ĐỐT HƯƠNG TƯỞNG NIỆM TRƯỚC MỒ (Ngô Văn Thu)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009 và đây là bài viết thứ ba của ông, tự sự của một cựu chiến sĩ về quê cũ tìm thăm mộ đồng đội cũ. Tác giả cho biết ông sinh tháng 10/1939. hiện là cư dân Houston, Texas. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang.Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị băt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư ở Mỹ.
Câu hát “chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ, nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa” trong nhạc phẩm Mẹ Tôi của nhạc sĩ Nhị Hà để tỏ lòng thương tiếc mẹ, khi hát lên ta đều thấy ngậm ngùi.
Nương theo ý đó, một chiều ngày 02 tháng 01 năm 2012 tôi cũng “đốt hương tưởng niệm trước mồ,” nhưng mồ nơi đây là khu mộ các chiến sĩ Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 5, Sư Đoàn 2 bô binh. Những chiến sĩ đã chiến đấu chận địch và đã hy sinh vào các ngày 22,23/03/1975 tại xã Tam Dân quận Phú-Ninh thuộc tỉnh Quảng-Nam.
Thôi thúc từ tiếng gọi đến với đồng đội mà một thời tôi đã sống với họ, qua diễn đàn “tìm mộ lính” cuả thanh niên cờ vàng đăng tải. Tôi quyết định tìm về với họ dù phải vượt quãng đường dài nửa vòng trái đất từ Mỹ về Sài gòn, từ Sài gòn bay ra Đa nẵng, từ Đà-nẵng đáp tàu lửa xuôi Nam vào ga Tam-kỳ thuộc tỉnh Quảng-Nam để đến khu mộ.
Nơi đây đã có hẹn trước, xe thồ bốc băng đồng ngược lên vùng đồi núi trùng điệp trong mưa phùn gió bấc rét mướt mùa đông miền Trung. Trong chiếc áo mưa mong manh giá 3000đ/vn =$1.50xu/Mỹ không đủ ấm khiến chân tay tôi tê cóng. Ở Mỹ cái lạnh cũng da diết lắm nhưng trong nhà đã có sưởi, ra xe cũng có sưởi, còn nơi đây giữa đồng trống,trên lưng xe ôm cái lạnh bủa vây quanh mình như cắt da xẻ thịt. Tôi thực sự thấm thía nỗi bất hạnh của đồng đội mình đã nằm trong lòng đất lạnh nầy hằng mấy chục năm qua.
Không phải tôi không chuẩn bị kỹ cho chuyến đi cuả mình, nhưng tôi phải cải trang làm vậy để dể bề ”hoà tan” khi có biến, vì vùng nầy có một gia đình họ Huỳnh,Huỳnh ngọc Tuấn (nghe nói cháu ba đời của cụ Huỳnh thúc Kháng) đang đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt-nam thường bị VC bắt bớ khủng bố, nên chả có an toàn nào khi tôi mạo hiểm vào vùng nầy.
Khi xe đến chùa Dương-Lâm,chúng tôi vào chùa dâng hương cúng Phật và sau đó vòng quanh chùa quan sát,nghe kể chuyện xưa. . . Ngày ấy… 37 năm trước, quanh ngôi chùa nầy,một ngọn đồi thoai thoải rậm rạp,đã xảy ra một cuộc chiến đẩm máu giữa Tiểu-đoàn 2/5 cuả Trung-đoàn 5 thuộc Sư-đoàn 2 bộ binh và một bộ phận của Sư-đoàn 711 cuả VC. Hai bên kịch chiến suốt hai ngày 22 và 23 tháng 03 năm 1975. Mặc dù hết nguồn yểm trợ, cô thế,tiểu đoàn 2/5 vẫn chiến đấu cho đến khi phòng tuyến bị tràn ngập và chấp nhận hy sinh tại giao thông hào của mình.

 

May be an image of 1 person and cold frame
(Tác giả đốt hương trưởng niệm trước mồ các chiến sĩ TD2/5 tại khu mộ trong Chùa Dương Lâm.)

Tử thương hai phía đều nặng, Việt cộng vận động dân khiêng xác và thương binh của họ đi chôn cất và cứu chữa còn xác của lính “Cộng-hòa” thì dầm mưa giải nắng không ai ngó ngàng đến. Mùi tử khí xông bốc lên khiến dân không thể ra đồng cày cấy được, họ thầm lặng lấp đất tại chổ những tử thương trong e dè sợ sệt vì dể bị kết tội tiếp tay cho “kẻ thù”.

Thế rồi sau đó thoảng trong đêm, có tiếng rên la vật vã, có bóng người vật vờ xuất hiện xin nước, xin cơm, xin áo quần vì đói lạnh, dân quanh vùng khiếp sợ vì đúng là bóng hình của các anh lính ”Cộng-hoà” đã bị tử trận ngày nào nay oan hồn còn vất vưỡng quanh đây hiện về.

Họ đến chùa trình với thầy trụ trì xin thiết lễ cầu siêu tế độ cho các vong linh trên được siêu thoát.Đã có lễ trai đàn chẩn tế diễn ra, hằng năm xem như các ngày 22+23/03 là ngày giổ. Sau đó là cuộc vận động của thầy trụ trì, muốn đào tìm và di dời hài cốt của các tử sĩ nầy vào một cuộc đất khác, xa chùa để chính thức là nơi yên nghỉ vĩnh viển của họ. Trong nhiều năm lặng lẽ và e-dè làm việc vì ngại có sự dòm ngó của địa phương, mãi đến năm 2008 khu mộ mới hoàn thành, bên cạnh sườn đồi thoai thoải cách xa chùa 5km yên vị được 61 ngôi, còn 25 hài cốt nữa sẽ được vân tập về đây một ngày không xa, (đang chờ tài chánh của thập phương yểm trợ để phá thêm đất rừng). Nhìn thành qủa tốt đẹp đó, xin tán thán công đức của vị thầy trụ trì mới, tuy còn trẻ mà đạo tâm cao cả, và của các Phật tử mạnh thường quân đã đem tâm vô úy lo cho các vong linh có được một nơi yên nghỉ tốt đẹp.

Nhìn khu mộ theo địa lý và phong thủy, thì đây là một phần thưởng xứng đáng cho các chiến sĩ ta sau bao năm bị vùi thây trong lòng đất. Trước mặt là hồ chứa nước mênh mông của đập thủy lợi Phú-Ninh, nguồn sống chính của thị xã Tam-kỳ, bao quanh là các núi đồi soi mình xuống mặt hồ phẳng lặng, tạo nên bức tranh sơn thủy lung linh giữa cảnh hoang vắng u-tịch hắt hiu!

Các chiến sĩ của Tiểu đoàn 2/5 đang nằm đây, họ đến từ muôn phương của đất nước, họ đến từ mọi lứa tuổi của tuổi thanh xuân để chống giặc bảo vệ miền Trung. Nam- Ngãi (Quảng-Nam, Quảng-ngãi vùng trách nhiêm của SĐ2). Họ chận địch đang tràn xuống đồng bằng để mưu đồ cắt quốc lộ một không cho đồng bào ta từ Quảng-ngãi, Tam-kỳ kéo ra Đà-nẵng tị-nạn. Thế rồi họ bị hy sinh nơi đây vào giờ phút bi đát nhất của lịch sử cuộc chiến. Không có báo cáo tổn thất của đơn vị nên không có danh tánh, không được mai táng theo lễ nghi quân cách của quân đội, gia đình không nhận được sự trợ cấp nào của Chính phủ theo luật định, vợ con họ mãi đến giờ nầy vẫn không biết họ nơi đâu! Quả là một sự thiệt thòi to lớn mà họ và gia đình họ đã nhận chịu, vì cuộc chiến đã tàn, không ai còn trách nhiệm với những kẻ xấu số đang nằm nơi đây!Đốt lần hương cuối tưởng niệm. ”Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa” vâng, năm xưa,39 năm về trước.Ngày 27 tháng 01 năm 1973 khi hiệp định oan nghiệt Paris vừa ký kết, VC lại vi phạm,tràn quân xuống đồng bằng chiếm hải cảng Sa-Huỳnh thuộc tỉnh Quảng-Ngãi, chúng mưu đồ cắt miền Trung ra làm đôi dành thêm đất.Để bẻ gãy âm mưu trên. Sư-đoàn2/BB có lệnh tái chiếm.

Để nghi binh, một Tiểu đoàn được tàu há mồm bốc ra khơi, ý cho VC biết là ta sẽ đổ bộ vào Sa-Huỳnh bằng đường biển. Quân báo của VC báo về bộ chỉ huy và ngay sau đó chúng cho một đơn vị tràn xuống bờ biển nghênh chiến Nhưng chúng đã bị ”hố”. Tàu ra khơi chỉ là động tác giả, tàu chỉ chạy vòng vòng vài giờ rồi trở vào bờ đổ quân ở vị trí khác. Để biết chắc đơn vị địch cấp độ nào hòng đối phó. Ta cho trực thăng vận đổ xuống một đại đội trinh sát để thăm dò, nhưng chỉ trung đội đầu vừa chạm đất thì bị tổn thất, như vậy đủ biết lực lượng địch khá mạnh. Quân Đoàn đã tung liên đoàn 2 tiếp ứng Biệt Động Quân làm mũi tấn công chính đánh từ trong đất liền ra, lùa VC đến bờ biển để phi pháo tiêu diệt. Kết quả bắt sống một số tù binh và diệt gọn một tiểu đoàn của VC.

Riêng Trung đoàn 5, đặc biệt là Tiểu đoàn 2/5 đánh từ quốc lộ 1 tiến lên diệt chốt ở đồi 274 phiá Tây ngay cảng Sa-Huỳnh. Sau một tháng hợp đồng tác chiến giữa các quân binh chủng, quân ta đã đánh tan sư đoàn 2 Sao Vàng của VC. Quốc lộ 1 đã được giải tõa, mang lại mùa xuân yên vui cho đồng bào năm đó.

Tưởng nhớ năm xưa với các anh Tiểu đoàn 2/5 oai hùnh lẩm liệt là thế, mà nay cũng trận đánh kềm chân địch, giữ lộ cho đồng bào di tản thì các anh lại nằm đây trong hoang lạnh cuả núi rừng. Còn nỗi đau nào diển tả hết sự oan nghiệt cuả chiến trường.

Giã từ khu mộ trong chiều hoang mây xám, lòng se thắt buồn! Xin gởi các anh lại cho núi rừng địa linh Quảng-Nam ôm ấp. Nơi có danh thơm đất Ngũ Phụng Tề Phi, quê hương cuả các cụ Phan chu Trinh, Huỳnh thúc Kháng, Nguyễn duy Hiệu, Trần qúy Cáp, Trần cao Vân và nhiều danh nhân khác nữa… Mong các anh sẽ thanh thản yên nghỉ. Còn lại, chúng tôi luôn ”thắp hương tưởng niệm” các anh trong tâm mình!

Thăm riêng đồng đội ở Quảng-Nam xong, hai tuần sau tôi có mặt tại nghĩa trang Quân Đội Biên-Hoà để thăm chung các chiến hữu khác. Đây là lần thăm thứ 4.

Lần đầu năm 2001 sau 12 năm bỏ nước ra đi, về thăm lại mẹ già 91 tuổi kẻo trước khi quá trễ. Loay hoay mãi trong khó khăn tìm kiếm, phải quyết tâm lắm mới không bỏ cuộc. Cả khu nghĩa trang ngày trước rộng 58 hecta, nhìn từ xa lộ Biên-Hoà vào ai cũng thấy. Thế mà nay đã biến mất bởi con người lấn chiếm xây nhà, xây xí-nghiệp, xây nhà máy, xây lò gạch nên phải luồn sâu vào xóm mới thấy dấu hiệu nghĩa trang còn sót lại. Cổng Đền Tử Sĩ xiêu đổ, cỏ mọc hoang tàn, các chữ khắc trên cổng ”Đền tử sĩ, vì nước hy sinh, vì dân chiến đấu” đã bị đục bỏ, ngoài ra nghĩa trang còn bị cố tình được che phủ bởi vô số cây sao trồng với ý đồ dùng thiên nhiên để dìm sâu di tích cũ.

May be an image of temple
(Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà: Cổng “Đền tử sĩ” cỏ mọc hoang tàn, cột bị đổ gãy lăn lóc.)
Một bờ thành xây ngăn chắn giửa khu mộ và dân cư càng khiến cho nghĩa trang bị dấu kín và thu hẹp thêm hơn. Vào bên trong tưởng chừng là khu rừng hoang, cỏ cây tranh nhau mọc phủ kín mộ phần trông thật thê lương. Một phế tích bị chìm theo mệnh nước!Kiến trúc nổi bật ngày trước là Nghĩa Dũng Đài, với thanh kiếm cao vút 36 mét được bao quanh bởi một bờ thành xi măng tượng trưng vành khăn tang to bảng 3m. Nay thanh kiếm bị cắt cụt chỉ còn 16m. Khi bộ đội cộng sản còn chiếm giữ, chúng đặt súng phòng không trên đó để canh phòng. Tôi muốn lên bệ cao đó để dể quan sát quanh toàn khu vực, nhưng có người bảo đừng lên vì có công an trên đó. Tôi hỏi: công an có mặt ở đây làm gì?
Họ bảo: chúng có mặt, có máy ghi âm, có máy ảnh, có cả còng số 8 để sẵn sàng bắt những ai nói gịọng phản dộng.

Tôi lại hỏi: -giọng phản động là giọng gì, được trả lời:-như so sánh lên án VC đối xử tàn tệ với nghiã trang nầy so với nghiã trang liệt sĩ cuả chúng cách đó không xa.

Vài người theo sau tò mò quan sát tôi và có tiếng hỏi gợi ý: Chú tìm người thân tên gì, có làm mộ không, sẽ tính giá phải chăng cho chú.

Tôi trả lời:- Không có người thân ở đây, chỉ thăm chung mà thôi. Thật tình khó biết mấy người nầy là ai, họ là dân làm mướn đắp mồ giẩy cỏ, hay là ”công an nhân dân” trá hình theo dõi dòm ngó mình. Mình vào đây đã tự nói lên mình là “phía nào”rồi. Vì lần đầu nên tôi còn e-dè không dám đi sâu vào trong, bụi bờ âm u nguy hiểm đang đón chờ phiá trước, chắc rằng công an không đứng về phiá nạn nhân ở đây. Chụp hình, quay vài đoạn phim vu vơ để thăm dò phản ứng nếu bị xét hỏi.

Khi ra về, phiá sau xa xa thấy có ”đuôi” bám theo, ra đến xa lộ, lợi dụng lúc kẹt xe tôi cắt “đuôi” đi ngược về hướng Biên-Hoà, thấy “đuôi” đã đứt, vào quán uống nước chờ một giờ sau quay xe trở về hướng Sài-gòn an toàn. Cảm giác vui buồn chập chờn trong đầu, ít nhứt mình cũng đã định đụơc hướng mình đến và đến để làm gì?

Tháng 01/ 2006 tôi trở lại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà lần 2, sau khi thăm mẹ già nay đã 96 tuổi,Người đã yếu dần. Vào lại đây lần nầy, cảnh vât có phần thay đổi đôi chút. Khu mộ phiá trước Nghĩa-Dũng Đài cỏ cây có phần đã được dọn dẹp do có mạnh thường quân nước ngoài về âm thầm thuê làm. Một số ít thân nhân của tử sĩ cũng đến xây mộ cho ngưòi thân của mình. Dịp nầy tôi hỏi một người làm công: Tôi muốn ông giẩy cỏ, vun đắp nấm của mộ đã bị sạt lở cả 3 dãy, mỗi dãy 15 ngôi cộng chung là 45 ngôi, ông tính bao nhiêu tiền?

Ông trả lời: -Tôi khó nói qúa!

Tôi bảo: – nếu ông khó nói tôi nói cho ông. Tôi trả cho ông mỗi dãy 15 ngôi mộ là 100 đô, ba dãy là 300 đô ông đồng ý không? Tiền đây, vừa nói tôi vừa trao tiền cho ông, ngày mai tôi về lại Mỹ, ông có làm hay không tôi không biết, chỉ có người nằm đây biết với ông mà thôi.

Mắt ông sáng lên nhận tiền trong kín đáo, vì sợ có người biết sẽ báo công an, dĩ nhiên tiền đó tốt thì bị chia, xấu thì bị tịch thu vì “nhận tiền của nước ngoài”. Tính thành tiền Việt nam lúc đó, (100đô=1 triệu 8 x 3 = 5triệu 4. Theo ước tính công việc trên, ông chỉ làm một tháng là xong. Một tháng lương công nhân làm đầu tắt mặt tối được 1 triệu, ông đã lảnh gấp 5 lần. Phải trả vậy mới khích lệ, công tác mình cần sẽ thành công.

Một tháng sau, điện thoại về Việt nam tôi nhờ người nhà lên xem, họ báo thấy toàn khu mộ 45 ngôi đã được sáng suả không còn âm u nữa. Tôi mừng cho tôi đã thuê đúng người, mừng cho các vong linh dưới mồ được hưởng cái tết rạng rỡ mùa xuân, mừng cho ông lao công có đồng tiền rộng rãi chi phí tết.

Cùng năm 2006 , tám tháng sau tôi trở về thọ tang mẹ. Người mẹ kính yêu của tôi đã ra đi… Nay chính là lúc tôi ”thắp hưong tưởng niệm trước mồ” để nhớ mẹ!. Người mẹ luôn nâng niu nuôi tôi từ tấm bé cho đến khôn lớn, khổ đau lặn lội nuôi tôi trong tù thay vợ đã chuyển bến ra đi…

Mọi hiểu hỷ tang lễ xong trước khi về Mỹ, tôi lại vào Nghiã Trang Quân Đội Biên Hoà lần 3. Lần nầy thủ tục nhập ”mộ” có phần lạ hơn, phải ghi sổ xin vào, tên tuổi, điạ chỉ nơi cư trú và “thân nhân trong mộ” muốn thăm?! Nhập gia phải tùy tục. Trình thẻ Passport ghi chép, một điạ chỉ khách sạn “ma” được ghi vào, vì đang đi với “ma” phải mặc áo giấy.

May be an image of 1 person and monument
(Trung nghĩa đài cũ nay hoang tàn.)

Một số người lẽo đẽo theo sau xin dẫn khách thăm mộ, có người bảo chú đi thăm mộ các ông tướng chưa cháu dẫn đi. Nghe lạ tai vì mộ ”các tướng” tôi đồng ý theo.Quanh co vài khu đất, tôi đứng trước khu mộ “các tướng”. Nghe đâu có tám vị được an táng tại đây trước năm 1975, nhưng nay chỉ còn hai vị, Nguyễn văn Phước Biệt Động Quân, và Nguyễn Hữu Ánh nguyên tư lệnh sư đoàn Không Quân Cần Thơ, sáu vị khác đã được gia đình cải táng.

Qua câu chuyện tử nạn của tướng Ánh. Khi còn trong trại tị nạn tôi có đọc được bài báo Làng Văn mô tả chuyện xảy ra khá dài nhưng chỉ xin tóm gọn như sau: -Một chiều cuối tuần, tướng Ánh lái xe đến bờ sông Bacsac Cần Thơ câu cá. Suốt mấy giờ quăng câu chờ đợi không thấy động tĩnh,ông nghĩ có lẻ không gặp con nước, trời lại chập choạng tối ông quấn cước rút cần ra về. Nhưng đầu móc câu ông kéo thấy nằn nặng,ông nghĩ bị vướng rác rưởi gì đây, ông cố sức kéo hơn nữa vào gần bờ thì thấy vật đen lù lù dưới nước. Một mình kéo không lên ông phải dùng xích sắt trợ lực móc vào xe jeep mới kéo lên được.

Một hình thù đen bóng quái dị nhô lên mặt nước khiến ông kinh ngạc. Ông hình dung con vật nầy giống con vật mà ông đã đọc được trong tủ sách tại nhà vị nhân sĩ cháu hậu duệ của cụ Phan Thanh Giản tại Cần Thơ năm nào. Đó là con Thuồng Luồng. Một loại hải động vật có đời sống cả ngàn năm dưới nước. Khi tuổi thọ càng cao thì tự thân nó tõa ra ánh hào quang khiến các loại cá khác không thể đến gần được

Có lẻ mất kiên nhẩn vì buổi đi câu không thú vị do con nầy xuất hiện nên cá không đến. Không suy nghĩ gì hơn, ông dùng dao rừng chặt con Thuồng Luồng ra nhiều đoạn và tẩm xăng đốt, con vật cháy đen như than. Ông lái xe ra về…lòng thanh thản như không vướng bận việc làm vừa qua.

Thế rồi mấy tháng sau, khi đang vui chơi với anh em trong câu lạc bộ đơn vị thì được tin báo, có chiếc phi cơ lâm nạn bay về rơi ngoài rào phi trường. Thay vì chỉ thị cho phần hành chuyên viên cứu nạn làm việc. Ông nhanh nhẩu lấy trực thăng riêng của mình cùng với chuyên viên và cố vấn bay đến hiện trường làm công tác bốc xác máy bay đó đưa về bãi rác. Không biết do vì bất cẩn kỷ thuật hay do quá tải, khi máy bay tướng Ánh cất cánh được vài phút thì dây cáp đứt, bung mạnh lên cao cuốn vào cắt thân máy bay của tướng Ánh ra làm hai mảnh rớt xuống đất bốc cháy dữ dội.

Bài báo kể rằng thân tướng Ánh bị cắt đứt thành nhiều phần, cháy đen như than. Nay tướng Ánh vẫn còn yên nghỉ nơi đây, chuyện ngày xưa đã xưa rồi, không ngờ gặp lại Ông trong huyệt mộ của nghĩa trang xiêu vẹo nầy, ông vẫn nằm bên anh em, bên đồng đội, dù ông có điều kiện cải táng để ra đi… như các tướng khác

Tôi lại vào thăm Nghĩa Trang Quân Đội lần 4.Tháng 01/12 nhân chuyến thăm mộ đồng đội cũ tại Quảng-nam. Cũng như lần trước phải ghi tên, địa chỉ nơi cư trú, ”thân nhân” muốn thăm. v. v… nhưng khác hơn là cấm chụp hình, quay phim nghĩa trang. Tôi hỏi sao không thấy treo thông báo? không được trả lời câu hỏi mà lại nói:-chụp hình và quay phim hạn chế. Tôi lại hỏi: -hạn chế là bao nhiêu tấm hình? bao nhiêu thước phim?câu trả lời lại qua ý khác:-chụp cho nhiều đưa ra nước ngoài nói xấu nhà nước ta. Tôi hiểu sự chạm nọc của bài báo do ký giả Lê tùng Châu viết thật sâu sắc về sự trả thù người chết trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà bằng cách cho trồng cây để cây xâm thực vào hài cốt tử sĩ, một thâm ý mang tính tội ác mà đạo lý Việt nam cấm kỵ, bàiđăng trong“toquocghion@aol. com đã làm cho nhà cầm quyền CS có phản ứng điên tiết lên.

Điều mới lạ tôi thấy được:. Quanh Nghĩa Trung Đài và một vài lối vào khu mộ đã thấy có dấu lưởi máy cày” gọt ”sạch bụi bờ lổm chổm trước đây. Hỏi ra được biết một xí nghiệp máy cày gần đây đến ủi. Công tác thiên nguyện hay có mạnh thường quân nào đó âm thầm chi trả? Đã có bao người ẩn danh cống hiến, trợ giúp cho công tác nhân đạo nầy.

May be an image of monument
(Hình mộ cuả tướng Nguyễn huy Ánh có đề cập trong bài.)

Tuy vậy có người lợi dụng lòng từ tâm để tranh sống. Một gia đình đã chiếm đất của nghĩa trang cất nhà ở mà còn giữ luôn một khu mộ vài chục ngôi để làm phương kế sinh nhai. Họ không cho ai đến làm cỏ ngoại trừ phải thuê họ. Thật tội tình cho người trong mộ, nằm cũng không yên vì luật chơi bất chínhn nầy. Cỏ vẫn phủ kín một góc trời khu mộ riêng biệt đó.Tôi lại thấy ngôi mộ mới xây, bia đề hàng chư ”chiến sĩ vô danh”. Một danh xưng hiếm qúy được nhìn thấy tại đây. Theo người hiểu chuyện cho biết đây là ngôi mộ của người mẫu bức tượng “Thương Tiếc” đặt truớc cổng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa năm xưa. Tôi hỏi có ai biết ông ta tên gì không? Không ai biết.

Nhưng theo tài liệu nói rõ: ông tên là:Vỏ văn Hai, quân nhân dù được mời làm ngưòi mẫu cho bức tượng đó, phóng họa của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu được Tổng thống Nguyễn văn Thiệu chuẩn thuận tại dinh Độc Lập ngày 14/8/1966 và lễ an vị tượng tại NTQD/BH vào ngày 01/11/1966. Người mẫu nầy sau đó đã hy sinh ngoài chiến trường,đã về với đồng đội ở đây,ở cỏi thiên thu nầy.

Xin nghiêng mình tưởng niệm các anh với bốn lần về thăm,dù chỉ góp chút công quả nhỏ nhoi tâm lòng.Mong các bạn khác hãy xem nơi đây cũng là nơi đáng về để chiêm ngưỡng cho ấm lòng người nằm dưới mồ.

`Hằng năm ở Mỹ có ngày “Memorial day” chiến sĩ trận vong. Ngày tưởng niệm dành cho tử sĩ ưu tú của họ một nghi lễ thật trang trọng và uy nghi trên toàn thể đất nước. Hàng hàng lớp lớp mộ phần trong các nghĩa trang từ San diego CaiL, Alington DC, đến Memorial Park ở Houston TX đều được chăm sóc đẹp mắt. Nước Mỹ cũng từng có nội chiến, nam quân bại trận, nhưng các nghĩa trang của nam quân vẫn được tôn trọng, được quoi61c gia chăm sóc, gìn giữ, thăm viếng. Gia đình các tử sĩ Mỹ mang theo hình ảnh của cha, chồng họ theo để được vinh danh, tri ơn.

Trong khi đó mộ phần tử sĩ của ta ở quê nhà còn quá nhiều u- uẩn tối tăm do còn bị phân biệt đối xử của nhà cầm quyền CS.

Đến bao giờ ta mới được tự tay ”đốt hương tưởng niệm trước mồ” các chiến sĩ của ta trong thanh thản tâm thành khấn nguyện, không bị dòm ngó bởi bạo quyền? Chắc ngày đó sẽ là ngày đại hỷ của dân tộc!.

Ngô Văn Thu