Trong số những người vừa cầm viết vừa cầm súng xuyên suốt mấy chục năm chiến tranh Việt Nam, nhà văn Phan Lạc Tiếp là người có cuộc đời và tâm hồn gắn bó đặc biệt với hải quân; và ông đã thể hiện thành công những gắn bó đầy tâm huyết đó qua các tác phẩm như Bờ Sông Lá Mục, Nỗi Nhớ, Hải Sử Hải Quân QLVNCH… Đọc những bài viết, những tác phẩm của ông, người đọc có dịp nhìn nhận và đánh giá cuộc chiến tranh VN ở một góc độ mới lạ, qua cuộc sống và cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt và hào hùng của những người lính hải quân Việt Nam. Nhân dịp nhà văn Phan Lạc Tiếp viếng thăm Úc Châu, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả một trong những bài viết xúc động của ông nhan đề, “Ôi! Những Anh Hồn Bên Giòng Sông Cũ”, được ông viết vào cuối năm 98, đầu năm 99.
Con ngựa Xích Thố Của Giang Lực
Để có một cái nhìn sống động hơn về hoạt động của chiến đỉnh này, xin theo dõi bài bút ký viết về những kỷ niệm, những nguy nan của các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam một thời vùng vẫy trong khu chiến Tiền Giang, qua trận đánh tại Ba Rài.
Đường Đi Khu Chiến
Vào giữa năm 1965, một buổi trưa, một đoàn tầu đi tuần trên kinh Chợ Gạo. Con kinh huyết mạch để đoàn ghe gạo, cá từ Vùng IV về Sài Gòn qua đó. Kinh Chợ Gạo, vòng đai an toàn cho Mỹ Tho, Bình Phục Nhất, nơi mà “mình vừa đi qua, là tụi nó ló mặt ra liền”, chính nơi này, Đức Râu và cặp Fom của anh đã làm Việt Cộng điên đảo. Vì là tầu nhỏ, một tầu tiến vào lạch, kéo theo chiếc Fom khác quay mũi trở ra. Như thế lạch hẹp, tầu phải vừa đi vừa vén lau mà lủi, không thể xoay sở, chẳng thể quay đầu. Vì thế Việt Cộng tin là “lạch hẹp, bố bảo tụi tầu cũng không dám vào đây”. Vậy mà Đức Râu bảo: “Ông thầy cứ nằm ngoài kinh. Để tôi vào.” Vào sâu nằm đó, khi ở ngoài kinh đoàn tầu đã đi. Trong lạch um tùm, hai chiếc Fom nằm im khe. Tụi Việt Cộng ló ra, chèo ghe đi lại. Cho thật chắc, để chúng xuất hiện đông, là Fom khai hỏa. Chúng chạy đâu cho thoát. Lúc ấy chiếc Fom buộc sau chiếc Fom đi đầu, mở máy chạy, kéo theo chiếc thứ nhất trở ra kinh lớn… Sự gan dạ và thông minh ấy của Đức, Đức Râu, đã làm địch khiếp vía. Bao nhiêu xác địch đã bị bỏ lại trên bờ kinh. Bao nhiêu gạo, muối, đồ tiếp liệu của địch đã tịch thu được, một phần không nhỏ là do Đức với cặp Fom đem về.
Rồi một hôm, giữa năm 1965 cũng chính từ chiếc Fom của Đức HQ 5001, HQ 5002 gọi về, giữa trưa: “Tôi bị bắn, lạ lắm. Lửa phát ra xanh lè. Đạn xuyên từ bên trái tầu, qua luôn thành bên phải, ghim vào bờ kinh nổ bùng. Chúng bắn xong lủi rất nhanh vào khúc quẹo…” Cả Giang Đoàn bàn tán. Các chi tiết ấy đã được sĩ quan Ban 2 ghi lại, gửi về Bộ Tổng Tham Mưu. Sau này mới hay đó là loại súng mới rất lợi hại của địch: B40. Và cũng từ đó , thay vì chỉ là súng ngựa trời, CKC, Bá Đỏ, Việt Cộng có loại AK 47 , nhẹ, bắn liên thanh. Cũng từ lúc ấy, tin đồn Việt Cộng treo giải, ai giết được Đức râu sẽ được thưởng 200 ngàn đồng, số tiền tương đương với nhiều lạng vàng. Một gia sản lớn. Nghe thế, đọc các truyền đơn ấy, Đức râu chỉ cười. Ngồi trên mũi Fom, uống rượu tì tì.
Làm quen với chiến đỉnh này, cũng không khó đối với anh. Với tướng mạo hùng dũng ấy, các tay đàn em sợ một phép.
(Tiếp theo là Trận Ba Rài 29/9/1965)