Kết thúc với Tháng Tư.
Sự Chết hiện thực sắc nét, có hình khối, với âm động, mùi vị riêng biệt của Saigon. Với Saigon. Cảnh Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 tháng 4, khi chuỗi bom dưới cánh những chiếc A37… do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi nhanh xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Ðạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngỏ tháo chạy của Saigon đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hỏa ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn Việt gian CS từ Ðồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Ðịnh bắt đầu đỗ xuống không ngắt nhịp.Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác bay đến các mục tiêu đã được phái đoàn CS trong Ban Liên Hợp Quân Sự điều nghiên kỹ từ 28 tháng 1, 1973. Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn. Cuộc hành hình kéo dài từ 4 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông. Ở căn cứ DAO (Văn phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ), ba ngàn người tỵ nạn chờ đợi di tản bằng C130, hoặc C141 qua Guam đưa mắt nhìn lên trời, giữa vũng lửa, đếm rõ từng viên đạn pháo rơi xuống..
Ðống hành lý khổng lồ gồm quý kim, vàng, kim cương, giấy bạc “Năm Trăm Trần Hưng Ðạo” của Ngân Hàng Quốc Gia VN; giấy bạc Ðô-la của ngân khố Mỹ, tất cả cùng trộn lẫn với thịt da, thân thể người thành một thứ pháo bông tan tác bay tung tóe dưới ánh lửa bập bùng loang lổ của kho xăng, đài kiểm báo, trại gia binh, nơi để máy bay, hiện thực đầy đủ cảnh địa ngục vô vàn nơi trần thế – giữa Tân Sơn Nhất – Cửa ngỏ thoát hiểm của Saigon hoàn tất đóng chặt.
Những viên tướng đã ra đi, những sĩ quan cấp tá cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị, nhưng, Trung Úy Phi Công Nguyễn Văn Thành còn lại. Thành (có biệt hiệu “Thành Mọi” bởi nước da ngâm đen quá độ) ra chỗ đậu tàu, anh nỗ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất. Từ trên cao, thấy rõ những vị trí pháo của binh đội CS. Thành nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng nầy. Phải chỉ một mình anh – Trung úy Nguyễn Văn Thành, “Thành Mọi – Thành Thiếu Sinh Quân”. Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh..
Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh.. Các múi, giây dù vướng vít rối rắm. Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt.. Người phi công chìm trong lửa, gục chết giữa không gian.
Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc, những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạt kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập ùn ùn, la ó, chưởi thề, giành giựt. Ðám đông chạy về phía Building Brink, khu Ðồn Ðất, nhà thương Grall, nơi có cơ sở Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi. Bất chợt, tất cả lắng lại để nghe rất rõ..Có người tự tử. Có người mới bắn chết. Ai? Lính, không biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình.Ở đâu? Ở ngoài, chỗ tượng Thủy quân lục chiến..
Lời trao đổi đứt khúc, vội vã, mất hút giữa những tiếng thở dồn dập, bước chân cuống cuồng nôn nóng của đám đông đang hăm hở tiến tới những kho hàng, cơ sở đầy ắp vật dụng quí giá, thức ăn đắt tiền. Anh cũng nhập vào đám đông xô đẩy đó trong giờ phút vỡ toang mối nối thời – không với những động tác, việc làm bất định, bất ngờ, vô nghĩa, vô ích. Anh kiểm soát lại số phim đang còn trong máy, trong túi, đi băng qua lối ngang trong thương xá, ra ngõ quán Thanh Vị, quẹo phải, men theo hàng hiên tiệm kem Ðô Chính. Súng nổ. Súng Aka và những bóng người chạy lúp xúp vào cổng Tòa Ðô Chính. Anh tiếp tục làm “nhiệm vụ”, đưa máy hình lên.. Ðộng tác quen thuộc, thuần thục từ bao năm, anh và các bạn, những phóng viên chiến trường của báo chí miền Nam hằng thực hiện nơi những chốn sự chết, lửa đạn vây bủa. Ðồng một lúc anh chợt nhói đau – Ðây là lần cuối cùng. Ðây là giờ cuối cùng. Hình như một nhân vật trong Doctor Zhivago cũng đã kêu lên như thế. Anh chỉ nhớ loáng thoáng bởi đang có cảm giác người cạn ly rượu hành quyết trước khi bị bịt mắt, dẫn đi bắn. Anh chạy theo đám lính CS với hai thanh niên cầm cờ đỏ. Thật ra chỉ là một mẫu vải màu đỏ. Loại hàng may áo dài.
Thoáng rất ngắn, anh ngừng lại, liếc về phía khối tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, nơi có Người Lính vừa chết. Anh cúi gập người, nôn khan. Buổi Sáng 30 tháng Tư, 1975. Chen giữa âm sắc xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Ðộc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long.
Anh lên yên, nhấn mạnh bàn đạp, động tác bàn chân quay vòng không chủ đích. Xe đi dọc đường Lê Văn Duyệt, qua Chợ Ðũi, nơi các bạn anh hôm qua (nay đã trở thành xưa cũ) hằng vui vầy, sống động. Ðịnh rẽ vào Yên Ðỗ về Phú Nhuận, nhưng không hiểu từ đâu thúc giục, anh đạp dài theo Lê Văn Duyệt giữa dòng âm động dồn dập như Saigon đang hồi tẩm liệm với nhịp chày vồ dộng mạnh xuống trăm, ngàn quan tài của những người vừa chết.
Giã từ Trần Công Hạnh, Tiểu Ðoàn 2 trước trại Nguyễn Trung Hiếu với cảm giác đây là lần cuối với bạn, kèm mặc cảm có lỗi khi hỏi Hạnh có ý định buông súng bỏ đi hay không. Hạnh trả lời mệt nhọc nhưng kiên chắc: Anh hỏi tôi còn có thể đi đâu khi nguyên cả tiểu đoàn theo lệnh tôi đang tiếp tục chiến đấu! Anh vào cư xá Chí Hòa, chứng kiến lúc Chuẩn Tướng Hậu vất tung tấm bản đồ phòng thủ căn cứ với lời gầm phẫn uất: Ðồ chó đẻ!! khi nghe lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh.
Viên thiếu úy quen mặt nói với anh lời quyết liệt: “Em không đầu hàng, em với trung đội sẽ ra bến tàu, tiếp tục chiến đấu.” Thái, Thiếu úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Ðường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Ðằng, tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm! Con chết đây cha ơi! Vànhững trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nỗ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước Miền Nam.
Sau nầy, anh biết thêm, trên đường anh đi qua trưa 30 tháng Tư, 1975 – Ðường Bắc Hải, ngõ nhỏ băng ra Chợ Ông Tạ, trong một căn nhà đã diễn nên hoạt cảnh uy nghi bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng vận nước. Thiếu Tá Ðặng Sĩ Vĩnh (em của Bà Hà Thượng Nhân, Trung Tá Phạm Xuân Ninh, niên trưởng của giới báo chí quân đội Miền Nam) Khóa 1 Nam Ðịnh là sĩ quan của ngành tình báo đặc biệt, biệt phái ngoại ngạch qua ngành viễn thông, phụ trách đường dây quốc ngoại. Người con trai lớn của gia đình, Trung Úy Ðặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Hai người cùng trao đổi đối thoại sau khi có lệnh đầu hàng: “Tùy con, riêng bố đã quyết như đã nói với con từ trước” Trung Úy Vinh trả lời: ”Nếu bố đã quyết như thế, con và các cháu cũng đồng lòng.”
Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc độc cực mạnh đã chuẩn bị từ trước. Trung Úy Ðặng Trần Vinh kết thúc bi kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Ðại Kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!
Tiếp theo Tháng Sáu.
Khi những giọt mưa đầu mùa Hè rơi xuống, từ trong thăm thẳm, xa xôi, tận cùng trí nhớ – qua âm mưa ray rứt của tháng Sáu – cũng dần thành hình lại Nỗi Ðau luôn hiện mới. Nầy đây, lần tháng Sáu 1965, ngày vỡ trận Ðồng Xoài, bắt đầu từ những ngày sau 10, 11, nơi Nghĩa Trang Quân Ðội Gò Vấp, với hằng trăm, lên đến số ngàn xác chết của Tiểu Ðoàn 2/7 Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, Tiểu Ðoàn 52 Biệt Ðộng, và đơn vị thân thiết đầu đời, Tiểu Ðoàn 7 Nhẩy Dù, mà người chết không thể kiểm kê chính xác, chỉ biết lấy tổng số cơ hữu của đơn vị xong trừ cho đám người hiện có mặt.
Người sống sót ngồi nhìn nhau ngơ ngác, vô hồn ở sân cờ tiểu đoàn, đang là bãi hỗn mang chen chúc, gào kêu với những người vợ lính quấn dối vành khăn trắng xổ tung tưởi do những con nhỏ bấu víu khóc ngất..
Ba, ba… ba đâu má ơi!! Anh lúc ấy chỉ là cậu thiếu úy tuổi vừa qua hai-mươi tuổi, nhìn trân vào mỗi người vợ, con của binh sĩ tử trận (chung trung đội, đại đội anh) với cảm giác có tội – Tội sống sót khi người khác phải chết – Những người (chết) vô cùng cần thiết cho những đơn vị gia đình gồm người đàn bà tơi tả, hốt hoảng và những đứa trẻ quá nhỏ chưa có đủ ý niệm về cái chết của người cha.
Rồi, 22 tháng 6, 1975 để chính bản thân anh có cảm giác như chết đi từng phần trong cơ thể, khi quấy xong bình sữa cho con, mang vội chiếc túi nhỏ với cảm giác tuyệt vọng: Lần đi nầy cùng đành như cơn tử biệt, bởi thấy rõ chiếc bẩy sự chết đang dần chụp xuống, chắc chắn siết cứng lại. Hh nói tiếng nhỏ thảm thiết: “Khổ quá, chắc em sống không nổi..” khi đưa anh đến nơi trình diện đi tù, Trường Lê Văn Duyệt, Gia Ðịnh. Cả hai không thể ngờ ra kết thúc oan nghiệt với mười-bốn năm sau.
Tiếp năm 1976, đúng Ngày Quân Lực, 19 tháng 6, bước xống tàu Sông Hương ở Tân Cảng, góc cầu xa lộ Saigon- Biên Hòa, nhìn ra xa, thành phố xao xác ánh điện vàng đục, dòng nước sông cuồn cuộn lẫn màn đêm.
Giữa cảnh sống thú vật, tệ hơn con thú với thế ngồi im không cử động, tiểu, đại tiện trên cùng một chỗ trong suốt hành trình hai ngày đêm đi ra “Miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, so với cái chết nơi dòng nước trong xanh của biển trời phương Nam, chắc chắn ngàn con người dưới những căn hầm tàu địa ngục nầy sẽ quyết định dễ dàng nếu như họ có quyền chọn lựa, Năm 1989, anh trở về với cảm giác đau xót nguyên vẹn của lần bị lăng nhục lâu dài mười-bốn năm trước.
Bước chân vào căn phòng nhà cũ với tủ sách trống vốc, lăn lóc nhàu nát cuốn tập con anh tập viết những dòng chữ đầu đời. Con mình bây giờ ở đâu?
Nhưng anh và những người bạn lính không thể để cuốn trôi, đánh sập bởi thống nhục thất trận, lưu đày biệt xứ trên quê hương – Người Lính không hề thất vọng cho dẫu đã toàn phần thất bại. Ðể tồn tại, tự cứu, anh phải tích chứa, lưu giữ trí nhớ, dậy nên từ tận sâu mỗi tế bào thần kinh nỗi xúc động vô vàn mãnh liệt của những tháng ngày lịch sử chuyển mình, núi rừng, đất trời miền Nam đồng vang dội chiến công: Ngày Quân Nam quyết liệt xốc tới nơi những chiến trường Quảng Trị, Bồng Sơn, Kontum, An Lộc… hiện thực một lần nghĩa vụ linh thiêng muôn thuở của Người Lính – Bảo Quốc An Dân – Sứ Mệnh không hề nói thành lời nhưng được hiện thực với chính máu xương của những con người vô danh cao thượng mà Ðằng Phương, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy năm xưa đã viết nên những dòng máu lệ ngợi ca hùng tráng,
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…
Phải, những Người Lính Vô Danh ấy vẫn tồn tại với mười, hai mươi, ba mươi năm dưới bom đạn cực độ, nơi những trại tù như “Cổng Trời Quyết Tiến”, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Thanh Phong, Thanh Cẩm, Lam Sơn hậu thân hệ thống trại giam Lý Bá Sơ. Những địa danh trại tù có số lượng mộ chí gấp đôi, gấp ba lần tổng số tù hiện diện, và người sống sót cũng chỉ là những xác thân khô kiệt di động chờ ngày chôn xuống huyệt. Những người lính anh gặp khắp nơi trong cuộc lữ hành với hết tuổi trẻ qua ba-mươi năm chiến tranh và tù ngục kia đã sống sót qua dài trận bão lửa thống khổ, nhục nhằn, nguy biến mà chắc rằng không một ai của bất cứ quân đội nào, thuộc bất kỳ một sắc dân nào trên thế giới có thể bền bỉ chịu đựng với mức độ kiên cường kỳ diệu đến ngần ấy. Kỳ tích thầm lặng đơn lẻ với phận của “mỗi con người – mỗi người lính” nầy hẳn chỉ được thực hiện, thúc giục nuôi dưỡng bởi “một động lực vô vàn cao thượng”. Anh có bổn phận trình bày đầy đủ, và chính xác về hành vi xã kỷ, quên mình nầy.
Nội dung vĩ đại kết nên từ hành vi xã kỷ của mỗi người lính nêu trên được thực hiện qua cảnh tượng của một ngày Hè hùng tráng: Ngày 25 tháng 6, 1972, chiến dịch tái chiếm Quảng Trị khai diễn với các đơn vị, Biệt Ðộng Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, lực lượng địa phương của Tiểu Khu Quảng Trị, phối hợp với các chi đoàn chiến xa, thiết quân vận của Quân Ðoàn I, được yểm trợ bởi các đơn vị pháo cơ hữu, và của vùng chiến thuật. Ðoàn quân quyết tử phục hận đồng vượt tuyến xuất phát Sông Mỹ Chánh tiến theo trục chính Bắc với mục tiêu cuối cùng – Cổ Thành Ðinh Công Tráng hay Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng Trị – mà quân Nam phải tạm lìa bỏ từ 29 tháng Tư do những ước tính sai lầm của những cấp chỉ huy, từ viên tổng thống tại Dinh Ðộc Lập, đến hàng tướng lãnh chiến trường. Sự sai lầm tai họa của những kẻ lãnh đạo, chỉ huy nay được chuộc lại bằng giá máu của vạn người lính xé thân nơi trận địa.
Từ Ngã Ba Long Hưng, cửa ngỏ phía Nam Quảng Trị, điểm tiến quân cao nhất của Tiểu Ðoàn 7 Nhẩy Dù trong ngày 7 tháng 7, 1972, đến cổ thành đoạn đường dài khoảng một cây số, và bề ngang từ nhà ga phía cực tây đến làng công giáo Tri Bưu phía đông, khoảng cách cũng có bề rộng tương đương.
Trên khoảng đất rộng hơn cây số vuông kia, mười-lăm ngàn người lính của những đơn vị kể trên đã thay phiên nhau bò, trườn, ẩn núp, gọi pháo, đánh bom, ném lựu đạn, đánh cận chiến ngày lẫn đêm suốt đoạn thời gian liên tục 67 ngày, để đến ngày 14 Tháng 9, 1972 những người lính Tiểu Ðoàn 1, 2, 3.. 6, 8 TQLC đồng lần siết chặt mục tiêu, dựng ngọn Cờ Vàng bay lộng trên gạch đá điêu tàn, giữa tiếng đạn, khói thuốc súng của trận chiến đang hồi kết thúc..
Cờ lên!
Cờ lên!
Giữa vũng lửa
Quân, dân bật khóc nước mắt ứa
Một lần cờ bay trên thành xưa
Bao phần máu xương muôn lính đổ!
(PNN-Cờ ta bay Vàng Nắng Mới Quê Hương Với Tình Thương)
Người lính vẫn sống.
Tham dự cùng cuộc trường chinh nhọc nhằn với người lính từ bước khởi cuộc có một nhân dáng nhỏ bé, yếu đuối, âm thầm chịu đựng với nỗi chết canh cánh không rời – Người Vợ Lính. Ðây là một đối tượng bị ngộ nhận, mô tả sai lạc một cách dung tục (và đáng phải phê phán) qua tất cả những chữ nghĩa, văn hóa phẩm (của Miền Nam trước 1975, mà hiện nay ở hải ngoại thì lại hứng chịu cách đối xử lạnh nhạt, coi thường).
Những người đàn bà nầy, từ lúc tuổi vừa qua hai mươi, đã gánh chịu những giờ phút nguy nan khắc khoải mà không phương cách chống đỡ, làm nhẹ bớt đi. Họ thức dậy rất sớm vào buổi sớm mai khi đơn vị di chuyển hành quân để sửa soạn cho người chồng bữa điểm tâm kham khổ với ý nghĩ không thể được nghĩ hết, không dám nói ra lời: Biết đâu đây là lần chót!!
Họ bế đứa con còn quá nhỏ không khả năng hiểu ra lần tạm biệt hay chia ly đành đoạn với người cha. Hai mẹ con thu người lại dưới ánh đèn đoàn xe GMC chở quân rời hậu cứ. Và người đàn bà vợ người lính, thật sự chỉ là cô thiếu nữ đang ở tuổi thanh xuân kia trở về khu trại gia binh để chờ đợi (một lần rất khả thể) vào một buổi nào đó viên sĩ quan chỉ huy hậu cứ sẽ đến gõ cửa nhà với câu nói khó khăn, ngắn lạnh: Chị chuẩn bị ngày mai theo xe hậu cứ lên nghĩa trang nhận anh!!
Và nếu biến cố bi thảm nầy không xẩy ra (như một phép mầu ân sủng), người đàn bà dần qua hết tuổi trẻ để cùng chia sẻ với chồng một ngọn nguồn đau thương, cảnh sống nhục nhằn thống khổ – Lần Miền Nam bị bức tử cùng đành, sáng sớm ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Vợ và những đứa con người lính bị đuổi ngay ra khỏi những căn nhà trong trại gia binh, và bị xếp hạng nên thành là “đối tượng thứ 14 trong 15 giai cấp xã hội” – Loại sau cùng thứ 15 nầy là thành phần tù hình sự can án cướp của, giết người với trường hợp gia trọng – Cách định giá đối tượng xã hội-chính trị của chế độ CS ở VN.
Ở Miền Nam.
Con đường từ ga Thanh Hóa vào các trại tù Lam Sơn, Thanh Phong, Thanh Cẩm dài khoảng năm chục cây số đường chim bay; đây là đường thượng sơn nối vùng núi non thượng lưu sông Ðà, dẫn lên mạn Lai Châu, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Ðiện Biên Phủ hành lang thông qua vùng Trung và Bắc Lào. Ðường hiểm trở chạy quanh co giữa những rặng núi đá vôi dựng trường thành, làm thành một trở ngại thiên nhiên vô cùng lợi hại mà ngựa Mông Cổ Thế Kỷ 13 dẫu giẫm nát toàn cõi lục địa Á, Âu vẫn không thể nào xâm nhập được.
Thế Kỷ 15, đạo binh xâm lược Nhà Minh đang ở đỉnh cao cường thịnh cũng không thể bén mảng vào đến những căn cứ địa Lam Sơn, Chí Linh của nghĩa quân Lê Lợi. Xe thiết giáp bọc sắt của Quân Ðoàn Viễn Chinh Pháp trong chín năm 1945-1954 cũng đành thúc thủ dưới đồng bằng.
Cuối cùng, biệt kích Mỹ với vũ khí tối hảo, yểm trợ tuyệt đối cũng không có cơ may đổ bộ, tấn công. Và bản thân những lính bộ đội CS, trong những ngày kháng chiến vệ quốc chưa lộ mặt, dẫu đang là tuổi trẻ cũng vẫn phải ngã gục trên đoạn đường gai góc..
Anh bạn dãi dầu không bước nổi
Gục bên mũi súng bỏ quên đời!!
(Tây Tiến, Quang Dũng)
Nhưng, Người Ðàn Bà – Người Vợ Lính, Người Mẹ Miền Nam, đã cùng đi, đến đủ với chồng, với con hằng mười năm, hai mươi năm xuyên suốt khổ nạn quê hương. Họ ra đi lúc trăng non nơi Miền Nam, xuyên qua sỉ nhục, chưởi gào do đám dân miền Bắc được “học tập căm thù bọn ngụy quân, ngụy quyền và gia đình bóc lột ăn bám của chúng”, kể cả phải hứng chịu hành hung, cướp giật trên những chuyến tàu lửa đen đủi, ám khói xuyên ”miền Bắc tiên tiến xã hội chủ nghĩa”. Và cuối cùng, họ đến trại lúc trăng nhạt màu héo úa, đầu tơi tả tóc lấm bụi, chân khô nẻ gót cắt, với gói quà cứu đói dành dụm từ Miền Nam để nói cùng chồng, cùng con trong năm mười phút thăm nuôi, lời trung hậu đơn giản: “Anh yên tâm, ở nhà có em lo. Con cố gắng học tập. Mẹ còn sống ngày nào, Mẹ không bao giờ bỏ con.”Chỉ với những hành vi, tiếng lời nhỏ bé thăm thẳm thương yêu vừa kể ra trên – Người Lính đã kiên cường xốc tới trong lửa đạn, và tồn tại sau chiến tranh, trong ngục tù, bởi họ đã vô vàn nhận lãnh: Vô Lượng Tấm Lòng Người Vợ- Người Mẹ Miền Nam.
Thủy chung, anh chỉ có một tấm lòng để nói cùng Người. Với Người Lính, như đã một lần, về một nội dung, trong suốt một đời. Ba-mươi năm bùng vỡ trận Ban Mê Thuột.
Denver, 10 tháng Ba, 1975 -2005
Thiếu Úy Phan Nhật Nam
Tiểu Ðoàn 7 Nhẩy Dù- KBC 4919