VIẾT VỀ CHÚ TRẦN PHƯƠNG QUẾ (Vương Mộng Long)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Hình chụp Ông Trần Phương Quế lúc còn mang Trung Úy

Đáng lý ra tôi phải gọi ông Trần Phương Quế bằng cậu, vì ông ấy là em nuôi của mẹ tôi. Nhưng từ sau ngày biết tin bố tôi và hai ông chú ruột của tôi đã bị Việt-Minh chặt đầu, trôi sông, thì tôi đổi cách xưng hô, gọi cậu Quế bằng chú, chú cháu gần gũi hơn, “Thấy chú như thấy cha…”

Chú Quế thương tôi như con. Chú vẫn gọi tôi là con, mỗi khi truyện trò. Những lúc đi xa, chú thường căn dặn tôi nhớ chăm học và ngoan ngoãn, mai mốt lớn lên thành người, trả thù nhà.

Mùa Thu năm 1948, mẹ con tôi ở chung nhà với bà ngoại tôi và vợ chồng người anh ruột của mẹ tôi nằm cách Ngã Sáu, Hải-Dương chừng trăm thước.
Một căn nhà lầu, tường đầy vết đạn, những chấn song cửa sổ bị bắn sứt sẹo cong queo, từ ô cửa sổ đó, tôi ngồi thòng hai chân ra ngoài đường nhìn những đoàn công voa đi ngang qua Ngã Sáu.
Nhà tôi ở số 24 phố (Rue de) Jean Bouchet cách khách sạn Thiên-Tuế đầu phố đúng mười căn. Cuối phố Bouchet là Chợ Tây, cái chợ lớn nhất tỉnh. Xa hơn nữa, sát bờ sông là đồn lính Lê-Dương và lính thủy.

Hàng ngày, xe cộ chạy trên đường số 5 nối liền Hà-Nội với Hải-Phòng đều phải ngừng ở Ngã Sáu, chờ mở đường, rà mìn. Công voa từ Hà -Nội xuống, và từ Hải-Phòng lên, sau khi họp thành đoàn sẽ có thiết giáp hộ tống để di chuyển về hai hướng ngược xuôi. Nhiều khi Quốc lộ 5 bị Việt-Minh đắp mô, hoặc có giao tranh, đoàn xe phải nghỉ lại đây một vài hôm. Những dịp này, hành khách nườm nượp đi qua trước nhà tôi để về Chợ Tây kiếm cơm, bún, phở, mì dằn bụng. Tôi ngồi bên cửa sổ căn gác thượng, chong mắt quan sát những chiếc xe hơi chở khách hiệu Renault, Citroẽn hay Peugeot rồi tự lựa cho mình, cái xe nào mình thích, để khi lớn lên mình sẽ tậu nó mà đi ngao du.

Thời gian này, chú Quế và ba người bạn đồng trang lứa, tuổi đôi mươi, chiếm cứ một căn nhà ngay góc đường đi vào Đề Lao Hải-Dương (nhà tù), trên con phố đối diện nhà tôi. Nhóm trai trẻ này làm nghề thông ngôn cho Tây trên tòa hành chánh. Giữa năm 1949 bốn người thanh niên ấy đã tình nguyện theo học lớp Hạ Sĩ Quan Liên Hiệp Pháp ở Trung Tâm Huấn Luyện Mao-Điền, Hưng- Yên.

Sáu tháng sau, mãn khóa, ba người kia theo binh chủng gì tôi không hay, riêng chú Quế trở thành một Trung sĩ Thiết Giáp của Quân Đội Liên-Hiệp-Pháp trú đóng trong vùng thị xã Nam-Định, quê của chú.

Cuối năm 1950 chú Quế cưới vợ. Chú dẫn cô vợ trẻ lên thăm mẹ con tôi. Lúc này gia đình tôi ở thuê trên lầu căn nhà số 17 phố Hàng Lọng. Căn nhà này của ông Triệu. Ông Triệu có hai vợ, ông ta làm Bang tá (?) ở Huyện Gia-Lộc, tỉnh Hải-Dương.
Có một lần, chú Quế chở tôi bằng xe đạp về vùng Gia-Lộc thăm ông Bang tá Triệu.
Sát vách nhà tôi là dinh cơ của ông Tiên Thân. Ông Tiên Thân là trung úy quận trưởng hay đồn trưởng gì đó mãi vùng Kẻ Sặt hay Bần Yên Nhân.
Dịp này vợ chồng chú Quế đã dẫn tôi đi ăn “cao lâu”. Đây là lần đầu trong đời, tôi được uống một cốc cà phê sữa, ăn bánh champagne thỏa thê. Đây cũng là lần đầu trong đời, tôi được xem một tuồng cải lương ở rạp Kim -Phụng. Rồi vợ chồng chú dẫn tôi vào hiệu chụp ảnh. Tôi mặc quần “soọc” xanh, áo sơ mi trắng cộc tay, đầu đội cái mũ nồi, chỏm mũ có đuôi. Tôi đứng giữa, chú thím tôi đứng hai bên, có cây cảnh đặt bên phải chúng tôi, và cái “phông” của tấm ảnh là bức tranh đồng quê, với cảnh đàn trâu đang gặm cỏ.

Mẹ tôi lớn hơn vợ chú Quế (cô Trần Thị Dậu) một giáp. Mẹ tôi nhuộm răng đen, thím Quế để răng trắng. Nhưng mẹ tôi và thím Quế rất hợp nhau. Hai người kết nghĩa chị em. Hai chị em rủ nhau đi tiệm chụp ảnh chung. Những bức ảnh của hai nữ nhân Bắc-Kỳ thời 1950, đầu vấn khăn nhung đen, cổ đeo kiềng vàng, cổ tay có đôi xuyến, ngón tay có nhẫn mặt ngọc xanh, đôi hoa tai vàng y nhận hột ngọc óng ánh, áo dài lụa màu ngà có vân, tay xách bóp đầm, đứng giữa hai chậu cảnh. Trang phục đó là “mốt” của các bà, các cô Hà-Nội Mới những năm 1949-1950. Mẹ tôi còn cất giữ những cái ảnh này tới ngày bà qua đời.
Thím Quế thương tôi như con đẻ, ngày hè nóng nực, thím thường quạt ru cho tôi ngủ.Thím Quế ở chơi nhà tôi vài tháng rồi trở về Nam-Định.

Bẵng đi một thời gian khá dài, vợ chồng chú Quế lại ghé nhà. Lần này họ bế theo đứa con gái đầu lòng ba tháng tuổi. Bé Minh vừa biết lật. Đi học về, tôi lại bế em và chơi “Cúc! Oà!” với nó; nó thích lắm. Nó lật trên giường, hai tay quơ lia liạ, hai chân đạp không ngừng, miệng nó cười như nắc nẻ, nước dãi chảy lòng thòng.
Đó là những kỷ niệm tôi còn ghi trong đầu về những gì giữa tôi và gia đình chú Quế thời kỳ chúng tôi còn sống nơi đất Bắc.

Đầu năm 1952, nhà tôi di chuyển lên làng Vẽ (Đông-Ngạc) ngoại ô Hà-Nội. Vài năm sau tôi nghe tin chú Quế cùng hai người bạn năm xưa được đề cử theo học lớp sĩ quan hiện dịch ở Đà-Lạt.

Hiệp định Genève đưa gia đình tôi vào Tourane (Đà-Nẵng), rồi vào Fai-Foo (Hội-An), chúng tôi không rõ vợ chồng chú Quế phiêu bạt phương nào.

Tới năm 1960, mẹ tôi được người quen đưa tin thím Quế vừa mất, bà tất tả vào Quang-Trung , Sài-Gòn thăm gia đình chú. Ngày về mẹ tôi mang theo vài cái ảnh, trong đó có cái ảnh đứa cháu gái của bà chụp trước đó vài năm, hình em Lệ Minh mặc áo đầm xòe đứng trong sân chơi của trường Thánh Mẫu.

Thím Quế mất đi, chú tôi trở thành gà trống nuôi bốn đứa con, hai trai, hai gái. Năm sau, chú tôi tục huyền với cô Cao Thị Thêm. Cô Thêm là nguời có công chăm sóc các em tôi từ trứng nước, các em tôi cũng thương cô như mẹ ruột. Ít lâu sau, chú Quế bỏ nghề huấn luyện viên Trung Tâm Huấn Luyện Quang-Trung, xin ra tác chiến. Đã có lần chú Quế nói với tôi lý do vì sao ông tình nguyện chuyển ngành sang Lực-Lượng Đặc-Biệt, nhưng tôi quên mất rồi.

Năm 1965 tôi đang học năm cuối cùng trong Trường Võ-Bị thì gia đình chuyển tiếp cho tôi một lá thư của chú Quế. Chú nói nếu tôi thích Lực- Lượng Đặc-Biệt thì chú sẽ giúp đỡ cho tôi về binh chủng này khi tốt nghiệp. Tôi không đả động gì tới việc này trong lá thư trả lời cho chú. Ngày mẹ tôi báo cho chú hay tin tôi chọn binh chủng Biệt Động Quân chú buồn lắm.

Từ lúc ra trường Võ-Bị, tôi một chiến trường, chú một chiến trường, chú với tôi chưa một lần được chung lưng đánh trận nào.
Rồi mẹ tôi báo cho chú biết những tin buồn tới tấp như, tôi theo Trung tướng Nguyễn Chánh Thi làm loạn Miền Trung, bị nhốt trong quân lao, bị giáng cấp xuống trung sĩ, bị treo lon, bị đổi lên Vùng 2, và bị thương dài dài… chú lại khuyên tôi bỏ Biệt Động Quân mà về với chú.

Tết năm 1969 cấm trại, nhưng tôi được Trung tá Liên đoàn trưởng Liên Đoàn 2 /BĐQ cho năm ngày phép về thăm nhà bằng Sự Vụ Lệnh. Ngày đó chú Quế đang chỉ huy Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Dù hành quân trên Quế-Sơn, Quảng-Nam.

Tình cờ chú cháu tôi gặp nhau tại nhà mẹ tôi ở Hội-An ; chúng tôi có dịp xả bầu tâm sự. Tôi biết thêm những điều chú cất dấu sâu kín trong lòng. Hồi trẻ, chú tôi rất “bô” trai, vì vậy mà nhiều hình bóng giai nhân đã đi qua trong đời chú, trong đó có bà cô vợ một thằng bạn cùng quê, cùng khóa 20 VB của tôi. Chú cũng bùi ngùi nhắc tên ái nữ của một nhà văn, sau này cô ấy lấy người bạn của chú, ông ta làm tới Tướng Vùng…

Điều kỳ lạ là, trước khi tôi vào Pleiku, thì chú tôi đã xông pha ngang dọc một thời ở vùng rừng núi này. Ông từng làm trưởng trại Plei M’Rông khá lâu rồi mới thuyên chuyển về Nha-Trang. Tôi tới Tây-Nguyên thì chú tôi đã đi rồi, không còn dịp về qua đây nữa. Nhưng tôi vẫn biết tin tức của ông qua thư từ và qua bạn bè cùng Khóa 20 Võ Bị phục vụ dưới quyền ông.

Tiểu đoàn 81 Biệt Cách Dù của Thiếu Tá Trần Phương Quế đã góp công đánh tan nhiều đơn vị Cộng-Sản vùng Cây-Thị, Cây-Quéo, Tân-Phú -Trung, Củ-Chi, Sài-Gòn trong đợt Tổng Công Kích Mậu-Thân 1968.

Rồi ông giữ vai trò phụ tá đắc lực cho vị chỉ huy Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù trong thời gian ông đảm nhận chức Liên Đoàn Phó của đơn vị lừng danh này.

Cuối cùng, ông là Đại tá Trung đoàn trưởng/Trung đoàn 9/Sư đoàn 5 Bộ Binh, một trong những đơn vị nòng cốt kỳ cựu của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.

Tôi chỉ quanh quẩn trên Cao-Nguyên Vùng 2. Chú cháu tôi hiếm có dịp gặp nhau. Có một lần, cuối năm 1970 sau khi thụ huấn khóa “Tình Báo Tác Chiến” ở Singapore trở về, tôi ghé Sài-Gòn thăm gia đình chú. Hôm đó chú đang cùng đơn vị LĐ 81 BCD dự đợt bồi dưỡng nhảy dù thường niên. Chú giữ tôi ở lại nhà ăn cơm.

Ngồi quanh mâm có tôi, chú Quế, hai đứa em con người vợ cũ của chú là em Minh, em Hương, cùng với cô Thêm, vợ sau của chú. Lần đầu tôi được gặp cô Thêm. Cô Thêm cũng là người Bắc, dáng cô cũng hao hao giống thím Dậu. Thấy cô Thêm, tôi chợt nhớ thím tôi, nhớ những ngày xa xưa tôi còn bé tí ở Hải-Dương…

Chiến tranh mỗi ngày mỗi khốc liệt hơn, tôi với chú tôi lại tiếp tục mỗi người một chiến trường. Sau khi Tiểu đoàn 82 BĐQ của tôi thắng trận Pleime 1974, Đại tá Trần Phương Quế, Trung đoàn trưởng/ Trung đoàn 9/ Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã gửi thư khen tôi, chú viết: “Con giỏi lắm! Một ngày không xa, con sẽ qua mặt chú. Chú mừng vì con đã trưởng thành…”
Chú ơi! Cháu của chú trưởng thành chưa được bao lâu, chúng ta đã mất nước.
Chú bị cầm tù từ chiều 30 tháng 4 năm 1975.
Còn cháu, thì cái giấy ra trại ghi thế này đây: Tên Vương Mộng Long bị bắt ngày 11 tháng 5 năm 1975, can tội Tiểu Đoàn Trưởng-Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân.
Chuyện chúng ta thua trận, với cháu, tới nay vẫn còn như là một cơn mơ dữ. Quân-Đội Việt-Nam Cộng- Hòa đâu có thua kém ai? Năm 1974 Tiểu đoàn 82 BĐQ của cháu đã đánh ngất ngư hai trung đoàn của Sư đoàn 320A Việt-Cộng do Đại tá (sau là Thiếu Tướng) Kim Tuấn cầm đầu. Rồi tới trận Long-Khánh tháng Tư 1975, trước khi Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của anh Nguyễn Văn Đỉnh (Khóa 15VB) vào tăng viện, Tiểu đoàn cháu cũng đánh tan nát một trung đoàn bộ binh cùng lực lượng xe tank Việt-Cộng của Tướng Hoàng Cầm ngay sát vòng rào sân bay Xuân -Lộc.

Chỉ trong vòng hai tháng sau cùng của cuộc chiến giữ nước, anh em thuộc Tiểu đoàn 82 BĐQ của cháu đã chết gần hết. Cháu cũng bao lần thoát chết trong kẽ tóc, đường tơ. Cháu đã làm tất cả những gì một người lính có thể làm, để bảo vệ quê hương.
Vậy mà, nước vẫn mất, thù nhà vẫn trả không xong. Khi ngồi viết những giòng này, nước mắt cháu đang chảy ròng ròng, chú ơi!
Mất nước, thành tù binh, tháng Mười Một năm 1975 chú cháu tôi gặp nhau ở khu K1 trại tù Tam-Hiệp. Chú Quế giới thiệu cho tôi người đàn em của chú là anh Thiếu tá Biệt Cách Dù Phạm Châu Tài. Ba người ngồi nghiên cứu cách chui rào vượt trại. Tuần lễ sau tôi bị chuyển sang K3 là nơi chỉ nhốt sĩ quan cấp thiếu tá, chú Quế ở lại khu K1 cho tới ngày chúng tôi bị lùa xuống tàu chở ra Miền Bắc.

Cuối năm 1976 sau khi bị cùm vì tội trốn trại lần thứ nhứt, tôi được đưa về đội lao động ở Trại 4, Liên trại 4, xã Cẩm-Nhân, Yên-Bái, Hoàng-Liên-Sơn. Tại đây tôi gặp lại anh bạn LLĐB Phạm Châu Tài. Tôi hỏi thăm tin tức của Đại tá Trần Phương Quế, anh ta cũng mù tịt.
Khi chuẩn bị trốn trại lần thứ nhì tôi có ngỏ ý rủ anh bạn Tài đi theo, nhưng tiếc thay, trước khi tôi khởi hành, anh Tài lại bị chuyển về Trại 1 ở tít mù trong núi Tích Cốc.
Sau hơn tháng trời lặn lội trong rừng già Bắc- Việt, toán vượt ngục lần thứ nhì của tôi lại thất bại. Bốn người đi thì, một chết trong núi là anh Đại úy Trinh Sát Dù, Nguyễn Bá Tường, còn lại ba tên Vương Mộng Long, Trần Văn Cả, và Đặng Quốc Trụ bị tóm lại. Ba đứa chúng tôi bị chuyển từ trại này tới trại khác, nhốt trong hầm, bị còng tay, cùm chân và bị khảo đả ngày đêm, thừa sống thiếu chết, để dằn mặt những tù nhân khác. Cho tới ngày Liên trại 4 giải tán thì chúng tôi bị còng tay đưa lên xe chở về Trại Phú-Sơn 4 ở Quán-Triều, Thái-Nguyên.

Ngày quân Tàu đánh Việt-Nam, bốn mươi người tù, toàn là dân vượt ngục của đội 12 Phú-Sơn 4 bị còng tay từng cặp, hai người một, chuyển về trại Nam-Hà A, Phủ-Lý.
Chú Quế và tôi lại có dịp gặp nhau lần nữa, trong tù.
Ôm tôi thật chặt, chú tôi khóc,
“Con ơi! Mới đó mà tóc con bạc cả rồi. Tội nghiệp con!…”
tôi trấn an chú tôi,
“Chú đừng lo! Tóc cháu vàng đi vì bị cùm lâu ngày và thiếu ăn. Nếu có ăn, chỉ ít lâu sau tóc cháu sẽ đen trở lại.”
Ít lâu sau ông thấy tóc tôi đã trở lại màu đen, ông mừng vô cùng. Rồi chú cháu tôi lại chia tay, tôi bị chuyển vào Trại Z30 C Hàm-Tâm, Thuận-Hải, chú tôi bị đưa về Trại Z30 A ở Ngã Ba Ông Đồn.

Năm 1985 tù chiến tranh của trại Z30 C được tha gần hết, thay vào là tù hình sự. Tôi là một trong số vài chục tên cuối cùng bị chuyển sang Trại Z30D Hàm-Tân vào cuối 1985.

Đầu năm 1988 tôi được tha về với gia đình. Chú Quế là một trong những người đầu tiên tới nhà thăm tôi. Chú tôi đã được thả về nhân ngày 2 tháng 9 năm 1987, nhưng ông còn đang bị quản chế. Hàng tháng ông phải ra trụ sở phường khai báo việc làm trong tháng vừa qua. Những người được tha sau năm 1987 như tôi thì không bị quản chế.
Thời gian này vợ chồng chú tôi sống bằng cách, hàng ngày nấu một nồi xôi lớn để vợ chú ngồi bán trước cửa bệnh viện Bình-Dân, Sài-Gòn. Cuộc sống vất vả cực nhọc và thiếu thốn quá đã khiến lưng của bà vợ chú còng trước tuổi.
Trong khi đó tôi phải lên rừng đào vàng, đào thiếc, chặt củi, giữ lô, lái máy cày thuê để kiếm sống. Mỗi lần về, tôi hay ghé thăm chú tôi.

Từ khi Việt-Cộng chiếm Sài-Gòn, gia đình chú tôi đã thành vô gia cư, phải dọn về ở nhờ nhà một đứa cháu gọi ông bằng chú.
Trước năm 1975 gia đình Đại tá Trần Phương Quế cư ngụ trong Cư xá Lam-Sơn, Gò-Vấp. Chỉ ít lâu sau ngày Sài-Gòn thất thủ, Cộng-Quân đã tới tiếp thu cư xá này. Thân nhân sĩ quan chế độ cũ phải ra ngoài tập trung để bộ đội Cộng-Sản vào khám xét từng nhà .

Ngày 16 tháng 6 năm 1975, khi toán bộ đội Việt-Cộng tới khám xét căn nhà của Đại Tá Trần Phương Quế thì giáp mặt một Thiếu úy Địa Phương Quân Việt-Nam Cộng-Hòa trẻ tuổi đang chờ tiếp đón họ.
Anh Thiếu úy Miền Nam niềm nở đón chào toán “Bộ Đội Cụ Hồ” bằng hai quả lựu đạn Mini, một cho chính anh, và một cho bọn ăn cướp vào từ phương Bắc.
Hai tiếng nổ nối tiếp nhau làm rung rinh cư xá Lam-Sơn. Anh Thiếu úy Việt-Nam Cộng-Hòa chết phanh thây, nhưng vài tên Cộng-Sản Bắc-Việt cũng banh xác, thêm mấy đứa đui, què, mẻ, sứt.
Bị vố đau, bọn Cộng-Sản phát điên lên. Để trả thù, chúng đem cái xác anh Thiếu úy Miền Nam phơi trước cổng ra vào của cư xá, cả tuần lễ sau chưa cho thân nhân nhận về chôn cất.
Anh Thiếu úy Địa Phương Quân Việt-Nam Cộng-Hòa đó tên là Trần Phương Tuấn, sinh năm 1953, con thứ nhì của Đại tá Trần Phương Quế và bà Trần Thị Dậu.
Chuyện người anh hùng Trần Phương Tuấn với hai trái Mini đón chào đoàn quân Bắc-Việt ở cư xá Lam-Sơn, Gò-Vấp ngày 16 tháng 6 năm 1975 có nhiều người chứng kiến lắm, trong đó có người nhà của Niên trưởng Khóa 10 Võ-Bị Lê Xuân Hiếu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 43/ Sư đoàn 18 Bộ Binh/ Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Nhà của Đại tá Hiếu cũng nằm trong cư xá này, và chỉ cách nhà của Đại tá Quế vài căn thôi.

Một hôm, từ mỏ vàng Hiếu-Liêm trở về, tôi ghé thăm chú Quế và bà cụ thân sinh của chú. Chú than phiền với tôi rằng người cháu ruột của chú không muốn chứa chấp gia đình chú trong nhà nữa, chú không biết phải dọn đi đâu. Tôi về thưa lại chuyện này với mẹ tôi. Sau đó gia đình chú Quế đã dọn về ở với mẹ tôi bên chợ Rạch Ông cho tới ngày đi Mỹ theo danh sách H15.

Chú tôi có bảy người con. Bốn người là con thím Dậu, ba người là con cô Thêm. Chú tôi và cô Thêm cùng ba người con của họ định cư tại tiểu bang Florida, Hoa-Kỳ. Bốn người con thím Dậu thì một chết (Trần Phương Tuấn) còn lại ba, hiện ở Sài-Gòn.
Gia đình tôi cũng được nhận vào Mỹ sau gia đình chú tôi vài tháng. Từ đó tới nay, chúng tôi sinh sống ở Seattle.
Chú tôi và tôi sinh ra để làm lính. Chú tôi xuất thân từ Trường Võ-Bị Đà-Lạt, tôi cũng tốt nghiệp quân trường này mười khóa sau ông.

Thời chiến tranh bảo vệ quê hương, tôi trấn giữ một biên cương rất xa chiến trường của chiến binh Trần Phương Quế.
Nơi quê người đất khách, chú tôi ở bên bờ Đại Tây Dương, còn tôi thì ở bên bờ Thái Bình Dương, cách nhau đúng một chiều ngang của nước Hoa-Kỳ.
Tôi và ông Trần Phương Quế có những liên hệ thân hơn ruột thịt. Ấy thế mà chúng tôi chẳng bao giờ được ở gần nhau lâu. Bận bịu công ăn, việc làm, tôi và ông lâu lâu mới điện thoại hỏi thăm lẫn nhau.

Năm 2009 trước khi nhập viện làm Bypass van tim, chú tôi có nói chuyện với tôi khá lâu trên điện thoại. Sau khi mổ tim, sức khỏe của ông vẫn bình thường. Bất ngờ, ngày 6 tháng Tư 2011 tôi nhận được e mail của người em rể, chồng của em Lệ Minh báo tin chú tôi mất.
Người lính Việt-Nam Cộng-Hòa Trần Phương Quế một đời xả thân vì đất nước đã không có cái vinh hạnh được chết nơi trận tiền. Ước vọng sau cùng của ông là tro cốt ông sẽ được gửi về quê hương Việt-Nam.
Chú tôi sẽ được hỏa thiêu như ý nguyện. Người con trai út của chú sẽ đem tro cốt của chú về đặt gần tro cốt của mẹ chú trong một ngôi chùa ở Sài-Gòn.

Nghe tin Đại tá Trần Phương Quế qua đời, người cháu của ông ở Việt-Nam đã tới Tòa soạn Báo Tuồi Trẻ để nhờ đăng cáo phó thông báo cho bạn bè thân thuộc của ông biết tin ông mất.
Thấy những giòng chữ tắt “LĐP- LĐ81- BCD” trên cáo phó, nhà báo hỏi người cháu của ông Quế rằng đó là viết tắt của những chữ gì? Khi nghe lời giải thích hàng chữ, “LĐP- LĐ81- BCD” có nghĩa, “Liên Đoàn Phó- Liên Đoàn 81- Biệt Cách Dù” thì Tòa Soạn Báo Tuổi Trẻ không dám nhận đăng cáo phó này.

Vương Mộng Long
Seattle, ngày 9 tháng Tư năm 2011