Bìa cứng thi tập “Tháng Tư, Lính Không Cần Hớt Tóc”, thơ Nguyễn Phúc Sông Hương. Ông sinh năm 1941. Năm 1966, với bút hiệu Thái Luân, từng xuất bản tập “Vùng Tủi Nhục”, thơ phản chiến, có bài “Bi Hài Kịch”, Phạm Duy phổ nhạc trong “Tâm Phẫn Ca”. Sau thảm cảnh người dân Huế bị CS chôn sống trong dip Tết Mậu Thân, nhiều tỉnh thành làng xóm miền Nam bị tàn phá vì chiến tranh do CS gây ra, Bút hiệu Thái Luân đã đi vào bóng tối. Nguyễn Phúc Sông Hương thực sự ra chiến trường. Trước giờ thứ 25 của Saigon, nhà thơ là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Sư Đoàn 18 BB, người trực tiếp cầm tiểu đoàn dự trận Xuân Lộc ngày 29 Tháng Tư. Thi tập “Tháng Tư, Lính Không Cần Hớt Tóc” là thứ thơ đích thực của người lính làm thơ.
Sau 30-4-75, nhà thơ lính đi tù gần 10 năm.
MẶC KỆ AI BỎ NHÀ BỎ NƯỚC
(Kính tặng Thiếu Tướng Lê Minh Đảo)
Chiều 29 tháng tư, Tư Lệnh hỏi:
Tiểu đoàn em còn lại bao nhiêu”
Về Long Bình có ai đào ngũ”
Đạn dược mang theo được ít nhiều”
Dạ, Tiểu đoàn còn ba trăm bảy,
Với đầy cấp số đạn trên lưng,
Không ai khai bệnh, không đào ngũ
Thừa sức chờ chơi trận cuối cùng.
Cùng Thiết Đoàn 5 trụ Tân Hiệp
Đợi chờ bắn cháy bọn xe tăng,
Mười hai giờ khuya, vang trong máy
Huấn lệnh gì đâu thật lạ lùng!*
Chiều nay đôi mắt Tư Lệnh đỏ
Mình tưởng giống mình mất ngủ thôi.
Bây giờ mới biết vì đau khổ
Thượng cấp bỏ đi, chạy hết rồi.
Dạ, Tiểu Đoàn còn ba trăm bảy
Toàn những thằng em rất chịu chơi.
Mặc kệ ai bỏ nhà, bỏ nước,
Còn lính gan lì Tư Lệnh ơi!
(*) Lời giã từ của Tướng Vĩnh Lộc,
Tân Tổng Tham Mưu Trưởng.
NỬA HỒN XUÂN LỘC
(Kính tặng quý chiến hữu SĐ 18, anh chị LH,
ông Nhữ Văn Úy, Cựu dân biểu VNCH)
Nếu được như bố già thượng sĩ
Nghe tin lui quân, ngước nhìn trời,
Ném bi đông đế, cười khinh bạc
Chắc hẵn lòng ta cũng thảnh thơi.
Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc,
Lại muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng đôi mắt gục trên vai,
Giây phút cầm tay em sẽ khóc,
Khóc theo, vợ lính biết bao người,
Ta biết dù tim mình sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.
Mây xa quen kiếp đời phiêu bạt,
Bỏ núi ra đi cũng ngậm ngùi,
Huống chi bóng với hình tha thiết;
Hình nghiêng chao đổ, bóng chơi vơi!
Bí mật lui quân nên đành phụ
Mối tình Long Khánh, tội người ơi!
Cao nguyên bài học đầy xương máu;
Một bước chân đi một xác người!
Sáng mai thức dậy em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ rồi.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi.
Bao nhiêu gai nhọn sầu riêng đó,
Ta sẽ quỳ lên chịu suốt đời!
Nếu thật lui quân là bại trận
Thì ta nhất quyết chẳng xa người.
Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết;
Một mảnh khăn tang khóc giống nòi!
Chân theo quân bước hồn ta ở
Sông nước La Ngà pha máu sôi.
Trách mình quên rót ly từ giã
Những hồn anh kiệt đã nằm nơi…
Ôi cuộc giao tranh buồn bã quá,
Hạ bao nhiêu địch vẫn không cười.
Nếu được tràn quân lên Định Quán,
Đánh vùi một trận để đời vui.
Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng
Sư đoàn 18 sao quân lui”
Ngựa lồng bãi chiến mà không hí,
Phải chăng ngựa chiến đã tàn hơi”
Tay vung kiếm bén mà không chém.,
Phải chăng kiếm chủ chẳng còn người”
Không! không! ta hiểu lòng ta lắm
Sông núi bao ngày đã tả tơi!
Người lính miền Nam đi chiến trận
Luôn khắc trong tim nghĩa giống nòi.
Bước chân lững thững vào Quân sử,
Nghe trống trận xưa giục liên hồi!
Đây giáo Chi Lăng, gươm Vạn Kiếp,
Tiếng hò đuổi giặc dậy ngàn nơi.
Đạp chốt nghe đau lòng tỉnh lộ,
Nhìn lui, lửa đỏ nhuộm góc trời,
Cao su trùng điệp rừng che mộ,
Thị trấn hoang tàn, pháo địch rơi…
Em ơi Xuân Lộc, ơi Xuân Lộc,
Người lính hôm qua tạ lỗi Người.
Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
Gọi giữa đêm dài sợ lẻ loi.
Chân bước nửa hồn chinh chiến giục,
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui!
Dưới hầm, ta biết em đang khóc,
Thét, gầm…pháo địch dập không thôi!
Em ơi Xuân Lộc, em Xuân Lộc
Xích sắt nghiến qua những xác người!
CHÉN CƠM LÀNG LONG THẠNH MỸ NGÀY 30-4
Tiểu Đoàn hai hàng đều bước
Tay không súng đạn,
Vẫn ngước cao đầu,
Dân làng bên đường
Vỗ tay chào đón,
Người được thắng trận
Ngơ ngác nhìn nhau.
Ba trăm người sát vai ngồi xuống,
Cởi giày, vắt vớ, nói, cười.
Nghe trong đám đông
Tiếng ai sụt sịt
Các chú lính ơi!
Mẹ già đem cơm, canh, cá,
Các con ăn nhiều cho no,
Nhìn bầy con ăn ngon quá,
Mẹ vui, cảm động khóc òa.
Sư già rộng mở cửa Phật,
Đêm nay thầy không thỉnh kinh
Các con vào chùa yên ngủ*
Quên ngày gian khổ chiến chinh.
Chuyện xưa nhiều khi nhớ lại,
Tưởng chừng như mới hôm qua,
Chén cơm làng Long Thạnh Mỹ
Chan canh với hạt lệ nhòa…
*Chùa xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức
LẼ RA PHẢI CHẾT TẠI SÀI GÒN
Từ khi bỏ tuyến thép Xuân Lộc
Tiểu đoàn còn lại hơn ba trăm
Lội ruộng, băng đồng về tiếp cứu,
Tiếc thay chưa đến được Sài Gòn!
Sài Gòn đã mất, tay còn súng
Anh em muốn kéo hết lên rừng.
Ta lắc đầu: đừng thêm máu đổ,
Họ với mình đều là Việt Nam.
Rồi tự đun đầu vào cửa ngục
May ra được làm kẻ… đàng hoàng!
Mười năm tù ngục ta thường hỏi
Họ với mình cùng là Việt Nam”
Tại sao lại dừng chân, buông súng”
Tại sao không chiếm lại Sài Gòn”
Lẽ ra đừng bao giờ buông súng
Lẽ ra phải chết tại Sài Gòn.
Nguyễn Phúc Sông Hương
(Trích “Tháng Tu, Lính Không Cần Hớt Tóc”