TUYỂN TẬP PHAN NHẬT NAM

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Phan Nhật Nam và những chấn thương không chảy máu

Người Lính Miền Nam và Lá Cờ Vàng

Dẫn Nhập: Chúng tôi tường trình cùng các Chiến Hữu, những Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn sống hay đã chết. Quả thật chúng ta đã sống qua một cuộc chiến tranh dài hơn trí nhớ và chết theo lịch sử khắc nghiệt mà kẻ đoạt thắng cộng sản đã manh tâm xuyên tạc, biến dạng bởi mục tiêu tuyên truyền, bằng bạo lực chính trị sau lần thắng trận quân sự chung cuộc, 1975. Nhưng cuộc thất trận Ngày 30 Tháng Tư Năm 1975 không do lỗi chúng ta-Những Người Lính chiến đấu trong quân ngũ VNCH nói chung, và tập thể Sĩ Quan, Tướng Lãnh xuất thân từ các Trường Quân Sự nơi Miền Nam trước 1975. Bởi lịch sử chiến tranh trên đất Việt, toàn cõi Đông Dương từ hậu bán Thế Kỷ 20, cụ thể giai đoạn cuộc chiến do nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bắc vĩ tuyến 17 khởi động với tổ chức cộng sản giả danh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (1960-1976) đã chứng minh. Thế nên, hôm nay, tự xét phải có bổn phận minh chứng về những Người Lính Không Hề Chết mà hơn 40 năm sau 1975, hình ảnh Người Lính QLVNCH vẫn lưu giữ như một chứng tích bất diệt – Chứng tích về sức chiến đấu của một dân tộc không chấp nhận chế độ, chủ nghĩa cộng sản – Cuộc chiến đấu đã giúp thế giới được phần yên lành trong suốt cuộc Chiến Tranh Lạnh (1960-1990). Máu xương đổ xuống nơi chiến trường Việt Nam đã hóa giải được nguồn xung đột giữa hai phe đối cực Dân Chủ Âu Mỹ-Cộng Sản Nga-Hoa, luôn chực bùng nổ sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, 1945. Cuộc chiến đấu đã thiết lập, hoàn thành nên một thực thể chính trị-xã hội-lịch sử không thể phủ nhận: Việt Nam Cộng Hòa với biểu tượng bất diệt của Tổ Quốc Việt Nam: Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.

Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng chung của tất cả các Dân Tộc nơi Phương Nam dựng công nghiệp chiến đấu kiên cường trong suốt lịch sử khắc nghiệt qua nhiều thế kỷ. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biễu tượng thuần thành, chính thống của đội quân Nhân Nghĩa Bảo Quốc-An Dân.

Cờ đã dựng lên uy nghi suốt giải quê hương từ Ải Nam Quan, miền núi cực bắc Đồng Đăng, Cao Bằng, Lạng Sơn, đến Mũi Cà Mâu, vùng đầm lầy Quản Long, An Xuyên, cuối nguồn Cửu Long, Sông Cái. Dẫu hôm nay Lá Cờ linh thiêng nầy đã mất đi quyền hiện diện chính trị trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng Cờ vẫn vĩnh hằng tồn tại nơi trái tim và hơi thở của mỗi người Việt Nam. Mỗi Người Lính.  Cờ bay không ngừng như máu chảy tự thân.

Lá Cờ Vàng – Tổ Quốc Việt Nam là Một.

 Cờ Vàng không là đại diện giới hạn của riêng những chế độ cầm quyền, Quốc Gia Việt Nam hay hai nền Cộng Hòa nơi Miền Nam. Bởi, Cờ Vàng tiếp chuyển giòng đấu tranh xuyên suốt lịch sử từ lần vị quốc vong thân sáng ngời trung liệt của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Liệt Sĩ Vàm Láng, Gò Công Trương Công Định; với chiến công vang động giòng Vàm Cỏ, Long An của Nguyễn Trung Trực: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần”.. cho đến lần Cờ lên cao Kỳ Đài Cố Đô Huế, sáng Mùa Xuân Mậu Thân, 24 tháng Hai, 1968.. khi vạn quân dân xứ Huế đồng bật khóc. Cờ uy nghi hùng vĩ được Người Lính Cộng Hòa dựng trên Cổ Thành Quảng Trị đang nghi ngút hơi khói đạn bom.. Để nên thành biểu tượng bất diệt như câu hát đã một lần vang động núi sông..Cờ bay!Cờ bay!Trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu!

Từ những chứng cớ oanh liệt kể trên, Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ quả đã thấm đủ lượng Máu Trung Liệt của Tiền Nhân. Vô lượng Hy Sinh của Mỗi Người Lính Cộng Hòa. Tường Trình sau đây có nhiệm vụ xác chứng phần góp máu xương lẫm liệt bi tráng nầy, nếu không sẽ là một mối tội đối với bao thế hệ Người Lính Quân Đội Quốc Gia Việt Nam – Việt Nam Cộng Hòa. 

Cũng cần nhắc tới điễn hình cao thượng về Lòng Hy Sinh/Xã Thân Báo Quốc không hề được nói nên lời mà lịch sử đấu tranh Đông-Tây kim cổ hằng chứng minh: Đấy là chưa hề và không hề có một quân đội, một lực lượng quân sự nào có hàng Tướng Lãnh Tư Lệnh, Chỉ Huy Trưởng Đơn Vị Chiến Đấu hy sinh nơi trận tiền bằng một phần nhỏ số lượng của những người chỉ huy binh đội cộng hòa trên quê hương miền Nam, kể cả đối phương cộng sản miền Bắc hằng tự xưng tụng với đoạt thắng 1975  Và cuối cùng: Không hề có tập thể Tướng Lãnh/Sĩ Quan/Binh Sĩ của quốc gia nào đã thực hiện cuộc quyết tử cùng lần đất nước rơi vào tay kẻ nghịch. Kể cả hai quân đội kiệt liệt Nhật và Đức sau lần thất trận 1945. Không hề có trước đây. Cũng không thể có sau nầy.

#1- Người Lính Không Hề Chết,

 Ông “Robert Lửa”

Chúng tôi bắt đầu cùng các chiến hữu, những người còn sống hay đã chết. Quả thật chúng ta đã sống qua một cuộc chiến tranh dài hơn trí nhớ và chết trong tận cùng lãng quên.  Nhưng cuộc thất trận Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không ở lỗi những người lính chiến đấu trong quân ngũ QLVNCH. Bởi sự chuẩn bị cho cuộc thất trận ấy đã có từ trước.  Trước bao xa và từ nơi nào?  Mười chín năm sau ngày gãy súng, xé c đau đớn ấy chúng ta có th nói không sợ sai lầm rằng, sự chuẩn bị hiểm độc ấy không do bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, không nằm trong dinh Độc Lập, cũng không từ ngoài Hà Nội… (dẫu rằng đây là một yếu tố quyết định nên thắng lợi của họ và sự tiêu vong của Miền Nam). Nói như thế chắc sẽ không làm người cộng sản bằng lòng ở vào thời điểm mấy năm trước đây, nhưng vụ bỏ cấm vận năm 1995 hẳn đã cho người CS ở Hà Nội hiểu rõ thế nào là giá trị của cái gọi là “thắng lợi vẻ vang”.  Nhưng đây là vấn đề của họ với phán xét tất yếu của quốc dân và lịch sử.  Chỉ biết, Miền Nam đã mất những chiến hữu với phẩm chất rất cao cả, những ngườii chỉ huy đáng phần kiêu hãnh, những đơn vị không hề thua sút so với bất cứ quân đội nào trên thế giới.  Nhưng quả thật Miền Nam đã bị thua cuộc.  Không chỉ một trận đánh mà nguyên cuộc chiến tranh.  Dân tộc Việt đồng thi cũng bị đánh vỡ trong giòng sống cuồng nộ ác độc của buổi hạ ngươn điêu tàn toàn trần thế.Chúng ta, những người lính tiền phong của dân tộc bi tráng đó bị đánh gục trước hết.  Bốn-bảy năm sau vẫn hằng mới vết thương.

 Hai trăm Tân Khóa Sinh Khóa 18 đứng im như một khối gỗ không kẽ hở, đám sinh viên sĩ quan cán bộ y phục vàng, găng tay trắng bao quanh, những con mắt đứng tròng dưới vành mũ nhựa sơn bóng dò chừng nét mặt từng người, như muốn bóc dỡ mỗi ý nghĩ ngỗn ngang đang náo loạn trong những chiếc đầu bị tê liệt vì khiếp sợ. Họ đang chờ một điều nguy biến chắc xẩy đến.  Đang xẩy đến. Điều khủng khiếp kia có hình khối tầm thước, hơi gầy, bước đi nhanh, nhưng mang nét cứng cỏi của thân cây tùng trên sườn núi đá.  Anh bước lên bục gỗ. Nghiêm!  iếng hô, không, phải gọi là tiếng hét của một bậc đại võ sư truớc khi ra đòn tàn sát. Thanh âm dội lại từ bốn dãy nhà gạch đỏ, lướt trên bãi cỏ xanh, theo hơi gió tản ra cùng đồi núi… “Trước khi thi hành lệnh phạt, các anh cần phải biết một điều để sau nầy khỏi oán hận… “Tôi, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Tân Khóa Sinh có quyền phạt hành xác, phải thi hành lệnh phạt đến với khóa đàn em để tẩy rửa, gột cho sạch tất cả những dấu vết còn lại của đời sống dân chính.  Mà giờ nầy, nếu người nào trong các anh còn thấy luyến tiếc, muốn trở về…  Hãy đưa tay lên!” Anh lướt nhìn một vòng chậm rãi… Nhãn quan con hổ đâm sâu từng khuôn mặt nhợt nhạt bối rối.  Vẫn im lặng, khối người chìm ngập vào vũng lầy bất động… Tiểu Đoàn Tân Khóa Sinh theo lệnh tôi… Thao diễn… Nghỉ !… Nghiêm!… Rập… rập… Bốn trăm đế giày, những nắm tay cùng cử động theo một nhịp ngắn gọn như thể chỉ là bộ phận thuần nhất của một cơ quan. “Súng cầm tay… Bắt!” Rốp!  Hai trăm bàn tay đập lên miếng gỗ che nòng súng một lần – Tiếng khô vỡ dứt khoát. “Hướng về đồi Bắc… Trước chạy đều… Bước!”  Hai trăm con người, hai trăm chiếc nón sắt ùn ùn chuyển động. Hàng ba-lô dồn dập, ầm ầm cuốn tới… Một…hai…ba.. những hình người dần ngã. Xe cứu thương hú còi chạy tới tấp. Từ đầu đoàn quân, anh chạy ngược dọc theo đám ngưòi thọ nạn… “Anh nào muốn xỉu chạy ra khỏi hàng!” Khi đến chân đồi Bắc, đám tân khóa sinh đã là những cọng miến nhúng nước bị bẻ gập.

Hơn mười năm sau, một trong đám người “bất hạnh” của ngày trước đang trong cơn say, mắt y mờ đục và chiếc miệng bắt đầu chề ra, méo lại. Bỗng hắn ta đứng bật dậy, vội vã cho vạt áo vào quần… lắp bắp.. “Chào…chào.. niên trưởng”. Gã say rượu chào thật nghiêm chỉnh, đúng cơ bản thao diễn đã học từ một ngày mười ba năm trước. Nay hắn ta cũng đã là một tiểu đoàn phó nhảy dù lừng lẫy. Anh cười gằn… “Chào gì… cho “thiếu tá” nghỉ.” Anh nhìn gã say chằm chặp… Gã chột dạ.. “Không biết “ông” ấy có rầy mình không?” Lẽ tất nhiên, nỗi sợ nầy có tác động của men rượu, nhưng quả tình ngày “tân khóa sinh” khủng khiếp của năm 1961 kia chắc đã làm cho hơi rượu tan đi phần lớn.

Anh thuộc Khóa 16 Võ Bị Đà Lạt, khóa đầu tiên huấn luyện theo chương trình bốn năm của Trường Võ Bị Westpoint, Hoa kỳ. Lẽ tất nhiên chương trình có phần lớn thay đổi để phù hợp với tình hình, điều kiện chính trị, xã hội, quân sự một nước chậm tiến, vừa thoát khỏi ách ngoại thuộc, đang phải chuẩn bị chống trả cuộc chiến tranh lật đổ tinh vi, ma độc. Đây cũng là khóa sĩ quan được chuẩn bị kỹ, tốt nhất của 31 khóa sĩ quan hiện dịch từ ngày trường thành lập, 1951 đến ngày tàn cuộc 1975.  Sự chuẩn bị tốt đã đưa lại kết quả  đáng tự hào, những sĩ quan tốt nghiệp Khóa 16 trong mười ba năm có mặt ở chiến trưng đã dựng nên những kỳ tích lẫy lừng… Nguyễn Văn Huy ở Biệt Động Quân, Đại Tá Thông, trung đoàn trưỏng xuất sắc nhất của Sư Đoàn 22 Bộ Binh, lực lượng chính trấn giữ Cao Nguyên và vùng duyên hải; Bùi Quyền, Lê Minh Ngọc, Phạm Kim Bằng, Trần Đăng Khôi,  những tiểu đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng nhảy dù không hề thua sút khi phối hợp với những sĩ quan đồng cấp bậc, chức vụ của những đại đơn vị quân lực Mỹ. Khóa 16 đi đủ các binh, quân chủng, nên hải quân có Thu, Long; không quân Tâm, Khôi…  Tất cả sĩ quan của khóa nầy hình như được thôi thúc từ một lực thi đua thầm kín, khắp các đơn vị, ở những nhiệm vụ khác nhau, ở đâu người ta cũng nghe được những điều ngợi khen nễ phục.  Và binh chủng hàng đầu, đơn vị trụ cột của quân lực miền Nam, sư đoàn thủy quân lục chiến, những sĩ quan Khóa 16 Trần Văn Hiể, Nguyễn Kim Để, Nguyễn Văn Sắc, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Đằng Tống, Trần Ngọc Toàn, Đỗ Hữu Tùng… từ một thỏa thuận “ngầm” nào đó (kết ước bởi tình huynh đệ, bằng hữu) do anh điều động đã tạo nên một huyền thoại có thật- Những tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã là những đơn vị không hề thua trận. Những tiểu đoàn nầy có một thời kỳ chỉ do “băng” Khóa 16 chỉ huy.  Thật ra đây là cách nói quá độ để tuyên dương khóa 16 nầy, vì ở đấy còn có những “tay” cự phách – Sinh đi lính, sống nhậu không tỉnh!!  cỡ như Phán, Bình, Hòa xuất thân từ Thủ Đức, hoặc những nguời khóa sau như Hợp khóa 19, Nghiêm, Liễn khóa 20, Bổn khóa 21…  Nhưng dù xuất thân Thủ Đức hay Đà Lạt, những sĩ quan trẻ ở các tiểu đoàn chiến đấu thủy quân lục chiến đều một lòng đồng ý tôn vinh – Ông ấy, ông Robert “Lửa” Nguyễn Xuân Phúc là một sĩ quan ngoại hạng. Người chỉ huy kiệt xuất. Đau đớn thay, anh không hề thua trận, nhưng đã chết cùng chiến trận chống giữ miền Nam. Lợi “râu”, một trong những đại úy trẻ nhất quân lực miền Nam tính đến Thãng, 1975, đại đội trưởng tiểu đoàn 8 TQLC hằng đêm nằm ở trại giam Lam Sơn Thanh Hóa cứ mãi ngậm ngùi… “Miền Nam mình mà có độ vài ông như anh Phúc thì đâu đã mất nước dễ như thế… Chúa phạt mình thôi!!” Anh chết ở  một nơi nào đó trên quê hương, em anh, Nguyễn Phú Thọ, cũng cùng khoá 16, trung đoàn trưởng lừng danh của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, đơn vị trấn giữ vùng địa đầu cực bắc đất nước, đơn vị tái chiếm Huế trong mùa xuân Mậu Thân, đơn vị treo ngọn cờ vàng lên Bastogne, cứ điểm quân sự tây-nam Thừa Thiên mùa hè 1972, nơi mà bộ binh, thủy quân lục chiến Mỹ đã một lần chiếm giữ và (phải) bỏ đi bởi áp lực địch quá nặng…) phải nát thân với mưi năm tù nơi núi rừng đất Bắc, chỉ trở về được với đi sống, với gia đình sau lần vượt ngục tưởng như chỉ có trong các chuyện trinh thám, võ hiệp giả tưởng.  Và nỗi đau lớn của gia đình, mối tiếc thương của bằng hữu, đến hôm nay vẫn luôn mới, kết thực với tên anh – Người vắng mặt luôn hằng sống – Nguyễn Xuân Phúc.

Anh trình diện đơn vị, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân tại Cà Mâu vào một ngày cuối năm 1962, giữ chức vụ đại đội phó cho Trung Úy Bảo (sau nầy là Đại Tá Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn TQLC). Với khả năng, bản lĩnh chỉ huy thiên phú, anh nhanh chóng chiếm lòng tin của người chỉ huy, cùng toàn thể đại đội. Điều nầy không lạ, tiểu đoàn sinh viên sĩ quan (gồm bạn đồng khoá và người ngang độ tuổi) dưới quyền chỉ huy cuả anh đã thành đơn vị mẫu mực với tính tổ chức, nguyên tắc cao. Cũng đúng ra anh đã có được vinh dự trở nên thủ khoa đầu tiên của chương trình võ bị (với điểm văn hóa, quân sự ưu hạng), nhưng bởi thiếu một ngoại hình cần thiết cho vai trò người thủ khoa (ở vị trí hành lễ), hoặc vì một lý do “chính trị” nào đó, anh nhường vinh dự kia cho bạn.. Anh nói đùa nhưng rất thật: “Có hề gì, đi lính đánh giặc đâu cần phải mặc đại lễ, bắn cung tên…  Được làm thủ khoa cũng vui, không thì thôi”.

Thiếu úy trẻ tuổi tập họp đơn vị trình diện đại đội trưởng với những cung cách cần thiết đủ để giữ quân phong quân kỹ. Nhằm nhò gì những điều lẻ tẻ, nay mai nhảy trực thăng mới biết đá vàng. Chưa hề một lần anh có chút “mặc cảm” do vóc dáng gầy, nhỏ của mình. Thật ra chính nó đưa anh cao lên. Anh xử dụng câu nói của Napoléon một cách chính xác: “Tiên sư, các anh chỉ “dài” hơn tôi thôi, sức mấy các anh cao hơn tôi được” Và anh dẫn chứng thêm với luận cứ: “Cứ xem Napoléon, Hiler, Stalin… và bên Tàu Án Anh, Đặng Tiểu Bình, phe ta có Ngô Quang Trưởng… Đâu cần đẹp trai cao lớn mới đáng mặt lên tướng, làm lãnh tụ. Đẹp trai thì đi làm kép hát thôi, bự con, nếu còn bé thì đi thi trẻ em đẹp, lớn lên cỡi trần, gồng bắp thịt cho người ta chụp hình!!”  Anh thường nói thế với cái nhìn tóe lửa. Bạn bè nào đã cãi lại cùng anh. Và quả tình khi những giòng chữ nầy được viết thì anh đã vượt đi rất cao rất xa.  Không mấy ai đủ sức một lần theo kịp.

Trời cuối năm, đêm tỉnh lẻ mù mù sương lạnh. Từ chỗ đóng quân, nhà máy xay gạo bên cạnh cầu Sắt, đường đi Năm Căn, anh rủ Phán, thiếu úy Khóa 9 Thủ Đức, tay xung kích lợi hại của đơn vị… Đi chơi mầy. Đi đâu?…. Thì nhắm chỗ nào có đèn mà đi, phía sáng sáng đó. Đồng ý! Phán chịu ngay đề nghị. Hai anh thiếu úy lần bóng tối, bước thấp bưóc cao tiến về phố chợ, nơi đèn vàng hắt bóng lên trời nhá nhem tối. Muỗi bay lềnh như đám bụi theo gió thổi qua. Hai giờ khuya, hai bóng đen chập choạng nuơng nhau về…  Thế nhưng cũng đến cầu Sắt bình yên. Toán lính địa phương quân gác cầu đang mở  máy thâu thanh giọng óng ả, đong đưa bài hát “…vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu...”.  Hai anh thiếu úy đứng ở thành cầu nhìn xuống giòng sông đen bóng tối… Sao mầy?!  Chẳng biết ai hỏi ai. Mình xuống tắm cho mát!! Và…ầm…ầ..m… Hai bóng người cùng rụng xuống cầu trong đêm đen. Hơn hẳn Lý Bạch, vì không cần ngại đến một vầng trăng. Đám lính gác cầu nỗ súng, đạn vạch đưng đỏ bắn lên khoảng không vun vút, tiếng la ầm ĩ… Có người tự tử!! Có người tự tử!!  Hai anh thiếu úy ngữa mặt lên trời lội vào bờ cười vang.

Quận Đầm Dơi mất vào đêm của ngày hôm sau. Tiểu Đoàn 2 nhảy xuống tiếp viện. Bốn đại đội, gồm ba đại đội tác chiến, một đại đội chỉ huy vừa rời khỏi trực thăng bị đàn áp ngay bởi một giàn lưới đạn đan kín. Việt cộng tập trung hai tiể đoàn chủ lực, U Minh và Cửu Long, dồn hết hỏa lực cơ hữu, tăng cường vũ khí nặng của Khu 9 (vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tổ chức của cộng sản) quyết diệt gọn thủy quân lục chiến. Đối phương có đủ tất cả ưu thế, quân số đông, hỏa lực mạnh và chuẩn bị chiến trưng theo yêu cầu.  Nói một cách khác – Chọn lựa chiến trường, nắm trọn ưu thế chiến thuật. Đây là trận điạ chiến đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu thắng lợi, phía cộng sản hóa giải được chiến thuật đang được người Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm tại chiến trường – Chiến thuật trực thăng vận. Bốn giờ chiều, Phúc và Phán gom hết tất cả thành phần còn lại của tiểu đoàn, cũng chỉ khoảng một đại đội, nhảy đợt chót. Từ trên cao anh thấy một vùng khói đen dày vây bọc quận lỵ, chiếc B57 gãy cánh nằm tênh hênh. Nhưng không kịp nghĩ ngợi, người anh đã ngập xuống vũng sình, các bờ mương không đủ tầm cao, toán lính tiếp viện nằm tênh hênh trên bãi ruộng sũng nước hứng đạn từ bìa làng vãi ra…  Đạn ghim vào bờ đất, đạn cắm vào thịt da người sau khi xuyên qua lớp nước bùn bắt đầu sủi màu máu.  Anh bò đến chỗ Phán “… ê, Phán nầy, không đại đội nào vào chiếm bìa làng, nằm đây chỉ chờ chết thôi, tối đến vẹm nó ủi ra là đi đong…”.  “…Hay xung phong bừa đi, may ra thì… khỏi chết, như mua xổ số…biết đâu..!!  Phán đề nghị ngang ngược.  Đừng liều mạng vô ích…  Anh bình tĩnh, chậm rãi…  Mầy cố gắng nằm bẹp dưới nước, không phải thủy quân lục chiến mà làm tàu lặn, tao gom con cái chiếm đám dừa bên tay mặt, yểm trợ cho mầy vào chỗ bìa làng, mầy bám được nó xong, tao chuyển xạ vào tiếp…  Chẳng đợi Phán đồng ý, Phúc đứng lên. Anh lên đạn khẩu súng colt, nhìn thật sắc vào mắt mỗi người lính…  Vào!… Và phóng mình lên trước. Người hạ sĩ quan, thượng sĩ Hò không thể lường trước được phản ứng của người chỉ huy trẻ tuổi của mình, lật bật xốc ba-lô chạy vụt theo.  Tràng đạn từ bìa làng bay đến, chiếc nón sắt như bị hất ngược bởi bàn tay hung hãn…  Thịt da người, vải áo quần, giây ba chạc mang đạn đồng bị xé rách, bứt tung…  Người lính ngã xuống giật giật… Thiếu úy, thiếu úy.!!. Phúc nghiến răng, mắt đứng sững.  Anh kéo khẩu súng khỏi tay người lính… Xung phong… xung …phong…  Thân hình gầy nhỏ của anh chạy loáng thoáng trên giải ruộng sục sôi khói thuốc súng, đạn bắn ra sủi tăm mặt nước.  Đôi lúc Phúc ngã xuống, nhưng sau đó anh vụt dậy chạy đi.  Phán và những người lính ngoài bờ ruộng đồng ngây hoặc trưóc một điều tưỏng như không thật. Và không cần đợi xác nhận qua máy truyền tin, vừa thấy dấu ra hiệu từ tay Phúc, một đại đội thủy quân lục chiến phóng mình lên.  Phán chụp cây trung liên BAR của một người lính, bật cần tác xạ vào vị trí “auto”, choàng giây đeo qua thân, anh chạy lên…  Đạn giật giật, người anh như ngã ngữa theo. Lính TQLC chiến chiếm lĩnh trận địa.

Chiến thắng Đầm Dơi bảo đảm an ninh chiến thuật cho Vùng IV.  Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến trở thành đơn vị hàng đầu của quân lực của niên khóa 1962.  Và toàn thể tiểu đoàn đều đồng ý xác chứng, ông Thiếu Úy Phúc, sĩ quan trẻ nhất đơn vị – Người đã nghiêng thế trận trong giây phút hiễm nghèo quyết định.

Anh thật sự già đi theo nỗi gian nguy của người lính. Không phải chỉ cơn rình rập thường trực của súng đạn mà anh giáp mặt suốt từ ngày mở lửa Cà Mâu.  Anh còn phải tham dự vào những mặt trận “chính trị” nghi hoặc của Tháng 11, 1963 để khắc khoải tự hỏi…  Người lính chiến đấu cho ai? Những binh sĩ lương tháng tương đương bữa ăn sáng của những tay chạy áp-phe ngồi tính những số tiền lời gởi đâu bên Hồng Kông, Đài Loan, Thụy Sĩ.  Những tay chạy áp phe mặc đồ lính không hề gợn bụi với những món hàng trao đổi – Mạng sống người lính, sinh mệnh quốc gia. Anh phải chịu những cơn đau xé thân nơi lưng đồi Bình Giả, trăm chiến hữu phơi thây do những thiển cận vô lương tâm của những ngưi gọi là chỉ huy, lãnh đạo, xem chiến trận như cách thế tìm đến những bổng lộc ti tiện tầm phào.  Nhưng anh biết làm gì hơn với cấp bậc một sĩ quan cấp úy, tình cảnh như viên đạn đã trình trong nòng súng; giữa im lặng, trong chờ đợi quả đạn nổ sau khi nghe rõ tiếng “bục” của quả pháo bắn đi.  Tiến quân vào khu phi quân sự năm 1965; giải phóng Bồng Sơn, Tam Quan; lạnh mặt nghiến răng xung phong vào chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng của lần miền Trung ly khai 1966; chịu trận phục kích oan uổng, uất hận nơi cầu Câu Nhi, Phong Điền Thừa Thiên 1967.  Một đơn vị lừng danh bị gãy đổ từ những kẻ nội thù! Tiểu Đoàn Trưởng Lê Hằng Minh từ trận, Đại Đội Trưởng Nguyễn Xuân Phúc bị trọng thương! Mắt anh vốn sáng ánh giận dữ nay bừng bừng thêm nỗi bi phẫn không thể nói. Mậu Thân, anh trút mối căm hờn kia lên đầu giặc. Đơn vị anh, Tiểu Đoàn 6 TQLC  đóng ở Hàng Xanh, khóa chặt vùng đồng ông Cộ, đánh bật toàn th lực lượng cộng sản bám giữ cầu Bình Lợi. Dẫu là tiểu đoàn phó, anh luôn ở tuyến đầu cùng binh sĩ, theo người khinh binh đánh thẳng, đánh thốc vào các chốt cố thủ của giặc.  Hơn một trăm cán binh cộng sản không đung rút lui, cùng thế, cột cờ trắng lên đầu nòng súng, xếp hàng một xin đầu hàng Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến.  Anh trả giá chiến thắng của đơn vị với một viên đạn xuyên qua cổ, viên thứ hai xé lồng ngực và mảnh pháo vạch một đưng sâu dài theo sống mũi. Tất cả những viên, mảnh đạn đều đi ngọt qua thân, chứng tỏ súng bắn gần.  Đúng ra súng bắn rất gần, sát mặt.  Anh rời khỏi chiến trưng trong sáu tháng. Vinh quang chiến thắng Mậu Thân, chiến dịch Trần Hưng Đạo bẻ gẫy công kích đợt một của Việt Cộng, tiếp chiến dịch Toàn Thắng thanh toán tàn binh địch sau tổng công kích đợt hai thuộc về phần những người còn lại!!  Anh không có, vì đã buộc phải rời chiến trường nơi giờ phút chót. Từ nhà thương ra anh về coi tiểu đoàn yể trợ thủy bộ, một đơn vị tiếp vận cho chiến trường. Không một chút từ nan, chiến trường đang nặng độ, sẽ khốc liệt, gay gắt gấp bội.  Anh thản nhiên chờ đợi như đã bao lần tự tin. Hằng tự tin.

Cuối cùng, cờ đến tay.  Anh nhận quyền chỉ huy đơn vị đầu đi, cũng là tiêu đoàn lẫy lừng của lực lượng bộ chiến của sư đoàn: Tiểu Đoàn 2 “Trâu Điên” – Tiu đoàn hàng đầu của quân lực miền Nam. Tháng 2, 1971, Hạ Lào, chiến truờng lớn với quy mô, ảnh hưởng quyết định vận mạng quốc gia, cũng là dịp để miền Nam thử lửa mất còn với Hà-Nội.  “Trâu Điên” nhập trận cùng với Tiểu Đoàn 7, Tiểu Đoàn 4, đặt dưới quyền chỉ huy của Lữ Đoàn A do Đại Tá Thông giữ chức Lữ Đoàn Trưởng.  Đại quân miền Nam gồm ba sư đoàn chủ lực; nhảy dù trục cực bắc, thủy quân lục chiến ở trục giữa, Sư Đoàn 1 Bộ Binh chịu phần phía nam. Ba đơn vị hợp thành ba mũi chính tiến theo hướng Đông – Tây lấy Quốc Lộ 9 làm chuẩn. Mục tiêu là Thị Trấn Tchépone vùng Nam Lào, điểm tiếp vận quan yếu của bộ đội cộng sản trên đường giây tiếp vận bắc-nam. Lực lượng thủy quân lục chiến trong vùng trách nhiệm lại bố trí các tiu đoàn theo hướng bắc-nam.  Tiu đoàn 4, 7, bộ chỉ huy lữ đoàn có các vị trí pháo của tiểu đoàn 2 pháo binh do “Trâu Điên” bảo vệ đồng thi làm lực lượng trừ bị; phía nam Lữ Đoàn A có hai Tiểu Đoàn 3 và 8 thuộc Lữ Đoàn B làm thành phần tiếp ứng, đồng thi giữ mặt nam đề phòng địch vòng quân đánh chia cắt. Nhưng tất cả chuẩn bị chiến thuật nầy đã trở nên vô nghĩa.  Phía cộng sản đã chuẩn bị đủ chiến trường từ quốc tế đến quốc nội, với biểu ngữ của những đoàn biểu tình phản chiến ở Paris, DC; tại hội thảo đòi cải thiện chế độ an sinh xã hội cho người da đen thuộc các tiểu bang miền nam nước Mỹ; trong dinh Độc Lập với ông tổng thống chỉ lo phe đối lập làm đão chính; nơi bộ chỉ huy căn cứ Long Bình cứ một mực quả quyết quân lực miền Nam không có cố vấn Mỹ đi kèm thì không thể nào chiến đấu độc lập!!  Tuy nhiên tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn phải báo cáo như thế nào để đêm 7 Tháng 4, 1971, Tổng Thống Nixon có thể nói cùng dân chúng Mỹ… “Đêm nay tôi có thể báo cáo rằng… chính sách Việt Nam Hóa đã thành công!!…”  Nhưng tất cả những lời tuyên bố, thái độ chính trị  dù thế nào chăng nữa, chỉ biết có một điều thực tế.  Nơi mặt trận Hạ Lào, quân cộng sản đã áp dụng một chiến thuật xử dụng pháo binh khác lạ…”phân tán pháo binh, tập trung hỏa lực…” và lần đầu tiên xe tăng hạng nặng T54 đã đưa vào chiến trung. Không một viên đạn pháo phía cộng sản bị bắn phí, bắn trật ra ngoài mục tiêu! Căn cứ hỏa lực của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân, đơn vị đóng cực bắc của hệ thống bố trí quân bị nhổ đi trong một thời gian thật ngắn.  Với chiến trường quy mô lớn, quân số tham chiến cấp quân đoàn, một tiểu đoàn không có là bao, hơn nữa đây là một đơn vị được (mà đúng ra là bị) bố trí vào trong một trận địa pháo mà địch quân đã chuẩn bị từ  lâu.  Không rõ từ bao lâu, chỉ biết những pháo thủ cộng sản đã gióng trước với những toán quân tiền phong qua máy truyền tin kim thính được…  “…Chúng mầy sẽ biết trận địa pháo của quân giải phóng…”  Và lời đe dọa trở thành hiện thực với những đợt pháo kéo dài từ bình minh tiếp qua trưa vào chiều tối.  Pháo không chỉ từ vài vị trí, từ một hướng tiến quân, phía kẻ nghịch. Hệ thống công sự dần dần bị phá vỡ, ụ súng lớn nát rời manh mún, nòng thép những khẩu pháo cong lại, bộ máy cò chảy mềm…  Người lính Miền Nam đứng tròng mắt dưới giao thông hào, liếm cặp môi khô chờ tiếng xích sắt vang âm âm từ đâu trong lòng đất, xuyên lườn đất… Và khi nhướng mình lên thì chiếc xe đã đỗ chụp từ trên bờ hầm!

Tại bộ chỉ huy hành quân ở Khe Sanh người ta vẫn không tin điều gọi là “xe tăng cộng sản” đã vào trận địa, và viên tướng tư lệnh chiến trung hằng ngày sau giờ làm việc vẫn bay về Đà Nẵng đánh tennis để hôm sau trở lại bộ tư lệnh tiền phương nghe những báo cáo hằng ngày”. Sau căn cứ hỏa lực của Tiểu Đoàn 37 Biệt Động, đến Đồi 30 của Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù và cuối cùng, Lữ Đoàn 3  Dù ở Đồi 31, mũi nhọn tiến quân xa nhất của chiến dịch bị tràn ngập. Trong tình cảnh nầy, Lữ đoàn A Thủy Quân Lục Chiến còn lại đơn độc giữa trùng vây của ba sư đoàn quân Bắc Việt, sau khi Tiểu Đoàn 1/4 Sư Đoàn 1 Bộ Binh bị tan nát ở mục tiêu Tchépone, mà thật sự đã là chiếc bẫy khổng lồ giương sẵn từ lâu. Cuối cùng, Tiểu Đoàn 2 “Trâu Điên” gánh khối nặng của trận chiến không cân sức và bi thảm nầy. Phúc, “Robert Lửa” Nguyễn Xuân Phúc, trở nên thành tụ điểm tất cả nguồn lửa lớn toàn chiến trường. Và anh đã xác chứng cái tên tiền định kia quả xứng đáng với phẩm chất của người.  Anh nói với Đạt, chỉ huy trưởng pháo binh, đơn vị pháo duy nhất còn lại của trận địa: “Ông khỏi yểm trợ cho ai nữa, hạ nòng súng xuống… cua nó bò lên con nào, ông nướng ngay con ấy cho tôi! ” Cua, anh dùng chữ với ý khinh miệt hơn là khôi hài để chỉ những chiến xa T54 của Bắc quân.  Và đến lúc cuối cùng, anh hét lớn qua máy truyền tin… “…ông khỏi cần hỏi lệnh tôi, còn bao nhiêu chơi hết bấy nhiêu…”  Bỏ chiếc ống liên hợp máy truyền tin xuống anh mỉm cười…  Hóa ra mình là người chỉ huy độc nhất còn lại của chiến trường.  Hai Tiểu Đoàn 4 và 7 ở ngoài căn cứ  vùng vẫy tuyệt vọng giữa đám kẻ thù say máu như con hổ trọng thương bị loài kênh kênh rúc rỉa. Phúc hướng dẫn từng phi tuần từ Hạm Đội 7 bay vào cứu bạn. Những viên phi công Mỹ dần quen giọng nói của “Foxtro” (ám danh truyền tin không-lục của Phúc với phi công Hạm Đội 7) để đến một đêm…. Đêm hỏa ngục lật ngược để bày ra trên trần gian nguồn lửa lênh láng hung tàn không hề cạn.  Lửa rùng rùng lay động suốt dãy núi rừng ầm vang tiếng nỗ. Tiếng nổ của đại pháo, hỏa tiễn bắn từng đợt, từng tràn một lần mười, hai mươi trái, từ bốn, năm vị trí.  Trong chuỗi âm động quái dị ấy, tiếng súng tay đì đẹt nhỏ nhoi như một loại pháo lép và cuối cùng với trái bom. Bom ném một lượt từ ba phi tuần phản lực nối cánh nhau như cảnh tượng trong các phim chiến tranh.  Phi cơ Mỹ bao vùng suốt từ sáng sớm… Đà Nẵng, Thái Lan, Hạm Đội 7, Guam… qua chiều, vào đêm bay đến….Và đêm đến, lính Bắc quân từ hang ổ, từ đường thông thủy, từ giao thông hào, từ địa đạo theo xe tăng tiến lên đồi tiêu diệt bộ chỉ huy Lữ Đoàn A, Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh qua hàng rào phòng thủ của “Trâu Điên”.  Và Tiểu Đoàn 2 TQLC đã thực sự là một con trâu điên trong cơn đương cự cuối cùng đơn độc. Phúc đã theo dõi và thấm hiu nỗi đau những lần thất thủ của Tiểu Đoàn 37 Biệt-Động, Tiểu Đoàn 2, Lữ Đoàn 3 Dù…  Nào có phải ai đâu người lạ, đấy là những Vũ Đình Khang, Quách Thưởng ở BĐQ; đàn em Nguyễn Quốc Trụ Khóa 20 và nhất là phía Sư Đoàn 1 Bộ Binh với Lê Huấn, Trần Ngọc Huế, những người đã bị anh phạt chạy dã chiến lên đồi Bắc, miếu Tiên Sư ở những ngày Đà Lạt hằng hai mươi năm trước.  Nay anh cũng đang có mặt cùng đàn em trong lần chạy khắc nghiệt vượt qua cái chết và vũng lửa. Anh luôn giữ lời cùng bằng hữu, với đàn em.  Anh lại càng không thể bỏ qua trách nhiệm với những người đã nhất mực tin cậy nơi anh, những người lính cùng đơn vị, những chiến hữu cùng chung mầu áo.  Hai tiểu đoàn 4 và 7 phía ngoại vi căn cứ chỉ còn một đường liên lạc qua tần số của Tiểu Đoàn 2 “Trâu Điên”.  Phúc hướng dẫn phi cơ Mỹ thả trái sáng để hai đơn vị nầy lần đường về phía nam, nơi các Tiểu Đoàn 3 và 8 TQLC đang đợi “bắt tay”.  Bộ chỉ huy Lữ Đoàn A đã hoàn toàn tê liệt, pháo binh chỉ còn những viên đạn và khẩu đội cuối cùng, Thiếu Tá Đạt, chỉ huy trưởng pháo binh báo cáo… Tụi nó tràn ngập vị trí… tôi phá súng...  Và cuộc hỗn chiến trong đêm bắt đầu. Tiếng súng lớn đồng im bặt, tiếng súng nhỏ cũng không còn, chỉ còn âm động của da thịt người bị xé rách, đâm nát và vỡ nhầy dưới giây xích xe tăng.  Trong bóng tối chập chờn tàn lửa, nghi ngút khói, dấu vết của những trận pháo càn từ bao ngày qua, từ gi trước…  Những bóng ngưi nhào vào nhau, tìm đường chạy và cách thức giết ngưi có hiệu quả. Anh hằng tiên liệu rõ giây phút bi thảm gớm ghê nầy, nên đã ra lệnh cho binh sĩ thuộc quyền “tay áo phải xắn cao, tay áo trái thả dài xuống…“, dấu hiệu nhận bạn giữa đêm tối, vượt nỗi chết. Và từ vũng sâu cảnh địa ngục trần gian kia người ta nghe rõ ràng tiếng hét lớn lập lại nhiều lần…  “I’m crazy buffalo bataillon commander…đ..m tao ground chief…go ahead, do it please…”  Bầu tri và mặt đất cùng bị vỡ tung một lượt, những trái bom chạm nổ ngay khi vừa rời khỏi cánh tàu bay.  Phúc nương theo đợt dội bom, hứng đủ trận dội bom, bảo vệ bộ chỉ huy lữ đoàn, tiểu đoàn 2 pháo cùng tất cả đơn vị rút đi.  Trong bản ghi dữ kiện của máy bay, tọa độ dội bom cũng chính là tọa độ của Lữ Đoàn A mà viên phi công đã yểm trợ từ bao ngày qua! Viên phi công Mỹ lẩm bẩm trên đường trở về hạm đội… what’s the hell crazy guy..! khi nhớ đến lời yêu cầu của “Foxtro”.

Bốn giờ sáng, Phán, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 8 từ trên ngọn Cô-rốc, đỉnh núi cao nhất của vùng, nhìn suốt đủ hai sườn đông, tây Trường Sơn, lắng tai nghe tiếng nói khẽ, đứt khúc của Phúc…”…mầy, …mầy làm ơn thắp… đèn cầy …(trái sáng), tao dẫn tụi thằng 4 và 7 và con cái tao về…” Chín giờ sáng hôm sau, Phán xuống núi.  Phúc đang dìu Đại Tá Thông bước đi. Giữa đám quân tan tác, anh là người nhỏ, thấp, gầy nhất. Nhưng quả tình anh cũng là người “cao, vững” hơn hẳn. Anh luôn giữ lời và chứng tỏ đủ.

Anh Nguyễn Xuân Phúc thân kính! Đến hôm nay, khi viết lại những giòng nầy tôi vẫn không tin, không thể nghĩ ra  được sáng mồng Hai Tết 1974 qua 1975 kia là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau.  Anh đánh mạt chượt với tiền của ai đấy chia ra …”Tao chưa hề có đến trăm ngàn đồng dù đã làm tiểu đoàn trưởng mấy năm… Đôi giày nầy ông Giao vừa mới mua cho đấy”.  Anh đưa đôi giày lên, hai mắt ửng đỏ như sắp “lột” người ta, lăm nhìn tôi khi tôi tỏ ý thắc mắc về đôi giày. Nhưng thật sự không phải như thế.  Đằng sau những li nói gầm gừ, nhát gừng ấy, sau nhãn quan sáng lửa cuồng nộ ấy…  Anh có một điều gì khác. Điều không hề nói ra.  Như đêm rượu ưu uất ở nhà th Mỹ Chánh, đêm 1 tháng 5, 1972, khi anh đã cạn hết két bia không đá và làm vỡ chai Johnny Walker.  Rượu đổ lênh láng loáng ánh đèn cầy, anh soi mặt vào vũng lửa im lặng nói câu đứt khúc “…Chiến tranh gì như c… còn mấy cái xác biệt-động quân nằm bên kia bờ không ai chôn…”  Bên kia là bờ sông Mỹ Chánh, Bắc quân giàn ba sư đoàn có xe tăng yểm trợ.  Bên nầy là Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến của anh. Toàn bộ thế trận miền Nam, Tháng 5, 1972 vùng hỏa tuyến được quyết định trên bảy-mươi thước bề ngang nầy – Tất cả nằm trên vai anh và một tiểu đoàn quân số năm trăm ngưi.  Và cũng như lần bữa đó, giữa tiếng rung của núi oằn mình, bởi thảm bom B52 đánh “full box”, dưới tầm đại pháo từ Hạm Đội 7, lẫn trong tiếng nổ “bục” của đạn 130 ly Bắc quân dội từ La Vang xuống…  Giữa âm thanh, sức nổ và sự chết, vượt quá hơi men của rượu, anh bứt thoát đi xa hơn, cao hơn. Và rõ ràng hơn anh chìm xuống với Cơn Đau riêng. Nỗi đau một mình anh đương cự. Quả thật anh vẫn dấu kín một điều gì. Như trong bữa rượu ở khách sạn Hương Giang, Huế.  Anh tì tay lên lan can, nhìn xuống giòng sông đêm loáng ánh điện, phía Vĩ Dạ cuối sông, trời u uất, mờ đục không trăng sao. Vết sẹo trên mặt nâu bóng lại, thẫm mầu hơn, anh cạ mép đáy ly lên đó, ngồi im lặng, đơn độc.  Đêm quá khuya…  Anh gục xuống. Người chủ quán đi báo quân cảnh “…Có anh lính ngồi ở quán tôi, anh ta ngồi một mình, say quá…  Hình như anh đang khóc…”  Vâng, có thể anh đã khóc một mình.  Không một ai biết được, kể đến hôm nay qua Thế Kỷ 21 sau lần anh vắng mặt từ Tháng Ba, 1975 nơi bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng.

Sau đây là câu chuyện nhỏ, có thể anh không nhớ, có nhớ chăng anh cũng không nói cùng ai. Buổi chiều mưa tháng Sáu năm xưa, 1971 ở quán 222, Thủ Đức. Trời mưa lớn, thứ mưa dầm giữa mùa miền Nam. Mưa cuốn hết đất trời ra thành nước và trút xuống như cho tuôn chảy hết chất chứa oán hờn.  Tôi ngày ấy cũng đang tang thương lang bạt, không gia đình, không đơn vị, một thân vô định theo trời mưa trôi qua Thủ Đức.  Anh ngồi ở góc quán, phía cực phải cạnh hàng rào cây lá. Quán vắng, anh là người khách độc nhất. Thường ngày, có lẽ anh cũng như tôi thế nào cũng nhập vào sinh hoạt ồn ào của quán rượu với đối tượng sống động, bà chủ M…  Nhưng chiều ấy, trong vũng mưa sũng ướt  phiền muộn, cách thế bề ngoài ồn ào sống động kia cũng đã trôi theo giòng lũ cuồn cuộn chảy qua mặt nhựa đường ngập sâu trước quán.  Hai anh em ngồi im như mối quạnh hiu trần truồng không th che dấu.  Uống đến chai Martell thứ hai.  Không một lời trao đổi. Này…uống đi!!  Anh chỉ có những tiếng ngắn ghìm ghìm trong cổ.  Mắt anh ráo hoảnh nhìn trừng trừng ra màn nước mù mù. Sao ông ấy buồn ghê thế?!  Tôi nghĩ thầm vì biết nói ra sẽ là điều ngu xuẩn vô duyên.

Cuối cuộc chiến, Tháng Ba năm 1975, với chức vụ Lữ Đoàn Trưởng, anh đưa lữ đoàn thay thế lữ đoàn Dù trấn giữ Đồi 1062, Thường, Quảng Nam, nơi binh chủng Dù đã chận đứng, bẻ gãy mũi tiến công của cộng về Đà Nẵng. Anh Tùng, cũng là bạn, là niên trưởng của tôi, cùng khóa với anh, lữ đoàn phó, một Đỗ Hữu Tùng đã làm sáng quân sử với chiến công  bắn cháy hằng chục chiến xa, bắt sống năm chiếc khi chỉ huy Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến trong trận chiến ngày Hè đỏ lửa 1972.  Nhưng hôm ấy, thời thế đã xoay chiều, chiều ngang ngược, đau đớn, bi thảm, đơn vị của anh, Lữ Đoàn 147 TQLC, đơn vị tổng trừ bị của quốc gia một mình giữ Đà Nẵng đối diện với ba sư đoàn cộng sản.  Và Đà-Nẵng của 29 Tháng Ba, 1975 không người lãnh đạo, không lệnh chỉ huy, và không cả đến thuộc cấp nghe lệnh. Phúc và Tùng biết làm gì?? Hai anh có thể làm gì!! Ngày 29 tháng Ba, 1975 tôi ở Nha Trang, từ cao độ của trực thăng nhìn đoàn tàu thuyền bươm chải vượt sóng xuôi Nam. Nghe trong máy truyền tin không-lục âm vang đau thương của những máy bay bị nạn trên đường bay về Nam từ Đà Nẵng, Quảng Nam…  Ông ấy có việc gì không? Đằng Giao hỏi câu đầu tiên khi tôi về tới Sài Gòn. Không biết, không nghe thấy…  Bên Thủy quân lục chiến cũng không ai hay… Thế anh ở đâu, đã ra sao trong giòng bão lũ tan vỡ quê hương, nát rời Đà-Nẵng, hở anh Phúc, Robert Lửa?!

Sau 30 Tháng Tư, tôi đến nhà, anh Nguyễn Phú Thọ rót ly rượu nhỏ. Chưa bao giờ phải uống ly rượu gớm ghê đến thế. Muốn kêu một tiếng xé gan. Nhưng lúc ấy kể từ ngày gãy cờ, bẻ súng… Còn hy vọng nào nữa khi nghĩ về một Người Bạn, một Người Anh vắng mặt từ lâu. Nơi trại tù ngoài Bắc suốt mười hai năm, kết hợp chi tiết rời rạc từ nhiều người…  Tôi thấy nên toàn cảnh.  Vâng, cảnh cuối cùng ở Đà-Nẵng, của Quân Đoàn I với Lữ Đoàn 147 của anh… Trên bãi biển Mỹ Khê, nơi căn cứ Hải Quân Tiên Sa từng đoàn người, từng đám người thất thần khiếp đảm xoay trở, quanh quất nơi mé nước, cuống quýt giữa vũng sâu… Và trên đầu pháo chụp. Không nón sắt, không áo giáp, anh và Tùng thản nhiên đi bên cạnh những quả đạn nổ bùng, bước lên những thây người.  Anh bước xuống mé nước nhìn ra xa… Tàu Hải Quân Việt Nam, tàu Mỹ, tàu buôn đủ các quốc tịch…  Với ánh mắt buồn phiền của người già nhìn ngôi từ đưng bốc cháy.  Đôi mắt đứng tròng của Prometheus treo người trên sườn núi nhìn máu tự thân kiệt giọt cuối cùng.  Anh nghe tiếng khô nhỏ của súng colt bóp cò, không tiếng đạn bay trong không khí, bởi đầu đạn đã nằm im trong da thịt người bị xé bung.  Anh nghe tiếng kíp lựu đạn bật nổ… Tui chết đây trung tá ơi… Lính Lữ Đoàn 147 gởi lời chào vĩnh quyết người chỉ huy và da, thịt, xương, mảnh vụn áo quần, tia máu sẫm tươi bắn tung tóe rơi lấm chấm trên cát xám loang lổ đã sẵn rải rác, lềnh kềnh những tay chân đứt khúc, thân ngưi sâm sấp vào ra theo triền sóng.

Anh và Tùng nhìn nhau. Bởi anh không thể chết. Anh ĐAU hơn cái chết. Anh phải vượt qua cái chết. Anh và Tùng nhập vào đám đông, cố tìm đường về Nam, theo đườg bộ…  Và đã bị bắt, bị bắn chết một nơi nào ở Quảng Nam, Quảng Ngãi hay lần tới Phan Rang, Nha Trang…?? Hoặc có thể hai anh đã chung một lần, lần cuối cùng với những người  lính thủy quân lục  chiến trên bãi biển Tiên Sa, nơi căn cứ Hải Quân Đà Nẵng…  Không ai biết.  Chỉ biết, hai anh đã chết một nơi nào đó trên quê hương miền Nam, vùng đất các anh đã chọn từ ngày thanh xuân và riêng anh, Nguyễn Xuân Phúc đã sống hết đi vô cùng chung thủy.  Chung thủy trong cả nghĩa đen, vì thật sự anh vẫn là người đàn ông độc thân, chỉ một lần “ở lính” và sống một mình. Hai anh đã đi quá sự chết và hằng sống với chúng tôi. Cho dù bao xa và bao lâu. Anh Phúc ơi. Anh Tùng ơi.

Viết lại,

Bốn mươi-bảy năm sau mất Miền Nam

Tháng 3, 1975-2023

PHAN NHẬT NAM