QUỐC KỲ (Nguyễn Đức Chung)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Quốc kỳ, biểu tượng cho một quốc gia, ai trong chúng ta cũng đều biết. Mỗi một nước đều chọn cho mình một lá cờ với hình thức, màu sắc có ý nghĩa riêng biệt để làm biểu tượng cho hồn thiêng sông núi hay nét đặc thù của quốc gia đó.

Việt Nam Cộng Hòa cũng không ngoại lệ. Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa với nền vàng và ba sọc đỏ nằm ngang chia đều phần giữa của lá cờ đã được Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa chuẩn thuận.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa, người viết xin không lạm bàn thêm để mất thì giờ quý bạn đọc, vì có nhiều tác giả đã viết về lịch sử hình thành nước Việt Nam Cộng Hòa và lá Quốc Kỳ rồi.

Từ khi nước Việt Nam Cộng Hòa bị đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cưỡng chiếm ngày 30/4/1975 cho tới nay; đã từng có một vài cá nhân, hội đoàn, tổ chức, đảng phái… mang danh tỵ nạn CS tại hải ngoại đề nghị thay đổi lá Quốc kỳ, bên cạnh việc thay đổi Quốc Ca VNCH, thậm chí có kẻ còn kêu gọi hãy để mọi chuyện quá khứ “đi vào tiền kiếp”.

Là con dân của nước VNCH, bị đảng CSVN cướp nước, bị bách hại tù đày, bị cướp nhà, cướp của, thậm chí mất cả mạng sống của người thân yêu trong gia đình dưới nhiều hình thức do đảng CSVN gây ra từ đó đến nay vẫn còn đang tiếp diễn…

Mất tự do, mất nhân quyền… người dân VNCH (đảng CSVN gọi và liệt vào thành phần “ngụy dân cần theo dõi và bị xử lý”) đã phải đành đoạn tìm cách trốn khỏi quê hương để tìm Tự Do nơi xứ người! Biểu tượng duy nhất còn lại để mang theo, để trân quý giữ gìn, để truyền lại cho con cháu biết được rằng: Bằng bao nhiêu hy sinh xương máu của Cha Ông, của bao nhiêu chiến sĩ VNCH đã đổ ra cho mảnh đất tự do trước 1975; và ngay cả mạng sống trên đường tìm tự do sau ngày bị cướp nước. Hồn thiêng sông núi không phải chỉ phảng phất, mà mãi mãi còn in đậm trên lá cờ thân yêu này: Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa.

Người xưa có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn”.

Là người dân Việt dưới chính thể VNCH, đã từng hít thở trong không khí tự do, đã từng thọ ơn những người không ngại gian nguy, ngày đêm xả thân để bảo vệ sự an bình cho đồng bào, giữ gìn từng tấc đất của nước VNCH.

Người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại, những người đã từng xác quyết lý do phải bỏ nước ra đi vì Cộng sản cướp nước, cướp tự do… thì mặc nhiên công nhận lá Quốc Kỳ VNCH làm biểu tượng cho Tự Do; mà không một ai nhận mình vì miếng ăn mà bỏ nước như giặc Cộng từng bôi nhọ, xuyên tạc, tuyên truyền.

Quốc Kỳ VNCH, một biểu tượng thiêng liêng vô giá! Vì đã được Tiền nhân hy sinh bảo vệ bằng máu xương, là người Việt Nam quốc gia chân chính cần ghi nhớ:

1.- Phải luôn trân quý qua từng lời nói, cử chỉ lẫn hành động và truyền lại cho hậu thế hiểu biết, tôn trọng và bảo vệ Quốc Kỳ VNCH.

2.- Cùng nhau lên án mọi hành vi xúc phạm Quốc Kỳ VNCH.

3.- Tuyệt đối không được so sánh hoặc đánh đổi Quốc Kỳ VNCH với bất cứ quyền lợi vật chất hay danh vọng nào!

Sáng nay, người viết tham dự Thánh lễ An táng của một người quen trong giáo xứ. Khi người thân của người quá cố khiêng chiếc quan tài qua hàng ghế của mình, người viết thấy trên quan tài có phủ ngang một lá Quốc Kỳ Ái Nhĩ Lan. Một niềm xúc động dâng lên khóe mắt… Giá mà mọi người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại cũng xác định, tôn trọng được lý tưởng, vị trí của mình bằng một biểu tượng như người Ái Nhĩ Lan đã sống và chết tại Anh quốc, thì chính nghĩa quốc gia sẽ được ngời sáng và ngày quang phục quê hương sẽ ngắn lại!

Xin đừng nhầm lẫn với việc phủ lá Quốc Kỳ phủ dọc trên quan tài của các tử sĩ VNCH, để ghi ơn những vị ấy đã hy sinh tính mạng để bảo vệ đồng bào, bảo vệ chính nghĩa quốc gia trước đây.

Cộng đồng người Ái Nhĩ Lan được tự do sống trên đất nước của họ và cũng được tự do nhận thêm quốc tịch của Anh quốc để tự do sinh sống trên đất nước này. Nhưng khi sống và cũng như khi trở về với tro bụi, họ vẫn luôn xác định nguồn cội của họ với lá Quốc Kỳ được phủ theo.

Anh quốc 28/5/2021

Nguyễn Đức Chung