Nó giật nảy người bởi tiếng bát đũa vỡ loảng xoảng và tiếng khóc thút thít của mẹ. Bố nó đang mặt đỏ tía tai hùng hổ dọa dẫm quát tháo.
– Mẹ con mày không ở được thì cút đi cho khuất mắt tao!
Tiếng mẹ rền rĩ.
– Bây giờ bố mẹ tôi chết cả rồi. Anh đủ lông đủ cánh, anh có của, có nả nên ruồng rẫy mẹ con tôi thế hả. Tôi không cút. Tôi cứ ở đây chống mắt lên xem anh và con bé đó vui vẻ được bao lâu.
Nó đóng chặt cửa buồng. Lấy tay bịt thật chặt hai tai để khỏi phải nghe mớ âm thanh hỗn độn đó. Đầu nó u u như có tiếng cối xay đang chạy. Nước mắt nó rỉ ra từ hai kẽ ngón tay thuôn mềm.
Bố nó được coi là xấu xí nhất làng. Người đàn ông ấy bé loắt choắt thoạt trông như cậu thiếu niên 15, 16 tuổi. Lông mày bố xếch ngược. Chiếc cằm nhọn hoắt, lúc nào cũng vểnh ra như chiếc lưỡi cày, lún phún vài sợi râu lưa thưa, đỏ quạch như râu ngô. Những chiếc răng ố vàng vì khói thuốc lá chen chúc nhau trong khoang miệng bé tí. Mỗi lần bố cười mấy chiếc răng ấy như muốn nhảy bổ ra ngoài. Làn da sần sùi rỗ chằng rỗ chịt như tổ ong bầu. Không ít lần bố khiến trẻ con hàng xóm sợ mất mật vì ngoại hình khó coi của mình. Ông trời cũng thật công bằng khi tạo ra hình hài xấu thậm tệ nhưng lại ban cho bố cái lưỡi dẻo như kẹo kéo. Mỗi lần đứng cạnh các cô gái, cái miệng đầy răng nhổ nhể ấy tuôn ra những lời nói ngọt ngào như nước suối buổi sớm mai. Các cụ bảo: “Mật ngọt chết ruồi” cấm có sai. Và mẹ nó, người đàn bà xinh đẹp nức tiếng đã phải lòng những lời nói có cánh của bố.
Mẹ trái ngược hẳn với bố, đẹp mặn mà. Đôi mắt lúc nào cũng trong veo, sáng lấp lánh như đang cười, cặp mông căng tròn nây nẩy, bộ ngực vun cao sau chiếc áo cóm chật căng. Đôi má bắt nắng ửng hồng khiến bao chàng trai mê đắm, ước ao được dắt tay mẹ về bên bếp nhà sàn của mình. Ấy vậy mà mẹ lại yêu bố – chàng trai xấu ma chê quỷ hờn làm thuê cho gia đình mình. Mẹ như bị bỏ bùa mê, thuốc lú, bị bịt mắt, che tai bởi những lời nói như mía lùi của bố. Trong mắt mẹ lúc đó chẳng còn nhìn thấy ai ngoài bố.
Khi ông bà ngoại biết chuyện đứa con gái duy nhất, xinh đẹp nết na của mình yêu thương chàng trai làm thuê có ngoại hình xấu xí thì sốc đến không nói lên lời. Hết bà ngoại ngọt nhạt khuyên can đến ông ngoại dọa dẫm, mẹ vẫn không chịu rời bố. Có lần ông ngoại tức quá bạt cho mẹ một bạt tai đau điếng:
– Sao mày ngu dại thế con! Bao đứa con trai trong làng, ngoài bản đẹp như cây nghiến cây lim trên rừng, khỏe như trâu mộng thì mày không chọn, lại đi chọn con cú hôi ngoài đường, chọn cái thằng người không ra người, ngợm không ra ngợm đó!
Mẹ vẫn vừa khóc lóc vừa một mực van xin:
– Nhưng con yêu anh ấy! Xin bố mẹ đừng cấm cản con!
Rồi cái điều không ai mong muốn cuối cùng cùng cũng xảy ra. Bụng mẹ nó cứ lùm lùm đội áo nhô lên. Biết không thể cấm cản được con gái. Ông bà ngoại ngậm đắng, nuốt cay làm vài mâm mời anh em họ hàng. Nỗi tủi hổ khiến ông bà chẳng muốn làm rình rang dù mẹ nó là đứa con duy nhất của mình. Mẹ lặng lẽ làm vợ bố trong sự dè bửu của bà con xóm giềng, anh em bè bạn. Bố nó nghiễm nhiên trở thành đứa con rể một trong nhà. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng đi giao hàng, mẹ nó vẫn nhìn thấy những cái lắc đầu ái ngại và nghe thấy những cái chép miệng đầy tiếc nuối:
– Đúng là con công rơi vào tổ cú!
Xưởng dệt thổ cẩm nhà nó ngày càng phát triển, cộng thêm sự khéo mồm của bố mà việc làm ăn thuận lợi hơn. Hàng đi tiền về ngày một nhiều. Nhân công trong xưởng dệt luôn ra vào tấp nập. Nó ra đời trong sự yêu thương của ông bà ngoại. Ông bà vẫn thường đùa:
– Con cú lại đẻ ra con công!
Rồi mẹ nó mang thai lần hai. Cả ông bà ngoại và bố đều mong chờ đứa con thứ hai ra đời. Cuộc sống chắc sẽ êm ả trôi đi nếu như biến cố không đột ngột đến với gia đình nó. Trong một lần theo các mế đi hái rau rừng, mẹ nó sơ sẩy trượt chân ngã xuống vực. Mọi người chặt dây rừng bện thành cáng cõng mẹ lên bệnh viện. Bác sỹ rất nỗ lực nhưng chỉ cứu được mẹ. Còn em nó – cái bào thai vừa tròn 6 tháng tuổi đã vĩnh viễn rời xa mẹ. Tỉnh lại trong bệnh viện, bàn tay vô tình chạm vào cái bụng rỗng không, xẹp lép khiến mẹ nó hoảng loạn gào thét. Cành cây nhọn găm vào dạ con khiến mẹ nó vĩnh viễn không thể sinh nở. Cú sốc làm mẹ ngã quỵ. Người cứ héo hon dần. Ông bà ngoại đi khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc cho con nhưng tất cả vẫn vô hiệu. Bà vật vờ như cái xác không hồn. Người càng ngày càng khô quắt lại như nhánh cây chết rét.
Từ ngày đó, cái miệng ngọt như mía lùi của bố nó bớt nói, bớt cười. Đôi môi lúc nào cũng mím chặt. Những chuyến bố đi giao hàng ngày một dày, một dài hơn. Ngày ngày kèm cặp, gần gũi đám thợ dệt toàn nữ trong nhà khiến cái tính đa tình của bố nó lại được dịp bùng lên. Những cái động chạm cố tình, những lời ỡm ờ nửa đùa nửa thật của bố khiến các cô thợ dệt đỏ mặt. Nhà nó bắt đầu lục đục. Mẹ không còn tin tưởng bố như xưa. Bố đi đâu mẹ cũng đi theo, kèm như kèm kem, ấy thế mà bố vẫn qua lại được với một vài cô người làm trong nhà. Những cuộc cãi vã giữa hai người bắt đầu mau hơn. Lúc đầu bố còn dè dặt, sau ngang nhiên quát vào mặt mẹ:
– Cô là người đàn bà vô dụng! Mỗi cái việc đẻ thêm con mà cũng không làm được còn khóc lóc cái gì!
– Suốt ngày nhìn cái mặt ủ ê của cô tôi phát chán!
Mẹ khóc. Nó khóc. Ông bà ngoại khóc bất lực trước thằng con rể bất nghĩa. Hai ông bà già chỉ biết trách đứa con gái mê muội, xót thương cho đứa cháu tội nghiệp. Bà ngoại phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì buồn phiền chuyện của con gái mà lặng lẽ bỏ lại mẹ con nó về với tổ tiên và một ngày đông giá buốt. Ông ngoại cũng héo hon dần. Những ngày cuối cùng của ông ngoại, bố nó không có nhà. Bố còn mải theo những chuyến hàng vào Nam. Mẹ nó khóc như mưa phủ phục bên ông:
– Bố ơi con sai rồi!
Ông ngoại đưa bàn tay run rẩy vuốt tóc mẹ, vuốt những giọt nước mắt nhạt nhòa trên khuôn mặt mẹ.
– Khổ quá thì buông tay mà làm lại cuộc đời con ạ!
Ông thở hổn hển. Bàn tay run rẩy lần dưới gối rút ra một chiếc hộp nhỏ đưa cho mẹ.
– Đây là phần còn lại bố mẹ dành dụm cho con. Phòng khi con sa cơ, nhỡ bước. Con cất kỹ biết đâu sau này còn có việc dùng đến.
Ông vẫn còn muốn nói nhiều hơn nữa với mẹ con nó, nhưng sức cùng lực kiệt khiến miệng ông không thể cất thành lời. Rồi ông ngoại xuôi tay mà mắt vẫn mở trân trân. Có lẽ đến tận lúc chết ông vẫn không an lòng về đứa con duy nhất và đứa cháu gái còn quá bé bỏng.
Sau đám tang ông ngoại, bố nó – người đàn ông duy nhất trong nhà như sư tử mọc thêm cánh. Bố không còn gì phải khép nép sợ sệt, ngày càng đối xử tệ bạc với mẹ con nó.
Một chiều, bố dẫn về một cô gái trẻ tên Loan rồi nói với mẹ:
– Đây là cháu họ tôi ở dưới quê lên. Bố mẹ nó nhờ đưa lên đây học việc.
Mẹ không nghi ngờ gì bởi Loan còn rất trẻ, chỉ nhỉnh hơn nó vài tuổi. Nhưng cứ mỗi lần bố đi giao hàng là cô gái đó lại đòi theo. Một lần mẹ đi làm về, bất chợt bắt gặp cô ta và bố nó đang âu yếm nhau trên chính chiếc giường của mình. Đất dưới chân mẹ như sụp xuống. Bà nhào vào cào cấu Loan, gào khóc ỏm tỏi. Bố lạnh lùng đẩy mẹ ngã lăn ra đất, quát lớn:
– Cô im ngay! Không đẻ được nữa thì chấp nhận tôi lấy thêm vợ, đẻ thêm con! Cái loại đàn bà vô dụng!
Mẹ nó sững sờ rồi đổ gục xuống bên cạnh chân bố và người đàn bà trẻ đang giương giương tự đắc. Nhà nó ngày càng rối như canh hẹ. Cuộc chiến giữa hai người đàn bà không có hồi kết. Tối tối, tiếng cãi cọ, tiếng khóc ỷ ôi của mẹ, tiếng quát nạt của bố, giọng nói mỉa mai và khuôn mặt lúc nào cũng vênh lên của người vợ bé như mũi dùi khoan vào đầu nó. Nhiều lần nó muốn trốn chạy. Nó bịt tai, nhét bông vào tai để khỏi nghe thấy những ân thanh nhức nhối đó. Có lúc không chịu được nó bảo mẹ:
– Buông tay thôi mẹ. Tiếc gì con người bội bạc như bố!
Nhưng mẹ nó không cam tâm buông bỏ người đàn ông mình đã cãi cha, cãi mẹ lấy cho bằng được.
Hôm nay, cũng như mọi lần khác cuộc chiến giữa hai người đàn bà lại nổ ra. Lời qua tiếng lại ngày càng gay gắt. Hai người đàn bà chung chồng như hai con mãnh hổ say máu nhảy bổ vào nhau. Người giật tóc, người kéo tai, cào mặt, xé áo quần nhau đến rách bướp. Nó lặng lẽ ngồi bên cửa voóng, không can ngăn cũng không chảy một giọt nước mắt. Nó quyết định rồi. Nó sẽ rời xa ngôi nhà với tiếng cãi vã suốt ngày đêm này. Chỉ cần nó bước một bước thôi. Chiếc dây bằng vải lấp lóa trước mắt nó. Dưới sân hai người đàn bà vẫn lăn vào nhau. Tiếng chửi rủa, mạt sát hòa vào tiếng xé quần áo thành một mớ âm thanh hỗn độn. Sợi dây vải vòng tròn vẫn lấp lóa trước mắt nó. Nó bước thêm một bước, đưa tay với lấy sợi dây lòng thòng, trắng trắng, mờ ảo trước mặt, rồi khẽ thả mình rơi xuống. Nó thấy khó thở. Nó cố vùng vẫy. Rồi nó thấy mình như bồng bềnh bay trên đám mây trắng xốp. Tiếng la hét, tiếng chửi rủa xa dần, xa dần…
Nó từ từ mở mắt. Trước mặt là bốn bức tường trắng toát. Cuối giường, mẹ nó nằm gục đầu mệt mỏi. Chao ôi! Chỉ sau một đêm mà mẹ nó tàn tạ đến thảm hại! Mái tóc bà bù xù phơ phất những sợi bạc. Hai hốc mắt thâm quầng. Nỗi xót thương chợt trào lên trong lòng nó. Bao câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu: “Nếu nó chết mẹ nó sẽ ra sao? Ai sẽ là người bênh vực, nâng giấc mẹ nó lúc ốm đau bệnh tật, lúc trái gió trở trời? Ai sẽ là người bên mẹ nó trong những đêm đông dài vò võ?” Nó nhìn mẹ đăm đăm, quơ tay vén mấy sợi tóc vương loà xòa trên gương mặt mẹ. Mẹ nó hốt hoảng bừng tỉnh:
– Con tỉnh rồi à?
Bàn tay gầy guộc của mẹ run run giữ chặt lấy bàn tay thuôn mềm của nó như sợ rằng nếu buông ra nó sẽ tan biến vào trong không khí.
– Con không sao là may mắn rồi! Còn người là còn tất cả con gái ạ.
Nó cầm bàn tay gầy xanh của mẹ áp vào mặt mình, thì thào:
– Mẹ con mình rời khỏi nơi này mẹ nhé!
Sáng sớm, hai mẹ con nó bước ra khỏi căn nhà thân thuộc mà nó gắn bó suốt thời ấu thơ nhưng đã để lại quá nhiều kỷ niệm buồn đau. Mặt trời vừa nhú lên. Những tia nắng nhàn nhạt hắt vào hai chiếc bóng nghiêng nghiêng đang đứng lặng lẽ bên hai nấm mộ lẻ loi bên đồi. Ngọn gió mảnh mai như đang thì thầm, trò chuyện cùng mẹ con nó. Hai hàng nước mắt từ từ lăn dài trên khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ của mẹ. Bà từ từ quỳ xuống, thì thầm:
– Xin bố mẹ hãy tha lỗi cho con! Nơi trời xanh mây trắng bố mẹ có linh thiêng xin hãy phù hộ cho con và cháu chân cứng đá mềm.
Mẹ lồng tay nó vào trong tay mình rồi dứt khoát bước về phía con đường lớn. Phía trước, mặt trời bắt đầu tỏa ra những tia nắng hồng rực rỡ. Vài đám mây trắng xốp la đà bay trên nền trời xanh thẳm.
Thấm thoắt, hai mẹ con nó đã gắn bó với vùng đất mới quanh năm chan hòa ánh nắng này hơn 5 năm. Nó giờ đã là cô gái 18 tuổi xinh xắn đáng yêu. Khu vườn quanh ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con lúc nào cũng rộn ràng tiếng chim lích rích trên cành. Nơi quê mới không có mùa đông và những ngày núi âm u phủ mờ sương muối. Mẹ trở lại nghề cũ, mở một xưởng dệt nhỏ. Nhờ khéo léo và sự tử tế của mẹ, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến mua sản phẩm của hai mẹ con. Mảnh đất phương Nam ấm áp và những người bạn mới tốt bụng, cởi mở xoa dịu những vết thương nham nhở trong lòng, khiến nó dần quên đi những đớn đau của hai mẹ con. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi. Nhưng có lẽ điều nó ám ảnh nhất là những chiều nắng vàng như mật, sau khi mọi công việc hoàn thành, mẹ nó hay ngồi cạnh cửa sổ nhìn về phương trời xa xôi. Nó biết trong lòng mẹ nó nỗi đau chưa bao giờ liền sẹo. Trong trái tim nhỏ bé của mẹ chứa cả tình yêu và nỗi đau đớn căm hận đối với bố nó, người đàn ông bội bạc, vô tình, vô nghĩa. Nhiều lần nó nói với mẹ:
– Con lớn rồi, sau này con đi học, đi làm xa. Mẹ nên tìm người bầu bạn cho đỡ buồn.
Những lúc như vậy mẹ chỉ lặng im, không trả lời. Tình yêu lạ thế! Trải qua bao đớn đau hờn tủi mà mẹ nó vẫn ôm mãi mối tình đầu với bố. Mắt không còn nhìn đến bất cứ người đàn ông nào ngoài bố.
Một chiều, mẹ nhận một chuyến sợi vải từ ngoài Bắc chuyển vào. Người đàn bà trên xe bước xuống làm mẹ nó sững sờ. Hai người đàn bà ôm chặt lấy nhau, nghẹn ngào trong nước mắt. Hóa ra đó là người chị họ xa của mẹ
– Mẹ con mày đi đâu mất dạng mấy năm trời. Người làng cứ nghĩ mẹ con mày dại dột ở đâu rồi chứ!
Nắng vàng rực rỡ hắt lên chiếc bóng đổ dài của hai người đàn bà. Trời trở gió thổi ràn rạt trên tán cây. Mẹ nó ngồi lặng im nghe người chị họ kế về bố nó. Sau khi hai mẹ con bỏ đi cũng là lúc người vợ lẽ của bố trở mặt. Cô ta lừa bố gom góp tất cả tài sản có giá trị cất giấu cho riêng mình. Bố có chết cũng không thể ngờ rằng mình bị một đứa trẻ ranh lừa. Khi tất cả tài sản vào tay vợ lẽ cũng là lúc bố phát hiện ra bí mật khủng khiếp. Đứa con trai mà bố nhất mực yêu thương trong suốt mấy năm trời rút cục lại là con người khác. Cú sốc tinh thần quá lớn khiến bố ốm liệt giường. Khi bố đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe lại phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối, hậu quả của những tháng ngày đốt thuốc lá như bễ lò rèn. Cú sốc khiến bố không thể gượng dậy được. Cơ thể ốm yếu ngày càng teo tóp. Mẹ kế dắt theo đứa con trai cùng khối tài sản của bố bỏ đi biệt tích cùng người đàn ông cô ta yêu, để lại bố nó sống lay lắt trong ngôi nhà ẩm mốc.
Rất nhiều ngày sau cuộc gặp mặt người chị họ, nó thấy mẹ lặng lẽ ngồi trên bậu cửa nhìn về phương trời xa xăm. Một sáng mẹ gọi nó vào phòng rồi nhẹ nhàng nói:
– Dù có thế nào thì bố vẫn là bố của con. Mẹ con mình thu xếp về thăm bố một chuyến con ạ.
Nó giãy nảy lên phản đối nhưng cũng không thể thay đổi được quyết định của mẹ.
Một sáng đầu xuân ấm áp, mẹ con nó trở về ngôi nhà đã từng lưu giữ bao kỷ niệm buồn đau. Thật khó để nhận ra nơi đây từng là xưởng dệt nổi tiếng một thời. Ngôi nhà tối tăm, u uẩn nằm lọt thỏm trong um tùm cây lá. Lá khô xếp từng lượt dày trên khoảng sân nhỏ. Những sợi cỏ gà xanh mướt mọc tràn cả vào mép sân. Chỉ có cây bưởi già bà trồng năm nào là vẫn lặng lẽ tỏa hương dìu dịu. Bố nằm trên chiếc giường nhỏ. Người tong teo như con nhái bén. Xung quanh xộc lên mùi ẩm mốc lưu cữu. Khuôn mặt đờ đẫn của bố cứ dúi mãi vào chiếc chăn bông hôi hám khi nhìn thấy mẹ con nó đột ngột xuất hiện.
Mẹ lặng lẽ chăm bố không một lời phàn nàn, oán trách. Bố đón nhận sự chăm sóc của mẹ trong sự ăn năn, hối lỗi. Khi bố nhận ra người luôn trân trọng mình thì đã quá muộn màng.
Bố nó rời bỏ cõi trần vào ngày đầu hạ. Đám tang bố lặng lẽ không có tiếng khóc than thê lương. Mẹ cúi đầu lầm rầm trò chuyện cùng bố lần cuối rồi đắp thêm lên ngôi mộ ông vài nắm đất. Trong đôi mắt mẹ, không còn nỗi buồn u uẩn. Nó biết mẹ đã tha thứ cho mọi lỗi lầm của bố để ông an tâm về thế giới bên kia. Hai mẹ con rời nghĩa trang của làng khi ánh dương rực rỡ bắt đầu rải những tia nắng ấm áp xuống cây cỏ. Mẹ nắm tay nó bước về hướng mặt trời. Nơi đó có những người láng giềng hiền lành, chăm chỉ lúc nào cũng sắn sàng dang tay giúp đỡ mẹ con nó, có ngôi nhà luôn ăm ắp tiếng cười đùa của bạn bè nó.
Hồng Vân (B.T.H.V)