Tháng Năm 1975
Tháng Bắt Đầu Cho Những Ngày Đen Tối.
Tôi viết lại để các bạn xem thử có thấp thoáng bóng hình của mình trong đó không nhé.
Những Ngày Tháng Tiếp Theo.
Toàn thể quân dân miền Nam, ngỡ ngàng, lo sợ , khi phải sống chung với kẻ thù.
Một bầu không khí tang thương, ảm đạm bao trùm khắp cả miền Nam.
Những người quân nhân ngượng ngùng trong những bộ đồ dân sự. Nhà nhà đóng cửa, bọn cỏ đuôi chó dẫn quân thù ,lùng sục khắp nơi.
Những người dân tỵ nạn miền Trung ,ngơ ngơ ngác ngác ở các bến xe.
Chạy về đâu nữa bây giờ?
Cái quê hương ngoài kia bỏ lại, bây giờ không biết ra sao, ai ai cũng nhấp nhổm tìm đường về lại nhà.
Chợ búa hàng quán vắng tanh, và những cái loa phường bắt đầu inh ỏi, những bài ca the thé. Những bài ca nghe rờn rợn máu người
Một tương lai mịt mù ảm đạm, những bộ đồ được đem đi nhuộm đen, những móng tay đài các bị cắt cụt, những tà áo dài mất biệt
Rồi thì họp tổ, họp phường, họp khóm. Khai báo lý lịch cả ba đời, người tố người, những con người bị bắn bỏ vô tội vạ, không cần tòa án, không có luật sư.
Những cái mồm răng hô mã tấu, oang oang những lời khoét lác, đểu giả :
Ngoài Bắc cái gì cũng có.
Cái gì cũng có, mà cái xú chiêng thì không có, cà rem ăn không hết phải phơi khô.
Những cặp mắt ánh lên sự thèm thuồng của các cán binh việt cộng, khi nhìn các đồ vật bày bán ở chợ trời, đã tố cáo sự nói dối trơ trẽn của họ.
Gầm cầu, góc chợ, đầy những người không có nơi chốn để về, và đó là lúc tình người thể hiện..
Có những câu chuyện rất buồn, không thể nói được ở đây, nhưng nửa ổ bánh mì mà người chị mới quen, đưa cho tôi ăn, mùi vị pha máu vẫn còn vương vương. Một người con gái tuổi còn thanh xuân, phải bán thân để đổi miếng cơm sống qua ngày, mẹ cha, em út đã chết rồi đâu đó trên con đường trốn chạy cộng sản từ miền trung.
Về miền Trung.
Dọc đường số 1…
dấu binh lửa xem qua chừng cũng ớn
kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.
Thị xã Long Khánh, nơi mà trận thư hùng cuối cùng của hai miền Nam-Bắc, không có còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, không có một bức tường nào không in dấu đạn, xác xe tăng, xe nhà binh cháy nám nằm rải rác ở ven đường.
Đường về quê xa lắc lê thê, những thằng du kích, tay đeo băng đỏ, hung hăng quát nạt.
Những chiếc xe đò, xe lam, đón từng đoạn, xe nào cũng đầy ắp những khuôn mặt sầu lo,và những bóng người lê thê lếch thếch chiều hôm trên đường thiên lý, khi trong túi không tiền.
Xóm cũ ngày xưa cũng điêu tàn hoang vắng, ngồi giữa nền nhà cũ đã bị phá xập, nghe tiếng gà xao xác gọi bình minh..
Một bình minh của những ngày tháng bắt đầu cho một quê hương chìm vào bóng tối thê lương.
Ai đã từng kinh qua khổ nạn của những ngày tháng đó, chắc sẽ vô cùng thấm thía những lời ca, những lời ca mà ngày quê hương còn tự do ,chúng ta đã vô cùng hời hợt với nó :
“Còn quê hương là còn yêu thương
còn quê hương là còn cơm no
còn quê hương là còn tất cả
tất cả những gì mình thiết tha “
Ơi miền Nam ơi, thương quá là thương, thương từng bụi cỏ dọc đường quê.
Và thực tế đã chứng minh, khi quê hương chúng mình, không còn bóng dáng của những người Lính Việt Nam Cộng Hòa, quê hương này tan nát.
Đến nay đã bao thế hệ ra đời, không ít thì nhiều, những thế hệ đó, cũng đã bị nhiễm phèn độc cộng sản, người đi xa về không khỏi xót xa, khi nhìn, nghe,những người trẻ sinh sau đẻ muộn, mù mờ lịch sử. Gọi ngày này là ngày lễ, ăn nhậu hỉ hả, rồi chém giết nhau, chửi đánh nhau.
Mọi giá trị xã hội đều đảo lộn.
Hãy thử nghĩ xem những cái gọi là ân tình trên Facebook bây giờ, bạn sẽ hiểu.
Cũng dọc đường gió bụi, tôi đi lại con đường xưa, từ Sài Gòn ra miền Trung, để tìm lại cảm giác chiều hôm lỡ chuyến, cái cảm giác được người lơ xe đò ngày xưa cho quá giang, cái cảm giác ngọt lành của gáo nước mưa xin ở ngôi nhà dọc đường, cái cảm giác đứng trên đèo Đại Lãnh nhìn xa xuống bãi.
Chiều trên quê hương đẹp não nùng, những bóng thuyền xa xa ,thân lữ thứ không nhà.
Tất cả các cảm giác đó không tìm lại được nữa.
Quê hương thay đổi một cách tàn nhẫn.
Xô bồ hỗn độn, người thét vào mặt nhau, những ánh mắt nhìn nhau nghi kỵ.
Cũng đường xưa bãi cũ, tuyệt nhiên không tìm lại được những xúc cảm còn vương vương trong tâm trí.
Từ Nguyễn Thái Học băng về nơi cũ.
Chợ Cầu Muối bây giờ cháy rồi, cướp không được thì đốt.
Màu đỏ của những lá cờ giữa trưa nắng, làm cho con người bỗng hóa điên.
Vũng Tàu, êm đềm tĩnh lặng cũng không còn nữa.
Thích Ca Phật Đài không còn là đất Phật.
Hai cái đài Vi Ba trên núi Lớn đã bị tháo dỡ. Những bờ đá xi măng bao quanh Bãi Trước, làm những ngọn sóng xa xa không dám dội vào bờ..
Dấu đạn quân thù còn mờ nét trường xưa, dẫu quân thù đã tô phết lại.
Từ Sài Gòn tới Mỹ Tho rồi đi Cai Lậy, con đường quốc lộ 4 ngày xưa, bây giờ gầy guộc tội nghiệp dưới mưa,
Miền Tây muỗi to như con ruồi, nghèo nàn tội nghiệp, không còn cái cảnh quan của một miền Tây trù phú ,hai bên đường rì rào ngọn lúa reo vui.
Chung quanh trại tù ngày xưa giữa đồng hoang mênh mông nước phèn, bây giờ cũng chật ních người.
Tha La không còn cây lành trái ngọt, để khách ngớ ngẩn nhìn mây trắng xây thành, để buồn xưa xưa, hoa nắng buồn trưa trưa..
Những âm thanh hỗn loạn của những quán xá, đã giết chết sự êm đềm của miền quê tĩnh lặng.
Những xác người bị xe tông nằm đắp chiếu dọc đường, những con người què cụt, những đứa trẻ, những cụ già thuộc các “sư đoàn bán vé số” nhan nhản khắp nơi.
Những giè lục bình đặc nghẹt trên sông, không còn khói sóng, để lòng người cảm xúc :
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Kẻ tha hương mỏi gối quay về, bông Ô môi không còn tơi tả rụng trên sông, gió đông buồn da diết.
Về thôi, 6 tháng đủ rồi.
Từ Tân Bình ra Tân Sơn Nhất, ba tiếng đồng hồ đi xe ôm trong cơn mưa tháng 10.
Mùi hôi thối của nước cống thành hồ, bám theo suốt chuyến bay.
Vết muỗi cắn mãi đến một năm sau mới lành,không còn gãi bật máu nữa.
Sợ hãi, bần thần, xót xa .
Sáu tháng trời lòng chỉ mong sao sớm đến ngày đi, lòng tự nhủ thôi đoạn tuyệt..
Nhưng sao trong lòng cứ mãi còn vương vấn cái quê hương tan nát đó .
Khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu.