Tuần lễ tới, từ 21/4 tới 28/4 đánh dấu đúng 47 năm tuần lễ cụ Trần Văn Hương làm tổng thống VNCH. Nhân đây, tưởng cũng nên coi lại vai trò của Mỹ trong lịch sử cận đại của nước ta.
Hơn cả TT Johnson và TT Nixon, TT Kennedy có vai trò lịch sử có thể nói quan trọng nhất đối với VN vì ông chính là người đã mở màn việc Mỹ can thiệp vào VN, đồng thời cũng là người đã lấy những quyết định với hậu quả trầm trọng nhất cho số phận VNCH khi ký hiệp ước trung lập hóa Lào và hậu thuẫn cuộc đảo chính đổi đời năm 1963.
Trước hết, một lời phi lộ.Bài này đã được đăng trên DĐTC cách đây 4 năm, tháng 4/2018, xin phép được đăng lại -với nhiều chỉnh sửa- để nhắc nhở lại một thời kỳ đen tối của lịch sử, đã là bước đầu trong cuộc tuột dốc của cả nước, để cuối cùng đưa đến thảm họa 30/4 khi chính nghĩa quốc gia và tương lai đầy hứa hẹn của chúng ta bị mất vào tay lũ sâu bọ.
Phải nói ngay là kẻ này chuyên viết về chính trị Mỹ vì đã có quá nhiều chuyên gia rành rẽ vấn đề VN gấp vạn lần, viết mỗi ngày không biết bao nhiêu chuyện trên các báo và diễn đàn tị nạn rồi. Trong phạm vi bài này, kẻ này chỉ muốn bàn về vai trò của Mỹ và những quyết định của một tổng thống Mỹ thôi.
Trước hết, ta coi lại tình hình chung. Những năm từ sau khi Mao chiếm lục địa Trung Hoa, lực lượng èo uột Việt Minh bất ngờ tái sinh qua viện trợ hùng hậu về vũ khí cũng như nhân sự (cố vấn và cả lính) do TC chuyển qua. Tướng Giáp tung ra những trận đánh lớn trong đồng bằng Bắc Việt theo chỉ đạo của các cố vấn TC, nướng thanh niên Việt trong hỏa lực Pháp theo chiến thuật ‘biển người’ của Mao mặc dù xứ ta không đông dân như Tầu.
Pháp cũng sai lầm, tưởng nếu đánh những trận lớn, có thể diệt Việt Minh được mà quên mất Hồng Quân của Mao. Tập trung lực lượng vào thung lũng Điện Biên Phủ làm mồi nhử Giáp. Giáp nhẩy vào mồi thật. Để rồi Pháp bị vây hãm đe dọa đại bại. Cầu cứu Mỹ, nhưng TT Eisenhower từ chối can thiệp mạnh vì không được hậu thuẫn của Anh và những đồng minh Á Châu khác, cũng như sợ mang tiếng giúp thực dân Pháp duy trì chế độ đô hộ.
Đưa đến thất thủ Điện Biên Phủ, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, sự thành lập Đệ Nhất Cộng Hòa với TT Diệm, rồi cuộc chiến VN lần thứ hai.
Trong bối cảnh đó, sự can thiệp của Mỹ thật sự bắt đầu dưới thời TT Kennedy.
Năm 1960, TNS John Kennedy đắc cử tổng thống. Trong lúc bàn giao, TT Eisenhower giải thích tình hình Đông Dương cho Kennedy, đặc biệt nhấn mạnh tính then chốt của xứ Lào. Theo ông, bằng mọi giá, phải giữ Lào, không thể để lọt vào tay CS Pathet Lào, cũng không thể trung lập hóa được vì CSBV chắc chắn sẽ không tôn trọng nền trung lập này. Lào chính là cửa ngỏ vào miền Nam, Căm Pu Chia và Thái Lan. Mất Lào, cả vùng bị đe dọa nặng ngay. Thuyết ‘domino’ thật sự bắt đầu từ Lào.
Tân TT Kennedy không chia sẻ quan điểm đó. Ông cho rằng nơi Mỹ cần bảo vệ tới cùng không phải là Lào vì trên phương diện quân sự, Mỹ không thể đánh nhau ở Lào được. Đất chiến lược là Nam VN với cả ngàn cây số duyên hải mà hạm đội Mỹ có thể bảo vệ và dùng để đổ quân hay rút lui được. Chẳng lẽ ở đây, ông trung úy hải quân Kennedy có lý hơn ông đại tướng Eisenhower?
Tại Lào, TT Kennedy tin tưởng một thể chế trung lập với sự hậu thuẫn của Liên Xô sẽ bảo đảm Lào thành trái độn ngăn cản CSBV chứ không phải là hành lang của CSBV xâm chiếm Đông Dương. Ở đây, ông đã chịu ảnh hưởng nặng của thứ trưởng Ngoại Giao Averell Harriman, là một chuyên gia về Nga. Ông Harriman tin tưởng Liên Xô chú tâm vào việc bành trướng thế lực tại Đông Âu, sẽ không thể chấp nhận một mặt trận mới tuốt bên Đông Nam Á chỉ có lợi cho Mao, do đó, Liên Xô sẽ giúp bảo đảm nền trung lập của Lào và cầm chân CSBV. TT Kennedy vận động Nga để rồi cuối cùng đẻ ra được hiệp định trung lập hóa Lào năm 1962. Một thể chế trung lập quái đản, trao vào tay Pathet Lào, tức là CSBV, một nửa đông-nam của lãnh thổ, giáp giới với CSBV, VNCH, và Căm Pu Chia, tức là để nguyên hành lang chiến lược then chốt này cho CSBV sử dụng.
Đây là sai lầm chiến lược vĩ đại mang theo hậu quả cực kỳ tai hại cho miền Nam VN của tân tổng thống trẻ không bao nhiêu kinh nghiệm. TT Eisenhower đã đúng hoàn toàn khi tiên đoán CSBV sẽ không bao giờ tôn trọng trung lập của Lào bất kể thái độ của Liên Xô, và sẽ chiếm Căm Pu Chia và VNCH qua ngã Lào không sớm thì muộn.
Trong miền Nam, nhiệm kỳ của tân TT Kennedy cũng trùng hợp với sự ra đời chính thức và lớn mạnh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam VN, là công cụ của CSBV.
Mặt Trận ra đời trong nhiều khó khăn, nhất là trong những năm 60-62, không đạt được thành quả nào đáng kể ngoài việc ám sát các viên chức địa phương cấp làng, xã, huyện,…, phá nền móng của guồng máy chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa. Chưa kể kế sách Ấp Chiến Lược cũng đã thành công lớn mặc dù gặp nhiều khó khăn, từ phá rối của VC cho đến bất mãn của nhiều nông dân. Cường độ chiến tranh khi đó cũng chẳng ghê gớm gì lắm khi Mỹ chỉ có một vài ngàn cố vấn trong khi CSBV thâm nhập khoảng vài trăm bộ đội mỗi tháng.
Năm 1963 là cái mốc đổi đời của VNCH. [Ở đây xin mở ngoặc: không hiểu vì sự trùng hợp nào mà lịch sử VN trong thời kỳ ‘lộn xộn’ nhất, luôn là những năm mà hai con số chót cộng lại thành… ‘9 nút’, đúng chu kỳ 9 năm: 1945 Việt Minh nổi đậy, 1954 chia đôi đất nước, 1963 đảo chánh TT Diệm, 1972 mùa hè đỏ lửa đánh dấu CSBV công khai tham chiến tại Nam VN, với quân chính quy và cả xe tăng, đại bác]
Cuộc chiến leo thang mạnh khi CSBV bắt đầu chuyển quân ào ạt vào miền Nam, chẳng những qua hành lang Lào, mà còn qua ngã bến tàu Sihanoukville của Căm Pu Chia khi ông Sihanouk nhắm mắt cho tầu Liên Xô, TC và BV chở súng lớn, đạn dược, quân trang, quân dụng, dầu xăng, thuốc men,… cập bến Sihanoukville, đồng thời cho VC dùng đất Căm Pu Chia làm căn cứ an toàn. Đổi lấy việc CSBV không tích cực giúp Khờ-Me Đỏ gây rối loạn chống ông ta.
Năm 63 cũng là năm giới truyền thông Mỹ đổ bộ vào miền Nam và tin tức chiến sự VN bắt đầu tràn ngập mặt báo và TV Mỹ. Hàng đoàn ký giả Mỹ thay vì chỉ làm nhiệm vụ truyền thông trung thực thì đều đã biến thành loại ‘thanh niên xung phong’ chuyên gia xách động cho việc Mỹ chấm dứt can thiệp vào cuộc chiến. Nghĩa là đồng minh lớn nhất của VC đã đổ bộ vào Sàigòn và công khai hoạt động trong khi cả hai chính quyền Mỹ và VNCH chống mắt nhìn, nhân danh ‘tự do ngôn luận’.
TTDC khi đó công khai lộ mặt thiên cộng, triệt để bôi bác miền Nam. Một trăm bản tin về VN thì ít nhất cũng 90 bài bất lợi cho phiá VNCH và Mỹ. Đến độ TT Kennedy mỗi lần nghe báo cáo tương đối tốt đẹp của tướng lãnh hay sứ quán Mỹ ở Sàigòn đều lo lắng hỏi lại “vậy sao báo NYT (hay WaPo hay CBS,…) nói khác?”.
Năm 63 cũng là năm nổ bùng ra biến cố Phật giáo miền Trung.
TT Diệm có đại công với đất nước khi đã thành công xây dựng nền móng vững chắc cho một VNCH tương đối thịnh vượng và hùng mạnh từ đống tro tàn do thực dân Pháp để lại, nhưng ông cũng đã phạm nhiều sai lầm lớn sau đó, đưa đến việc mất lòng dân rất nhiều, cuối cùng đi đến đảo chánh. Việc dân chúng xuống đường biểu tình chống TT Diệm trong vụ Phật giáo và sau đó vui mừng xuống đường hoan nghênh Cách Mạng 1/11 là những dữ kiện lịch sử, không thể chối bỏ, viết lại được. Nói các tướng lãnh “ăn tiền của Mỹ, phản ông Diệm, đi ngược ý dân” là viết lại lịch sử, không công bằng với các tướng lãnh, với quân lực VNCH, và với lòng dân khi đó.
Khủng hoảng Phật giáo đã có tác động cực kỳ bất lợi cho cuộc chiến của VNCH nói chung và cho TT Diệm nói riêng. Biến cố Phật giáo khởi đi từ một xung đột có tính địa phương không quan trọng, nhưng đã bị ba thế lực khai thác triệt để:
– Thứ nhất là một vài lãnh tụ Phật giáo với tham vọng chính trị cá nhân quá lớn (xin nhắc lại: không phải là cả khối tín đồ Phật giáo hay đại đa số tăng sĩ, mà chỉ là một nhúm ‘sư hổ mang’ đếm trên đầu ngón tay!);
– Thứ nhì là cánh diều hâu Mỹ muốn nhân cơ hội, loại trừ TT Diệm để nắm quyền trực tiếp điều khiển chiến tranh;
– Thứ ba dĩ nhiên là VC, khỏi cần bàn thêm.
TT Diệm, một người nhân hòa, đạo đức, không mánh mung xảo quyệt, cho dù với sự giúp đỡ của ông em mưu mô, vẫn không đủ khả năng đối phó với ba thế lực lớn đó. TT Diệm đã thất bại không chứng minh được cho cả nước và cả thế giới thấy rõ những thế lực đang bóp méo và khai thác khủng hoảng. Đã vậy TT Diệm đã đối phó một cách vụng về trên phương diện tâm lý quần chúng Việt, Mỹ cũng như cả thế giới, bàng hoàng trước hình ảnh các vị sư tự thiêu cũng như sinh viên và bà lão xuống đường biểu tình, tay không kéo hàng rào kẽm gai trước họng súng của Cảnh Sát Dã Chiến, trong khi TTDC Mỹ thời đó lại mô tả ông như một quan lại độc đoán của thế kỷ trước, kỳ thị Phật giáo, trị nước dựa trên gia đình (ông anh NĐThục và hai ông em NĐNhu và NĐCẩn) và một nhúm thân tín trong đảng Cần Lao.
Trầm trọng hóa vấn đề hơn tất cả các yếu tố trên là năm 63 cũng là năm TT Kennedy rất sợ tin xấu vì ông chuẩn bị tái tranh cử trong năm 64. Chúng ta ở Mỹ lâu năm, có thể hiểu rõ chính trị gia Mỹ đều sống, nói và làm vì bầu cử hết. Trong tình trạng đó, TT Kennedy không thể nào không điên đầu vì những tin xấu từ miền Nam chạy lên TV và báo Mỹ suốt ngày, được pha thêm cả lô mắm muối của các nhà báo thiên tả như Peter Arnett, Malcolm Browne và nhất là David Halberstam.
TT Kennedy nhìn thấy rõ hai lựa chọn của ông: một là phủi tay, chấm dứt mọi can thiệp, và hai là can thiệp mạnh hơn. Nhất chín nhì bù, không có giải pháp lằng nhằng ở giữa.
Giải pháp rút lui ngay khó làm được vì Mỹ vẫn còn bị ám ảnh bởi thuyết domino, sẽ mất hết cả Đông Nam Á nếu bỏ Nam VN, chưa kể TT Kennedy bị ấm ức bởi hình ảnh một tổng thống yếu đuối bị Khrushchev coi thường tại Cuba và trong cuộc gặp mặt tay đôi tại Áo, cũng như viễn tượng phải tranh cử chống ông diều hâu Nixon trong kỳ bầu cử tới. Trong khi giải pháp can thiệp mạnh lại chỉ có thể thực hiện được nếu loại bỏ anh em Diệm-Nhu vì TT Diệm không chấp nhận một sự can thiệp sâu hơn của chính quyền Mỹ.
Ở đây không phải chỉ là việc TT Diệm bác bỏ ý kiến đổ bộ lính Mỹ vào chiến trường VN, mà còn là việc ông chống lại ý định gia tăng kiểm soát cuộc chiến quân sự cũng như kiểm soát chính trị và kinh tế. Người Mỹ với thái độ tự tin nếu không muốn nói là tự cao tự đại cố hữu, luôn luôn muốn nắm phần quyết định trong mọi hình thức hợp tác. Họ muốn nắm quyền quyết định quân sự, nắm luôn hầu bao viện trợ quân sự và kinh tế, đồng thời ép TT Diệm thi hành những cải tổ chính trị và xã hội theo ý của họ, bất kể mọi khác biệt văn hóa và lịch sử giữa VN và Mỹ. Những yêu sách quá lớn mà TT Diệm là người ái quốc và có tinh thần tự trọng dân tộc thật lớn, cương quyết không nhượng bộ.
Nhìn lại toàn bộ những gì xẩy ra trong năm 63, ta có thể hiểu được phần nào sự lớn mạnh của phe chống TT Diệm trong nội các Kennedy. Ngay từ dưới thời TT Eisenhower, trong chính phủ Mỹ cũng đã có hai khuynh hướng tranh cãi nhau suốt ngày.
Một bên là khuynh hướng ủng hộ TT Diệm tuyệt đối vì theo họ, TT Diệm đã đạt được thành công lớn trong những năm đầu, ổn định được tình trạng rối bời do Pháp để lại, là người có những đức tính và khả năng hơn tất cả mọi chính khách khác, tức là không thể thay thế được. Đây là cánh PTT Johnson, đại sứ Nolting, tướng tư lệnh Harkins, bộ trưởng Quốc Phòng McNamara, giám đốc CIA McCone, và bộ trưởng Tư Pháp Robert Kennedy (ông Robert Kennedy khi đó còn ‘diều hâu’ nặng, qua đến năm 1967 thì ông chuyển hướng muốn Mỹ rút về ngay, ra tranh cử chống TT Johnson nhưng bị ám sát chết). Bên kia là cánh ‘ngoại giao’ của ngoại trưởng Dean Rusk, ông Harriman, với ông thứ trưởng Ngoại Giao Hilsman, đại sứ Cabot Lodge, và phần lớn các thượng nghị sĩ và dân biểu DC, cho rằng TT Diệm qua ảnh hưởng xấu của ông Nhu, đã trở thành một nhà độc tài chỉ mang hại cho cuộc chiến chống CSBV. Họ chủ trương bằng mọi giá phải ép TT Diệm loại trừ ông cố vấn Nhu, nếu cần thì loại trừ luôn cả TT Diệm, kể cả việc dùng biện pháp đảo chánh bằng quân đội.
TT Kennedy ban đầu giữ thái độ trung lập vì khi còn là thượng nghị sĩ dưới thời TT Eisenhower, ông đã là một trong những người hậu thuẫn mạnh việc đưa ông Diệm về nước làm thủ tướng. Nhưng bây giờ thì ông càng ngày càng thấy nhiều khó khăn, nhất là qua truyền thông bôi bác mỗi ngày khiến tinh thần ông bị chao đảo, cũng như biến cố Phật giáo mà ông thấy khó bào chữa.
TT Kennedy tuy trẻ tuổi, nhưng lại là cáo già chính trị, bổ nhiệm ông Cabot Lodge làm đại sứ với toàn quyền quyết định mọi chuyện trực tiếp với tổng thống. Ông Lodge là ứng cử viên phó của ông Nixon. Liên danh Nixon-Lodge vừa bị liên danh Kennedy-Johnson hạ. TT Kennedy bổ nhiệm ông đối lập CH Lodge để làm mộc đỡ đạn CH cho ông, đồng thời cũng loại được một đối thủ cho việc tái tranh cử năm 1964 của ông.
Về phiá VNCH thì một số tướng lãnh đã rục rịch tính chuyện đảo chánh, lật đổ TT Diệm vì họ cho rằng ông này đã thất bại, mất hậu thuẫn dân, khiến VC ngày càng lớn mạnh, đe dọa đến sự tồn vong của cả miền Nam. Có tin không kiểm chứng được là ban đầu có tới ba nhóm âm mưu đảo chánh: trung tướng Trần Văn Đôn, trung tướng Trần Thiện Khiêm, và đại tá Đỗ Mậu, rồi sau đó, cả ba nhóm hợp nhất lại dưới quyền trung tướng Dương Văn Minh. Nhưng các tướng cũng chỉ có thể đảo chánh nếu nhận được bảo đảm của Mỹ, kiểu như sẽ không can thiệp cản trở đảo chánh, hay nếu đảo chánh thành công, sẽ tiếp tục nhìn nhận chính quyền mới và tiếp tục hậu thuẫn cuộc chiến chống CSBV. Chứ nếu đảo chánh xong, Mỹ rút đi không yểm trợ cho cuộc chiến thì nguy nặng vì VNCH sẽ không thể nào đương đầu được với CSBV vẫn nhận được viện trợ quân sự hùng hậu từ khối Liên Xô và TC.
Hậu thuẫn đó đến tay các tướng qua công điện số 243 ngày 24/8/63 của thứ trưởng Hilsman, đúng ba ngày sau khi ông Nhu ra lệnh Lực Lượng Đặc Biệt tấn công các chùa ngày 21/8, và hai ngày trước khi ông Lodge chính thức trình ủy nhiệm thư đại sứ. Ngày đó là ngày cuối tuần, hầu hết nội các đều đi khỏi Hoa Thịnh Đốn, kể cả TT Kennedy đi biển Cape Cod, Massachusetts câu cá. Ông Hilsman thảo công điện muốn gửi cho ông Lodge, nhưng cần TT Kennedy cho phép. Ông chỉ thị cho phụ tá Forrestal đọc công hàm qua điện thoại cho TT Kennedy, xin chấp nhận.
Đây là đoạn văn quan trọng nhất của ‘công hàm lịch sử’ (kẻ viết tạm dịch):
“… chúng ta phải cho cấp lãnh đạo quân sự [VN] biết nước Mỹ sẽ không thể nào tiếp tục giúp đỡ chính phủ VN bằng quân sự và kinh tế trừ phi những biện pháp trên [thoả mãn đòi hỏi của Phật giáo] được thi hành ngay trong đó phải có sự loại bỏ ông bà Nhu. Chúng ta muốn cho Diệm mọi cơ hội hợp lý để loại bỏ ông bà Nhu, nhưng nếu ông ấy ngoan cố, thì chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận hậu quả tất nhiên là chúng ta không thể tiếp tục hậu thuẫn Diệm. Ông có thể cho cấp lãnh đạo quân sự [VN] biết chúng ta sẽ trực tiếp hậu thuẫn họ trong thời gian chuyển tiếp khi guồng máy chính quyền trung ương đổ vỡ”. (Phần trong ngoặc […] là phụ chú của kẻ viết này)
Rõ ràng đây là chỉ thị cho đại sứ Lodge phải áp lực các tướng đảo chánh lật đổ TT Diệm vì ai cũng biết không có cách nào TT Diệm chịu “loại bỏ” ông bà Nhu hết.
TT Kennedy chỉ thị ông Forrestal phải xin ý kiến của các viên chức cao cấp nhất trong nội các. Ông Forrestal tuân lệnh, một lúc sau gọi lại, cho biết tất cả đồng ý, và TT Kennedy chấp nhận cho gửi công hàm. Ông Forrestal thật ra đã nói láo. Ông chỉ thông báo và được sự chấp nhận của một mình ông Averell Harriman.
Qua sáng Thứ Hai, họp nội các khẩn cấp, bộ trưởng QP McNamara, giám đốc CIA McCone, và cựu đại sứ Nolting kịch liệt phản đối, và xác nhận họ không hề được hỏi ý về công hàm này. TT Kennedy họp ba ngày liền. Hai phe tranh cãi kịch liệt. TT Kennedy ban đầu tức giận muốn cách chức hai ông Hilsman và Forrestal, nhưng sau ba ngày tranh cãi, đã đổi ý. Lý do chính là nội dung công hàm đã được đại sứ Lodge thông báo cho các tướng lãnh ngay sau khi nhận được rồi. Ông Lodge chủ trương loại bỏ ông Diệm nên mau mắn chụp cơ hội ông Hilsman tặng. TT Kennedy đành chấp nhận.
Qua ngày 29/8/63, TT Kennedy gửi một công điện tuyệt mật, chỉ cho đại sứ Lodge đọc, xác nhận chỉ thị đảo chánh TT Diệm, để giữ thể diện, chứng minh đã không có mâu thuẫn trong nội các.
Nhưng qua ngày hôm sau, TT Kennedy lại đổi ý, vì lo ngại phe đảo chính thất bại vì lực lượng phòng thủ Sàigòn khi đó nằm trong tay tướng Tôn Thất Đính, là người của TT Diệm. Đại sứ Lodge trả lời lại là các tướng lãnh VN sẽ đảo chánh trong vài ngày tới, chậm nhất đầu tháng Chín, và ông nhấn mạnh với TT Kennedy “Chúng ta đã lao mình vào một tiến trình không thể quay trở lại trong tự trọng được”.
TT Kennedy trả lời lại là ông, với tư cách tổng thống, giành quyền quyết định tối hậu, không có gì là “không quay trở lại được”. Dù vậy, Đệ Thất Hạm Đội cũng được điều động tới lãnh hải VN, chuẩn bị di tản thường dân Mỹ ngay nếu có đánh nhau lớn tại Sàigòn giữa phe đảo chánh và TT Diệm. Ngay sau đó, đại sứ Lodge thông báo lại, cho biết tướng Dương Văn Minh đã hoãn kế hoạch đảo chánh, để có thêm thời giờ thu phục tướng Đính. Kết quả đã đi vào lịch sử: tướng Đính sau đó tham gia vào cuộc đảo chánh xẩy ra hai tháng sau, ngày 1/11/63.
Qua công điện trên, ta có thể thấy một cách rõ ràng là chính quyền Kennedy đã chuyển qua giai đoạn tích cực áp lực các tướng lật đổ TT Diệm, chứ không còn thụ động chấp nhận hay nhắm mắt cho các tướng đảo chánh. Phe ‘diều hầu’ chống TT Diệm trong chính quyền Mỹ đã thắng.
Mấy chục năm sau, TT Johnson giải thích TT Kennedy đã bị ép vào thế phải lật đổ TT Diệm vì sự chống đối quá mạnh của truyền thông đã ảnh hưởng bất lợi trên dư luận quần chúng Mỹ.
Trong vấn đề này, có câu hỏi lớn là TT Kennedy có ra lệnh giết TT Diệm không. Các tài liệu từ phiá Mỹ đều cho thấy TT Kennedy dường như hết sức ngỡ ngàng và xúc động khi nghe tin TT Diệm đã bị giết, nghĩa là ông hoàn toàn không ngờ chuyện này có thể xẩy ra, chứ đừng nói tới chuyện ra lệnh giết. Tất cả những tài liệu này thật ra chỉ xuất phát từ phe muốn bào chữa cho TT Kennedy.
Câu chuyện nghe không có lý chút nào. TT Kennedy không dại gì công khai hay chính thức ra lệnh giết thật, nhưng trong một cuộc đảo chánh bằng võ lực, với bên đảo chánh huy động cả sư đoàn về bao vây đánh Dinh Gia Long, thật khó tránh được thảm sát. Hơn nữa, cũng phải hiểu các tướng đã đặt sinh mạng mình lên bàn cân thì khó có thể có giải pháp yên ổn cho TT Diệm được, nhất là khi còn nhiều tướng có vẻ vẫn sẵn sàng nghe lệnh TT Diệm phản công lại như các tướng Nguyễn Khánh trên Vùng II và Huỳnh Văn Cao dưới Vùng IV. Chưa kể lực lượng nhẩy dù đang bực bội thấy đại tá tư lệnh Cao Văn Viên bị nhóm đảo chánh bắt giữ.
TT Kennedy và TT Ngô Đình Diệm
Nếu TT Kennedy ngỡ ngàng khi nghe tin TT Diệm bị giết thì một là ông quá ngây thơ đến độ vô lý, hai là ông mần tuồng. Phải nói là khi ra lệnh cho đại sứ Lodge xúc tiến giúp các tướng đảo chánh thì ông đã biết rủi ro ông Diệm bị giết rất cao và ông đã chấp nhận rủi ro đó, cho dù có thể ông đã âm thầm cầu mong cho TT Diệm được an toàn.
Cuộc đảo chánh năm 63 là một biến cố ‘đổi đời’, làm suy yếu nền tảng chính trị và quân sự của chính quyền VNCH, với hậu quả rõ nét nhất là cấp lãnh đạo quân sự VNCH cả mấy năm sau vẫn bận ‘chỉnh lý’ nhau, mỗi lần đều thay đổi các tư lệnh và chỉ huy địa phương như chong chóng để củng cố vị thế cá nhân, bất cần hậu quả trên cuộc chiến chống VC vì ỷ y cuộc chiến đã có Mỹ lo.
Lúc sau này, đã có những tranh luận có phải TT Kennedy đã muốn rút khỏi Nam VN không. Phe cho rằng có, đã dựa trên việc TT Kennedy đã ra lệnh nghiên cứu một kế hoạch rút khỏi Nam VN để ông cứu xét. Thật ra, việc ra lệnh này là chuyện bình thường vì TT Kennedy muốn có kế hoạch cho mọi lựa chọn, không có nghĩa ông muốn rút. Nếu muốn rút thật, thì không dại gì ông lại phải hậu thuẫn đảo chánh cho rắc rối. Chỉ cần ngồi yên rồi ra lệnh bỏ lấy lý do rất chính đáng ông Diệm đã mất lòng dân hay các tướng lo đánh lẫn nhau không lo đánh VC.
Nhìn vào những sự kiện lịch sử trên, ta thấy rõ ta thua không phải năm 75, mà đã thua từ năm 63 khi truyền thông thiên tả Mỹ đổ bộ vào miền Nam tiếp tay cho VC xoay chuyển dư luận quần chúng Mỹ, và khi TT Diệm bị lật đổ, hay xa hơn, thua từ năm 62 khi TT Kennedy phạm sai lầm chiến lược vĩ đại, ký hiệp ước ngớ ngẩn ‘trung lập hóa’ Lào, biến hành lang Lào thành cả một hệ thống chằng chịt ‘đường mòn HCM’.
Nếu TT Eisenhower có công lớn giúp TT Diệm gây dựng nên một nền tảng tương đối thịnh vượng và hùng mạnh cho một miền Nam tự do và độc lập, thì TT Kennedy lại là người đã lấy những quyết định cuối cùng đưa đến việc mất cả VN vào tay VC. Trong lịch sử Mỹ, TT Kennedy có lẽ là tổng thống được đánh bóng, thần tượng hóa quá đáng nhất, trong khi thực tế chỉ là một tổng thống ăn chơi trác táng tầm thường, thất bại vì sai lầm từ Vịnh Con Heo ở Cuba tới khủng hoảng hỏa tiễn nguyên tử với Nga, từ thỏa hiệp Lào tới đảo chánh TT Diệm.
ĐỌC THÊM
Vì đề tài Bình Luận tuần này là chuyện xưa, nên sẽ không có giới thiệu bài báo Mỹ nào. Chỉ xin giới thiệu vài cuốn sách viết về TT Kennedy với vấn đề VNCH.
Xin lưu ý sách về chiến tranh VN có cả chục ngàn cuốn. Diễn Đàn này chỉ có thể giới thiệu vài cuốn có nhiều chi tiết liên quan đến chủ đề bài viết thôi.
– The Politics of Deception, JFK’s Secret Discussions on Vietnam, Civil Rights and Cuba – Patrick Sloyan
– The Lost Mandate of Heaven – Geoffrey Shaw
– Fire In The Lake – Frances Fitzgerald
– The CIA, Vietnam and The Plot to Assassinate John F Kennedy – L. Fletcher Prouty
– Listening In, The Secret White House Recordings of John F Kennedy – Ted Widmer
– Death In November, America in Vietnam 1963 – Ellen Hammer
– Vietnam, August – December 1963 – Department of State (Tài liệu chính thức của bộ Ngoại Giao Mỹ, phần lớn liệt kê các công văn chính thức giữa Hoa Thịnh Đốn và Tòa Đại Sứ Mỹ, kể cả một số công văn của CIA)
– Chính Đề Việt Nam – Ngô Đình Nhu
– Huyền Thoại Kennedy – Vũ Linh viết trên Việt Báo 26/11/2013:
https://vietbao.com/a213632/huyen-thoai-kennedy
Vũ Linh, 23/4/2022
https://baotgm.net/vu-linh-tt-kennedy-va-viet-nam/
https://phailentieng.blogspot.com/2022/04/tt-kennedy-va-viet-nam-vu-linh.html?fbclid=IwAR2axqgl_24WkiOvNHazPXL5CTyy1CdsKnw92AaXcZekd5tbQJLmb3hMCMU