Ảnh chụp di ảnh tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Quân đoàn IV QLVNCH.
Ông đã tự sát vào 6h30 sáng ngày 1/5/1975, 1 ngày sau khi Sài Gòn thất thủ dưới lệnh đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh.
“Mười một giờ đêm ngày 30 tháng 4, 1975. Điện thoại lại reo. Lần này, chính giọng của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam: “Alô, chị Hưng!” Tôi vừa khóc, vừa đáp lời Thiếu Tướng: “Thưa Thiếu Tướng…” Giọng Tướng Nam buồn bã u uất: “Tôi biết rồi, chị Hưng. tôi chia buồn với chị, nghe chị Hưng.” tôi vẫn nức nở: “Thiếu Tướng nghĩ sao về kế hoạch đã gãy đổ?” “Hưng đã nói với chị nghe hết rồi hả? Đành vậy thôi. Không phải lỗi chúng ta hèn nhát hay bỏ cuộc. Sự sụp đổ không cứu vãn được vì lệnh hành quân không được Đại Tá…thi hành, phóng đồ và lệnh không tới tay các đơn vị trưởng, lời yêu cầu của dân chúng, lời kêu gọi của tôi quá muộn màng, không hiệu quả, khó cứu vãn nổi tình hình.”
Nói đến đây, Thiếu Tướng Nam hỏi tôi: “Chị biết vụ đài phát thanh bị nội ứng chứ?” “Thưa biết. Hưng cũng bảo tôi như Thiếu Tướng đã nói vậy. Bây giờ Thiếu Tướng định liệu lẽ nào, có định phản công không?” “Chị quên còn dân chúng sao? Cộng Sản coi rẻ mạng dân, còn mình thì…Đàng chị thế nào?” “Thưa Thiếu Tướng, chúng nó đã tràn đầy dưới nhà. Có vài tên định nhào lên, nhưng bị Giêng cương quyết đuổi xuống. Hiện chúng đang thu dọn tài sản. “Còn mấy chú đâu hết?” “Chỉ có Nghĩa và vài ba người lính ở lại. Còn tất cả đã bỏ đi hết. Hưng đã chết rồi, tôi không màng đến tài sản. Miễn là chúng đừng đụng đến xác Hưng.” “Chị tẩm liệm Hưng chưa?” “Thưa chưa. Vừa tắm rửa, thay quần áo xong thì Thiếu Tướng gọi tới.” “Chị nên tẩm liệm Hưng ngay đi. Tôi sợ không còn kịp. chúng nó sẽ không để yên.”
“Thiếu Tướng còn dạy thêm điều gì không? Chẳng lẽ Thiếu Tướng chịu đầu hàng thật sao?” Người thở dài trong máy. Người nói những lời mà đến chết tôi cũng sẽ không quên: “Số phận Việt Nam khốn nạn thế đó, chị Hưng ơi! Tôi và Hưng đã sắp đặt tỉ mỉ, hoàn tất kế hoạch xong xuôi, còn bị phản bội giờ chót.” Người chép miệng thở dài: “Thôi chị Hưng ơi.” Bỗng giọng người trầm xuống, ngậm ngùi: “Hưng chết rồi, chắc tôi cũng chết! Chúng tôi làm Tướng mà không giữ được nước thì phải chết theo nước.”
Giọng người bình tĩnh và rắn rỏi: “Cố gắng can đảm lên nhé chị Hưng. chị phải sống vì mấy đứa nhỏ. Đêm nay có gì nguy cấp, nhớ gọi tôi. Nếu gọi không được, dặn Nghĩa gọi Thụy, lấy mật mã mới.” “Dạ, cám ơn Thiếu Tướng.”
*
Nói chuyện với Thiếu Tướng xong, tôi bước ra lan can nhìn xuống. Dưới sân, sĩ quan và lính tráng đã đi hết. Trừ có Nghĩa còn ở lại. Cổng rào bỏ ngỏ. Gió thổi đong đưa cánh cửa rít lên những tiếng kẽo kẹt bi ai. Mảnh trăng cuối tuần 19 tháng 3 âm lịch chênh chếch soi, vẻ ảm đạm thê lương như xót thương cho số phận Việt Nam Cộng Hòa, cho trò đời bể dâu hưng phế. Viết đến đây, tôi nhớ lại từng lời của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, của Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Chương thiện Hồ Ngọc Cẩn. Trọn đời tôi, làm sao tôi có thể quên giọng nói gấp rút của anh Cẩn, giọng trầm buồn của Tướng Nam.
Bảy giờ sáng ngày 1 tháng 5, năm 1975. Vừa tụng dứt đoạn kinh Sám Tỉnh Thế trong nghi thức cầu siêu cho Hưng, tôi nghe có tiếng nấc sau lưng. Quay lại, chính là Trung Tá Tùng, bác sĩ trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Ông đến thăm Hưng lần cuối. Ông cho biết phải trở lại Quân Y Viện ngay vì Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tự sát, xác còn nằm tại Quân Y Viện. Tướng Nam đã bắn vào thái dương, lúc 6 giờ sáng ngày 1 tháng 5, 1975. cho đến chết, mắt Tướng Nam vẫn mở trừng trừng, uất hận, miệng người há hốc, đớn đau. Sau cuộc điện đàm với người, tôi đã linh cảm, biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng khi nghe bác sĩ Tùng báo tin, tôi xúc động vô cùng, tôi quỳ xuống, hướng về Quân Y Viện, nơi Tướng Nam còn nằm đó, cầu nguyện: Xin Thiếu Tướng tha thứ. Tôi không dám bỏ xác Hưng để đến vuốt mắt Thiếu Tướng và lo việc tẩm liệm cho Thiếu Tướng. Bây giờ linh hồn của Thiếu Tướng đã gặp Hưng, xin linh thiêng phò hộ cho mẹ con tôi thoát khỏi tay Cộng Sản. Xin thương xót cho quê hương, cho dân tộc chúng ta. Xin thương xót cho toàn thể anh em binh sĩ.
Trung Úy Nghĩa thay tôi đến viếng xác người. Trung Úy Thành, vị ân nhân can đảm đặc biệt, đến với tôi trong giờ phút nguy nan đó. Thành đã mời được Trung Tá Bia đến tẩm liệm cho Hưng. Những vị ân nhân trong cơn biến loạn ấy, trọn đời tôi xin ghi khắc ơn sâu. Tám giờ sáng ngày 1 tháng 5, 1975, các sĩ quan quân đoàn, mặc thường phục, đến viếng xác Hưng. Mầu nhiệm thay, khi gặp lại những cộng sự viên cũ, trong thoáng chốc, mắt Hưng hé mở, nhìn lên. Và từ trong đôi mắt người chết, có hai giòng lệ chảy. Mặt người chợt đỏ bừng lên.
Người khóc cho quê hương đất nước bắt đầu đắm chìm trong điêu linh. Người khóc cho đám tàn quân khốn khổ. Cho lúc đến chết, hai Tướng Nam và Hưng chỉ phân tách nguyên nhân thất bại, làm hỏng kế hoạch của hai người. Chớ không ai lên tiếng nặng lời trách móc vị Đại Tá kia. Xin quý vị hiểu rõ giùm tôi. Tôi tôn trọng danh dự của hai ông, vợ con và gia đình hai ông. Trong hoàn cảnh căng thẳng của đất nước, khi lòng người mất niềm tin, hai ông cũng như nhiều người khác, thật sự đáng thương hơn đáng trách. Không hiểu hai ông có đi thoát, hay bị bắt ở lại.
Vận nước ngàn cân treo sợi tóc, một vài người dù đánh đổi cả vận mệnh cũng không nâng đỡ nổi tòa nhà Việt Nam đang sụp đổ tang thương. Nhưng, một ngày chúng ta còn mang trong người dòng máu của dân tộc Lạc Hồng, còn hít thở được khí trời, là một ngày chúng ta còn nợ nần quê hương. Đó là món nợ thiêng liêng và cao quý mà ngôn từ loài người chưa thể diễn tả được sát nghĩa, và thật đúng ý. Sao chúng ta không noi gương oanh liệt của tổ tiên, của cha ông, nối tiếp ý chí bất khuất của tiền nhân, để trang trải món nợ ân tình đó? Sao chúng ta cứ lo chê bai, công kích, hãm hại, đạp chà nhau, để rồi vô tình làm lợi cho bọn cướp nươc Cộng Sản?
*
Đọc những gì tôi kể ở đoạn trên, những vị từng hỏi hay mỉa mai tôi, đã hiểu tất cả sự thật vì sao Tướng Nam và Tướng Hưng đã phải tự sát để bảo tồn tiết tháo. Không ai đem việc thành bại luận anh hùng. Cũng chớ bao giờ lấy tâm địa tiểu nhân để đo lòng người quân tử. Chúng ta, những người còn sống, những người Việt Nam ở trong nước hay lưu vong khắp bốn phương trời, chúng ta phải tự nêu lên câu hỏi: “Chúng ta đã làm được gì cho đừng hổ thẹn với những người đã nằm xuống? Họ đã nằm xuống không phải là vì họ hèn nhát! Họ đã nằm xuống là vì muốn bảo toàn sâu chữ mà họ từng mang trên đầu: Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm. Nếu chưa làm được gì cho quê hương, xin hãy thận trọng lời phê phán vô ý thức. Đừng vô tình thành tàn nhẫn sỉ nhục những người dám chết cho Tổ Quốc.
Bài viết của Bà Quả phụ Lê Văn Hưng nhũ danh Phạm Thị Kim Hoàng.
Fact: Nguyễn Khoa Nam (1927-1975), nguyên là tướng lĩnh Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, mang cấp bậc Thiếu tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên ở trường sĩ quan Trừ bị do Chính phủ Quốc gia Việt Nam, được sự hỗ trợ của Pháp mở ra ở Nam phần. Ra trường, ông tình nguyện vào đơn vị Nhảy dù và đã phục vụ trong binh chủng này một thời gian dài, tuần tự giữ những chức vụ từ Trung đội trưởng… đến phó Tư lệnh binh chủng. Cuối thập niên 1960, ông chuyển sang bộ binh và giữ chức Tư lệnh Sư đoàn. Sau cùng ông đảm trách chức vụ Tư lệnh một trong 4 Quân đoàn chủ lực của Quân lực Cộng hòa. Sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975 xảy ra, ông là một trong 5 tướng lĩnh của Việt Nam Cộng hòa đã tự sát.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi biết tin của Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn thể Quân lực Việt Nam Cộng hòa buông vũ khí để bàn giao cho quân đối phương, ông trấn an quân nhân các cấp trong Bộ tư lệnh và khuyên họ hãy rời nhiệm sở để trở về với gia đình. Sáng ngày 1 tháng 5, ông vận bộ quân phục Đại lễ của Quân đội, vào khoảng 6 giờ 30 sáng ông dùng súng Browning bắn vào màng tang tự sát tại chiếc ghế làm việc của mình trong tư dinh Tư lệnh ở trại Lê Lợi trên đường Hòa Bình, tỉnh Phong Dinh, nêu cao tinh thần “thành mất tướng tuẫn tiết theo thành”. Hưởng dương 48 tuổi. Thi thể ông được Y sĩ Trung tá Hoàng Như Tùng (Y sĩ trưởng Quân y viện) đưa về quàn tại Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Sau đó, đứng ra an táng ông trong Nghĩa trang Quân đội Cần Thơ. Ngày hôm sau, người chị ruột của ông (đã được báo tin từ chiều hôm trước) là bà Nguyễn Khoa Diệu Khâm (mẹ của Hải quân Trung tá Nguyễn Mạnh Trí) từ Sài Gòn xuống Cần thơ để dựng bia mộ cho ông.
Đến năm 1984, được người em dâu và người cháu gái từ Sài Gòn xuống Cần Thơ bốc mộ hoả thiêu, tro cốt đem về để tại chùa Quảng Hương Già Lam, địa chỉ số 498/11 đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, Thành phố HCM.
https://www.facebook.com/Lichsuhiendai/photos/ph%C3%BAt-cu%E1%BB%91i-c%E1%BB%A7a-thi%E1%BA%BFu-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-nguy%E1%BB%85n-khoa-nam%E1%BA%A3nh-ch%E1%BB%A5p-di-%E1%BA%A3nh-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-nguy%E1%BB%85n-khoa-nam-t/665063627014837/