“CÔ HÀNG NƯỚC” VÀ “CÔ HÀNG CÀ PHÊ” – HAI “CÔ HÀNG” ĐẦU TIÊN CỦA LÀNG TÂN NHẠC VIỆT NAM

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Dưới ảnh hưởng của cơn bão “mưa Âu gió Á”, bên cạnh sự tồn tại ngàn năm rủ bóng của giá trị cũ thì đầu thế kỷ 20, “những cái Tôi” bắt đầu chộn rộn, đảo lộn. Các giai tầng mới ra đời, những hệ lụy văn hóa trộn lẫn.
Khi Nguyễn Bính viết “Chân quê” thì cô gái mặc yếm lụa sồi, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ngày xa xưa ấy đã ít nhiều phấn hương thị thành, trở về soi bóng và khuấy động vẻ tĩnh lặng của giếng làng Khổng giáo. Và trong cuộc chuyển giao lịch sử ấy, tôi muốn kể lại chân dung hai “cô hàng” đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam, một quen thuộc, một lạ lẫm của cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, đó là “Cô hàng nước” của nhạc sĩ Vũ Huyến và “Cô hàng cà phê” của nhạc sĩ Canh Thân.

Nhạc sĩ Vũ Huyến.

Vũ Huyến là con trai của Vũ Huân, hai cha con đều là những kịch sĩ có tiếng của đất Bắc thời đó. Theo nhiều người kể lại, Vũ Huyến rất sáng sân khấu, da trắng, mặt mũi thanh tú, dấp dáng thư sinh và đóng kịch rất có duyên..
Ngoài kịch sĩ, ông được biết đến với vai trò là một nhạc sỹ với khá nhiều ca khúc như “Lời cầu nguyện”, “Mây vẫn còn bay”, “Một mai ly biệt”, “Vào mộng”, “Trao nhau lời cuối”… nhưng nổi tiếng nhất là “Cô hàng nước” (1952), với bút hiệu là Vũ Minh. Đây là tên ghép của ông với người vợ đầu tiên tên Minh Hoan. Sau này, ông tái hôn với nghệ sỹ Linh Sơn nhưng cuộc hôn nhân không bền. Vũ Huyến mất năm 1995.

 

Khi nhắc “Cô hàng nước”, nhiều người thường nhớ tới Sĩ Phú bởi tông giọng nhẹ, nhung mềm, gần như thủ thỉ mà cũng hết sức hào hoa, lôi cuốn nhưng tôi vẫn thích chính Vũ Huyến thể hiện ca khúc này hơn. Lần đầu tiên nghe, có cảm giác như ông đang khề khà kể chuyện tình bằng hơi men, cứ gà gật, lắc lư theo dòng hoài niệm, mỗi câu phát ra tựa như động tác ngửa cổ dốc một ngụm rượu cay vào lòng; thậm chí, ngay cả đoạn “Tình tính tang, tang tính tình…” có vẻ rộn ràng, tươi vui thì vẫn là cái lắc lư của hơi men, của lòng người đang chao đảo nhung nhớ. Thỉnh thoảng, người hát ngồi đờ đẫn, ngây dại, vừa khít các đoạn lặng im lìm của ca khúc. Những lúc như thế, hơi phát ra từ giọng ông như đang bay theo hơi rượu phảng phất cay cay, nồng nồng như buồn buồn, nhớ nhớ.

Sĩ Phú – Cô Hàng Nước 

Trên nền nhạc lắc lư đủ mọi cung bậc, chân dung cô hàng xuất hiện:
“Tôi kể rằng đầu làng Ngũ Xá có nàng
Một nàng bán nước chè xanh
Người đâu trông mà duyên dáng
Và cô em chừng đôi tám…
Miệng cô như là hoa
Đóa hoa thật tươi, trông càng say đắm.
Mắt cô đưa tình khiến bao chàng trai ngất ngây vì cô mỗi khi qua hàng…”.

 “Cô hàng” đầu tiên của làng Tân nhạc làm nghề bán nước chè xanh ở đầu làng Ngũ Xá, tuổi chừng mười tám đôi mươi. Dưới đôi mắt của kẻ si tình, cô hàng nước vô danh bình dị hiện lên đầy duyên dáng, tình tứ, vốn là những nét đẹp đặc trưng của các cô gái Bắc xưa. Cô có đôi mắt nhung huyền, má lúm đồng tiền và “xinh quá xinh là xinh”. Cũng như bao chàng trai ghé qua hàng cô, chàng trai trong bài hát cũng đem lòng si mê. Nhưng chàng si mê trong nín thinh, si mê từ xa, lằng lặng mà ngắm nghía, nhớ nhung.
Bởi yêu đơn phương nên chàng cũng tưởng tượng ra viễn cảnh “khắp xóm làng cùng ra xem a, người ta cầu chúc chú rễ mới cùng cô dâu sống đến bạc đầu”. Ở đây, giọng điệu bài hát xôn xao lạ kỳ. Nhưng mà khi chàng về “thì em đã rời nơi ấy, để cho quán hàng lạnh lẽo”. Giọng chuyển sang màu buồn bã, nuối tiếc. Chàng trai chỉ còn ngậm ngùi lời tỏ tình muộn màng “Ơi hỡi nàng ơi, biết cho lòng anh, đã bao năm trước, anh đã yêu nàng”.
Chẳng biết cô hàng nước về nơi nào, trời có xanh trong mắt em cười? Cô có biết ở làng mình năm xưa, có anh chàng đã từng bộc bạch “Tôi còn có mỗi cây đàn, tôi đem bán nốt tôi theo cô hàng chè xanh” hay không. Chỉ biết người ở lại, nghiêng ngóng mãi một đời không thôi.

 
 Như đã nói, cơn bão “mưa Âu gió Á” và văn hóa phương Tây dần dần xâm nhập vào Việt Nam bắt đầu lối sinh hoạt thành thị mới với nhiều tiện nghi theo văn minh Tây phương. Họ ở nhà lầu, dùng quạt điện, đi nghe hòa nhạc; chối bỏ áo dài khăn đóng, đi xe tay và uống trà mà thay vào đó là Âu phục, đi xe đạp và uống cà phê.
Nguyễn Trương Quý, tác giả của nhiều tập tản văn về Hà Nội, trong một bài viết của mình từng kể lại cà phê vốn là thức uống dễ thấy ở Sài Gòn, nhưng sự có mặt của nó trong đời sống Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung chỉ nổi lên khi đường sắt Đông Dương khánh thành năm 1936, đi mất 40 giờ, nhanh hơn so với đường tàu biển đi cả tháng trời; khi ấy cà phê mới có được giá rẻ hơn và bán rộng rãi hơn.
Cùng với sự tăng lên không ngừng của bộ phận công chức và trung lưu thành thị, không gian văn hóa cà phê dần trở thành một ý niệm quen thuộc; tuy nhiên nó vẫn còn mới mẻ, lạ lẫm với văn hóa làng xã tại các thôn quê. Từ “cô hàng nước” của Vũ Minh tới cô hàng cà phê của Canh Thân là cả một sự chuyển dịch văn hóa không ngừng mà ở đó mỗi đại diện được xem như một di chỉ văn hóa.

Cái tên Canh Thân cho ta thấy cách đặt tên rất Việt Nam (tên theo can chi), song buổi giao thời nhập nhằng đã làm nên một Canh Thân rất Tây. Ông là tác giả của các bản nhạc vui tươi, hài hước, nhộn nhịp như “Đi với tôi đến chốn trời xa”, “Túi đàn”, “Khúc ca mùa hè”… “Cô hàng cà phê” là ca khúc nổi tiếng nhất của ông. Mặc dù sáng tác không nhiều nhưng cái tên Canh Thân vẫn được nhiều người yêu mến và nhớ đến. Ông là thành viên của nhóm Đồng Vọng cùng với Hoàng Quý, Phạm Ngữ, Tô Vũ, Văn Cao (thành lập năm 1953), theo xu hướng nhạc hùng có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc.
Theo nhiều người kể lại, “cô hàng” trong ca khúc là một người đẹp vừa qua một mối tình buồn, ngồi giữ két cho gia đình mở quán cà phê ở vùng chợ Đại (Cống Thần – Ninh Bình) thuộc vùng tản cư chiến khu III, khi cà phê đã trở thành một thứ đồ uống phổ biến giữa một không gian có phần tạm bợ của thời chiến. “Cô hàng” làm cho “lắm anh điên cuồng” ấy chính là nữ ca sỹ Thái Hằng (sau này là vợ của nhạc sỹ Phạm Duy).

Cô hàng cà phê Thái Hằng

“Ở chợ Dầu có hàng cà phê,
Có một cô nàng be bé xinh xinh.
Cô hay cười hồn xuân phơi phới,
Cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi”
Cùng mô tuýp với “Cô hàng nước”, “cô hàng” thứ hai của làng Tân nhạc Việt Nam cũng là một “cô hàng” xinh xắn, trẻ trung, phơi phới. “Cô hàng” cà phê ngồi ở chợ Dầu (tên đã thay đổi so với thực tế) làm cho bao gã thiếu niên đa tình say mê, đến nỗi “đi đâu cũng ghé qua hàng, mong trông thấy bóng cô nàng, thì trong lòng chàng mới yên”. Và trong số các chàng nho nhỏ ấy, có anh chàng đã “rạt rào muốn xiêu”.
Không chỉ có thế, tác giả để cho một anh chàng nữa xuất hiện, cũng yêu quá hóa như điên rồ đến nỗi thất tình mắc phải căn bệnh tương tư “Chiếc thân bơ phờ dường như muốn chờ một kiếp ma”. Để rồi, khi “cô hàng” biết yêu thì anh chàng cũng sắp tới thiên đàng. Chẳng biết sau đó cô hàng sống như thế nào nhưng riêng chút tình muộn kia cũng để lại bao nỗi xót xa cho lòng người.
Và anh chàng tự sự trong ca khúc vẫn mơ mãi “cô hàng” với bàn tay ngà năm xưa.

CÔ HÀNG CÀ PHÊ | SĨ PHÚ 

Với nhịp điệu khá lạ so với âm nhạc lúc đó, phảng phất chút dân ca, vừa ngẫu hứng, vừa duyên dáng, “Cô hàng cà phê” không chỉ được trình bày thường xuyên qua làn sóng điện thời bấy giờ mà còn là ca khúc yêu thích của nhiều thế hệ. Và nói đến ca khúc này, mặc dù có nhiều người thể hiện rất thành công như tài tử Ngọc Bảo, Vũ Khanh, Vũ Huyến… nhưng người ta vẫn nhắc nhiều tới Sĩ Phú và gần như đây là ca khúc ghi dấu ấn của nam ca sĩ này. Đây là ca khúc đáng kể nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Canh Thân bởi sức nặng biểu tượng văn hóa mới mà nó mang lại– văn hóa đô thị, đi cùng đó là bao đổi thay như vũ bão về sau này.
Hai ca khúc ra đời vào những năm đầu tiên của nền Tân nhạc nước nhà, được viết theo dạng truyện ca và hai tác giả đều mượn lối kể tâm tình từ dân ca của nhân dân lao động để thể hiện tình cảm, cách tư duy trước cuộc đời. Nếu “Cô hàng nước” vay mượn điệu hò ơi để một mình tự sự, dàn trải, sâu lắng thì “Cô hàng cà phê” phảng phất, luyến láy chút ca dao và truyện Kiều. Hai ca khúc gắn liền với hai hình ảnh yêu kiều dù là cô hàng nước bình dị ta vẫn thấy đâu đó ở thôn quê hay cô hàng cà phê, sản phẩm của cuộc của cuộc khai thác thuộc địa từ văn minh phương Tây. Và từ cô hàng nước của Vũ Huyến tới cô hàng cà phê của Canh Thân, cả dân tộc đã đi một bước đi lớn về xã hội, văn hóa.

 

Hai ca khúc này cùng với “Cô lái đò” (Nhạc: Nguyễn Đình Phúc, Thơ: Nguyễn Bính) và “Cô láng giềng” (Hoàng Quý) đều “là những bài hát lãng mạn, những khúc tình ca mà hầu hết các nhạc sĩ Việt Nam trong giai đoạn khai hoa nở nhụy đầu tiên của mình đều nói lên những cảm xúc nồng cháy, bộc lộ tâm tình sâu kín của mình đối với thiên nhiên, đối với quê hương, làng xóm, đối với những người thân yêu. Những nét nhạc, lời ca bật ra một lúc xuất thần nào đó đã để lại dấu ấn của tác giả và gieo vào lòng người nghe những ấn tượng khó phai mờ…”

Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Thương

https://phailentieng.blogspot.com/2019/09/co-hang-nuoc-va-co-hang-ca-phe-hai-co.html?fbclid=IwAR2kA4NSwhQhiDQovNK7Vx1-uyt52NLJ3gpjttlWrDeEuKpS04Zdu-K8C3E