Nhà sử học Antony Beevor nhận định Vladimir Putin là người bị thua thiệt nhất trong vụ nổi loạn của Prigozhin – một bước ngoặc đối với nước Nga và với Putin. Trùm Wagner đã thua cuộc, nhưng thất bại của chủ nhân điện Kremlin còn nặng nề hơn, vì đây là khởi đầu cho hồi kết của quyền lực Putin.
Kremlin cố gắng nắm lại tình hình
Les Echos và Le Figaro có cùng nhận xét: Sau vụ nổi dậy, Kremlin cố làm ra vẻ mọi sự đều đã ổn thỏa. Như đang sống trong một thế giới ảo, hôm thứ Ba 27/06 Vladimir Putin gắn huy chương cho những người lính được cho là “đã làm thất bại vụ đảo chánh” – tuy hôm đó đoàn quân Wagner chỉ còn cách Moscow 200 cây số mà không gặp sự kháng cự đáng kể nào. Vốn quen với những bài diễn văn tràng giang đại hải, lần này Putin chỉ phát biểu có vài phút, với giọng trầm buồn.
Chủ nhân điện Kremlin không hề nhắc đến tên Prigozhin – có thể đoán được sự căm tức đối với người “đầu bếp” cũ đã dám vượt lằn ranh đỏ. Putin tuyên bố Nhà nước Nga đã tài trợ cho Wagner 86 tỉ rúp (981 triệu euro) từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023. Cũng trong thời gian đó, công ty Concord (do Prigozhin lãnh đạo) thu lợi 80 tỉ rúp (866 triệu euro) khi cung cấp bữa ăn cho quân đội. Putin nói ông hy vọng “không ai ăn cắp ít nhiều gì trong đó”.
Có thể suy ra rằng dù đã được hủy bỏ điều tra về tội nổi dậy, Prigozhin có nguy cơ bị điều tra hình sự. Nhà nghiên cứu Maria Snegovaia, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng “nếu Prigozhin không bị trừ khử trong những tuần lễ tới, đây sẽ là điều rất bất thường và khó hiểu”.
Cuộc đối đầu chưa kết thúc
Le Monde điểm lại “Sự đối mặt giữa Putin với Prigozhin và những bất định sau vụ nổi dậy”. Tổng thống Nga muốn khép lại cuộc khủng hoảng, nhưng số phận của trùm Wagner và đội quân của ông ta vẫn không rõ ràng. Dù sao đi nữa, tên tuổi của Prigozhin từ cuối tuần qua đã vượt qua tất cả các nhà đối lập từ trước đến nay.
Từ 23 năm qua dưới triều đại Vladimir Putin, người dân Nga hiểu rằng phản bội là tội nghiêm trọng nhất. Hai chữ “phản bội” đủ để Serguei Skripal và Alexei Navalny bị đầu độc, mưu sát. Hôm thứ Hai 26/06, họ biết thêm một điều khác: Khi “những người yêu nước” phản bội, thì đó chỉ là “sai lầm” nhất thời và có thể tha thứ. Phát biểu đầu tiên của ông Putin từ sau khi vụ nổi loạn kết thúc chỉ xác nhận điều mà mọi người đều đã biết vào tối thứ Bảy, khi đoàn quân Wagner chỉ còn cách Matxcơva 200 cây số thì quay đầu: Mọi chuyện đã khép lại.
Đối với lính Wagner, có ba chọn lựa: gia nhập quân đội, quay lại với đời sống dân sự hay sang Belarus. Nhưng giọng điệu Putin đầy đe dọa với “những kẻ tổ chức nổi dậy” khiến người ta nghi ngờ về số phận Prigozhin. Về phía ông chủ Wagner tuy “lấy làm tiếc” về cái chết của các quân nhân Nga, nhưng nói rằng vẫn “tranh đấu cho công lý”, so sánh việc vượt “780 cây số” với tốc độ tiến quân của Nga ở Ukraine. Prigozhin cũng nhắc đến sự đón tiếp nồng hậu của dân chúng, và sự ủng hộ của một bộ phận quân đội.
Wagner nổi loạn: 11 tỉ lượt xem trên Telegram chỉ trong 24 giờ
Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ hôm thứ Bảy 24/06, các tài khoản Telegram tiếng Nga có đến 11 tỉ lượt xem, số người đăng ký theo dõi tăng gấp 10 lần. Các phương tiện truyền thông và mạng xã hội của Prigozhin cũng như hãng tin Riafan.ru của ông bị chặn tại Nga, nhưng những thông báo của trùm Wagner được cư dân mạng copy lại và phổ biến. Thông tin cuối cùng vào lúc 19 giờ 25, trong đó Prigozhin loan báo rút lui để “tránh đổ máu”, thu hút 9.3 triệu lượt xem, chưa kể nhiều triệu lời bình. So với con số này, truyền hình Nga thật thảm hại.
Điểm tương phản nữa là những khuôn mặt cột trụ tuyên truyền của Kremlin đều vắng bóng trong suốt thời gian Wagner nổi loạn. Margarita Simonian, giám đốc hãng tin RT và Sputnik, sau 24 tiếng đồng hồ im lặng mới xuất hiện trên truyền hình khi đã êm xuôi, nói rằng bận đi tàu trên sông Volga nên không kết nối được.
Belarus, căn cứ địa mới của Wagner?
La Croix cho biết nhiều nhà phân tích coi Alexandre Lukachenko là “người hưởng lợi trong vụ Wagner nổi loạn”. Tổng thống Belarus đang trong tình trạng hoàn toàn là chư hầu của Vladimir Putin, sau vụ này vị thế ngoi lên được đôi chút. Alexandre Lukachenko hài lòng kể lại đã có sáng kiến thương lượng sau khi Putin nói rằng không liên lạc được với Prigozhin. Nhưng trang web Meduza dẫn nguồn tin thân cận với Kremlin lại cho rằng Putin không trao đổi trực tiếp với thủ lãnh Wagner, mà giao nhiệm vụ cho Anton Vaino, chánh văn phòng tổng thống và Nikolai Patrouchev, thư ký Hội đồng An ninh Nga. Lukashenko còn vui miệng tiết lộ một số chi tiết không có lợi cho Putin, chẳng hạn chỉ có vài quan chức sớm công khai lên tiếng ủng hộ Kremlin.
Trang web độc lập Verstka đưa tin Belarus sẽ cho quân Wagner đóng tại một căn cứ 8,000 chỗ ở Moguilev, cách biên giới Ukraine 200 kilomet. Vấn đề là Prigozhin và lính của ông ta sẽ làm gì tại đây. Ryhor Astapenia của Chatham House cho là Lukashenko sẽ không để cho ông chủ Wagner đóng một vai trò đáng kể nào, không muốn có một địch thủ trên lãnh địa của mình. Franak Viacorka, cánh tay phải của thủ lãnh đối lập lưu vong Belarus, thấy rằng dù sao Wagner cũng không lưu lại lâu, “Belarus quá nhỏ đối với họ”. Đối với Ekaterina Pierson Lyzhina, đại học mở Bruxelles, những quan hệ của Wagner ở châu Phi sẽ có lợi cho Alexandre Lukachenko, lâu nay vẫn muốn bán vũ khí, xe máy cày, phân bón cho các nước phương Nam. Nhưng nhà nghiên cứu này cũng cho là tập đoàn lính đánh thuê sẽ không ở lâu. “Đó là một công ty tư nhân, họ phải kiếm tiền và bán được phục vụ”.
Bước ngoặc mở đầu cho hồi kết của Putin
Libération chạy tựa trang nhất “Putin, lời thú nhận yếu đuối khó tin”. Trả lời phỏng vấn của tờ báo, nhà sử học Antony Beevor nhận định Vladimir Putin là người thua thiệt nhiều nhất trong vụ nổi loạn của Prigozhin.Theo chuyên gia về Đệ Nhị Thế Chiến và là tác giả nhiều cuốn sách về nước Nga, mưu toan nổi dậy của Prigozhin là một bước ngoặc đối với đất nước này và với Vladimir Putin. Trùm Wagner đã thua cuộc, nhưng Putin còn thất bại nặng hơn vì đây thực sự là khởi đầu cho hồi kết của quyền lực ông ta.
Trong bài phát biểu ngắn trước quốc dân hôm thứ Bảy, Putin nhắc đến năm 1917 và cuộc nội chiến. Ông Beevor cho rằng Putin hoàn toàn ý thức về tầm quan trọng của nội chiến Nga (1917-1921) trong ký ức tập thể. Khi Stalin chết năm 1953, đám đông khóc lóc kể cả các nạn nhân của chế độ, nhưng nước mắt của họ là do nỗi sợ nội chiến quay lại – một thời kỳ vô cùng khủng khiếp. Nhưng chỉ riêng việc nói về nội chiến đã là dấu hiệu của yếu kém.
Putin thừa biết là chính sự thờ ơ giúp các cuộc cách mạng thắng lợi. Trong thời điểm quyết định, người ta chờ đợi xem tình hình diễn biến ra sao, tránh đưa ra quan điểm trước khi chắc rằng phần thắng sẽ nghiêng về bên nào. Chỉ đơn giản việc không ai có phản ứng trước đà tiến của Wagner cả ở Rostov lẫn Voronej, Lipetsk là hết sức ấn tượng. Có lẽ chính Prigozhin cũng ngạc nhiên trước thành công này, hiểu rằng mọi việc có thể vượt tầm kiểm soát, và lo sợ khi tiến gần Moscow nên muốn nhanh chóng tìm ra giải pháp. Về phía Vladimir Putin cũng bất ngờ trước đà tiến của Wagner.
Sự sụp đổ không còn phải đợi quá lâu?
Lúc này đây, chế độ mất đi uy tín, quyền lực và ảnh hưởng. Tất nhiên không có nghĩa là Putin sẽ biến mất trong những ngày tới, nhưng người dân đã hiểu rằng ông ta không đủ mạnh. Đối với một đất nước rộng lớn như Nga, sự độc tài – dù dưới chế độ Sa hoàng, cộng sản xô-viết hay găng-tơ, tội phạm như hiện nay – tùy thuộc vào quyết tâm áp đặt sức mạnh của lãnh đạo. Lòng tin vào Kremlin đã bị lung lay.
Khác với thời Liên Xô cũ có ủy ban trung ương, có Bộ Chính trị có thể quyết định đưa nhà lãnh đạo yếu kém “đi dưỡng bệnh” và thế là vấn đề được giải quyết. Nay mọi quyền lực đều tập trung vào Vladimir Putin, khó lòng dự kiến được gì, và tình hình có thể trở nên nguy hiểm. Việc đẩy Prigozhin sang Belarus, dùng Alexandre Lukashenko để trình bày một thỏa thuận có thể có bàn tay Trung Cộng trong việc này, càng tăng thêm cảm giác tệ hại: Quyền lực không chỉ nằm ở Kremlin, mà còn phải nhìn sang phía Bắc Kinh.
Tất cả là hậu quả của việc xâm lăng Ukraine. Putin tự bắn vào chân mình và đặt đất nước trong tình trạng hiểm nghèo. Trước đây trọng lượng kinh tế của Nga đang lớn mạnh, có thể dùng làm quyền lực mềm, nhưng sự ngạo mạn và thiếu hiểu biết thực tế đã làm ông ta mất đi phán đoán. Cũng như Liên Xô từng sụp đổ rất nhanh, tảng băng bắt đầu rạn nứt. Có thể sự tan rã phải mất nhiều tháng, nhiều năm, nhưng Antony Beevor dự báo rằng sẽ không phải tính bằng năm.
Ngoại trưởng Mỹ: Chỉ là chương mới trong những thất bại của Putin
Le Monde cho biết lo ngại trước sự bất ổn của một cường quốc nguyên tử, Hoa Kỳ tỏ ra thận trọng về cuộc khủng hoảng chưa từng thấy đối với Vladimir Putin. Hôm Chủ nhật 25/06, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng cuộc hành quân về Moscow của Wagner là “chuyện nội bộ” của Nga, “chỉ là chương mới nhất trong cuốn sách thất bại mà Putin đã viết ra cho chính ông ta và cho nước Nga”.
Washington Post tiết lộ, tình báo Mỹ đã phát hiện những dấu hiệu chuẩn bị của Wagner từ giữa tháng Sáu, nhưng khác với những tuần lễ trước cuộc xâm lăng Ukraine, chính quyền Biden im lặng theo dõi. Theo La Croix, việc ông chủ Wagner đến Belarus, nước láng giềng của Litva, đặt NATO trước thách thức phải củng cố sườn phía đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức đề nghị điều 4.000 binh sĩ sang trú đóng, bổ sung cho 800 quân đã có. Châu Âu quyết tâm tiếp tục hỗ trợ cho Kiev để giành lại những lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng. Tướng Anh Patrick Sanders cho rằng “một nước Nga chia rẽ chưa hẳn đã là tin tốt lành”.