NGUYỄN ĐẠO HUY
Lịch sử của nòi Hán tộc là lịch sử của xâm lăng và bành trướng kéo dài liên tục trong mấy ngàn năm. Hai hoạt động này thường xuyên gắn liền với nhau, thay thế và bổ túc cho nhau trong mục đích bất biến là thôn tính quốc gia khác về cả hai mặt lãnh thổ và dân tộc.
Xâm lăng là chiếm đoạt lãnh thổ của dân tộc khác bằng vũ lực quân sự. Bành trướng là mở rộng cương vực gắn liền với đồng hóa dân tộc khác nhằm xóa bỏ giống nòi và bản sắc văn hóa của họ.
Sau khi xâm lăng hoàn thành mục tiêu bước đầu, hoạt động bành trướng sẽ nối tiếp với các việc làm: lập chính quyền đô hộ, áp đặt luật lệ nhằm thu vét tài nguyên, xóa bỏ văn hóa bản xứ, cưỡng bách người bản xứ phải học chữ hoa, nói tiếng hoa, khởi đầu từ trong sinh hoạt của chính quyền để sau lan dần đến trường học, thương mại, và ngoài dân gian.
Song song với các hoạt động trên là mưu toan di dân, chiếm đất và diệt chủng, hoặc lưu đày dân khác. Người Hoa được đưa đến vùng mới chiếm, trước nhất là quân lính, sau là thương nhân, tù nhân, cả đàn ông và đàn bà.
Thời Triệu Đà đến cai trị đất Nam Việt bị nước Tần chiếm đóng, Triệu Đà đã xin nhà Tần cấp cho ba vạn đàn bà con gái đưa từ tầu sang để làm vợ cho binh lính dưới danh nghĩa “may vá áo quần”, nhà Tần chỉ cấp được 15.000 người. Việc dồn dân lấn đất này là một ví dụ của hoạt động bành trướng.
Dễ hiểu là khi không có đủ đàn bà cùng xứ gốc, thì quân xâm lăng không ngần ngại chiếm đoạt phụ nữ bản xứ, dù cho có phải giết hết đàn ông tại đó. Chính do tình hình này mà đã sinh ra chủng tộc Nam Mongoloid, tức người Hoa Nam, giống người lai giữa các sắc tộc Bách Việt vùng Lĩnh Nam với quân xâm lăng từ Hoa Bắc.
Sự bành trướng và xâm lăng có gốc rễ từ tư tưởng truyền thống của nòi Hán tộc , đó là chủ nghĩa Dĩ Hoa Vi Trung, coi quốc gia và dân tộc Trung Hoa là trung tâm của thế giới, ngoài ra còn có chủ nghĩa Đại Hán coi người Hán (người Trung Hoa) là giống người cao quý hơn mọi dân tộc khác. Trong thời hiện đại, chủ nghĩa Đại Hán thể hiện ngay trong tên gọi mà người Hoa quen dùng để tự đặt cho nước của mình. Quốc hiệu chính thức của họ là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nói tắt là nước Trung Hoa. Chữ “Trung Hoa” là một tên gọi có ý nghĩa là “lớn đẹp”, dù sao cũng chỉ là một danh từ riêng để chỉ định một quốc gia, nhưng người Hoa luôn luôn cố ý dùng chữ “trung quốc” để gọi tắt cho nước mình, mà “trung quốc” là một danh từ chung để chỉ một dân tộc có vị trí đứng vào trung tâm của thế giới. Nói cho rõ, “trung quốc” có nghĩa là “thượng quốc”, nghĩa là “nước ở trên mọi nước khác” vậy.
Sau thời quân chủ, chính quyền của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, dù ngắn ngủi, vẫn tiếp tục thực hiện mộng bành trướng truyền thống. Chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tự ý quy định lãnh hải của nước Trung Hoa, mà phần phía nam là đường 9 đoạn, ngày nay quen được báo chí thế giới gọi là đường lưỡi bò, chiếm đến 95 phần trăm diện tích Biển Đông. Tháng 10-1956, hải quân Đài Loan đến chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba) trong quần đảo Trường Sa. Cũng năm 1956, trung cộng chiếm đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo này. Chính quyền trung cộng sau đó đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Thời Mao Trạch Đông, quan điểm lịch sử được sửa đổi một cách thâm độc hơn trước. Thay vì ghi chép theo sử sách truyền thống rằng nước Trung Hoa đã có lúc bị người Mông Cổ và người Mãn Châu xâm chiếm, đảng cộng sản Trung Hoa ca ngợi Thành Cát Tư Hãn, vua khai sáng ra đế quốc Mông Cổ, là người thống nhất các dân tộc và do đó, tạo ra cơ sở xã hội của văn minh và tiến bộ. Ý đồ ẩn giấu của cộng sản Trung Hoa là dùng danh nghĩa “thống nhất” của quan điểm lịch sử mới để biện minh cho sự đồng hóa các sắc tộc Mông Cổ, Mãn Châu, Tây Tạng, và Hồi Hột, cùng nhiều sắc tộc khác đang bị cai trị trên đất Trung Hoa, đồng thời chuẩn bị tạo bộ mặt chính nghĩa cho những hoạt động xâm lăng và bành trướng của chúng trong tương lai.
Hướng tiến truyền thống của Trung Hoa là nhắm về phương nam. Từ buổi đầu của lịch sử, phát xuất từ lưu vực sông Hoàng Hà, bước chân người Hoa tràn xuống miền sông Dương Tử, vượt qua dãy núi Ngũ Lĩnh đi mãi xuống phía nam và chỉ bị chặn đứng khi vấp phải sức kháng cự của dân tộc Đại Việt. Không thỏa mãn với cương vực đã có, Mao Trạch Đông từng bộc lộ giấc mơ : “ lãnh đạo 500 triệu bần nông tiến xuống Đông Nam Á”.
Sau cuộc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình khởi đầu năm 1979, Trung Hoa phát triển mau chóng trong mấy chục năm liền, để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Sự phồn thịnh mở lối cho trung cộng thấy thời cơ đã tới để thực hiện giấc mơ bành trướng truyền kiếp.
Chiến lược đối ngoại của trung cộng trong thời kỳ này luôn bám sát châm ngôn hai vế : “tôn cường hiếp nhược, viễn giao cận công”. Tôn trọng nước mạnh, hiếp đáp nước yếu hơn. Giao hảo với nước ở xa để rảnh tay đánh nước ở gần.
Áp dụng châm ngôn đó, chúng cố gắng hòa hoãn với Mỹ, Nga, Ấn và Nhật để dồn áp lực mạnh về phía nam trên hai mặt: chia rẽ các nước Đông Nam Á bằng cách phân biệt đối xử, mềm mỏng, mua chuộc các nước ở xa như Thái Lan, Mã Lai, và tập trung chĩa mũi dùi vào Việt Nam.
Tuy có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với nhiều nước, nhưng Trung cộng biết tính toán kỹ lưỡng để tập trung mũi nhọn vào mục tiêu số một của chúng, chính là nước Việt Nam. Chọn lựa của chúng dựa vào ba lý do:
– vị trí Việt Nam nằm sát cạnh Trung Hoa,
– Việt Nam không có nước lớn hay nhỏ nào làm đồng minh.
– trung cộng đã xâm nhập sâu vào nội bộ đảng cộng sản Việt Nam qua những bù nhìn tay sai đặt để từ cấp thấp lên cấp cao, thậm chí là cấp cao nhất.
Đối với Việt Nam, hoạt động xâm lăng của Trung cộng liên tục diễn ra từ những năm nội chiến quốc cộng ở Việt Nam, kéo dài cho đến nay. Chúng lợi dụng danh nghĩa “chi viện anh em” để lấn chiếm biên giới , và sau đó không ngừng làm áp lực buộc cộng sản Việt Nam phải ký hiệp ước biên giới năm 1999 và hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000.
Trên các mặt khác, trung cộng liên tục phá hoại kinh tế Việt Nam bằng mọi thủ đoạn, từ thu mua móng trâu, tai trâu, râu ngô non, con banh lông, mèo, rắn, ốc bươu vàng, vân vân, không thể nào đếm xuể những thủ đoạn lèo lái, lừa dối người dân Việt Nam vào con đường tự phá hoại nông nghiệp và môi trường sống của chính mình. Buôn lậu, tung hàng giả, hàng chứa chất độc, tiền giả vào thị trường Việt Nam. Sử dụng Việt Nam làm trung gian xuất cảng hàng hóa trái phép sang các nước giầu.
Ở trên đã nói hoạt động bành trướng của nòi Hán được thi hành sau khi chiến dịch xâm lăng có kết quả. Trong trường hợp Việt Nam hiện nay hoạt động bành trướng đang đi song hành với hoạt động xâm lăng bằng bạo lực. Xâm nhập bằng cách mượn danh nghĩa thuê đất, thuê rừng, lập nhà máy trên đất Việt Nam để lập tô giới, nhượng địa với bảng hiệu chữ tàu, đặt tên đường bằng tiếng tàu, sử dụng nhân công toàn là người tàu, cấm chỉ người Việt Nam, kể cả nhân viên chính quyền, không được vào trong.
Mua chuộc cán bộ văn hóa của cộng sản Việt Nam để phổ biến sách truyện, phim ảnh, âm nhạc của tàu trên đài truyền hình, truyền thanh, sách báo Việt Nam. Thậm chí sách giáo khoa tàu cũng được dịch cho trẻ em Việt Nam học tập.
Liên tục quấy nhiễu, cấm cản, bắn giết ngư dân Việt Nam trên vùng Biển Đông để tranh giành nguồn lợi ngư nghiệp và xác định “chủ quyền trên biển” ăn cướp của chúng. Ngư dân ở nhiều nơi đã phải bỏ nghề lên bờ tìm sinh kế khác do không chịu nổi sự hành hạ của trung cộng.
Những thủ đoạn trên bộc lộ sự căm thù của trung cộng đối với người Việt Nam và mưu toan ráo riết của chúng để làm hại, đồng hóa và giết người Việt trên diện rộng bằng đủ mọi cách trực tiếp và gián tiếp, đồng thời chiếm đoạt lãnh thổ, lãnh hải của dân ta.
Đứng trước những hoạt động đó, người Việt Nam đã có thái độ gì ?
Mọi người Việt Nam đều biết rằng, đứng trước những thủ đoạn xâm lăng và bành trướng như trên của trung cộng, chính quyền cộng sản Việt Nam đã chỉ đối phó một cách thụ động cam chịu kéo dài trong suốt nhiều năm. Cộng sản Việt Nam không dám lên tiếng bảo vệ ngư dân và lãnh hải, mà chỉ ngoan ngoãn lập lại “Mười Sáu Chữ Vàng” do trung cộng truyền bảo và ra sức chiều đãi những mong muốn của trung cộng để cho thuê đất, rừng, đãi ngộ đầu tư, bán rẻ tài nguyên cho trung cộng…Sự ngoan ngoãn của cộng sản Việt Nam có hai nguyên do: trong giới cầm quyền từ lâu đã có tâm lý khiếp phục và sợ hãi trung cộng, nên chọn hướng phục tùng chúng với ước muốn sẽ được chúng để cho yên thân. Thói cầu an này mở rộng lối cho cán bộ cấp thừa hành ra sức chiều nịnh trung cộng để hưởng lợi lộc hối lộ và được chúng ủng hộ cho giữ vững địa vị. Ngoài hai nguyên do trên đây cũng không loại trừ giả thuyết là cộng sản quả đã có cam kết với mật ước Thành Đô nên ngày nay không dám chống đối.
Chỉ đến năm 2014, khi trung cộng đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong hải phận Việt Nam, làm gây ra làn sóng căm phẫn trong nước và của người gốc Việt ở ngoài nước, cộng sản Việt Nam mới vội vàng biểu diễn vài động thái phản ứng trung cộng như ra tuyên bố phản đối, và tăng cường xúc tiến vài hoạt động ngoại giao với một số nước, trong đó có nước Mỹ. Trên mặt báo trong nước thấy xuất hiện nhiều lần nhóm từ “thoát trung”, như thắp lên hy vọng cộng sản Việt Nam đang cố sức tìm cách bảo vệ đất nước.
Từ đó đến nay, cộng sản Việt Nam sử dụng trang web mang tên Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng nước Việt Nam cộng sản, để đăng tải nhiều bài báo chống thủ đoạn áp bức của trung cộng. Như vậy phải chăng cộng sản đã dứt khoát chọn thái độ chống lại trung cộng ? Điều này đã làm cho một số người Việt có cảm tình với cá nhân Nguyễn Tấn Dũng, tạo cơ hội cho một đồn đoán là Dũng sẽ lên cao làm tổng bí thư trong đại hội đảng lần thứ 12 sắp tới, và tiếp đó sẽ khởi xướng một cuộc đổi mới khác theo chiều hướng dân chủ hóa cho nước Việt Nam. Hệ luận tiếp theo sẽ là đưa Việt Nam vào tư thế độc lập vững vàng trước trung cộng, và ngả theo chiều hướng thân thiết hơn với các nước dân chủ giàu có, mà đại biểu là nước Mỹ. Một số bài viết từ trong nước phản ảnh cách nhìn này đã được người Việt Nam chú ý.
Cách nhìn nói trên, nếu trở thành hiện thực, thì quả là một may mắn rất lớn cho nước Việt Nam, nhưng khi đối chiếu với thực tế, thì lại quá tốt đẹp để có thể trở thành hiện thực.
Để xét đoán được những tính toán chiến lược của đảng cộng sản Việt Nam, cần nhìn rõ vào bản chất của giới cầm quyền. Những người cầm quyền của cộng sản Việt Nam hiện nay, mà đại biểu là bộ tứ Sang-Trọng-Hùng-Dũng, đã tham chính từ ít nhất là mười năm nay, những thành tích họ tạo được là gì, và đã để lại cảm tưởng gì cho người dân?
Qua vài chục năm ráo riết tranh đoạt lợi lộc và quyền bính, mọi phe phái trong đảng cộng sản đã kết chặt với nhau trong một mạng lưới tham nhũng, vô trách nhiệm và tàn bạo với nhân dân, với quốc gia, cho nên bản chất ấy không thể thay đổi được nữa. Không một cá nhân nào có thể thay đổi được sự tha hóa ấy, còn sự thay đổi đồng loạt của toàn thể giới cầm quyền tức hơn hai trăm thành viên của ban chấp hành trung ương đảng thì lại là một điều không tưởng.
Theo tập quán của đảng cộng sản từ thời xưa đến nay, người được bầu làm tổng bí thư phải là người được đánh giá là sẽ bảo đảm giữ vững quyền lợi cho giới đảng viên, tức phải duy trì cho bằng được độc quyền cai trị của đảng cộng sản. Đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất và có giá trị quyết định. Lần đại hội thứ 12 sắp tới đây cũng không thoát khỏi tiêu chuẩn đó.
Bộ máy cầm quyền mới vẫn chỉ là bộ tứ Sang-Trọng-Hùng-Dũng, hoặc đàn em của họ được đưa ra thay thế để tạo bộ mặt mới, mà thực chất vẫn là kẻ bảo vệ cho chế độ cộng sản. Một yếu tố khác nữa là trung cộng, vốn có ảnh hưởng rất mạnh bên trong đảng cộng sản, sẽ ngăn chặn bất cứ phe phái nào nổi vượt lên áp đảo các phe khác, mà sẽ cố áp đặt cho duy trì nhiều phe phái cùng tồn tại, theo chiến thuật chia để trị. Chính tình trạng chia rẽ tranh chấp giữa ba phe bắc trung nam, tiêu biểu bởi ba cố vấn Mười-Kiệt-Anh hồi cuối thập niên 1990, đã làm cho giới cầm quyền cộng sản nằm trong thế yếu, nên sinh ra nhát sợ và phải khuất phục trung cộng trong vụ ký hiệp ước biên giới và hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, bởi vì phe cánh nào cũng lo sợ bị trung cộng trừng phạt bằng cách ủng hộ cho phe đối địch.
Không thể phủ nhận được là bên trong đảng cộng sản vẫn luôn luôn có một số phe nhóm theo đuổi chủ trương thờ trung cộng với lập luận coi trung cộng là đồng minh về ý thức hệ, và là người đỡ đầu về kinh tế, ngoại giao. Thờ trung cộng là phương cách bảo đảm nhất để duy trì độc quyền của đảng cộng sản.
Bởi vậy, cho đến nay, những hoạt động của cộng sản đối phó với trung cộng chỉ là hời hợt bề ngoài mà không có chút thực chất nào. Bằng chứng rõ nét nhất là sau nhiều lần bị trung cộng lấn áp trên Biển Đông, nhưng đến nay cộng sản Việt Nam vẫn im lìm không dám đứng ra khởi kiện trung cộng tại tòa án quốc tế như Phi Luật Tân đã làm.
Những việc khác như tiếp xúc với chính quyền Mỹ không mang lại thế mạnh nào cho nước Việt Nam bởi vì giữa hai nước không hề có một cam kết chính thức nào. Hiệp ước kinh tế TPP (Trans-Pacific Partnership) vừa được đàm phán kết thúc trong tháng 10/2015 chỉ là một hiệp ước mở rộng thương mại giữa nhiều nước, mà không phải là một bảo đảm an ninh cho Việt Nam. Trong nước, cộng sản sẽ coi TPP là cơ hội cho cán bộ kiếm thêm nhiều lợi lộc nữa trên lưng nền kinh tế, đồng thời sử dụng TPP làm lá bùa ru ngủ dân chúng Việt Nam về tương lai “vươn ra biển lớn”, giống hệt bài ru cho WTO (Tổ Chức Thương Mại Thế Giới) trước đây. Ngoài nước, dù có hay không có TPP, thì trung cộng vẫn hành xử ngang ngược như cũ.
Nhìn xuyên cả quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai, thì lực lượng nắm chính quyền, tức là đảng cộng sản, đã tỏ ra bất lực và vô trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước.
Còn dân chúng Việt Nam thì sao ?
Nhìn vào người Việt trong nước và ở hải ngoại, có thể nhận ra những khuynh hướng chính như sau:
Một số người trong nước đã nhận thấy dã tâm của trung cộng và cương quyết phản đối bằng nhiều hình thức, trong đó có việc công khai biểu tình ngoài đường phố, để đòi hỏi bảo vệ lãnh hải quốc gia. Cao điểm của các cuộc biểu tình này diễn ra tại các khu công nghiệp ở Bình Dương ngày 13.5.2015 với hàng chục ngàn người tham dự. Tiếp theo sau đó còn có một số cuộc biểu tình khác được tổ chức tại Sài Gòn và Hà Nội, nhưng tại đây số người tham dự chỉ được một hai ngàn người, hoặc vài trăm người, cho thấy là cộng sản đã cố tình ngăn chặn các cuộc biểu tình đó, và mặt khác, nó chứng tỏ rằng đại đa số người dân trong nước tỏ ra thờ ơ vô cảm trước vận mệnh của quốc gia dân tộc. Đây là kết quả của những năm khủng bố và nhồi sọ của cộng sản trên dân chúng.
Ở hải ngoại, có khá nhiều người Việt tỏ ra quan tâm đến biến cố trên Biển Đông, và tương quan Việt Nam – trung cộng nói chung, và cũng phân hóa theo nhiều quan điểm:
1/ Một số người Việt coi nước Mỹ là đồng minh đương nhiên sẽ đưa tay bảo vệ nước Việt Nam, họ tỏ ra hoàn toàn trông cậy vào nước Mỹ với thái độ đắc chí là Mỹ sẽ huy động toàn bộ sức mạnh để đánh trung cộng.
2/ Số khác chú ý đến những khó khăn nội tại của trung cộng như kinh tế bất ổn, tranh giành phe phái, tranh chấp địa phương, cách biệt giàu nghèo, hay mâu thuẫn sắc tộc… để tiên đoán chế độ cộng sản sẽ sụp đổ, dẫn đến sự sụp đổ hoặc phân liệt của cả nước Trung Hoa.
3/ Có quan điểm cho rằng trung cộng không có ý định thôn tính Việt Nam mà chỉ muốn áp đặt một chính quyền tay sai tại Việt Nam để thủ lợi.
4/ Có người Việt còn bị bế tắc đến độ bộc lộ tính toán mong cho trung cộng sớm thôn tính được Việt Nam, với giả định rằng khi ấy toàn dân Việt Nam sẽ đồng loạt đứng lên chống trung cộng và thành công dễ dàng hơn là chống cộng sản Việt hiện nay.
5/ Có một số người Việt Nam, cả ở trong nước và ngoài nước, thì tự cho là bản thân mình không làm được gì để thay đổi tình thế của quốc gia, nên lảng tránh bàn bạc về vấn đề liên quan đến trung cộng. Tất nhiên, quan điểm này là của bọn giá áo túi cơm, của phường vô ơn bạc nghĩa với xương máu của cha ông, nên không đáng được bàn luận đúng hay sai. Nhưng rất cần vạch rõ sự có mặt của những kẻ hèn nhát đó để nhìn thấy thêm một loại vấn đề cho quốc gia.
Cả bốn quan điểm trên đây cần được phân tích thấu đáo để xem xét những hệ luận và hệ quả tiếp theo.
Cách nhìn thứ tư chỉ là lối nghĩ của người đã mất hết lý trí mà chỉ biết có căm thù cộng sản. Trung cộng còn mạnh bạo và tàn ác hơn Việt cộng gấp trăm lần, một khi cả quốc gia đã bị chúng thôn tính thì tất cả mọi người Việt dù cho chỉ muốn được yên thân sống cũng đã khó khăn trăm bề, chưa nói gì đến chuyện đứng lên chống lại chúng.
Ba quan điểm đầu tiên sẽ đưa đến kết luận dễ dàng là người Việt Nam không cần cố gắng tranh đấu gì cũng vẫn an toàn bởi vì đã có nước Mỹ bảo vệ, hoặc là do trung cộng không đủ sức, hoặc do chúng không muốn xâm lăng Việt Nam, nên nguy cơ nước nhà bị đe dọa là không có.
Chính lối suy nghĩ này lại là nguy cơ căn bản nhất cho nước Việt Nam, bởi vì nó làm cho người Việt Nam trở nên chủ quan, thụ động và mù quáng, trước những tai họa đang ập đến, mà không hề có sự chuẩn bị nào để đối phó.
Về hy vọng được nước Mỹ bảo vệ, người Việt Nam cần ghi nhớ chính quyền Mỹ luôn luôn phát biểu rằng họ không tham dự vào những tranh chấp biển, đảo giữa các quốc gia trong miền Biển Đông, mà chỉ đòi hỏi quyền tự do lưu thông trên tuyến hàng hải quốc tế. Trung cộng vẫn đang đánh nước bài gian lận là một mặt hứa tôn trọng tự do hàng hải cho mọi nước khác, đồng thời vẫn tấn công, ngăn cấm tàu bè của riêng Việt Nam, là con mồi mục tiêu số một của chúng, như chúng đã và đang làm cho đến nay, và trong tương lai sẽ có thêm nhiều hoạt động thổ phỉ khác nữa.
Luật tắc căn bản trong tương quan Mỹ – trung cộng là hai đại cường này vừa tranh giành nhau quyền bá chủ, cùng lúc vừa có lợi lớn khi giao thương với nhau, nên họ cố tránh trực tiếp đụng độ với nhau, nước Mỹ không hề muốn giao chiến với trung cộng. Những khẩu chiến qua lại hiện nay giữa hai nước chỉ là phép thử. Khi va chạm giữa hai bên tiến sát đến chiến tranh, hai chính quyền sẽ ngồi lại thương lượng và thỏa hiệp trao đổi trên lưng các nước nhỏ yếu hơn.
Chuyến đi Mỹ vừa qua của Tập Cận Bình được báo chí quốc tế cho là không có nhiều kết quả về tình hình Biển Đông, cả hai phía Mỹ và trung cộng không đạt được thỏa thuận nào dứt khoát, ngoài một lời hứa suông của Tập Cận Bình là sẽ không phát động biện pháp quân sự nào tại các nơi mà trung cộng đang xây dựng. Nhìn từ một phía, kết quả đó được xem là không – hoặc chưa – có lợi cho trung cộng. Nhưng một cách nhìn khác thì thấy sự tình không đạt thỏa thuận giữa hai nước lại chứng minh rõ nét rằng trung cộng hoàn toàn không từ bỏ tham vọng chiếm đoạt Biển Đông của chúng. Hiện nay, tham vọng đó đang bị Mỹ cản trở, còn trong tương lai thì chưa biết Mỹ sẽ đi theo hướng nào. So sánh ưu tiên dành cho Biển Đông của hai nước thì trung cộng coi Biển Đông – bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – là quyền lợi cốt lõi của chúng, còn với Mỹ thì đó chỉ là vùng ngoại biên. Dễ dàng nhìn thấy cường độ nỗ lực của mỗi bên bỏ vào cuộc đấu. Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể bỏ rơi khu vực Biển Đông khi gặp khó khăn để tập trung sức lực tại những khu vực quan trọng hơn đối với họ, còn trung cộng vẫn kiên trì đeo chặt vùng biển này cho đến khi đạt mục đích.
Trung cộng đã và đang tiến hành cuộc chiến tranh không tuyên bố để tấn công nước Việt Nam từ ngoài biển, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xâm nhập trong nội địa qua các chiêu bài hoạt động kinh tế, trước sự bất lực buông xuôi của đảng cộng sản Việt Nam. Chứng cớ mới nhất là trung cộng đã lén lút xác lập vùng cấm bay ADZ trên vùng biển Đông thuộc lãnh hải của Việt Nam.
Người Việt Nam cần nhận thức rằng đất nước của mình đang nằm trong cảnh trạng nguy hiểm không khác gì quốc gia Do Thái nằm giữa thế giới Ả Rập, người Do Thái giữ vững được non sông là do từng người của họ hiểu rõ tình thế nguy ngập và dốc hết sức lực ra chiến đấu. Hiện nay nước Việt Nam còn tạm thời được yên ổn nhưng trận tấn công năm 1979 của trung cộng sẽ tái diễn bùng nổ bất cứ lúc nào.
Người Việt Nam cần học hỏi tinh thần cảnh giác của người Do Thái, và sớm đi theo con đường thoát duy nhất trước khi bị tấn công ồ ạt là phát động phong trào quốc dân tự quyết trên khắp nước để tiến hành cải cách toàn diện về văn hóa, chính trị và kinh tế để tự mình mạnh lên, để có đủ sức tự vệ. Là nước yếu hơn, cố nhiên cần phải có đồng minh mạnh, thì điều kiện cần thiết để có đồng minh mạnh là tự mình phải có sức mạnh tinh thần và vật chất trước đã. Nước Mỹ không bao giờ chọn làm đồng minh một nước vừa nghèo vừa bạc nhược, thiếu ý chí như nước Việt Nam cộng sản hiện nay.
Chế độ trung cộng không tránh khỏi một số khó khăn, điều đó không làm giảm sự hung hăng của chúng, mà có khi lại thúc đẩy chúng phải tăng gia gây hấn với bên ngoài để làm lạc hướng chống đối của nhiều tầng lớp trong nước. Với dân số khổng lồ và trình độ phát triển đã đạt mức trung bình, nước Trung Hoa không thể sụp đổ mau chóng, điều đó nếu có xẩy ra thì chỉ trong tương lai xa. Trong hiện tại, trung cộng vẫn ráo riết thực hiện âm mưu tấn công nhiều mặt để thôn tính nước Việt Nam, nếu không có mưu đồ xâm lăng và bành trướng thì chúng không cần phải động với cường độ và sức bền bỉ như vậy.
Nhận thức rõ điều đó để cảnh báo cho nhau và ra sức xây dựng lực lượng vệ quốc là con đường sống còn của dân tộc Việt.
NGUYỄN ĐẠO HUY
Tháng 10/2015