anh đã dành cho NV Nguyễn Quang và cố nữ sĩ MDHT, khiến anh phải bỏ thời gian bay về đây. Nhờ thế, mà mọi người được thưởng thức tiếng hát của cựu phi công “ Từ Cánh Đồng Mây”, một giọng hát trầm ấm và mạnh mẽ như ngày xưa “Đi không lo gì xác rơi” (trong nhạc phẩm Không Quân Hành Khúc của Căn Cao). Anh hát thật có hồn và lôi cuốn người nghe qua những bản nhạc  trữ tình.

          Một tiếng hát mang đậm nét u hoài trong nhạc phẩm Chiều Trên Phá Tam Giang, của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh; đó là NV Phạm Gia Đại, tác giả của tác phẩm Người Tù Cuối Cùng mà nhiều người biết đến. Chính vì giá trị của tác phẩm Người Tù Cuối Cùng, mà tên tác phẩm này luôn gắn liền với tên tuổi của anh trong cuộc sống hiện tại.

          Một giọng ca rất quyến rũ, cao vút trong bản nhạc Pháp nổi tiếng La Vie En Roses, qua tiếng đàn điêu luyện của nhạc sỹ keyboard Duy Nhật; đó là ca sĩ Ngọc Hà, phu nhân của giáo sư nhạc sĩ tài ba Lê Văn Khoa. Người nhạc sĩ lừng danh đã mang lại niềm hãnh diện cho người Việt Nam, khi ông mang âm nhạc Việt quảng bá khắp thế giới, để cho thế giới biết đến dân tộc hào hùng Việt Nam.

          NV Trần Việt Hải, con chim đầu đàn của nhóm NVNT & TTG, là người rất quý trọng bạn hữu, vẫn luôn đứng sau lưng yểm trợ tinh thần cũng như đóng góp ý kiến và tổ chức những sự kiện hầu mang đến niềm vui, hay sự thành công cho mọi người. Anh đã hy sinh thời giờ, hay vật chất và kể cả sức khỏe… cho bạn hữu của anh, nhất là những thành viên trong nhóm NVNT&TTG do anh chủ xướng. Anh rất ý nhị khi đã gợi ý cho Kiều My hát bản Chờ Đông và Après Toi trong sự kiện này, dành tặng cho NV Nguyễn Quang, để ghi nhớ lại cuộc tình của anh với người phối ngẫu. Mùa Đông là mùa tràn ngập kỷ niệm đẹp của mối tình tuyệt vời Nguyễn Quang và Hoài Trinh. Hai người đã yêu nhau, chờ đợi nhau đến mùa đông California 1980 mới được đoàn tụ.

Hát cho Minh Đức Hoài Trinh, “Em ơi! có phải ngoài trời đang mưa ? Em ơi! có phải trời đã sang đông ? Mùa đông giá băng anh đang chờ Mùa đông ái ân anh đang tìm Tìm màu áo cưới cho em…. Em ơi! xích lại thật gần bên anh.. Cho anh xiết chặt nụ cười xinh xinh Từ đây những đêm trăng thanh đầy Mình không lẻ loi không u sầu Nguyện cầu ta mãi bên nhau…” (Chérie, oh ma chérie ! il pleut dehors maintenant ? Bébé ! c’est l’hiver ? C’est l’hiver glacial j’attends l’hiver de l’amour je cherche la couleur de ta robe de mariée…. Hé! Rapproche-toi de moi. Chérie, laisse-moi presser ton beau sourire. A partir d’ici, les nuits au clair de lune, je ne suis plus seul, ni triste, je prie pour que nous soyons ensemble pour toujours…)

“Mất em, anh không thiết sống nữa, cũng không thiết tha sống, chỉ vì nhớ về em, Vắng em, em khiến mắt anh ướt lệ rơi, đôi tay nay vắng em, tim anh không còn vui. Em yêu, anh đã nhớ tiếng cười và tiếng cười của anh chỉ đến bởi em. Mất em rồi, anh chỉ còn là cái bóng… Là cái bóng của em… Mất em…”, (Qu’après toi, Je ne pourrai plus vivre, non plus vivre, Qu’en souvenir de toi, Après toi, J’aurai les yeux humides Les mains vides, le coeur sans joie. Avec toi, J’avais appris à rire et mes rires ne viennent que par toi. Après toi, je ne serai que l’ombre …De ton ombre … Après toi …)

Nhân ngày mừng sinh nhật thứ 93 của bậc đàn anh Nguyễn Quang, nhìn lại các bậc trưởng thượng khả kính… mái tóc đã trắng xóa, bước đi chậm chạp, nói chuyện chậm rải nhẹ nhàng… tất cả đã qua khỏi “thất thập cổ lai hi” và bước vào tuổi bát tuần, cửu tuần… Đây là TUỔI HẠC của một đời người trường thọ.  Người xưa cho rằng: Hạc là loài chim cao quý, có tuổi thọ rất cao; vì vậy loài chim này là biểu tượng cho sự trường tồn, bền vững và tuổi thọ. Vì thế, những vị cao niên có tuổi thọ cao còn được gọi là “tuổi hạc”. ( ví sống lâu như chim hạc )Trong thơ văn có câu:

                                       “Thương cha tuổi hạc đã cao

                                      E khi ấm lạnh buổi nào biết đâu” (LVT)

          Con hạc có bộ dáng mảnh mai, mang bộ lông trắng muốt, trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung. Hạc là loài chim sống lâu năm; vì thế, người ta gọi tuổi của các bậc cao niên là “tuổi hạc” vậy.

          Ở Hoa Kỳ, tuổi cao niên được gọi bằng cái tên thật quý giá, đó là “golden age” là “tuổi vàng”; nhằm bày tỏ lòng quý trọng đối với các vị cao niên đã đóng góp tài năng và công sức cho xã hội khi còn trẻ. Tuổi hạc còn khỏe mạnh nhờ vào sự lạc quan của chính bản thân và tình thương mến của gia đình, bạn bè dành cho. Thật vậy, nếu một người lớn tuổi sống cô độc, chung quanh không có ai là người để bầu bạn, không ai quan tâm hay chia sẻ những lúc vui buồn, thì thường bị trầm cảm và sinh bệnh hoạn. Vậy xin các bậc tuổi hạc hãy đến chung vui với thế hệ đàn em trong những cuộc hội ngộ, để có được nụ cười và niềm an ủi; hầu mang đến đời sống có ý nghĩa của tuổi về chiều. Con đường này ai cũng phải đi qua, nếu kiếp sống kéo dài. Hình ảnh của các vị tuổi hạc hôm nay, cũng là hình ảnh của thế hệ kế tiếp trong tương lai. Vì: “Sóng sau dồn sóng trước.” Đều phải tuân theo luật tự nhiên cả!

          NV Nguyễn Quang với bản chất vui vẻ, thành thật và rất điềm đạm; vì thế ông được nhiều người quý trọng và thương mến như một người anh cả. Chính vì tấm chân tình mà những người em tinh thần đã dành cho ông, khiến ông phải lưu luyến và chọn Little Saigon để dừng chân và sống những ngày cuối đời của ông. Little Saigon, là Saigon Nhỏ của người dân Việt tị nạn ở Hoa Kỳ, sống nơi đây NV Nguyễn Quang tưởng nhớ đến Saigon năm xưa ở quê nhà, mà ông đã rời xa từ rất lâu. Ông đã không chọn Paris, Pháp quốc để sống những ngày tháng tuổi hạc của ông, mà ông chọn nơi đây, để sống với các em yêu quý của ông trong tình nghĩa văn chương và tình người đồng hương đậm đà.

Cầu chúc nhà văn Nguyễn Quang được an vui, khỏe mạnh…hầu đi tiếp quãng đời còn lại, bên cạnh những người em luôn quý mến anh, tạo thêm nguồn cảm hứng để sáng tác nhiều tác phẩm văn chương để đời. Nhìn các bậc tuổi hạc, Kiều My rất kính mến và ngưỡng mộ, thầm cầu mong cho các vị luôn mạnh khỏe, có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc nơi vùng trời bình yên này.

Hướng về bên kia đại dương, thật xót xa khi nghĩ đến các vị cao niên sống ở quê nhà, lúc tóc đã bạc, lưng đã còng… mà ngày ngày phải buôn gánh bán bưng để mưu sinh, hay lang thang không nơi nương tựa, hoặc bệnh hoạn không ai chăm sóc. Khấn cùng trời cao! Hãy cất đi gánh nặng trên đôi vai và hãy lau khô những giọt nước mắt tủi nhục đắng cay của các vị tuổi hạc còn lại nơi quê hương khốn khổ lầm than!

Kiều My.

Tuổi Hạc Vàng (*)

(Kinh chúc nhà văn Nguyễn Quang)

Hạnh phúc an vui hưởng tuổi già

Bình minh trẩy hội đẹp ngàn hoa

Văn chương bút pháp hồn vui thỏa

Tuổi hạc vàng với trời bao la

“An nhiên tự tại” danh ngời tỏa

Đa phúc đa thọ đáo xuân thời

Quá thu khánh tuế trường vạn lộc

Chúc văn nhân “bách niên giai lão”

Đẹp nụ cười hiền dáng thanh cao!

Kiều My.             

(*): trích ảnh hạc vàng.