Tranh Hồ Hữu Thủ.
Một dạo, sau ngày 30-4-1975 bỗng dưng có phong trào mở quán cà phê cóc vỉa hè.
Có thể đây là một hình thức mưu sinh trong thời gian đầu cuộc sống bị xáo trộn của một số người dân thành thị.
Nhưng cũng có thể là một nhu cầu giao tiếp, gặp gỡ bạn bè của cả người bán quán cà phê cóc lẫn nam nữ thanh niên đang làm quen với cuộc sống mới, với nhiều thay đổi.
Vui vì được vui
Nổi lên trong phong trào này trung tâm Q1, đông nhất là khu vực hồ Con Rùa. Nhiều quán cà phê cóc không chỉ bán cà phê mà có bán cả bia hơi.
Đa số chủ quán cà phê cóc là “Tiểu thư khuê các” và bàn ghế, ly tách, muỗng đều là đồ mắc tiền, sang trọng từ nhà mang ra.
Khách kéo nhau tới quán uống cà phê lúc sáng sớm để “gầy độ” cho buổi trưa chuyển sang bia hơi.
Khi có men bia gợi hứng, khách mượn chủ quán cây ghi ta thùng, rồi cả khách lẫn chủ ngồi lại với nhau ca hát. Tiếng hát, tiếng đàn vang lên dưới những tán cây cổ thụ và như bay lên trời thật tự do, hào sảng. Dường như lúc đó mọi thứ âu lo, cơm áo, gạo tiền được gác lại. Người ta vui, vì được vui. Thế thôi.
Tôi nhớ Nguyễn Trọng Khôi một tay họa sĩ râu rậm, gương mặt như tài tử xi nê Omasarif nhưng ôm đàn hát cũng đầy chất lãng tử, giọng trầm ấm giống như Sĩ Phú có thể hát một lúc cả chục bài không biết mệt.
Đặc biệt, Nguyễn Trọng Khôi càng xỉn, có cô gái xinh xắn nào ngồi bên thì hát càng hay, càng say sưa. Nhất là khi hát ca khúc “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn.
Rồi NS. Trần Quang Lộc với những ca khúc mới và cũ vẫn hát say sưa chọ bạn bè nghe, trong đó có bài “Tình cờ”. Lộc bảo chỉ đặt được lời 1, còn lời 2 nhờ bạn bè đặt. Nhưng với lời 1 của bài “Tình cờ” tôi rất thích, rất tài hoa và rất xúc động. Tôi nghĩ như thế là quá đủ, một ca khúc, đôi khi không cần diễn giải thêm lời 2.
Tình cờ gặp lại người quen
Dường như lâu lắm rất xa nhau
Gặp lại nhau, mắt vương niềm đau
Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau
Gặp lại nhau, tóc xanh phai màu…
(Tình cờ-Trần Quang Lộc)
Bây giờ Sài Gòn toàn cà phê hộp sang trọng, những quán cà phê hộp đầu tư cả tỉ tỉ tiền mọc lên hầu như khắp mọi nẻo đường thành phố, đặc biệt khu vực hồ Con Rùa trung tâm Q1 cũng dày đặc cà phê hộp giống như… cà phê cóc ngày xưa.
Nhưng khách vào đây không phải là dân văn nghệ với mục đích uống cà phê thuần túy, gặp gỡ bạn bè, giao tiếp chân tình, hàn huyên tâm sự đến cạn đáy lòng mà là doanh nhân làm ăn gặp gỡ bàn chuyện hùn vốn kinh doanh, ký hợp đồng với đối tác thậm chí có cả dân mánh mung, lừa đảo, kể cả lừa đảo ngoài đời lẫn trên mạng Internet.
Nếu không phải đôi tình nhân của thời @, ăn mặc rất sốc, đầu tóc nhộm loe hoe, khoen tai đeo lủng lẳng thì cũng cặp đôi người mẫu đại gia ăn mặc thời trang hàng hiệu, điện thọai di động cầm tay loại mới nhất có mặt tại Việt Nam.
Nếu là người đi một mình thì cũng cắm cúi vào màn hình laptop mù mù mờ mờ lướt web tìm cái gì trên đó có trời mới biết được.
Quán thì sang trọng, rộng mênh mông nhưng quả thật tìm một gương mặt thân ái, bạn bè kiểu cà phê cóc một thời không thể có.
Biết tìm đâu?
Ở khu trung tâm thành phố bây giờ hoàn toàn không còn cà phê cóc, vỉa hè đều dùng làm bãi giữ xe hay cửa hàng buôn bán lấn chiếm mặt tiền bày sản phẩm, tầng tầng ma-nơ-canh mặc quần áo mẫu đủ loại, đủ tư thế, phô những kiểu dáng gọi mời.
Ở những khu vực xa trung tâm, trên một số con đường thỉnh thoảng vẫn thấy những quán cà phê cóc. Nhưng quán cà phê cóc bây giờ bàn ghế đều dựa lưng vào bờ tường nhà, khách chỉ ngồi độc một hướng nhìn ra con đường trước mặt đông nghìn nghịt đủ loại xe cộ rú ga, phun khói, bóp kèn tranh nhau chạy như điên.
Khách ngồi uống vội ly cà phê rồi cũng đứng lên hối hả hòa vào dòng người, xe hối hả ấy.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi cũng sầu đời ra ngồi cà phê cóc, nhưng không phải ở khu vực hồ Con Rùa mà lựa một quán cà phê cóc ở khu vực Q3, trên con đường vắng vẻ.
Quán cà phê cóc này bày bàn ghế dưới bóng cây, có cô gái bà chủ quán xinh xắn, dáng cao ráo, dễ thương để tìm cảm hứng quanh ly cà phê nhiều hương liệu, chất tạo mùi hơn là cà phê nguyên gốc.
Nhưng cô gái bưng cà phê cho khách cũng giống… thị trường chứng khoán, vội vã, lạnh tanh, bí ẩn và đôi mắt cũng xa vời vợi tới những phương trời nào chẳng để lại một chút sương khói nào.
Tôi chạnh lòng nhớ lại ánh mắt và giọng hát của cô gái bán cà phê cóc ngày xưa ở khu vực hồ Con Rùa. Ánh mắt của cô gái sâu thẳm, hút hồn, còn giọng hát của cô trong vắt khi cất lên trong tiếng đệm đàn của Nguyễn Trọng Khôi. Mặc dù cây đàn cũ, âm thanh không còn chuẩn, người đệm say xỉn cũng run tay bấm lệch hợp âm nhưng đôi mắt của cô gái bán cà phê thủa ấy sao mà say đắm đến thế, giọng ca như khắc họa vào lòng tôi một khoảng trời mây nước long lanh.
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có còn buồn trong mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…
(Như cánh vạt bay-TCS )
Ôi, một thời những quán cà phê cóc Sài Gòn với bạn bè cũ, những cô gái hát bên trời ấy, còn biết tìm đâu?
Từ Kế Tường