COMPOSER-SONGWRITER CUNG TIẾN. MỘT NGHỆ SĨ TRÍ THỨC ĐA TÀI, ĐA NĂNG. (Phạm Văn Kỳ Thanh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Composer-Songwriter Cung Tiến được ví như “Con Thiên Nga” trong những nhạc sĩ viết ca khúc Việt, những bài ca của ông đều đẹp từ giai điệu đến cảm xúc. Ngoài ra ông là một Composer sâu sắc trải rộng nỗi lòng trong tác phẩm Suite “Chinh Phụ Ngâm” (tạo hứng từ tác phẩm thơ của Đoàn Thị Điểm “Chinh Phụ Ngâm”)
Từ ca khúc đến tác phẩm nhạc không lời, ngoài cảm xúc tinh tế & đẹp, ông luôn luôn gửi gấm những áp dụng và khám phá về nhạc thuật Tây Phương & Đông Phương.
I.Một chút tiểu sử về Composer-Songwriter Cung Tiến. (Xem ở dưới)
II. Bài viết về Cung Tiến của tôi trong thập niên 80 trên báo Nhân Văn (California-USA)(Xem bài posted ở dưới). Tôi có dự định viết một Addendum cho bài này để cập nhật nói về tác phẩm “Vang Vang Trời Vào Xuân”, một liên khúc phổ thơ “Tù” của Thanh Tâm Tuyền & và Suite “Chinh Phụ Ngâm” viết cho Flute, Oboe, Clarinet Bb, Basson, French Horn F, Harp, Violin I, Violin II, Viola, Cello, Double Bass (35 minutes).
III. Tôi làm quen với tác phẩm âm nhạc của Cung Tiến từ bao giờ ? Vài chuyện bên lề.
1. Khoảng đầu thập niên 80, khi đất nước đã bắt đầu mở cửa. Nhiều văn hoá phẩm trong nước được phổ biến ở Hải ngoại. Trong đó có những bộ phim cốt truyện lấy từ tiểu thuyết thập niên 30, 40 như “Số Đỏ” (Vũ Trọng Phụng), “Lá Ngọc Cành Vàng” (Nguyễn Công Hoan”…Lúc bật máy video lên xem thì ngay vào đầu phim tôi rất ngạc nhiên là có tiếng Trung Hồ Cầm (Cello) chơi bài “Hoài Cảm” của Cung Tiến. Cho đến hết phim cũng không thấy giới thiệu Cung Tiến là tác giả của nhạc phẩm được chơi trong phim. Như là một người hành nghề Luật, tôi có ngay nhận xét “đây là một sự vi phạm nghiêm trọng về tác quyền âm nhạc.” Ít lâu sau tôi lại nghĩ khác. Hoá ra “Nhạc Vàng” đã được “cởi trói” sau 10 năm bị “kiểm kê”. Đây là một dấu hiệu tốt thời đất nước “mở cửa”. Chiến tranh đã qua rồi. Phải hàn gắn những mất mát.
2. Khi viết một bài về Songwriter Cung Tiến đăng trên báo Nhân Văn ở California, tôi nói rõ là tôi không quen với ông ta, để tránh sự thiên vị và công tâm nhận xét những giá trị về nhạc thuật và cảm xúc tinh tế trong những ca khúc của ông. Tôi đã nêu ra những nét nhạc Mozart trong ca khúc của ông. Tôi cẩn thận trích dẫn số trường canh (mesures) trong tác phẩm của Mozart mà ca khúc của ông bị ảnh hưởng để người đọc thấy sự nghiêm chỉnh và sự tôn trọng tôi dành cho tác phẩm của ông. Một thời gian sau qua nhạc sĩ Trần Đại Phước, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với ông (Cung Tiến)qua email. Không những ông không “phiền lòng” về sự “bới lông tìm vết” của một nhà phê bình âm nhạc như tôi, trái lại ông lại còn thích thú, vì có người nghe nhạc ông kỹ như tôi. Tôi rất quí mến phong cách lịch sự của một nhà viết nhạc như ông.
Lại một lần nữa khi ông nhận “commission” để viết nhạc cho hai nhạc đề Lơ Thơ Tơ Liễu” & “Trấn Thủ Lưu Đồn” ông cho rằng 2 nhạc đề này là Dân Ca. Tôi xác định với ông không phải như vậy. Riêng nhạc đề “Trấn Thủ Lưu Đồn” lầy từ điệu hát “Hồi Tiếu” của Chèo. Còn nhạc đề “Lơ Thơ Tơ Liễu” là lối nói “Vỉa” của điệu hát “Hồi Tiếu” (Theo Hà Văn Cầu “Tìm hiểu phương pháp viết Chèo”). Hơn nữa hai câu thơ “Lơ thơ tơ liễu buông mành. Con oanh học nói trên cành mỉa mai” lấy từ tác phẩm . “Đoạn Trường Tân Thanh” (Truyện Kiều) của Nguyễn Du. Tôi chưa được hồi âm của ông từ dạo ấy.
3. Cũng qua câu chuyện với nhạc sĩ Trần Đại Phước về ca khúc của Cung Tiến. Tôi nhắc đến hai ca khúc “Chiều Cách Vợi” & “Những Đêm Ảo Huyền” của ông. Ông cho biết chính ông không còn nhớ 2 ca khúc này. Tôi biết 2 ca khúc này, như đã nhắc đến trong một số status trước, (là vì lúc tôi 8 tuổi đã bắt đầu học nhạc nghiêm chỉnh qua đàn banjo, mandoline & guitar nên tôi tin ở trí nhớ của tôi) là vì ông anh cả tôi là bạn của Cung Tiến ở trường trung học Chu Văn An nên sinh hoạt văn nghệ với nhau. Cung Tiến có giới thiệu 2 ca khúc này với bạn văn nghệ như Duy Trác, Dương Hồng Duyệt …Riêng ông anh cả tôi sau là Dr. Phạm Văn Vận, thuở học sinh hát rất hay và thổi sáo thuộc loại “cao thủ”. Tiếp đến tôi hát cả 2 bài cho Nhạc Sĩ Trần Đại Phước nghe. Bây giờ ở tuổi “nghiêng chiều” tôi nhớ được vài câu lời hát (Nhạc còn nhớ trọn vẹn):
Chiều Cách Vợi
“Bên kia sông vắng.
Chiều vàng nhạt nắng.
Mây dồn nhanh mấy hàng.
Một chiều đầu thu.
Ngồi ngoài bờ ngõ.
Nức nở lá rơi đầy ngõ tôi.
…………………………………..”.
Theo văn phong của lời ca (lyrics), cách khai triển nhạc đề (Theme Development) và nét nhạc (Dessin Melodique) của ca khúc “Chiều Cách Vợi” tôi thấy không khác mấy với ca khúc “Thu Vàng”. Như vậy có thể ông viết ca khúc này thiếu niên (ca khúc “Thu Vàng” ông viết lúc khoảng 14 tuổi).
4. Sau dạo ấy có tác phẩm mới ông thường gửi tặng tôi để tôi cập nhật nếu có bài viết mới về nhạc của ông.
5. Trong vòng 20 năm (thập niên 90 & thập niên đầu thế kỷ 21) tôi bôn ba làm ăn trong nghề Luật Tài Chánh khắp thế giới & nhiều lần về nước sưu tầm và nghiên cứu dân ca, dân nhạc nên tôi bị gián đoạn không theo dõi ca khúc phổ thông Việt Nam nữa. Bây giờ cập nhật nguồn tài liệu tôi được biết Composer Cung Tiến đã có những tác phẩm nhạc không lời. Đặc biệt là Suite “Chinh Phụ Ngâm”. Rất mừng cho ông.
6. Phải nói thêm, ngoài lãnh vực Composition & Songwriting, ông còn là một nhà văn (thời sinh viên) dưới bút hiệu Thạch Chương với những tác phẩm dịch thuật như “Hồi Ký Viết Dưới Hầm”, “Một Ngày Trong Đời Của Ivanovich”…
7. Về học vấn ông đỗ Cử Nhân (KT) ở Úc và Cao Học ở Anh (KT). Ông đã có những tác phẩm dịch về Kinh Tế Thương Mại với tác giả Nguyễn Lương Ngọc, ông cũng là một thành viên dịch thuật cuốn sách nổi tiếng của Kinh Tế Gia Samuelson (Nobel Laureate), chủ biên là GS. Nguyễn Cao Hách (Nguyên Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa, Viện Đại Học Sài Gòn)
Tóm lại, cuộc đời của Composer-Songwriter-Kinh Tế Gia-Nhà Văn, Dịch Giả Cung Tiến quả là trọn vẹn với những tác phẩm trong lãnh vực nào cũng có giá trị rất cao.
NGHE CA KHÚC CUNG TIẾN
THU VÀNG-CUNG TIẾN- ca sĩ Mai Hương

HƯƠNG XƯA-CUNG TIẾN- ca sĩ Trần Thu hà

HOÀI CẢM-CUNG TIẾN- ca sĩ Duy Trác

NGUYỆT CẦM-CUNG TIẾN- ca sĩ Quỳnh Giao

MẮT BIẾC-CUNG TIẾN- ca sĩ Lệ Thu

LỆ ĐÁ XANH-thơ THANH TÂM TUYỀN-nhạc CUNG TIẾN-ca sĩ Thu Vàng

HOÀNG HẠC LÂU-thơ THÔI HIỆU bản dịch VŨ HOÀNG CHƯƠNG- nhạc CUNG TIẾN-ca sĩ Camille Huyền-guitar Walther Giger

NOTES:
1. Còn một số ca khúc rất hay của Cung Tiến nhưng không thấy trên YouTube như:
– “Kẻ Ở” , “ Đêm Hoa Đăng” do ca sĩ Lệ Thu hát.
2. Về Suite “Chinh Phụ Ngâm” tôi chỉ có trong collection nhạc Cung Tiến phiên bản cassette thu buổi trình diễn ở San Jose, California. Dàn nhạc Thính Phòng do nhạc trưởng Leo Eylar III điều khiển. Âm thanh thu không được hay, nên không upload một đoạn để thuyết minh được.
3. Cũng thế đối với cassette tape “Vang Vang Trời Vào Xuân” ghi buổi trình diễn ở Washington D.C âm thanh cũng không được hoàn hảo. Tape này do anh Lê Văn Đài VOA gửi tặng tôi năm 1985. 

Nguồn: Michael Loc Pham

https://www.facebook.com/conduongtinht/posts/5820180408011365