Đinh Tiến Luyện là một trong số vài nhà văn miền Nam trước 1975 chuyên viết về tuổi mới lớn – cùng với Từ Kế Tường, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Thanh Trịnh ( sau 1975 đổi thành Đoàn Thạch Biền). Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến Duyên Anh – nhà văn hàng đầu nổi tiếng viết về tuổi thơ, tuổi mới lớn cùng với những tiểu thuyết về giới du đãng thuộc loại bestseller. Nhưng thật ra chỉ có Đinh Tiến Luyện là mãi mãi viết về tuổi thơ và tuổi mới lớn. Đinh Tiến Luyện khởi đầu viết truyện thiếu nhi: “Suối đá mây”, “ Giọt nước mắt hồng”, “Quê hương mật ong”… Sau khi nhập ngũ năm 1969, truyện của Đinh Tiến Luyện lớn hơn một chút với “Một loài chim bé nhỏ”, rồi lớn hơn một chút nữa, lãng mạn hơn và bắt đầu biết yêu với “Trong nhật ký của Quỳnh”, “Anh Chi yêu dấu”…Nhưng vẫn là tình yêu trong sáng… của tuổi mới lớn. Tình yêu trong truyện Đinh Tiến Luyện “gan” nhất cũng chỉ dám… nắm tay chứ chưa dám hôn! Đó cũng là “tiêu chí” của chủ nhiệm Duyên Anh đặt ra với cách chọn truyện trên Tuổi Ngọc – “tuần báo của tuổi vừa lớn”. Đinh Tiến Luyện cũng là họa sĩ chuyên vẽ về tuổi mới lớn. Phần lớn tranh bìa và minh họa trên Tuổi Ngọc do Luyện vẽ ( một số tranh và minh họa Luyện ký tên LY nhưng ai nhìn cũng biết là của chàng). Cùng thời điểm tôi về Tuổi Ngọc năm 1971 còn có họa sĩ Lê Vĩnh Ngọc cộng tác với Tuổi Ngọc. Bạn là họa sĩ “tay ngang” nhưng nét cọ rất tài hoa, cùng tham gia vẽ bìa và minh họa với Đinh Tiến Luyện. Điều thú vị là Luyện và Ngọc không hề học trường mỹ thuật nào! Cả hai đều tự học. Và cả hai đều tạo được dấu ấn riêng, không thể nhầm lẫn. Tất cả bìa sách của Đinh Tiến Luyện và hầu hết bìa sách của Duyên Anh đều do Luyện vẽ. Sách viết về tuổi mới lớn và cả truyện về thế giới du đãng – nếu do Tuổi Ngọc xuất bản.
Tôi quen thân với Đinh Tiến Luyện khi về làm việc chung ở tuần báo Tuổi Ngọc.Trước đó tôi chỉ nghe tên chứ chưa quen và, dĩ nhiên, chưa đọc truyện Đinh Tiến Luyện. Bởi truyện của Luyện viết về tuổi mới lớn, mà cái tuổi này mình đã qua lâu rồi! Khi mới về Tuổi Ngọc tôi làm công tác trị sự kiêm “thầy cò” (corrector) – tức sửa lỗi chính tả – nên đương nhiên phải đọc những truyện dài của Luyện đăng nhiều kỳ trên Tuổi Ngọc. Phải đọc đi đọc lại vài lần để sửa lỗi chính tả do thợ sắp chữ sắp sai! Truyện dài của Luyện thường xuyên đăng nhiều kỳ, hết truyện “Trong nhật ký của Quỳnh” đến “Anh Chi yêu dấu”. Đăng báo xong chàng gom lại in thành sách. Sách Đinh Tiến Luyện tuy chưa phải bestseller như Duyên Anh nhưng tương đối bán chạy. Tôi nhớ truyện dài “Trong nhật ký của Quỳnh” khi còn đang in từng kỳ trên Tuổi Ngọc thì cô Nguyễn Thị Tuấn – con gái ông Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tạp chí Văn kiêm giám đốc nhà xuất bản và nhà in mang tên ông – đã “xí phần” in sách khi truyện kết thúc đăng báo. Cô Tuấn cũng là quản lý tạp chí Văn.
Tuy làm chung tòa soạn nhưng Đinh Tiến Luyện và tôi gần như chỉ gặp nhau vào cuối ngày. Thường sáng sớm, Luyện đến tòa soạn để trên bàn maquette báo cho tôi giao sếp ty-pô đưa thợ sắp chữ rồi dàn trang, cùng mấy vingnette minh họa chàng vẽ đêm qua để tôi đưa đi làm cliché. Nếu có việc gì cần, Luyện viết mấy chữ cho tôi. Gần trưa tôi mới đến tòa soạn ngồi làm việc tới chiều tối. Còn chủ nhiệm Duyên Anh chín, mười giờ sáng lái xe tới ngồi ở tòa soạn Văn dưới tầng trệt trò chuyện hay gọi điện thoại “ké” của nhà in – cũng là của tạp chí Văn. Khi nào viết, anh lên căn gác tòa soạn Tuổi Ngọc. Tôi tới, anh hỏi han tiến trình công việc, dặn dò ba điều bốn chuyện rồi lái xe về. Buổi chiều tan sở, Đinh Tiến Luyện từ tòa soạn Tập san Quốc Phòng chạy qua Tuổi Ngọc, cùng tôi châu đầu vào bàn lo công việc. Tôi đọc bản in thử mà Tám sếp ty-pô, biệt danh Tám “lết” vừa đưa qua. Luyện tranh thủ viết mục Chạp phô Tuổi Ngọc với bút hiệu Kiến Vàng, hoặc vẽ minh họa cho mấy truyện chuẩn bị lên khuôn… Có hôm 8, 9 giờ tối mới xong việc. Băng qua bên kia đường, cạnh chợ Thái Bình, ăn tô cháo huyết hoặc tô mì tàu, uống mỗi đứa chai bia rồi nhà ai nấy về. Công việc tôi tuy khá vất vả vì phải ôm đồm nhiều việc nhưng mà vui.
Mặc dù tính cách Đinh Tiến Luyện và tôi gần như trái ngược nhau, nhưng có thể nói hai đứa có nhiều điểm bổ sung nhau.“Văn tức người” rất đúng với Đinh Tiến Luyện: nhỏ nhẹ, từ tốn, hiền lành. Tranh Đinh Tiến Luyện hầu hết là vẽ thiếu nữ với đường nét mềm mại, dịu dàng phong cảnh thơ mộng. Cả truyện lẫn tranh của chàng đúng là mãi mãi của tuổi mới lớn. Mãi mãi “gần mười bảy tuổi” – như tựa một tiểu thuyết của “nhà văn rong chơi” Mai Thảo. Duyên Anh gọi Luyện là “Thánh Phao Lồ”!
Năm rồi, Đinh Tiến Luyện từ Houston – Mỹ, gửi tặng tôi một bức tranh sơn dầu, nhờ Nguyễn Hữu Cứ – Giám đốc nhà sách Quang Bình – Công ty văn hóa Hương Trang mang tay về. Cứ kể, chị Oanh lái xe chở anh mang tranh đến tận nhà bố mẹ vợ Cứ để gửi tận tay. Tranh sơn dầu vẽ một cô bé khoảng 15 -16 tuổi rất dễ thương, rất “tuổi mới lớn” như tranh bìa Tuổi Ngọc từ nửa thế kỷ trước, với lời đề tặng phía sau tranh rất cảm động: “Thân tặng bạn ta Phạm Chu Sa – nhớ một thời thân thiết Tuổi Ngọc”. Khuôn mặt thiếu nữ trong tranh hao hao Hoàng Oanh lúc vừa mới lấy Luyện. Có thể nhận ra những gì phác thảo trong văn và vẽ vời xưa kia, cô bé có đôi mắt sáng và dáng vẻ tinh anh trong truyện và họa của Luyện thì nay đã hiện thực nơi người nữ mà các bạn theo dõi face book của Đinh Tiến Luyện không xa lạ với nhân vật Chim Hoàng của chàng. Trang viết khép lại thì trang đời mở ra cho nhân vật của mình bước ra, Đinh Tiến Luyện quả là kẻ rụt rè bước chậm nhưng lại có một happy ending tuyệt vời.
Bồi hồi nhớ lại sau ngày 30 / 4 / 75 vài tuần, Đinh Tiến Luyện vừa nhận giấy triệu tập vài hôm nữa phải đi tập trung cải tạo, đã chạy chiếc Lambretta từ Hòa Hưng qua Phú Nhuận chở tôi đến thăm anh Duyên Anh. Với tâm trạng cực kỳ hoang mang, ba anh em ngồi nhìn nhau và cưa hết chai Johny Walker. Uống rượu khan, không mồi. Duyên Anh vốn thường ngày thường ăn to nói lớn, thao thao bất tuyệt , hôm nay anh ngồi lặng lẽ. Hình như Luyện nói, tao đi học tập, mày có cần lấy xe đi không? Tôi cười méo xệch, tao ở ké nhà người ta. Nhà chật, vợ tao mang bầu mà tối còn chờ mọi người đi ngủ xong, bọn tao mới trải chiếu dưới đất ngủ thì chỗ đâu để xe. Mà tiền ăn không có thì tiền đâu đổ xăng! Thôi bán đi. Luyện nói, bây giờ bán ai mua. Rồi sau đó Luyện đi học tập cải tạo, không biết chiếc xe đó bán hay cho ai.
Lại nhớ chuyện Đinh Tiến Luyện mua chiếc Lambretta này năm 1972. Thấy Luyện thích quá tôi không dám cản, chứ cái xe to lớn, nặng nề mà bạn ta thì nhỏ người nhẹ ký, dắt cái xe cũng đã vất vả rồi. Ngày đó xe chưa có bộ đề, phải đạp rất nhọc. Mỗi lần đạp xe bạn ta phải dựng xe, đạp nổ rồi mới hạ chống để vô số rồ ga chạy đi. Chưa hết, nhà Luyện ở trong hẻm, nền nhà lại cao hơn mặt hẻm mấy tấc, đi về chạy xe lên nhà rất khó khăn, phải dắt, đẩy lên thềm. Thời gian đầu mới mua xe, khi Luyện đi về, bà chị con ông bác Luyện phải ra phụ đẩy xe lên thềm. Luyện ở nhà ông bác. Bà chị trách tôi sao không cản Luyện. Tôi nói nó đang thích quá dễ gì can! Xe Lambretta bấy giờ là mốt thời thượng, đẹp mã nhưng hay hư vặt, mà giá khá cao. Tôi nhớ năm đó Luyện bán chiếc Honda dame chàng đang đi chỉ 80 ngàn, phải bù thêm mua chiếc Lambretta đến 420 ngàn! Nhưng có chiếc xe này chở em thì “oách” khỏi nói. Bấy giờ bạn ta có một nàng thơ mười bảy tuổi cao gầy mỏng manh. Chàng chở nàng áo dài bay bay trong gió trông lãng mạn lắm. Nàng mới học đệ tam hay đệ nhị gì đó. Cũng đáng công chàng vất vả với chiếc xe nặng trịch! Chủ nhiệm Duyên Anh có lần bảo tôi, trông Luyện nó chạy cái nặng nề đó khổ sở quá. Tôi nói không khổ đâu anh. Quan trọng là nó thích. Thỉnh thoảng sáng chủ nhật Luyện chở nàng vô sân trường cao đẳng quốc phòng – cũng là sân tòa soạn tập san Quốc Phòng – nơi chàng công tác, thoáng đãng có mấy cây phượng rất đẹp. Luyện rủ tôi đi cùng để chụp hình chàng và nàng, tình tứ và thơ mộng ra phết. Nhà nàng ở cùng đường Lê Văn Duyệt, Hòa Hưng với nhà Luyện, chỉ cách hơn ngàn mét. Có nhiều sáng chủ nhật Luyện vừa dắt xe ra đầu hẻm đã thấy nàng đứng chờ sẵn. Có bữa oải quá, tối thứ bảy Luyện chạy qua nhà tôi ngủ. Nhưng sáng mai thức dậy, hai thằng tính ra đầu ngõ ưống cà phê đã thấy nàng thơ đứng chờ tự bao giờ! Thế nhưng hơn mười năm sau, khi Luyện cưới Oanh, “nàng thơ mười bảy tuổi” năm xưa dự đám cưới, tặng đôi uyên ương bộ ly thủy tinh tuyệt đẹp, mà mỗi lần bạn bè đến uống rượu, Đinh phu nhân lại dặn các con “cẩn thận kẻo bể ly sẽ vỡ tim bố đấy!”Về sau nàng sang Mỹ định cư trước vợ chồng Luyện. Và nghe đâu sau khi gia đình Luyện qua Mỹ, thỉnh thoảng họ lại gặp nhau vui vẻ.
Trước “nàng thơ tuổi mười bảy”, Luyện đã từng có “Một loài chim bé nhỏ” tức “Anh Chi yêu dấu” sau này. Bố nàng là đại doanh nhân ở Sài Gòn, khi biết cô con gái rượu phải lòng chàng văn sĩ nghèo, đã “đẩy” cô du học Anh quốc. Chàng có “buồn nhưng không rầu”. Thỉnh thoảng chàng gọi điện thoại quốc tế trò chuyện với nàng mươi phút, hay đôi khi ngẫu hứng chàng gửi điện hoa cho nàng hoặc gửi tặng nàng bức tranh mới vẽ, cước phí bưu điện hết tháng lương trung úy. Có nghĩa là chàng phải cắt xén cà phê, thuốc lá, bia bọt… Mỗi năm nàng về nghỉ hè thăm nhà và thăm người yêu. Chàng gần như quên hết bạn bè, công việc. Mùa hè đỏ lửa 1972, mặc dù có lệnh cấm trại 24/24 với tất cả quân nhân – kể cả sĩ quan, nhưng trung úy Đinh Tiến Luyện coi như pha, vẫn cố thu xếp thời gian chở nàng đi đây đó. Sau khi nàng trở lại Luân Đôn, trung úy Luyện lãnh phạt vài chục “củ” vì tội vượt rào lệnh cấm trại. Suốt một tháng “loài chim bé nhỏ” kia về nước, chàng trung úy không những bỏ bê công việc ở tập san Quốc Phòng mà cả ở Tuổi Ngọc chàng cũng chỉ phất phơ tạt qua cho xong việc! Mối tình đẹp họ như một bài thơ hay. Thế nhưng sau này họ chia tay nhẹ nhàng, tôi không hay biết. Cuộc tình đẹp không tì vết. Khi xa nhau hình như cũng không lưu dấu vết…
Đinh Tiến Luyện học tập cải tạo về năm 1981. Có lẽ những nàng thơ của chàng trước kia đã rơi vào quên lãng sau cuộc bể dâu, nên vài năm sau – 1983, chàng lấy cô láng giềng Hoàng Oanh tuổi mới đôi mươi. Tuy còn rất trẻ, nhỏ hơn Luyện đến 16 tuổi nhưng Oanh rất tháo vát, kinh doanh giỏi. Oanh thường chạy xe máy từ Biên Hòa xuống Chợ Lớn lấy hàng về bán “nuôi cả hai con với một chồng”, không thua gì bà Tú Xương ngày xưa. Nên không ngạc nhiên bây giờ nhà văn – họa sĩ Đinh Tiến Luyện suốt ngày suốt tháng suốt năm, văn và họa chỉ có Chim Hoàng, tức Hoàng Oanh.
Năm 1988, nhà văn Đoàn Thạch Biền – tức Nguyễn Thanh Trịnh trước 1975 từng cộng tác với Tuổi Ngọc – liên kết với nhà xuất bản Trẻ thành lập tập san Áo Trắng – một tuyển tập văn chương của tuổi mới lớn, hao hao như Tuổi Ngọc ngày xưa. Nhưng đó chỉ là tuyển tập thơ văn, nên không có các mục thường xuyên như một tờ báo hay tạp chí ( do quy định nhà xuất bản không được làm báo chí, chỉ được làm tuyển tập). Đinh Tiến Luyện nhận lời mời của Đoàn Thạch Biền, cùng Đỗ Trung Quân hợp tác làm tờ Áo Trắng. Bấy giờ anh em văn nghệ gọi đùa Áo Trắng là tập san 3 Đ ( họ của ba người đều bắt đầu bằng mẫu tự Đ: Đoàn, Đinh và Đỗ). Đinh Tiến Luyện chủ yếu vẽ minh họa và viết lai rai, bởi bìa Áo Trắng chỉ dùng ảnh thiếu nữ, không dùng tranh nên họa sĩ chuyên vẽ bìa tranh thiếu nữ …thất nghiệp! Và cũng nhờ Luyện cộng tác với Áo Trắng, mươi bữa nửa tháng, chàng từ Biên Hòa mang minh họa hay bài vở chạy xuống Sài Gòn đưa cho Đoàn Thạch Biền nên bọn tôi thường gặp nhau. Khoảng năm 1990, có lần chàng xuống Sài Gòn, ăn trưa với nhau xong trời còn nắng quá, tôi nói thôi lai rai vài chai trời mát hãy về. Nhưng vào quán gặp thêm vài bạn, nhậu sa đà. Mãi sáu giờ chiều Luyện nhìn đồng hồ giật mình, vội lấy xe chạy về trong cơn say, bọn tôi rất lo. Bấy giờ chưa có điện thoại không thể liên lạc được. Mấy hôm sau Luyện có việc xuống Sài Gòn, gặp nhau tôi rất mừng như xa lâu lắm! Và tự hứa từ nay không rủ rê bạn nhậu sa đà như thế nữa…Lại một kỷ niệm với Đinh Tiến Luyện và Đoàn Thạch Biền tôi nhớ mãi. Khoảng thời gian đầu Luyện tham gia làm Áo Trắng, một hôm Đoàn Thạch Biền hứng chí rủ tôi chạy lên nhà Luyện ở Biên Hòa nhậu chơi. Đến cái chợ nhỏ gần nhà Luyện, Biền dừng lại mua mấy ký ốc bươu, còn tôi ghé mua can bia hơi 4 lít. Đến nơi, Đinh phu nhân vắng nhà. Biền và tôi phụ Luyện loay hoay luộc ốc để nhậu mà không ai biết rằng ốc bươu trước khi luộc phải ngâm qua đêm với nước gạo, hoặc giã nhiều ớt bỏ vào ngâm cho ốc tiết ra hết chất nhớt độc hại. Ba thằng chén hết mấy ký ốc bươu luộc và 4 lít bia hơi. Đêm đó về tới nhà cái bụng tôi tức anh ách và đau quằn quại, giống như mấy con ốc đang bò trong ruột! Tôi làm mọi cách cho ói ra được mới đỡ…Một lần cho tởn tới già chuyện ăn ốc bươu!
Rồi Đinh Tiến Luyện và bầu đoàn thê tử sang Mỹ định cư. Theo diện ODP hay HO tôi không hỏi. Họ mua được nhà ở thành phố Houston, tiểu bang Texas. Luyện gửi tôi ảnh căn biệt thự có sân vườn rộng cả ngàn mét vuông nhưng giá chỉ bằng căn nhà phố của bạn trong ngõ gần chợ nhỏ Tam Hiệp, Biên Hòa. Sau lại nghe tin bạn đi học ngành máy tính rồi đi làm, tôi quá nể phục chí tiến thủ của bạn. Rất mừng khi gia đình bạn an cư lạc nghiệp ở xứ người.
Hơn mười năm trước vợ chồng Đinh Tiến Luyện về Việt Nam tổ chức lễ cưới cho cả con trai và con gái ở Biên Hòa. Lễ được làm ở nhà thờ vào hai ngày chủ nhật kế tiếp, nhưng tiệc được tổ chức chung cho hai đám vào một ngày tại nhà hàng. Luyện bảo, tổ chức hai cặp một lần cho tiện cho cả hai gia đình và thân hữu cũng đỡ phải đi nhiều lần! Ý tưởng hay! Khách mời văn nghệ chỉ mấy người bạn cố tri: Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Phạm Thanh Chương và tôi. Hầu hết bọn tôi chưa từng dự tiệc cưới nào một lần cả hai cặp: Trên sân khấu tiệc cưới, vợ chồng Đinh Tiến Luyện đứng giữa vợ chồng sui trai và vợ chồng sui gái, bên cạnh là hai cặp vợ chồng con trai, con gái Luyện trông rất vui. Đám bạn già chúng tôi cũng vui theo niềm vui của đại gia đình Bạn hiền.
Phạm Chu Sa