“BUỒN CHI EM ƠI” NHẠC TÌNH CHINH CHIẾN CỦA LAM PHƯƠNG (Vann Phan/Người Việt)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person

May be an image of 1 person

April 29, 2023
Vann Phan/Người Việt
https://www.youtube.com/watch?v=NHPxg8fcFHA
Trong số hàng trăm bản nhạc tình và nhạc lính của Lam Phương, “Buồn Chi Em Ơi?” (1963) nằm trong số những ca khúc được khán, thính giả và người yêu nhạc tại miền Nam Việt Nam biết đến sớm nhất và đón nhận nồng nhiệt nhất bên cạnh các ca khúc “Chuyến Đò Vĩ Tuyến,” “Chiều Hành Quân,” “Kiếp Tha Hương,” “Tình Anh Lính Chiến…”
Bìa nhạc phẩm “Buồn Chi Em Ơi?” của Lam Phương. (Hình: Tài liệu)
“Buồn Chi Em Ơi?” cũng còn được coi là một trong những nhạc phẩm xuất sắc nhất của ngành Tâm Lý Chiến QLVNCH trong suốt hai thập niên 1960 và 1970, do ý nghĩa sâu sắc và tinh ý thiết tha của bản nhạc gieo vào lòng những người lính cũng như những người yêu của lính.
“Sầu mà chi em./Lúc non sông cần trai hùng./ Buồn mà chi em./ Mai anh về trong nắng êm./ Đừng vì chia ly làm nản chí nam nhi./ Vui lên đi cùng ước thề./ Rồi ngày mai anh sẽ về.”
Xin em chớ có buồn sầu mà chi trong buổi chia ly khi anh lên đường làm nhiệm vụ của người trai thời chinh chiến. Hãy vui lên đi, bởi vì ngày mai đây thế nào anh cũng sẽ quay về quê cũ để sum họp cùng em.”
“Em ơi anh đi vì nước non mình đợi chờ./ Muôn quân đang reo lửa khói tung ngập màu cờ./ Thân trai ra đi nợ nước đôi vai gánh nặng/ buồn chi cách xa vì ngày vui sẽ không xa.”
Em cũng hiểu rằng đang có biết bao chàng trai thế hệ đã lên đường tòng quân giúp nước. Vậy thì xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân, bởi vì thời gian xa cách của đôi mình sẽ chẳng có là bao.
“Hôm nay anh đi vì muốn duyên mình đẹp màu./ Bao năm chia ly là mấy trong vạn ngày sầu./ Vui lên đi em rượu tiễn sao không uống cạn/ để anh bước đi cho phỉ chí mộng làm trai.”
Cũng chỉ vì muốn bảo vệ đất nước yên vui để tình mình thêm lâu bền mà anh đã bằng lòng ra đi, xem ra những ngày mình xa nhau cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi buồn vô tận của quê hương mình thời chinh chiến điêu linh. Thôi, em hãy cùng anh nhắp cạn chén rượu tiễn anh lên đường, để cho anh yên lòng mà băng mình vào sương gió, sống trọn kiếp trai hùng.
“Một thời gian qua. Nước non vui niềm thái hòa./ Trời Việt âu ca./ Xuân qua thềm mơn cánh hoa./ Vạn niềm thương yêu./ Còn chờ phút sum vầy./ Em xin dâng ngàn tiếng cười./ Tặng người anh yêu suốt đời.”
Em nên hiểu cho rằng, chẳng bao lâu nữa hòa bình sẽ trở lại trên đất nước khi quê hương ta đã im tiếng súng. Trong niềm thương yêu và hạnh phúc chan hòa của mọi nhà có niềm vui sum họp của đôi ta. Lúc đó, chắc chắn thế nào anh cũng sẽ được đón nhận tiếng cười vui mừng của em trong khi đôi ta cùng sum họp dưới một mái nhà.
* * *
“Buồn Chi Em Ơi?” ra đời năm 1963, là một trong những nhạc phẩm đầu tiên tại miền Nam Việt Nam thuộc loại nhạc cổ võ tinh thần người chiến sĩ QLVNCH do Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng đề xướng, có mục đích khuyến khích lớp người trẻ tình nguyện gia nhập quân đội để chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do Cộng Sản Bắc Việt chính thức phát động từ năm 1960.
Trang đầu nhạc phẩm “Buồn Chi Em Ơi?” của Lam Phương. (Hình: Tài liệu)
Phải nhìn nhận rằng “Buồn Chi Em Ơi?” hoàn thành hết sức mỹ mãn sứ mạng “binh vận” được giao phó qua điệu nhạc Rumba Lente êm đềm và lôi cuốn cộng với lời nhạc bay bướm, thiết tha và dạt dào tình cảm yêu thương con người và quê hương, đất nước. Bài hát cũng đem đến một trời hy vọng về tương lai tươi sáng của tổ quốc Việt Nam, với viễn ảnh hòa bình ở cuối chân trời, khiến cho những hy sinh gian khổ của người chiến sĩ cũng như nỗi sầu ly biệt của đôi bạn lòng trong cuộc càng mang thêm ý nghĩa cao cả: “Sầu mà chi em./ Lúc non sông cần trai hùng./ Buồn mà chi em./ Mai anh về trong nắng êm.”
Người chiến sĩ trong bài hát tỏ rõ chí khí hào hùng của một “chàng tuổi trẻ vốn giòng hào hiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung” của những thế hệ xa xưa khi tìm cách khuyên nhủ người yêu bé bỏng hãy cứ vui như mọi ngày, “vui lên đi cùng ước thề./ Rồi ngày mai anh sẽ về.”
Chàng trai lên đường đi chiến đấu, vì khi tổ quốc kêu lên tiếng sầu thì đâu thiếu gì cảnh biệt ly nhau. Hơn nữa, người trai lên đường tòng quân cũng là để cho ngày mai đôi lứa được sống trong hạnh phúc lâu dài. Hễ đã sinh ra làm trai thời ly loạn thì hai vai phải gánh lấy sơn hà, bởi vì trong cả vạn ngày sầu của đất nước điêu linh thì mấy năm cách biệt của đôi bạn tình thật chẳng có nghĩa lý gì đâu. Vậy thì, hãy “vui lên đi em rượu tiễn sao không uống cạn/ để anh bước đi cho phỉ chí mộng làm trai.”
Viễn ảnh tươi đẹp của ngày hòa bình trở lại trên quê hương đối với đôi bạn lòng trong nhạc phẩm này của Lam Phương chính là cuộc sum vầu của những kẻ yêu nhau sau một thời gian xa cách khi cả hai cùng biết đặt nợ nước lên trên tình nhà: “Vạn niềm thương yêu./ Còn chờ phút sum vầy./ Em xin dâng ngàn tiếng cười./ Tặng người anh yêu suốt đời.”
Đến đây, thiết tưởng cũng nên nói lên niềm hạnh phúc thật sự của người phụ nữ miền Nam so với người phụ nữ miền Bắc thời chiến tranh Việt Nam. Trong khi người phụ nữ miền Nam không bị bắt buộc phải cầm súng chiến đấu trong quân đội mà chỉ lo làm nhiệm vụ yểm trợ tinh thần cho các anh chiến sĩ VNCH, người phụ nữ miền Bắc thường phải cầm súng ra chiến trường hoặc làm nhiệm vụ dân công tải đạn và sản xuất lương thực để nuôi quân.
Người phụ nữ miền Nam thường được yêu cầu làm nhiệm vụ cổ võ, khich lệ tinh thần người chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Và đó cũng chính là tâm sự của một người yêu của lính tại miền Nam Việt Nam, như được thể hiện qua ca khúc “Quen Nhau Trên Đường Về” của Thăng Long và Đức Nội: “Gặp anh em lại thương anh nhiều hơn/ ngày đêm lo giữ giang sơn vẹn toàn./ Dù sương gió gây bao phũ phàng/ đã có em đây sẵn sàng/ lại gần sưởi ấm tim anh…”
Trang sau nhạc phẩm “Buồn Chi Em Ơi?” của Lam Phương. (Hình: Tài liệu)
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ra ở quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, miền Nam Việt Nam, trong một gia đình không mấy khá giả. Năm lên 10 tuổi, cậu bé được mẹ gởi lên Sài Gòn sống với người bác ruột, nhờ đó mà có dịp học nhạc với các nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương.
Ca khúc đầu tay do Lam Phương sáng tác là bản “Chiều Thu Ấy” lúc ông mới 15 tuổi. Chỉ ba năm sau, Lam Phương đã có thể tung ra hàng loạt những ca khúc viết về quê hương và tình người, trong đó nổi tiếng nhất là “Khúc Ca Ngày Mùa,” từng được hầu hết các trường học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chọn để dựng thành hoạt cảnh trong các buổi văn nghệ nhà trường.
Năm 1958, Lam Phương gia nhập QLVNCH, và khi hết hạn quân dịch thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An (tiền thân của Địa Phương Quân). Kế đó, Lam Phương hoạt động trong ban văn nghệ Hoa Tình Thương, và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ, rơi vào tay quân Cộng Sản năm 1975.
Trong suốt khoảng thời gian dài này, Lam Phương sáng tác hàng trăm nhạc phẩm giá trị, hầu hết là các bản nhạc tình, trong đó có những bản nhạc lính cùng với những bản nhạc nền cho những vở kịch nổi tiếng của vợ ông, là Túy Hồng, một nữ diễn viên kịch cũng nổi tiếng chẳng kém gì người chồng nhạc sĩ lúc bấy giờ.
Ngày 30 Tháng Tư, 1975, Lam Phương cùng gia đình theo đoàn tàu di tản vượt thoát khỏi miền Nam Việt Nam. Gia đình Lam Phương đươc đưa đi định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, rồi sau đó chuyển về Texas, và cuối cùng là California, nơi ông vừa lao động kiếm sống vừa tiếp tục sự nghiệp âm nhạc tại hải ngoại.
Sau khi ly dị với Túy Hồng, Lam Phương sang Pháp sống, và tiếp tục làm đủ thứ nghề để mưu sinh trong khi tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình.
Năm 1995, Lam Phương quay trở lại Hoa Kỳ, nhưng chỉ bốn năm sau đó thì ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người.
Nhạc sĩ Lam Phương trong một lần đến thăm nhật báo Người Việt. (Hình: Người Việt)
Lần xuất hiện sau cùng của Lam Phương trước công chúng là vào Tháng Tám, 2016, khi ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung Tâm Thúy Nga sang Đông Nam Á thực hiện chương trình “Tình Ca Lam Phương tại Singapore.” Người nhạc sĩ tài danh và được người Việt khắp nơi mến mộ qua đời ngày 22 Tháng Mười Hai, 2020, tại California, thọ 83 tuổi.
Lam Phương rất nổi tiếng với các nhạc phẩm: “Biển Tình,” “Biết Đến Bao Giờ,” “Bức Tâm Thư,” “Buồn Chi Em Ơi?,” “Chiều Hành Quân,” “Khúc Ca Ngày Mùa,” “Kiếp Nghèo,” “Kiếp Tha Hương,” “Lầm,” “Tan Vỡ,” “Thành Phố Buồn,” “Thiên Đàng Ái Ân,” “Thu Sầu,” “Tiễn Người Đi”…