Anh Abdullah Kurdi không biết là anh đang khóc; anh choáng váng không ý thức được bất cứ điều gì xẩy ra quanh anh. Phóng viên truyền thông hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, anh máy móc trả lời, “Tôi còn ao ước gì nữa đâu!
“Tôi đi đâu? định cư ở nước nào? Cũng chẳng còn quan hệ gì!”
“Đã đánh mất những thứ quý giá nhất đời rồi, tôi còn đi tìm gì nữa.”
Kurdi người Syrian; đất nước anh cũng bất hạnh như Việt Nam; 70 năm trước, hàng triệu người Việt đã chết vì 2 tai ác thực dân và cộng sản, giờ này hàng triệu người Syrians đang chết vì độc tài và tà giáo; người Việt đứng lên chống thực dân, cộng sản lợi dụng cuộc chiến đó để độc chiếm lãnh thổ Việt Nam; người Syrians đứng lên chống độc tài Al-Assad, Tà Giáo cũng lợi dụng cuộc chiến của họ để chiếm đoạt lãnh thổ Syria, với tham vọng lập lên Hồi Quốc (IS- Islam State)
Cơn ác mộng khiếp đảm đột ngột chụp xuống gia đình anh như một thiên tai, đến từ hư vô, và bắt đầu bằng mưu đồ gian thương của bọn buôn người’ chúng hứa cung cấp cho anh một chiếc thuyền gắn máy để đưa gia đình anh -gồm 4 người- từ Turkey sang Hy Lạp.
Đến điểm hẹn, anh thấy một chiếc xuồng cao su dài 15 feet; Kurdi không chịu xuống xuồng, vì ngoài vợ chồng anh, còn 2 đứa con trai -5 và 3 tuổi, mà eo biển Canakkale, chỗ hẹp nhất cũng rộng trên 3 cây số; thấy anh ngần ngại chúng bảo anh là tầu lớn chờ ngoài khơi.
Chúng còn hứa sẽ giúp anh một đường giây đưa gia đình anh sang định cư tại Canada, nơi mà đồng lương tối thiểu của một nhân công không chuyên nghiệp cũng lớn bằng 4 lần số lương tổng cộng của 2 vợ chồng anh.
Dùng xuồng cao su…
… vượt eo biển Canakkale
Ra đến giữa eo biển, chiếc xuồng cao su lật úp đưa vợ chồng Kurdi và 2 đứa con -thằng Aylan và thằng Ghalib- vào lòng biển; 2 tay bồng 2 con, anh cố giữ cho đầu chúng ngoi trên mặt nước, nhưng trong thế lội đứng, không sử dụng được đôi tay, anh chìm dần xuống.
Lượng sức không cáng đáng nổi việc bảo vệ cả 2 đứa trẻ, anh đưa Aylan -đứa nhỏ- cho vợ, bảo vợ vác con lên vai, đừng để đầu nó chìm dưới nước biển, cho nó thở.
Kurdi loay hoay với thằng Ghalib đã bất tỉnh; anh cố lội vào bờ, nhưng một đợt sóng lớn hất tung anh lên cao, làm anh tuột tay, để thằng con bị sóng cuốn đi; hốt hoảng anh lặn sâu xuống tìm con, nhưng sóng biển mạnh hơn, nhanh hơn anh.
Không tìm được con, anh trồi lên mặt biển tìm vợ, rồi hốt hoảng nhận ra là chỉ trong 10 phút ngắn ngủi, anh vừa mất tất cả những gì anh có trên đời.
Kurdi lội trở về bờ biển Thổ (Turkey), lủi thủi đi trên bãi cát, nghe văng vẳng dư âm tiếng cười của con. Anh ngủ ở đâu? Anh ăn gì trong suốt 2 ngày ngồi trên bãi biển chờ vợ, chờ con.
Đến ngày thứ 3, anh thấy một quân nhân Thổ bồng xác đứa con nhỏ của anh thằng -Aylan- đi trên bờ biển. Nó vẫn mặc chiếc áo thun đỏ, quần short mầu xậm, mang giầy vải.
Một quân nhân bồng xác đứa bé bị sóng biển đánh dạt vào bờ; và ảnh thằng bé ngày còn sống
Trong lúc Kurdi chỉ còn là cái xác chưa chôn bên cạnh xác vợ, xác con thì người tị nạn Trung Đông vui mừng vì thái độ của thế giới bớt quyết liệt đối với họ; thay đổi lớn lao này là kết quả của những tấm ảnh chụp xác thằng Aylan bé nhỏ nằm chết trên bãi biển, chết trong toan tính tị nạn của bố nó.
Cô phóng viên The New York Times, Anne Barnard, viết, “chính bức ảnh chụp thân xác nhỏ xíu của thằng bé có đôi má phúng phính, và nụ cười vô tội, nằm chết bên bờ biển, đã đánh tan thái độ của thế giới, ghẻ lạnh, xua đuổi người tị nạn.
Anh Abdullah Kurdi là thợ hớt tóc người Syrian gốc Kurd đang cùng một cậu em, cậu Mohammad, xin tị nạn tại Canada với sự bảo trợ của cô chị ruột Tima Kurdi, 43 tuổi. Cô có một tiệm tóc tại Vancouver, và đứng ra bảo đảm sẽ cung cấp chỗ ở và công việc làm cho 2 cậu em.
Cô Tima nói 2 gia đình tị nạn sẽ ở tạm dưới tầng basement, và làm thợ hớt tóc ngay trong tiệm tóc của cô.
“Hai đứa làm tạm với tôi trong lúc tôi tìm cho chúng nó những jobs khác tốt hơn, lương cao hơn; ngày nào đủ lông, đủ cánh, muốn bay đi đâu thì bay,” cô giải thích vai trò đầu cầu của cô.
Cô không đủ tiền để bảo đảm làm sponsor cho cả 2 đứa em, nên cô chỉ bảo đảm cho cậu Mohammad, trong lúc mượn bà con, bè bạn bảo trợ cho đơn bảo lãnh của cô cho gia đình anh Abdullah.
Giờ này, Abdullah nói anh không cần nữa. Anh đi tị nạn là để gây dựng tương lai cho con, con chết, vợ chết, anh nhắm mắt thả trôi.
Mếu máo trên màn ảnh truyền hình cô Tima Kurdi nói, “chính tôi giết 2 đứa cháu mà tôi hết lòng yêu thương; phải chi tôi đừng gửi tiền cho thằng em tôi, thì nó đâu có tiền mua đường giây tị nạn; và giờ này 2 đứa bé vẫn còn sống.”
Cậu em, “”Đã đánh mất những thứ quý giá nhất đời rồi, tôi còn đi tìm gì nữa.”
Cô chị, “Phải chi tôi đừng gửi tiền cho thằng em tôi, thì nó đâu có tiền mua đường giây tị nạn.”
Canada là quốc gia có chính sách di dân nhân đạo nhất thế giới; đối phó với cuộc chiến tranh tiêu thổ của Syria, chính phủ Canada công bố họ sẽ mở cửa đón nhận 10,000 người tị nạn; họ chủ trương “di dân trong trật tự”, và thực hiện chủ trương đó bằng cách để thân nhân bảo trợ người tị nạn vào định cư trên lãnh thổ Canada.
Đức là quốc gia có chính sách di dân khắc nghiệt nhất, nhưng bé Aylan đang tạo một cuộc cách mạng văn hoá sâu đậm nhất trong lịch sử nước này.
Tờ The New York Times viết, “mọi người đánh giá bà thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị tuyệt vời nhất Âu Châu, tuyệt vời nhất nhân loại; nhưng ngay hôm nay, bà đang là một thủ lãnh nhân đạo hướng dẫn cả thế giới, mở rộng ranh giới đón người tị nạn; Đức quyết định thu nhận mỗi năm nửa triệu người tị nạn.
bà thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định mỗi năm Đức sẽ đón nhận nửa triệu người tị nạn;
người tị nạn được phân phối đều trên khắp lãnh thổ Đức
Cánh cửa Âu Châu đang đón nhận hàng triệu người Syrians vào cuộc sống mới, nhưng trong đợt sóng người tị nạn chiến tranh không có anh Abdullah Kurdi: anh không đi tị nạn nữa; sau khi làm mất tất cả, anh không còn muốn tìm kiếm gì nữa, mà lủi thủi trở về Kobani, thị trấn trú quán và sinh quán của anh.
Nằm trên ranh giới Syria và Turkey, Kobani nổi danh là thị trấn duy có lực lượng nhân dân võ trang, cầm súng chống quân tà giáo IS.
Thị trấn duy nhất cầm súng chống quân tà giáo IS . . .
… ……cũng là căn nhà duy nhất còn cất giữ kỷ vật của vợ,con anh
Một ngày sau cuộc thăm viếng bè bạn đang sống tại Garden Grove, tôi trở lại Houston, viết bài báo này để kính tặng những người lính già, không còn đủ sức ôm súng trở về Konani để chịu đựng gian khổ bảo vệ quê hương nữa.
Nhưng trong chiêm bao họ vẫn còn thấy chính mình trong những tháng năm dài ăn gạo xấy, trấn giữ biên cương.
Sau 40 năm sống lưu vong, các bạn đồng đội ngày xưa của tôi đang bớt buồn, bớt trách biển Thái Bình ngăn cách giữa con người và nơi mẹ cắt rốn, chôn nhau của mình nữa.
Nhưng Địa Trung Hải vẫn còn đang mặn nước mắt người tị nạn.