Chuyến đi sứ năm ấy sang Tàu có hai Chánh sứ là Giang Văn Minh và Nguyễn Duy Hiểu (do gộp 2 lần làm một, vẫn có đủ 2 chánh sứ). Khi Vua Minh là Chu Do Kiểm ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” [*], thì cả hai chánh sứ và Phó sứ là Thân Khuê cùng hội ý để đối lại là “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”. Ba người cử Giang Văn Minh cao tuổi nhất ra đáp lại vua Minh. Bọn Tàu giết cả 3 sứ thần: Giang Văn Minh, Nguyễn Duy Hiểu và Thân Khuê. Riêng Chánh sứ Giang Văn Minh bị giết bằng cách đổ dầu chàm đun sôi vào miệng cho đến chết. Rồi lấy thủy ngân gắn vào miệng. Sau đó bắt phải khiêng linh cữu úp mặt xuống để chuyển về Đại Việt.
Triều đình cử Tể tướng Nguyễn Duy Thời là cha của Nguyễn Duy Hiểu lên đón đoàn sứ bộ trở về ở cửa ải Lạng Sơn. Cha đi đón con, tưởng là đón người hóa ra là đón 3 cỗ quan tài, trong đó có quan tài con trai mình…
Ba vị sứ thần đều là Tiến sĩ, và đỗ cùng khoa Mậu Thìn (1628) trong đó Cụ Giang Văn Minh cao tuổi nhất và đỗ cao nhất.
Nguồn: Nguyễn Xuân Diện
*****
[*] “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”, nghĩa là “Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc”. Câu này có hàm ý nhắc việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” – Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong.
“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”, nghĩa là “Bạch Đằng thuở trước máu còn loang”. Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.