ĐÊM NHẠC “NGƯỜI VỀ NHƯ BỤI”: TƯỞNG NHỚ DU TỬ LÊ (Phan Tấn Hải/Việt Báo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

100 ngày mất Du Tử Lê

Xúc động với những lời kể về những kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nương vào nhau để nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong cuộc đời… Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.

Không khí văn nghệ rất thân tình, đầm ấm… tại quán cà phê Hạt Ngò Bistro Restaurant, 10752 Westminster Ave., Garden Grove, CA 92843 — đây cũng là nơi nhà thơ Du Tử Lê khi sinh tiền đã hàng ngày cùng các bạn thân của ông ngồi mỗi buổi sáng.

Đêm nhạc tưởng niệm Du Tử Lê đã thu hút nhiều văn nghệ sĩ từ nơi xa về tham dự. Xa nhất là nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai từ Ohio bay tới, ca sĩ Đồng Thảo từ San Jose, và nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo từ San Diego lên.

blankNhà văn Lê Lạc Giao
blank

MC Bùi Đường
blank

Từ trái: hai nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, Nghiêm Phú Phát, ca sĩ Nhật Hạ, cô Nguyệt Hạnh và phu quân là nhạc sĩ Trần Duy Đức.

Người giữ vai trò MC là anh Bùi Đường, với giọng trầm ấm giàu cảm xúc, khởi đầu chương trình với lời kể về chị Hạnh Tuyền, người vợ chịu nhiều nhọc nhằn trong ngày để anh Du Tử Lê có thì giờ thơ mộng tìm vần thơ… Chi Hạnh Tuyền tâm sự rằng chị không tham dự đêm nhạc tưởng niệm được vì đầy những xúc động, quán Hạt Ngò có quá nhiều kỷ niệm, chính quán này là nơi chị đưa anh Du Tử Lê tới và đón về hàng ngày trong nhiều năm cuối đời anh. Quán Hạt Ngò mang quá nhiều kỷ niệm của đôi vợ chồng rất mực tình nhân Du Tử Lê và Hạnh Tuyền. Mỗi lần tới quán này, chị Hạnh Tuyền không cầm được nước mắt.

MC Bùi Đường nói rằng trong những người tham dự buổi tưởng nhớ có người đã đọc thơ Du Tử Lê từ thời mới đi học ở quê nhà nửa thế kỷ trước, có người tới vì những kỷ niệm với anh trong giới văn nghệ sĩ hải ngoại, có người từng ngồi uống cà phê hàng ngày với anh… Tất cả những người tới vì tri ân anh Du Tử Lê, người để lại một di sản văn học quá lớn.

Nhà văn Lê Lạc Giao được mời lên nói về Du Tử Lê, người mà anh đọc và có cơ duyên quen biết từ quê nhà khi còn là một học sinh trung học trước 1975. Lê Lạc Giao nói về nỗi cô đơn của nghệ thuật, một cảm xúc triết học luôn gắn bó với nguồn cảm hứng sáng tác. Chính trong thâm cảm về nỗi cô đơn khi đối diện với cuộc đời trong ý nghĩa hiện sinh, nơi từng người một ý thức về sự hiện diện và những cảm xúc không ai có thể chia sẻ với ai, ngay khi đó sáng tác nghệ thuật mới hiển lộ ra.
 

Lê Lạc Giao nói rằng chính những nỗi cô đơn cùng cực đã là những tiềm ẩn triết học đưa tới các bài thơ tuyệt vời để rồi mang định mệnh mới là trở thành các ca khúc phổ thơ. Chính 42 tập thơ và hơn 100 bài thơ của Du Tử Lê được các nhạc sĩ phổ nhạc — đó là đời nghệ sĩ trong các phản ứng nghệ thuật về tình yêu, tình bạn, tình đất nước… Thơ Du Tử Lê là rung động tâm thức phổ quát để các nhạc sĩ chuyển thành nhạc, đó cũng là tâm thức chúng ta, người xa xứ. Tuyển tập Người Về Như Bụi, nhan đề lấy từ một bài thơ Du Tử Lê làm trước 1975, với cát bụi là biểu tượng đến và đi của đời người. Giây phút tưởng niệm Du Tử Lê cũng là lắng nghe những gì chúng ta cảm nhận hôm nay, là nén hương tưởng niệm…
blank

Nhạc sĩ Trần Duy Đức
blank

Nhà thơ Lê Giang Trần
blank

Ca sĩ Thu Vàng
blank

Ca sĩ Nguyên Khang


Tiếp theo, nhạc sĩ Trần Duy Đức được mời lên kể về kỷ niệm với nhà thơ Du Tử Lê. Nhạc sĩ họ Trần nói rằng hơi bất ngờ khi được mời lên, nhưng anh rất cảm động khi nói về Du Tử Lê, người có quá nhiều năm sống gần nhau như anh em ruột thịt. Chính trong một lần tháp tùng anh Du Tử Lê sang Texas ra mắt một tác phẩm, nhạc sĩ Trần Duy Đức đã gặp cô Nguyệt Hạnh, và anh tức khắc thấy rằng đó là một cơ duyên lớn trong đời làm nhạc của anh. Môt thời gian ngắn sau, Du Tử Lê và Trương Trọng Trác đứng vai chủ hôn cho chú rể Trần Duy Đức và cô dâu Nguyệt Hạnh. Chị Nguyệt Hạnh hôm Thứ Ba cũng tham dự buổi tưởng niệm anh Du Tử Lê, cảm xúc nghẹn ngào khi nghe nhắc tới kỷ niệm nhà thơ Du Tử Lê dắt nhạc sĩ sang Texas để họ Trần hát bài “đưa nàng về dinh”…

Nhạc sĩ Trần Duy Đức cũng kể về ca khúc Tan Theo Ngày Nắng Vội — thực ra không phải từ bài thơ nào, mà ban đầu chỉ là 2 câu thơ Du Tử Lê nhớ mang máng…  hai câu thơ nhớ được từ một bài thơ cũ, ở Saigòn, trước tháng 4 năm 1975: Phải em rồi như sương, tan theo ngày nắng vội…

Nhưng Trần Duy Đức thoạt nghe ý “tan theo nắng” rất thơ mộng, chợt nghĩ ra một melody lạ, nên hối thúc anh Du Tử Lê ráng suy nghĩ, nhớ tới những gì rời rạc trong đầu nhà thơ… thế là Trần Duy Đức hoàn tất ca khúc Tan Theo Ngày Nắng Vội bằng cách cùng hợp tác, hát từng câu để anh Du Tử Lê nghĩ thêm từng chữ…

Trần Duy Đức nói rằng bản thân anh luôn luôn tự xem là em của Du Tử Lê, và đã phổ nhạc hơn 20 bài thơ của Du Tử Lê, nhận thấy rằng Du Tử Lê ra đi là một mất mát rất lớn cho văn học.

 

Tiếp theo nhà thơ Lê Giang Trần kể về những kỷ niệm. Thời rất xa xưa, khi còn làm nghề tự do, chỉ gặp anh Du Tử Lê trong quán cà phê, nói chuyện nửa giờ, thế rồi tự nhiên anh Du Tử Lê nói là bây giờ hãy theo anh về nhà anh, để cùng làm báo Tay Phải, nơi toa soạn nằm trong ga-ra nhà anh DTL. Thế rồi, Lê Giang Trần mang tài sản là 2 bao giấy dầu, một bao đựng quần áo sạch, một bao đựng quần áo dơ, về ở nhà anh Du Tử Lê trong 2 năm, từ đó học được nghề lay-out báo và sách, và sống với nghề này tới tận bây giờ. Cùng làm báo lúc đó có Trần Duy Đức và Lê Dũng: Lê Giang Trần ngó theo Trần Duy Đức và rồi làm theo.
 

Lê Giang Trần nhắc một lời triết gia/nhà thơ Phạm Công Thiện nhận định rằng Du Tử Lê là một nhà thơ vĩ đại… Nhà thơ Lê Giang Trần xúc động, kể rằng khi đang trên một chuyến xe tới Ban Mê Thuột thì nghe tin anh Du Tử Lê từ trần.
blank

Ca sĩ Thái Hoàng, và Phương Thảo đàn đệm.
blank

Ca sĩ Đồng Thảo
blank

Ca sĩ Nguyễn Hoan
blank

Ca sĩ Thúy An
blank

Ca sĩ Lê Thảo

  Tất cả các ca sĩ đều trình diễn tuyệt vời. Chỉ duy ca sĩ Nam Trân bất ngờ khan giọng vì bị cúm, không llên hát được.

Đặc biệt ca sĩ Nguyên Khang kể về kỷ niệm khi mới hát, có cơ duyên gặp nhà thơ Du Tử Lê tại quán Thùy Dương, và được mời hát trong một buổi ra mắt tập thơ sắp tới. Nguyên Khang lúc đó nhận lời hát cho buổi ra mắt sách, nhưng trong thời gian tới ngày đó chợt được mời ký hợp đồng đi hát liên tục cho 5 shows nhạc khác, nhưng vẫn giữ lời hứa hát cho buổi ra mắt tập thơ của anh Du Tử Lê. Ca sĩ Nguyên Khang xúc động kể rằng Du Tử Lê cư xử ân cần với Nguyên Khang như một người con, và “Nguyên Khang thường ngồi uống cà phê Hạt Ngò với chú Du Tử Lê… Rất xúc động.”
 

Có một ca khúc có nhan đề rất “cấp tiến”… đó là bản “Khi Gối Đầu Lên Ngực Em” do ca sĩ Đồng Thảo (từ San Jose tơi) trình diễn. Đồng Thảo nói rằng ca khúc này nhiều ca sĩ khác tránh né, nhưng thực sự nhan đề không có ý nói gì về tính phái. Vì “ngực em” chính là cuộc đời, là quê hương, là Sài Gòn thương nhớ, là hiện thân tình nhân.
 

Tiếp theo, ca sĩ Đồng Thảo nói rằng cô cảm ơn nhạc sĩ Trần Duy Đức đã giải thích cho cô về thơ Du Tử Lê trong ca khúc “Khi Tưởng Đến Người Vắng Mặt” – nơi đây “người vắng mặt” chính là “thành phố Sài Gòn” rất mực thương nhớ của nhà thơ khi nhà thơ rời bỏ đất nước để đi rất xa qua những bờ đại dương.
 

Đêm nhạc thành công tuyệt vời… đầy những xúc động. MC Bùi Đường với kiến thức uyên bác đã giải thích về các bài thơ Du Tử Lê được phổ nhạc bởi Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Hoàng Quốc Bảo… qua các giọng ca của các ca sĩ Nguyên Khang, Thu Vàng, Nam Trân, Thái Hoàng, Thúy An, Nguyễn Hoan, Đồng Thảo, Lê Thảo … đặc biệt nhạc sĩ Giang chơi keyboard, và nhạc sĩ Phương Thảo đệm guitar.

 blank

Từ trái: Bùi Đường, Nguyệt Hạnh (núp sau phu quân) Trần Duy Đức, Thân Trọng Mẫn, Hoàng Quốc Bảo, Phan Tấn Hải.

 blank

Từ trái: Lê Lạc Giao, Tô Đăng Khoa, Trịnh Y Thư, Lê Trung Khiêm.

 blank

Từ trái: Vũ Hoàng Thư, Phan Tấn Hải, Lê Phương Châu, Trần Thị Nguyệt Mai, hiền thê của nhà thơ Vũ Hoàng Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, vợ chồng nhà thơ Thành Tôn.

 blank

Từ trái: Phan Tấn Hải, Tô Đăng Khoa, Kim Hương, Lê Lạc Giao, Đồng Thảo, Huỳnh Duy Thuận, Thái Hoàng, Nguyễn Thị Khánh Minh.

 

Mỗi người tham dự đêm nhạc được tặng một quyển sách tưởng niệm nhà thơ Du Tử Lê “Người Về Như Bụi” gồm nhiều bài viết của các văn, thi sĩ. Được biết tập sách “Người Về Như Bụi” do Văn Học Press xuất bản, gồm thơ, văn, họa của 39 tác giả, 39 dòng cảm nhận về Du Tử Lê trong đó có bài viết của:

Cung Tích Biền, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Phương Châu, Nhật Chiêu, Đinh Trường Chinh, Nguyễn Đức Cường, Võ Chân Cửu, Duyên, Khuất Đẩu, Lê Lạc Giao, Bùi Bích Hà, Lê Minh Hà, Phan Tấn Hải, Trần Yên Hòa, Tô Đăng Khoa, Đặng Mai Lan, Trần Vấn Lệ, Trần Thị Nguyệt Mai, Nguyễn Thị Khánh Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Như Quỳnh de Prelle, Đỗ Quyên, Orchid Lâm Quỳnh, Hoàng Xuân Sơn, Phan Ni Tấn, Song Thao, Nguyễn Xuân Thiệp, Trịnh Thanh Thủy, Trịnh Y Thư, Vũ Hoàng Thư, Đỗ Quý Toàn, Xuyên Trà, Lê Giang Trần, Lý Kiến Trúc, Trần Mộng Tú, Nguyễn Đức Tùng, Hạnh Tuyền, Trần Dạ Từ, Nguyễn Lương Vỵ.

Sách có thể mua qua mạng: www.barnesandnoble.com/ xin gõ chữ “nguoi ve nhu bui”…