Trên hệ thống vô tuyến các đài Quan-sát và Radar PP – 5 chưa báo cáo gì. Có thể loạt pháo kích đầu tiên các đài Quan-sát không kịp phát hiện. Các đài Radar Phản pháo MPQ – 4 báo cáo đang tình trạng sửa chữa, không đài nào hoạt động được.
– Hoàng Trung, 16 gọi Hoàng Trung ! Báo cáo Thẩm quyền, hướng …, có nhiều ánh lửa .
– Hoàng Trung, đây 14 gọi ! Báo cáo Hoàng Trung hướng… có nhiều ánh lửa.
Bây giờ các đài Quan-sát mới phát hiện được hướng VC đặt hỏa tiễn. Tôi chạy tới Xạ bảng Quan sát, đặt thước kẻ 2 hướng từ 2 đài Quan-sát. Điểm giao nhau nằm ngay phía bắc Bình Chánh.
Đại úy Hồng ra lệnh PB Bà Hom, Hóc Môn ngừng tác xạ vào mục tiêu Phản pháo Tiên liệu để tập trung vào mục tiêu vừa được xác định trên Xạ bảng Quan sát.
– 62, 64, đây Hoàng Trung ! Ô vuông …Vị trí hỏa tiễn địch. Trung đội 10 quả. Bắn khi sẵn sàng!
Đúng như dự đoán, VC chỉ pháo kích Tân Sơn Nhất từ Hóc Môn hay Bình Chánh.
Bên TTHQ báo cáo phi trường Tân Sơn Nhất đang bị pháo dữ dội. Tôi cho Thiếu tá Mai biết đài Quan-sát đã cho biết hướng VC đặt hỏa tiễn 122mm và pháo binh đang phản pháo.
Chừng vài phút sau vị trí PB Hóc Môn, Bà Hom báo cáo “đạn đi”.
– Hoàng Trung , đây 16 báo cáo ! Hướng …có nhiều ánh lửa…!
– Hoàng Trung, 14 gọi. Hướng …
Bây giờ các đài Quan-sát tới tấp báo cáo các hướng VC phóng hỏa tiễn. Thêm các mục tiêu phản pháo mới được xác định ở Bình Chánh. Tất cả vị trí đặt pháo địch nằm về phía Tây của Sài Gòn.
Đại úy Hồng ra lệnh các Trung đội PB tác xạ vào mục tiêu mới. Lúc này bên TTHQ cho biết Tân Sơn Nhất bị pháo kích với cường độ mạnh hơn.
Thôi rồi ! Không phải pháo kích lẻ tẻ như trước, mà địch quyết tâm mở một trận pháo kích quy mô để “dứt điểm” phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi nói với Đại úy Hồng về điều này. Ông gật đầu.
Chuẩn Tướng Hỷ, Trung Tá Sinh đã có mặt trong TTPHHL nhưng thấy Pháo Binh đang phản pháo nên Tướng Hỷ bước sang TTHQ.
Tôi chạy ra ra ngoài cửa để ngó về phía phi trường Tân Sơn Nhất trong khi Đại úy Hồng ra lệnh các vị trí PB chia các khẩu ra bắn vì VC phóng hỏa tiễn từ mấy vị trí khác nhau.
Hai chiếc trực thăng đậu tại sân cờ bay mất từ lúc nào và đám thường dân cũng không còn ở đó. Hướng phi trường Tân Sơn Nhất, những tiếng ầm ì nghe không rõ vọng về nhưng trên không những chiếc máy bay được nhận ra bởi những đèn đuôi, đèn cánh chớp chớp bay tỏa ra với tiếng động cơ gầm rú nghe xa xa. Tôi nghĩ giờ này có chiếc Hắc Long AC-119 vũ trang bay lên thì có thể ngăn chặn kịp thời VC pháo kích.
Các đài Quan-sát cho vài hướng quan sát mới, các Trung đội PB lại tác xạ vào mục tiêu mới phát hiện. Chưa bao giờ VC lại pháo kích công khai, hàng loạt, tại những vị trí đặt hỏa tiễn khác nhau như lần này. Tướng Hỷ vẫn trong TTHQ, vẻ mặt ông không căng thẳng như lúc đầu nhưng lộ mệt mỏi, như chấp nhận sự việc không thể ngăn chặn địch ngưng pháo kích.
Các trung đội PB đã phản pháo hàng trăm quả vào hàng chục mục tiêu. Súng đã quay nòng biết bao nhiêu lần, mà địch vẫn không ngưng pháo.
Địch pháo dữ dội chừng 1 tiếng đồng hồ, sau đó bớt dần. Đến gần sáng đài Quan-sát chỉ phát hiện những ánh lửa khai hỏa lẻ tẻ của địch. Có vẻ như chúng đã bắn hết hỏa tiễn và nhiệm vụ của chúng đã hoàn tất (?) nhưng pháo binh vẫn phải phản pháo đến khi pháo kích chấm dứt.
Thế là xong ! Hàng trăm quả 122mm đã phóng vào Tân Sơn Nhất. Một đêm bận rộn cho cả TTHQ và TTPHHL/PB. Trời sáng, trận pháo kích thật sự kết thúc. Mọi người đều mệt mỏi. Tôi nấn ná ở lại, qua TTHQ nghe ngóng tin tức. Nghe nói một chiếc AC -119 bị rơi gần phi trường Tân Sơn Nhất…
Khoảng 3:00 trưa ngày 29, tôi đang nghỉ trưa ở nhà thì có người gọi cửa. Đó là anh bạn quen, làm việc tại ban Không Trợ BKTĐ, cho biết tình hình có vẻ khẩn cấp, máy bay trực thăng đáp trên sân thượng của mấy cao ốc gần đây bốc người đi, ở Tân Sơn Nhất có nhiều nghị sĩ, dân biểu được bốc ra hạm đội v.v… Không biết nguồn tin này anh ta lấy từ đâu nhưng cả quyết là có thật và hiện tại anh ta thấy những chiếc trực thăng kiểu rất lạ đang bay về phía Tân Sơn Nhất, nếu tôi không tin có thể lên sân trời sau nhà xem thử sẽ thấy.
Đúng như anh ta nói, trên nền trời xám u ám, mây cao, có những chiếc trực thăng rất lớn, chưa từng xuất hiện ở chiến trường Việt Nam bao giờ (Sau này được biết là trực thăng CH-53). Tít trên cao là một vài chiếc phản lực chiến đấu cánh xéo gần như hình tam giác bay hộ tống (?). Theo dõi một lúc lâu, tôi thấy tình hình có nhiều biến chuyển và cần thiết phải vào lại BKTĐ để nghe nghóng tin tức.
Gặp Trung Tá Sinh bên ngoài hành lang Bộ Tư Lệnh, tôi hỏi thăm tình hình. Ông cho biết nếu cầm cự được đêm nay thì sẽ có giải pháp, có lẽ đây là tin tức ông lập lại từ cấp có thẩm quyền cao hơn.
Tôi tự hỏi nếu không cầm cự được thì sao !? Khi đặt trường hợp “nếu” như thế này thì tình hình quá tồi tệ rồi! Tôi nghĩ là phải trở về nhà cho gia đình biết tin để anh tôi định liệu việc đem cả nhà đi bằng phương tiện Hải quân như anh tôi dự trù từ mấy ngày trước. Riêng tôi quyết định đi theo đơn vị.
Thật sự chưa bao giờ tôi cảm thấy Quân đội như là một mái nhà thứ hai như bây giờ. Nếu di tản xuống Vùng IV, các Tiểu đoàn PB khác sẽ tiếp nhận tôi như Tiểu đoàn 46PB đã tiếp nhận các Sĩ quan, Binh sĩ pháo binh của đơn vị từ Vùng I và II di tản vào, như tôi đã thấy trong lần về Tiểu đoàn lãnh lương vừa qua.
Sau khi báo tin cho gia đình, tôi sửa soạn một ít quần áo, vật dụng cá nhân cho trường hợp nếu phải di tản xuống Vùng IV, rồi trở vào BKTĐ khi trời đã sụp tối. Suốt con đường tôi đến trại Lê Văn Duyệt, nhà hai bên đường tối thui vì mất điện. Có lẽ cả Sài Gòn đều mất điện, thành phố trở nên tăm tối, trên không đám mây sà thấp rơi những hạt mưa lâm râm, thỉnh thoảng những tia chớp nhì nhằng vẽ trên nền trời kèm theo tiếng sấm nổ vang.
Đến trại Lê Văn Duyệt, trạm kiểm soát ngoài cửa tối om, toán kiểm soát mặc Poncho, áo mưa tay cầm đèn pin quét ánh đèn loang loáng kiểm soát những chiếc xe Jeep đang vào cổng. Bên trong trại tất cả mọi khu vực đều mất điện, chỉ riêng Bộ Tư lệnh BKTĐ là có đèn sáng nhờ máy phát điện riêng. Trên sân cờ có 2 chiếc trực thăng đậu im lìm ở sân đáp. Lại có trực thăng đến như đêm qua !
Vào TTPHHL tôi nhận ra có những Sĩ quan cao cấp hiện diện trong phòng. Ngoài Trung tá Sinh, còn có Chuẩn Tướng Lý Bá Hỷ, vài vị cấp Tá, đang đứng thảo luận. Gần lối vào có hai vị Chuẩn tướng đứng nói chuyện với nhau. Tôi nhận ra một vị là Chuẩn Tướng Đỗ Kiến Nhiễu do hình ảnh ông xuất hiện trên Truyền-hình và báo chí quá nhiều, vị kia dáng dong dỏng có bộ ria mép, có bảng tên THAN, tôi đoán tên ông là Thân. Sau này có nhiều vị Chuẩn Tướng tôi không biết tên, cũng không biết mặt bao giờ. Trái với Tướng Nhiễu đang cười nói vui vẻ, Tướng Hỷ có vẻ mặt đăm chiêu, hẳn nhiên ông đang chịu trách nhiệm mặt trận đối đầu với địch quân để bảo vệ Thủ đô Sài Gòn.
Căn phòng lớn kế bên TTPHHL/PB lúc trước bỏ trống, mấy ngày gần đây được sang sửa, quét vôi gấp rút, hôm nay gắn đầy bản đồ trên tường, được dùng làm Bộ Chỉ huy Hành Quân. Một dãy bàn dài kê sát nhau, các Sĩ quan cấp Tá thuộc các Phòng ngồi trực với những điện thoại, sổ sách trước mặt.
Phiên trực TTPHHL hôm nay nếu như thường lệ thì Sĩ quan Trực là Trung úy Luân và Đại úy Lộc, nhưng Đại úy Lộc không vào trực. Hạ sĩ quan Trực chỉ có Thượng sĩ Phong và Hạ sĩ Quang. Tôi vào coi như thế chỗ Đại úy Lộc. Tình hình này không còn phân chia nhau phiên trực nữa, coi như Cấm-trại 100%. Tôi hỏi qua loa tình hình từ sáng đến chiều, Luân cho biết có mấy đơn vị Pháo Binh mới được phối trí trong Sài Gòn. Đó là những đơn vị của Pháo Binh Dù, TĐ 61 PB và Pháo Binh Biệt Động Quân
Sự việc Pháo binh Biệt Động Quân tham chiến đem lại cho tôi một ấn tượng tốt đẹp : Thế là đơn vị Pháo binh BĐQ tân lập đã có mặt kịp thời trong phòng tuyến bảo vệ Sài Gòn !
Luân cho biết chỉ danh của các đơn vị này đã được ghi trên hệ thống Tác xạ. Một pháo đội của TĐ61PB đặt tại Bộ Tổng Tham Mưu, các pháo đội BĐQ đóng vị trí tại Trường-đua Phú Thọ và sân Vận Động Cộng Hòa. Pháo đội Dù cũng đóng tại đây.
Những pháo đội 105mm nằm mấy vị trí này thật thuận lợi, từ trong lòng thành phố có thể tác xạ yểm trợ sát vòng đai Sài Gòn trong trường hợp cần thiết, không bị giới hạn bởi hướng cấm bắn như các vị trí pháo binh 155mm của TĐ46PB hay PB Tiểu khu Gia Định ở vòng đai nếu bắn ngược vào những mục tiêu tiếp cận Sài Gòn. Thực tế cũng chẳng còn chỗ nào khác để phối trí pháo đội của Dù và BĐQ trong hoàn cảnh hiện nay. Hiện giờ họ có thể đang yểm trợ trực tiếp cho các đơn vị Dù và BĐQ của họ và phối hợp với PB/BKTĐ để bảo vệ phòng tuyến Sài Gòn. Phi trường Tân Sơn Nhất coi như không còn sử dụng và việc giải tỏa Không lưu cũng không còn nữa.
Chợt bên TTHQ báo cáo toán Trinh-sát phát hiện thấy có nhiều ánh đèn sáng trên Tỉnh lộ 22, trục lộ từ Sài Gòn đi Củ Chi, Tây Ninh, có thể là quân xa của địch hoặc là xe tăng T-54(?) từ Củ Chi tiến về Hóc Môn, những điểm sáng này dừng một quãng dài và được xác nhận là không có đơn vị bạn ở đó. Có lẽ Chuẩn tướng Hỷ đang đứng bàn tính với Trung tá Sinh về tin này vì sau đó Trung tá Sinh cầm bản đồ nói :
– Tác xạ vào quãng này. Lệnh của Tư Lệnh Phó.
Ông chỉ cho tôi thấy một vạch bút chì mỡ màu đỏ trên Tỉnh lộ 22. Tôi lấy bút chì mỡ gạch những chữ thập trên vạch đó để đánh dấu tọa độ mục tiêu , trình cho ông xem lại và nói sẽ cho vị trí PB ở Trường đua Phú Thọ tác xạ. Một chút sau pháo đội tại Phú Thọ báo cáo tác xạ vào mục tiêu.
Lúc này TTHQ cho biết Quan-sát viên báo cáo sau loạt đạn pháo binh thì những ánh đèn trên Tỉnh lộ 22 đã tắt ngóm. Kết cuộc cũng không xác định đoàn xe từ đâu đã dừng ở đó nhưng có thể đoán là xe tăng T-54 hay Motolova của địch đã đến cửa ngõ Sài Gòn. Đoàn xe đã tắt đèn, coi như án binh bất động. Pháo đội tại Trường đua cũng ngưng tác xạ.
Một lát sau, Luân và tôi đang theo dõi tình hình trên hệ thống vô tuyến thì Trung tá Sinh cầm bản đồ nói :
– Bây giờ cho bắn vào phi trường Tân Sơn Nhất !
Tôi sửng sốt hỏi lại. Ông giải thích :
– Lệnh của Tư Lệnh Phó ! Bây giờ phi trường Tân Sơn Nhất bỏ ngỏ, lực lượng Dù đã rút khỏi Tân Thới Hiệp.
Tôi hỏi ông có phải là bắn quấy rối, ngăn chặn địch xâm nhập ? Ông gật đầu.
Còn tiếp….
TRỊNH TRỌNG HIỆP