CHIẾC XUỒNG BA LÁ TRÊN GIÒNG SÔNG BẾN TRE (Chu Sa Lan)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ngay khi gặp mặt Út Yên, đứa con gái con của bác tư, anh một mẹ khác cha với ba của nó, Sáu thất vọng liền. Phải nói nó thất vọng ê chề vì Út Yên không giống như ý của nó nghĩ. Từ thất vọng nó đâm ra hổng có cảm tình, từ hổng có cảm tình nó đâm ra hổng ưa và cuối cùng ghét Yên. Có nhiều lý do làm cho nó thất vọng về Út Yên.
Lý do đầu tiên là Yên xấu. Sáu không biết và không thể tả ra Yên xấu như thế nào nhưng nó nghĩ Út Yên xấu. Có thể đối với người khác thì Yên đẹp mà với nó thì Yên xấu như câu nói mà nó đặt ra:” Út Yên cái mặt vô duyên ” Cái lý do thứ nhì nói ra thì hơi kỳ cục. Nó phải kêu một đứa con gái xấu mà nó hổng ưa lại bằng tuổi là chị. Cả hai đều tuổi con gà, mà thiên hạ lại nói gà ghét nhau vì tiếng gáy, bất kể gà trống với gà mái. Cái lý do thứ ba là chị Yên lại học lớp nhất, còn nó thì học lớp nhì, nghĩa là chị học trên nó một lớp mặc dù hai đứa bằng tuổi nhau. Mấy cái lý do đơn giản mà chính đáng này, mới đầu làm cho Sáu bực bội rồi cộng thêm với sự thất vọng khiến nó đâm ra ghét Yên. Nó lại càng ghét hơn vì bị má bắt phải kêu Yên bằng chị. Tiên học lễ, hậu học văn mà. Chị Yên là con bác tư, anh của ba vì vậy mà nó phải kêu bằng chị Yên. Ngay cả chị hai, anh tư của nó, lớn hơn Yên năm bảy tuổi cũng phải kêu bằng chị. Vì thế mà nó càng thêm hổng ưa Yên. Nó biết điều đó không đúng song tình cảm thì không thể nói đúng hay sai. Nó thường tự hỏi tại sao một đứa con gái xấu, bằng tuổi mình lại học giỏi hơn mình. Ông trời ổng bất công ở chỗ đó. Nhiều khi ghét Yên quá nó đâm ra ghét ông trời luôn.
Nhà ở gần bót Hội Đồng Khương cách trường tiểu học rất gần nên nó với chị Yên và Sơn đều cuốc bộ đi học mỗi ngày. Nếu Sáu ghét chị Yên thì thằng Sơn lại thích chị. Thằng em nhỏ hơn nó hai tuổi mà lại khôn và ngoan vì thích thì có lợi hơn là ghét. Mỗi ngày đi học, chị Yên có mua bánh kẹo gì đều chia cho thằng Sơn. Nói nào ngay thì mới đầu chị cũng chia cho Sáu nhưng nó tự ái hổng thèm ăn. Riết rồi chị làm lơ cho nó thèm chảy nước miếng chơi. Thỉnh thoảng về Lương Hòa thăm ba má rồi khi trở lên chị đem lên đủ thứ trái cây nói là của bác tư gởi cho nhà nó. Má, chị năm và thằng Sơn vui vẻ ăn còn nó dù thèm nhễu nước miếng cũng hổng ăn. Biết Sáu hổng ưa mình nên Út Yên làm đủ mọi cách để lấy lòng nó. Một bữa trưa thứ bẩy nhà vắng không có ai trừ nó và Yên. Đi ra đi vào không có chuyện gì làm nó bực bội lắm lại thêm Yên cứ nhìn nó cười như trêu chọc.
– Sáu thích đi chơi hông Sáu?
Nghe Yên hỏi Sáu hổng trả lời mà hỏi lại.
– Đi đâu?
– Đi bơi xuồng…
– Với ai?
– Thì hai đứa mình… chị với Sáu bơi xuồng ra sông Bến Tre chơi…
Sáu hơi nhăn nhăn cái mặt khi nghe Yên xưng chị, song nghĩ tới cái thú được bơi xuồng trên sông lớn nó cố dằn cái tự ái vặt của mình xuống.
– Mình đâu có ghe mà bơi…
Yên cười lỏn lẻn.
– Chị có nhỏ bạn ở cầu Cá Lóc. Nhà nó có xuồng ba lá…
Gật gật đầu Sáu cười hỏi.
– Đi bây giờ hả?
– Ừ… Trời trưa nóng như vầy mà bơi xuồng chắc mát lắm… Đi hông?
Nghĩ tới cảnh bơi lội trên dòng sông rộng, Sáu gật đầu liền.
– Sáu chờ chút nghen… Chị vào thay quần áo rồi mình đi…
Lát sau, đang đứng ngóng trời ngóng đất, nghe tiếng tằng hắng, Sáu quay lại. Nó trợn mắt khi thấy đứa con gái mà nó hay chọc phá bằng câu ” Út Yên, cái mặt vô duyên ” khác và lạ hẵn đi với chiếc quần lãnh đen, áo bà ba ngắn tay màu xanh lá mạ và mái tóc xoả dài ngang vai, nhìn có duyên ớn. Bữa hôm nay nó mới thấy Yên đẹp chứ hổng có xấu như mọi ngày. Hai đứa vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ chứ hổng có đứa đi trước, đứa lẻo đẻo theo sau như lúc đi học. Ngang sở thú, Yên ghé mua bịch xoài tượng ngâm cam thảo. Lần đầu tiên Sáu thấy xoài sống ngâm cam thảo chấm với muối ớt cay có cái vị đậm đà và ngon ngọt như thứ tình cảm vừa mới chớm nở trong lòng của nó đối với đứa con gái tên Yên mà má nó bắt phải gọi bằng chị.
– Tới chưa vậy chị Yên?
Nghe Sáu gọi mình bằng chị một cách tự nhiên và thành thật, Yên hơi ngạc nhiên. Len lén nhìn đứa em trai bà con chú bác, bằng tuổi mà lại cao hơn mình cái đầu, Yên cười lên tiếng.
– Sắp tới rồi. Sáu mỏi chân hả?
Nghe cái giọng hơi có vẻ săn sóc của Yên, Sáu quay mặt tủm tỉm cười. Mới đi có chút mà mỏi gì với cặp giò từng lê lết khắp nơi trong tỉnh lỵ.
– Cũng mỏi chút chút… Nóng quá…
Yên cười.
– Ừ nóng… Mình bơi xuồng ra giữa sông tắm mát lắm…
Sáu nhìn Yên.
– Mà chị biết lội hông?
Yên mím môi cười.
– Biết mà dở lắm… Sáu lội giỏi hông?
Sáu cười hắc hắc.
– Đủ để trấn nước chị thôi…
Yên bật cười.
– Hổng có chơi như vậy nghen… hồi nữa Sáu dạy chị lội nghen…
Chưa tới cầu, Yên quẹo vào cái ngõ bên trái rồi lát sau ngừng trước căn nhà ngói rộng có vườn cây ăn trái. Bảo Sáu đứng chờ ngoài sân, Yên đi vào nhà và lát sau trở ra gặp Sáu với đứa con gái cũng trạc tuổi của Yên. Ba đứa đi ra sau nhà tới cây cầu ván bắt ra rạch Cá Lóc. Chiếc xuồng ba lá mơi mới nhỏ chở được ba bốn người có hai cái dầm.
– Chị ấy hổng đi hả chị Yên?
Sáu hỏi khi thấy cô bạn đứng trên bờ nhìn chị Yên cởi dây.
– Hông… Nó cho mình mượn xuồng bơi ra sông tới chiều mới trả lại…
Chiếc xuồng từ từ ra giữa dòng con rạch rộng. Nước lớn chảy khá mạnh. Yên cầm lái còn Sáu ngồi nơi mũi. Hai đứa phải bơi liền tay mới làm cho chiếc xuồng ra tới miệng vàm. Nghe tiếng Sáu thở khì Yên cười nói với giọng đứt quãng.
– Nước lớn chèo muốn rụng tay luôn… Sáu mệt hông Sáu?
Sáu quay lại cười.
– Mệt muốn chết… mà vui… Gió mát quá…
Vừa nói nó vừa bò lần ra sau lái để mặc cho Yên bơi. Nhìn thấy mồ hôi lấm tấm trên chót mũi của người chị bà con, Sáu cười lên tiếng bằng giọng nhỏ nhẹ và thân tình.
– Chị mệt không để Sáu bơi cho…
Yên lắc đầu cười. Nó có vẻ vui thích khi nghe Sáu kêu mình bằng chị. Điều đó cho nó biết, ít nhiều gì nó cũng đã chiếm được cảm tình của thằng em bà con ương ngạnh và không chịu nhún nhường bất cứ ai.
– Hổng mệt mà nóng quá…
Nói xong Yên khom người dùng hai tay múc nước lên rửa mặt. Hổng biết nghĩ sao mà Yên lại tạt nước vào người của Sáu rồi bật cười hắc hắc làm cho Sáu cũng bật lên cười tạt nước lên người của Út Yên khiến lát sau mình mẩy hai đứa đều ướt nhẹp.
– Thôi nghen Sáu… coi chừng nước dô chìm ghe…
Nghe lời chị Yên, Sáu thôi giỡn với nước mà ngồi tựa mạn xuồng ngắm nhìn phong cảnh. Khúc sông này gần tới chỗ giáp với sông Hàm Luông nên rộng hơn. Mặt nước lấp lánh sáng vì bị mặt trời dọi xuống. Sóng vỗ lách tách vào chiếc xuồng ba lá đang trôi dật dờ theo gió và con nước bắt đầu đứng. Xa xa phía bên tay trái hàng cây xanh rì. Còn bên tay mặt là dãy nhà ngói mà nó đoán là khu chợ Bến Tre. Đang ngồi ngắm cảnh, Sáu quay qua cười khi thấy Út Yên ngồi xuống bên cạnh mình.
– Đẹp hả Sáu?
Gật gật đầu, Sáu cười nói với mình mà cũng như nói với chị Yên đang ngồi bên cạnh.
– Em đọc trong sách của ông gì đó… Ổng đi nhiều nơi lắm mà rốt cuộc ổng phải nói một câu là hổng có nơi nào đẹp bằng quê hương của mình…
– Sáu biết tại sao ổng nói hổng đâu đẹp bằng quê hương mình hông?
– Tại sao?
– Tại vì quê hương của mình có cái tình mà người ta gọi là tình quê hương… Khi mình thích, mình thương cái gì thì mình sẽ thấy cái đó đẹp…
Sáu gật đầu liếc nhanh đứa con gái đang ngồi bên cạnh.
– Vậy hả…
Ngần ngừ giây lát nó mới quay qua nhìn Yên cười.
– Bữa nay Sáu thấy chị đẹp… như vậy là Sáu hổng còn ghét mà là thương chị hả?
Yên gật đầu cười. Sáu thấy cái miệng có nụ cười của Út Yên có cái gì là lạ rồi sau đó cảm thấy cánh tay của mình run run vì bị bàn tay của Út Yên nắm lấy và từ từ xiết chặt lại.
– Chị biết tại sao Sáu hổng ưa chị hông?
– Hông… tại sao?
– Tại má bắt gọi chị Yên là chị…
Yên bật lên cười làm cho Sáu cũng cười theo.
– Sáu hổng thích gọi Yên bằng chị hả?
– Hông… mình bằng tuổi mà…
Liếc nhanh đứa con trai đang bị mình nắm tay Yên cười nói.
– Hổng thích thì đừng gọi… Mình coi như bạn với nhau đi…
Sáu gật đầu. Yên lên tiếng dặn dò mà giọng nói nghe như tiếng gió thì thầm bên tai Sáu.
– Mình đừng cho thím bảy biết. Thím rầy hai đứa mình…
Sáu nắm lấy tay Yên đang xiết chặt tay của mình như bằng lòng. Chiếc xuồng ba lá theo gió và con nước bắt đầu ròng trôi lần lần ra giữa sông khiến cho Yên la làng hối Sáu lấy dầm bơi vì sợ chìm xuồng.
Sau lần đi chơi sông lớn đó Sáu hổng còn ghét chị Yên nữa mà nó lại đâm ra quyến luyến. Yên cũng vậy. Nó thích chơi với Sáu hơn. Hai đứa cặp kè với nhau rong chơi khắp nơi trong tỉnh lỵ vào những ngày không đi học. Có lẽ chiều Sáu nên nó học các trò chơi của con trai như đánh đáo, bắn đạn cu li, đá dế, đánh trõng và đá banh nữa. Bù lại Sáu cũng chiều nó như rủ nhau xem chiếu bóng, đi sở thú coi mấy con thú và những đêm sáng trăng hai đứa nắm tay nhau đi dạo quanh bờ hồ ăn cóc xoài ngâm cam thảo hay sang hơn thì ăn cà lem cây. Càng gần gụi hai đứa càng khắng khít với nhau và tình bạn của hai đứa càng thêm nẩy nở. Út Yên không còn đóng vai người chị bà con mà trở thành bạn thân của Sáu. Hai đứa khi thì kêu nhau bằng tên và xưng mày tao; khi thì kêu chị em ngọt sớt. Má Sáu mới đầu còn la rầy riết rồi cũng để mặc cho hai đứa tha hồ. Được cái, nhờ làm bạn với Yên mà Sáu học hành tấn tới vì Yên rất siêng học nên kèm cho nó học luôn. Nhờ vậy cuối năn Sáu mới được lên lớp nhất, còn Yên thì cũng thi đậu vào lớp đệ thất trường công. Sau khi bãi trường, Yên về nhà ở Lương Hoà hết hè mới trở lên. Sáu ủ rũ vì thiếu bạn. Ngày ngày nó thơ thẩn ở dưới gốc cây me, nhảy cò cò một mình mà mắt thì ngóng về phía con lộ đá như chờ đợi bóng ai. Có khi nó lủi thủi một mình đi sở thú để nhớ lại những lần đi coi con cọp, con khỉ, heo rừng và con gấu với Yên. Đứa con gái tên Yên mà sao lại làm cho lòng dạ nó hổng yên chút nào. Nó nhớ giọng cười đặc biệt của nhỏ Yên; đặc biệt tới nỗi mà má nó phải nói ” nghe cười là biết ai rồi…”.
Hè hết. Yên trở lên tỉnh học với chút thay đổi về vóc dáng. Nó như cao hơn và ăn diện hơn chút đỉnh với chiếc áo dài màu trắng, quần đen và mang guốc đi học lớp đệ thất. Điều đó làm cho Sáu buồn. Nó cảm thấy có chút gì cách biệt giữa nó với Yên, dù hai đứa vẫn mỗi ngày đi chung đường tới trường, dù ở nhà hai đứa vẫn xà nẹo với nhau như sam. Lớn hơn 1 tuổi nên hai đứa không còn chơi trò con nít như nhảy cò cò, đánh đáo, bắn đạn nữa. Hai đứa thường rủ nhau đi ra bờ sông nơi có con đường chạy về phía bến đò Hàm Long, ngồi bên nhau im lặng ngắm cảnh, đọc chung cuốn truyện Dế mèn phiêu lưu Ký của Tô Hoài hay Dưới mái học Đường của Hà Mai Anh. Con Yên thường hay năn nỉ Sáu đọc truyện cho nó nghe vì nó nói Sáu có giọng tốt và biết cách diễn tả tình cảm khi đọc. Niên học trôi qua chậm chạp và cho tới hè thì hai đứa bàng hoàng khi má Sáu báo tin sẽ dọn nhà lên Sài Gòn. Con Yên khóc sưng mắt, còn Sáu thì cứ ôm chặt con bạn gái vào lòng mà nước mắt lưng tròng. Từ đó đối với Sáu, Út Yên chỉ còn là thứ bóng mát của tuổi thơ không bao giờ có nữa.
Vài năm sau…
– Xuống… cho tôi xuống đây…
Xe đang chạy ngon mà bị bắt phải dừng lại nên bác tài xế phải thắng gấp khiến hành khách trên chiếc xe lam càu nhàu. Xe dừng nơi ngã ba con đường đi về Lương Hoà. Sáu chui ra khỏi lòng xe chật hẹp rồi đứng nhìn quanh quất. Nó vẫn còn nhớ con đường đi vào làng Lương Hoà và nhà của Út Yên nên tính ghé thăm. Nghĩ tới sự ngạc nhiên của Yên khi thấy mình lù lù trước cửa nó bật cười. Nó vẫn không quên người chị bà con và là cô bạn gái của mình ngày xưa dù hai đứa đã xa nhau thời gian dài. Nó vẫn nhớ giọng cười của Yên. Vẫn nhớ hoài mùi hương trên mái tóc đuôi gà của Yên, thứ mùi hương có thoảng mùi dầu dừa. Nó vẫn nhớ lần nắm tay nhau khi hai đứa ngồi trên xuồng ba lá. Nó vẫn nhớ ánh mắt nhìn dịu dàng và ôn nhu của Yên mà cho tới bây giờ ánh mắt đó cứ hiện ra trong đêm khi nó đi ngủ. Yên gắn liền với tuổi thơ êm đềm của nó. Bây giờ, đang học đệ tứ mà nó vẫn muốn quay trở lại ngày đó.
Nghe con Vện sủa gâu gâu, đoán chắc có người lạ tới nhà, Yên bước ra. Nó đứng chết trân không kêu được tiếng nào. Lát sau nó mới bật la.
– Sáu… Sáu… Mày đi đâu dậy?
Sáu cười toe toét.
– Đi thăm chị chứ đi đâu…
Không nhịn được, Yên nắm tay Sáu lôi tuột vào nhà còn miệng thì la lớn.
– Sáu… thằng Sáu con chú bảy ba ơi…
Bác Tư trai từ trong buồng bước ra nói lớn.
– Thằng Sáu thì thằng Sáu… Mày buông nó ra chứ sao nắm tay nó dậy… Bộ mày sợ nó chạy trốn à…
Yên cười bẽn lẽn. Da mặt nó hồng hào làm cho Sáu cảm động. Nó biết Yên mừng vì được gặp nó. Bác tư gái cũng đi ra hỏi han đủ chuyện. Đợi cho ba má hỏi han xong Yên lôi Sáu ra nhà sau kế bên hàng dừa xiêm đầy bóng mát.
– Sáu đi thăm Yên thiệt hả?
Yên hỏi lại lần nữa. Sáu gật đầu cười.
– Tôi về thăm bà nội và bà ngoại bây giờ mới trở lên Sài Gòn. Ngang đây ghé thăm chị Yên… Nhớ chị quá…
Sáu kêu Yên bằng chị vì thấy Yên không còn có vẻ gì con nít như xưa nữa.
– Tôi cũng nhớ Sáu nữa… Từ hồi Sáu dọn lên Sài Gòn mình đâu có gặp nhau…
– Chị lớn rồi… đi ngoài đường chưa chắc đã nhận ra…
– Thiệt hả?
Yên hỏi vặn. Sáu cười cười.
– Nói vậy chứ làm sao quên cái mặt của Yên được. Không bao giờ quên đâu…
Yên cười. Cũng giọng cười đặc biệt của năm xưa.
– Đi ra ngoài vườn chơi… Hái trái cây cho Sáu ăn…
Không đợi Sáu ưng thuận, Yên nắm tay nó đi ra sân. Sáu cảm thấy lòng mình lao chao vì bàn tay mềm mại và ấm áp của Yên đang nắm chặt bàn tay mình.
– Chị còn đi học không?
– Nghỉ rồi… hết đệ tứ là ba bắt về định gả chồng…
Sáu trợn mắt nhìn lom lom.
– Thiệt hả… mà Yên có ưng ai chưa?
Yên lắc đầu cất giọng buồn buồn.
– Chưa… mà chắc cũng phải ưng đại người nào cho ba má bằng lòng…
Sáu thở dài nhè nhẹ. Nghe được tiếng thở dài của Sáu, Yên cười buồn.
– Mỗi người đều có cái số và cái số của mình là…
Nói tới đó Yên dừng lại giây lát mới cười lãng sang chuyện khác.
– Sáu ở chơi mai về nghen… Tối nay mình nói chuyện nhiều hơn. Lâu quá không có ai nói chuyện cho đã…
Sáu gật đầu cười. Nó hiểu được nỗi buồn của Yên, một cô gái có chút học thức mà phải sống với những kẻ cùng trang lứa song lại không cùng sở thích và trình độ hiểu biết. Đêm hôm đó hai đứa vừa đốt lửa un muỗi vừa nói chuyện cho tới hơn 12 giờ mới đi ngủ. Sáng thức sớm, Yên đi với Sáu ra khỏi nhà mới dừng lại. Nhìn bóng dáng đứa con trai lầm lũi đi Yên thở dài rưng rưng nước mắt.
– Ê Sáu…
Yên gọi lớn. Sáu quay lại nhìn thấy Yên tất tả bước tới. Nắm chặt lấy bàn tay của đứa em bà con, Yên thì thầm.
– Yên nhớ Sáu nhiều lắm…
Dứt lời Yên hôn nhẹ lên má Sáu rồi quay lưng bước đi. Sáu nghe trên má, ngay chỗ mà đôi môi của Yên vừa đụng nóng hổi rồi làm thành nỗi nhức đau hoài huỷ.
Nhiều năm sau nữa…
Đang ngủ ngon mà bị kêu dậy, Sáu hỏi Thạnh.
– Mấy giờ rồi?
– Gần 3 giờ rồi anh…
Ngáp tiếng ngắn, Sáu xỏ giày chui ra đứng trước mũi tàu. Gió thổi man mát. Con sông Bến Tre khá rộng nên lúc nào cũng có gió thổi lai rai. Về khuya gió còn mạnh và mát hơn nhiều khi ngủ phải đắp mền. Bỏ ra sau lái, lục đục hồi lâu anh mới pha được ly cà phê nóng xong ngồi vào ghế lái. Nói mấy câu bâng quơ rồi Thạnh chui vào giường. Để mặc cho chiếc tàu sắt đang lềnh bềnh giữa sông, Sáu thong thả uống cà phê và hút thuốc. Trăng đêm nay chắc lên muộn nên hơn 3 giờ sáng mới ló ra khỏi đám mây dọi chút ánh sáng xuống màu nước sông thành trắng bạc pha chút mù sương loảng như có như không làm cho cảnh vật hai bên bờ mờ mờ. Thỉnh thoảng mới có ánh đèn loé lên rồi biến mất thật nhanh. Hút hết điếu thuốc, búng tàn xuống nước anh hờ hửng cầm lấy chiếc ống dòm lên quan sát. Mặt sông dài hơn cây số sáng rực lên dưới loại ống dòm đặc biệt được khuếch đại hình ảnh nhờ lấy ánh sáng từ trăng sao. Nước lấp lánh sáng dưới ánh trăng. Hàng cây đen mờ hai bên bờ chợt sáng lên trong tầm mắt. Bên mặt của tàu là xã Lương Phú. Bên trái là Lương Hoà. Hai xã nằm ngang nhau chỉ cách con sông khá rộng. Sông Bến Tre là nhánh của sông Hàm Luông dài khoảng ba mươi cây số, chảy tới vùng Bình Chánh thì nhỏ lại và trở thành con rạch Giồng Trôm. Tất cả đều yên tịnh và vắng lặng. Tàu nằm giữa sông ở ngoài tầm bắn của B40, huống chi các anh du kích của các làng xã nằm dọc hai bên bờ sông chẳng dại gì chọc giận chiếc tàu sắt có hoả lực mạnh hơn một đại đội du kích làng. Với lại sự có mặt của chiếc tàu sắt cũng không ngăn cản được hoạt động của họ, thành ra nhà ai nấy ở, đường ai người đó cứ đi. Hờ hửng đưa ống dòm lên, Sáu kéo lê ống kính từ trong bờ bên Lương Phú rồi chạy dài trên mặt sông sáng rực ánh trăng. Đột nhiên trong ống kính hiện lên hình dáng của một chiếc xuồng đen mờ mờ. Sáu đưa tay dụi mắt rồi sau đó nhìn vào ống kính lần nữa. Trên mặt sông sáng bạc bập bềnh chiếc xuồng nhỏ. Hình như trên xuồng có bóng người ngồi. Điều chỉnh ống kính anh thấy rõ hơn ngay chính giữa sông một chiếc xuồng trôi lềnh bềnh. Trong trí của anh bật ra ý nghĩ: ” Du kích qua sông ”. Tuy nhiên sau đó anh lại lắc đầu. Chẳng có anh du kích nào ngu tới độ băng qua sông lớn vào đêm hôm khuya khoắt như vầy. Họ có cách an toàn hơn như giả dạng thường dân chở rau cải trái cây tôm cá để băng qua sông giữa ban ngày. ” Hay là thuyền câu…”. Mặc dù không có lệnh cấm chính thức song dân chúng hai bên bờ tự động biết họ không được đi lại trên sông vào lúc ban đêm trừ trường hợp khẩn cấp như bịnh hoạn, sanh đẻ cần phải chở tới nhà thương. Lúc đó họ được phép chở thân nhân đi bằng ghe song phải đốt đèn hoặc nếu đi câu trên sông thì cũng phải thắp đèn sáng. Đằng này chiếc xuồng ba lá lại không có đèn đuốc gì hết và cứ trôi bập bềnh trên nước. ” Có thể là thuyền câu mà chắc đèn hết dầu…”. Để giải đáp những thắc mắc của mình, Sáu bèn chạy tàu tới ngay chỗ chiếc ghe đang trôi. Vừa lái tàu, anh vừa dùng ống dòm quan sát. Năm trăm thước, ba trăm thước, chiếc xuồng nhỏ hiện rõ trong ống kính với hình ảnh một người ngồi gục đầu. Một trăm thước. Buông ống dòm xuống anh cũng thấy được bằng mắt của mình chiếc xuồng trôi dật dờ trên sông. Một người ngồi gục đầu. Rồi trong tích tắc chiếc xuồng biến mất. Sáu dụi mắt. Anh nghĩ mình nhìn lầm vì chưa được tỉnh rượu do cơn say khướt hồi chiều. Chụp lấy khẩu M16 và chiếc đèn bấm lớn anh bước lẹ ra mũi tàu. Dưới ánh trăng sáng bàng bạc, chẳng có gì hết ngoài mặt nước mênh mông với chút sóng gợn vỗ lụp bụp vào thành tàu. Chiếc xuồng và bóng người ngồi biến mất. Trở vào phòng lái, anh đảo tàu một vòng thật lớn trong lúc dùng ống dòm quan sát thật kỹ mặt sông rộng. Nếu quả thật có chiếc thuyền câu thì nó không thể nào đi nhanh hơn tàu được. Không có gì hết. Không thuyền câu. Cũng không bóng người ngồi trên thuyền. Chỉ có mặt sông sáng dưới ánh trăng huyền ảo. Chỉ có sóng vỗ nhè nhẹ vào thành tàu sắt. Đứng im giây lát như suy nghĩ chuyện gì, Sáu thở hắt hơi dài trở lại ghế lái tàu chạy về hướng tỉnh ly. Không quay đầu nhìn lại nên anh không thấy chiếc xuồng ba lá có bóng người ngồi gục đầu vẫn còn lềnh bềnh trên mặt sông sáng bàng bạc ánh trăng. Liên tiếp mấy đêm sau đó, cứ tới giờ canh gác của mình Sáu lại thấy hình ảnh chiếc xuồng nhỏ trôi dật dờ trên sông mà khi tới gần thì lại biến mất. Nghĩ đó là chiếc xuồng ma, Sáu nín lặng không tiết lộ cho nhân viên trên tàu biết. Ngoài ra anh cũng không nghe bất cứ người nào la làng hoặc bàn tán về sự kiện thấy chiếc xuồng như mình. Điều đó tỏ ra chỉ có một mình anh thấy chiếc xuồng ma thôi. Không thố lộ cho nhân viên biết song Sáu lại bị chiếc xuồng ám ảnh hoài. Tại sao chỉ có mình anh thấy mà người khác lại không thấy? Chiếc xuồng nhỏ có người ngồi chẳng lẽ có liên hệ tới mình? Nếu có liên hệ thì liên hệ ra sao? Người ngồi trên xuồng là ai? Tại sao nó chỉ xuất hiện trên khúc sông ở làng Lương Hòa?
Ngập ngừng giây lát Sáu mới bước vào sân của quán cà phê nhạc nằm tại ngã ba của khu bờ hồ. Còn đang đứng xớ rớ để tìm chỗ ngồi, anh chợt nghe tiếng kêu lớn.
– Sáu… Sáu phải hông?
Chưa thấy cũng như chưa biết ai gọi, nhưng chỉ cần nghe gọi mình bằng cái tên Sáu thì anh biết người này phải quen thân với mình lắm bởi vì chỉ có anh em, bạn lúc nhỏ và bà con họ hàng thân quen lắm mới biết tên riêng của anh. Liếc một vòng Sáu thấy một người mặc áo sơ mi trắng đứng vẩy vẩy tay mình. Mỉm cười anh bước về phía góc bên trái cạnh chiếc cửa sổ ngó ra đường.
– A… Út Định…
Sáu reo lớn khi thấy người anh bà con chú bác của mình. Định là anh ruột của Yên. Tính vai vế trong nhà thì anh là con trai út nên ai ai cũng gọi là Út Định để phân biệt với cô em gái út của anh là Út Yên. Hai anh em bắt tay nhau thật chặt.
– Làm chai 33 nghen…
Định hỏi và Sáu gật đầu liền. Rót chai 33 vào ly đá, đưa lên lắc lắc mấy cái như muốn làm cho bia mau lạnh xong Sáu ực một hơi. Đặt ly xuống bàn, hít hơi thuốc, anh nhìn Định.
– Nghe nói anh dạy học ở bên Mỹ Tho…
Định gật đầu.
– Anh ra trường sư phạm và dạy hơn hai năm rồi…
– Hai bác mạnh hả anh?
– Ba anh mất năm rồi còn bà già thì cứ đau rề rề… Thím bảy chắc mạnh hả Sáu?
– Dạ… Chắc cũng bình thường… Nửa năm rồi tôi chưa về nhà…
Út Định cười.
– Đi lính lâu chưa?
– Dạ ba năm rồi anh?
Hai anh em người hỏi người trả lời về gia đình của hai bên. Cuối cùng Sáu lên tiếng. Giọng của anh thoáng buồn.
– Năm ngoái tôi nghe má tôi nói chị Yên mất mà vì ở xa quá không đi đám tang được… Chị Yên, chết hồi nào và tại sao chết hả anh?
Định thở hơi thật dài, cất giọng buồn bã.
– Út Yên chết đúng một năm rồi em… Hai bữa trước là đám giổ của nó nên anh mới về nhà…
Sáu thẩn thờ khi nghe Định nói. Vẳng bên tai anh mơ hồ giọng nói của Định.
– Nó chết tức tưởi lắm em ơi…
– Tại sao chị Yên chết hả anh?
Giọng hỏi của Sáu nghèn nghẹn còn giọng trả lời của Định sền sệt nước mắt. Anh kể cho Sáu nghe một cách chi tiết về cái chết của Út Yên. Ở làng Lương Hòa có một người con trai để ý Út Yên. Người đó tên Mừng, vốn nhà nghèo và ít học. Tuy nhiên Út Yên lại không thích Mừng. Để ý Út Yên mà không được nàng thương lại, Mừng buồn giận bỏ nhà đi theo mặt trận. Hai năm sau, Mừng từ trong bưng trở về làm bí thư xã ủy Lương Hòa. Có quyền hành trong tay hắn tìm gặp Út Yên để xin cưới nhưng Yên cũng không chịu. Từ si mê và thương yêu chuyển sang thù ghét chỉ là gang tấc. Một đêm Mừng dẫn du kích tới nhà bắt Út Yên đưa đi biệt tích nại lý do Út Yên làm gián điệp cho Mỹ Nguỵ vì Yên hay đi lên tỉnh thăm bạn bè. Sau đó người ta tìm thấy Út Yên nằm chết trên chiếc xuồng ba lá ở ngoài sông.
Nghe Út Định kể xong Sáu bưng ly bia lên uống cạn như muốn nuốt buồn phiền vào trong lòng. Đưa tay lên xem giờ, Định cười buồn nói với Sáu.
– Anh phải về Mỹ Tho… Hôm nào ghé Mỹ Tho tới nhà anh chơi… Lúc đó anh sẽ nói với em về Yên nhiều hơn… Lúc còn sống nó nhắc tới em hoài…
Vừa viết cho Sáu địa chỉ, Định vừa gọi tính tiền nhưng Sáu giành trả vì muốn ngồi lại. Dáng đi thiễu não của Định làm anh khe khẽ thở dài. Nhìn ra con đường chạy dọc theo bờ hồ với hàng cây phượng vĩ lá xanh um, anh như thấy được dáng đi và giọng cười đặc biệt của đứa con gái bằng tuổi mình. Tiếng guốc vông của Yên gõ lốc cốc trên mặt đường nhựa. Mái tóc Yên dài buông xỏa trên vai áo bà ba màu trắng. Tự dưng anh cảm thấy ngậm ngùi như vừa mất đi một cái gì thật gần gụi và thân quen. Trả tiền, chậm chạp đi trên con đường ngày xưa mình đã đi học nhiều năm, anh nghe giọng cười của Yên vẳng bên tai hòa trong tiếng lá của hàng cây phượng vĩ và me còng quanh bờ hồ Trúc Bạch nước xanh mầu rong rêu.
Trăng lên muộn. Chiếc tàu sắt buông neo giữa dòng sông sáng mờ nhờ ánh đèn điện từ phố chợ chiếu ra. Gió phơn phớt mặt nước gợn sóng vỗ lụp bụp vào mạn tàu. Sáu ngồi im trên mui. Nhìn nửa mảnh trăng gãy lơ lửng trên nền đêm óng ánh sao, anh suy nghĩ về cái chết của Yên. Một năm trước đây, Yên chết đúng vào ngày mà anh thấy chiếc xuồng ba lá có người ngồi hiện ra trên dòng sông Bến Tre. Sở dĩ chỉ có mình anh thấy được chiếc xuồng hiện ra vì anh có liên hệ tình cảm mật thiết với Yên. Nói cách khác là Yên chỉ muốn cho anh thấy mà thôi. Lúc còn nhỏ hai đứa đã có thời gian sống chung với nhau, thương mến nhau như bạn và có thể như là đôi bạn tình, dù hai đứa không hề nghĩ tới và không biết vì tuổi còn nhỏ. Có lẽ vì vậy mà Yên mới về báo cho anh biết. Chuyện đó tuy mơ hồ và vô căn cứ song cũng có thể xảy ra. Ngoài thế giới mà anh đang sống có thể có một thế giới vô hình mà anh không biết được. Muốn giải toả mối nghi ngờ và ước muốn thấy lại hình bóng của Yên ngồi trên chiếc xuồng ba lá, anh chỉ còn cách trở lại khúc sông ngang với làng Lương Hoà. Sương đêm ướt áo mà Sáu vẫn còn ngồi im lìm trên mui tàu nhìn về phía khúc sông xa xa, mường tượng như ngày nào đó xa xưa lắm, lúc anh chừng chín mười tuổi, ngồi cạnh Yên trên chiếc xuồng ba lá. Cảm giác được Yên nắm tay mình và từ từ xiết chặt lại như còn nguyên trong lòng anh.
Trưa hôm sau, nhân viên trên tàu ngạc nhiên khi thấy Sáu, ra lịnh cho họ lái tàu trở lại khúc sông ngang với làng Lương Hoà. Đằng sau lái tàu buộc thêm chiếc xuồng ba lá. Khi tới nơi, Sáu nói nhỏ với Minh, thuyền phó chuyện gì đó mà chỉ thấy Minh gật đầu. Mặc quần đùi, áo sơ mi, Sáu ngồi vào chiếc xuồng ba lá rồi mở dây buộc mặc cho chiếc xuồng trôi dật dờ trên sông. Trời trưa nắng gắt. Gió man mát. Giữa không gian vắng lặng anh mơ hồ nghe giọng cười của Yên vang lừng trên nước. Tiếng dầm khua. Bàn tay mềm. Nụ hôn lên má của Yên ngày nào vẫn còn hoài nỗi xót đau, thương cho người con gái có số phận bọt bèo. ” Yên nhớ Sáu nhiều lắm…”. Câu nói mộc mạc và chân thành của Yên là bóng mát của tuổi thơ đã mất song còn hoài trong trí tưởng. Gió chợt lao xao nổi và sóng vỗ vào mạn xuồng như giọng cười của Yên. Sáu lẩm bẩm.
– Yên ơi… Sáu mong Yên được sống bình yên nơi cõi trời nào đó… xin giã từ…
Sáu cởi áo thả xuống nước. Chiếc áo trôi dật dờ rồi tự dưng chìm lĩm như có bàn tay ai kéo nó xuống.
Đêm hôm đó, dù thức suốt đêm để đợi, Sáu không thấy bóng Yên ngồi trên chiếc xuồng ba lá nữa. Anh nghĩ cô bạn nhỏ ngày xưa đã đi về chốn nào xa xăm lắm.
Chu Sa Lan