Tôi sinh ra ở Huế, nhưng lớn lên ở thành phố Nha Trang, sau khi cùng cả nhà theo cha tôi vào đây nhận nhiệm sở mới. Có lẽ ngày ấy tôi là một cô gái khá xinh. Ngay từ năm tôi học lớp đệ lục trường Nữ Trung Học , cũng đã có vài chàng học trò khờ khạo si tình, đạp xe theo sau tôi những buổi học tan trường. Lên năm đệ tam, cũng có vài chàng SVSQ Hải Quân, Không Quân chờ trước cổng trường tán tỉnh. Nhưng như là số trời, trái tim tôi chỉ rung động trước một người. Anh là bạn chí thân với ông anh cả của tôi, hai người học cùng lớp thời còn ở trường Võ Tánh. Tháng tư năm 68, chúng tôi làm đám cưới, kết thúc một cuộc tình đầu thật dễ thương, không có nhiều lãng mạn, cũng chẳng có điều gì trắc trở. Ông xã tôi là lính Biệt Động Quân. Hậu cứ đóng ở Pleiku. Ngày về làm đám cưới, đôi giầy saut của anh còn bám đầy đất đỏ hành quân. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức tại một nhà hàng nằm gần bờ biển, không xa tòa tỉnh, nơi vừa trải qua khói lửa Mậu Thân.
Khi vừa đến cổng trại, tôi ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người đều đã ngồi sẵn trên xe. Chúng tôi rời khỏi doanh trại. Thành phố Pleiku như đang ngơ ngác trước những người từng bao năm sống chết với mình nay vội vàng bỏ đi không một tiếng gĩa từ. Đang giữa mùa xuân mà cả một bầu trời u ám. Pleiku tiễn chúng tôi bằng một cơn mưa đổ xuống khi đoàn xe vừa ra khỏi thành phố. Đến ngã ba Mỹ Thạnh, đoàn xe dừng lại. Phía trước chúng tôi dày đặc xe và người, vừa dân vừa lính, đủ các binh chủng, đủ các loại xe, kể cả xe gắn máy. Tôi nghe chồng tôi và bạn bè nói là ngoài lực lượng xung kích mở đường, một số đơn vị Biệt Động Quân còn được chỉ định đi sau, ngăn chặn địch quân tập hậu để bảo vệ cho đoàn quân di tản! Đây là trách nhiệm nguy hiểm và nặng nề nhất trong một cuộc hành quân triệt thoái.
Buổi sáng sớm khi vừa xuống chân đồi, chúng tôi chạm súng với địch. Cũng là lần cuối tôi chứng kiến những người lính Biệt Động can trường. Các anh phân tán từng toán nhỏ, xông vào lòng địch mà đánh, tiếng thét “Biệt Động Quân Sát” vang dội cả một vùng. Nghe súng nổ, tôi đoán lực lượng địch đông lắm. Một anh trung sĩ bị thương ở cánh tay trong trận đánh hôm qua, được chỉ định dắt tất cả đám đàn bà con nít chúng tôi ra khỏi vùng giao chiến. Đã vậy anh còn phải dìu theo một người lính bị thương khác. Vợ chồng tôi thất lạc nhau kể từ phút ấy. Tôi còn lạc mất cả cháu Cao Nguyên, được ba nó gùi theo phía sau lưng ngay cả những khi lâm trận. Không biết chiếc áo giáp có đủ để che chắn hình hài bé nhỏ của con tôi. Hình ảnh này trước đây tôi nghĩ chỉ có diễn ra trong mấy cuốn truyện Tàu mà tôi đã đọc.
Mặc dù đã chứng kiến bao nhiêu máu lửa tang tóc, cũng như đã chuẩn bị tinh thần, nhưng tôi thực sự kinh hãi những gì trước mắt, khi nhìn thấy ngổn ngang bao nhiêu xe cộ bị đốt cháy, những bộ xương người còn vương vãi đó đây, bao nhiêu nấm mộ bị lấp vội bên đường. Cả một vùng xông mùi tử khí. Chiếc khăn bịt miệng tẩm ướt dầu Nhị Thiên Đường đã giúp tôi và cậu em vượt qua chặng đường gần 100 cây số. Đến Cheo Reo, hỏi thăm một vài người dân, được biết một số sĩ quan bị bắt làm tù binh, đang còn giam ở Thuần Mẫn. Chúng tôi đến đó, trình giấy phép đi tìm chồng của Ủy Ban Quân Quản mới được cho vào trại. Sau khi tên VC trực ban cho biết không có tên chồng tôi trong danh sách tù binh, tôi xin được gặp bất cứ sĩ quan nào cùng đơn vị với chồng tôi. Rất may, tôi gặp được anh đại đội phó lúc chồng tôi còn ở tiểu đoàn. Anh cho biết là có gặp một số binh sĩ cùng chồng tôi chiến đấu dưới ngọn đồi gần đèo Tu Na. Họ cho biết chồng tôi bị thương, nhưng cố tìm cách đưa cháu Cao Nguyên đến một nơi nào đó. Tôi sáng lên niềm hy vọng. Ngay hôm ấy tôi thuê năm người thượng, theo tôi lần theo con đường dọc bờ sông mà tôi còn nhớ, trở lại khu đồi thấp, rồi bung ra xa đi tìm. Liên tục trong một tuần, chúng tôi chỉ tìm được mấy bộ xương người, một số mộ vô danh, nhưng không thấy dấu vết của chồng tôi. Tôi trở về mang theo niềm tuyệt vọng, không chỉ cho tôi, mà cho cả nhà chồng.
Rồi chị nhìn thẳng vào mặt anh ta hỏi:- Mày có phải là thằng Nguyên, Lê Cao Nguyên không?
– Có anh em không?- Không.
– Anh có nhớ ngày sinh không?- Không.(Gã công an nhìn sang tôi, bảo là sẽ đi tìm khai sinh sau)
– Anh có nhớ lúc còn nhỏ, khi ba, bốn tuổi anh ở đâu không?- Không! Thì chắc tôi ở với cha mẹ tôi mà.
– Cái sẹo trên cánh tay trái, anh biết vì sao mà có cái sẹo này không?(Gã công an bảo anh xăn tay áo lên và chỉ vào vết sẹo)
– Không! Chắc là bị cành cây đâm trúng.
Tôi thở ra thất vọng. Nhưng vừa chợt nghĩ ra điều gì, tôi lại hỏi:
– Cha mẹ anh đang ở đâu?- Buôn Ban Ma Dek.(Gã công an nhìn tôi, bảo buôn Ban Ma Dek cách đây hơn 10 cây số)
– Anh ở chung với cha mẹ anh?- Không, ở bên cạnh, với vợ và hai đứa con.
Tôi đề nghị hai gã công an cùng đi với chúng tôi và anh bán gà về buôn Ban Ma Dek. Sau khi hỏi nhỏ bà chủ nhà trọ, hai gã công an gật đầu. Nhưng bảo chúng tôi phải thuê xe ôm, vì về buôn Ban Ma Dek chỉ có đường rừng, xe ô tô không chạy được. Bà chủ nhà trọ gọi giùm chúng tôi bảy cái xe ôm.
– Tôi đã chôn ông ta dưới gốc cây ấy, rồi rào lại, sợ thú rừng bới lên ăn thịt.
Chúng tôi theo sau hai người công an dìu ông gìa đi về phía khu rừng.
Tôi khóc ngất khi nhìn thấy ngôi mộ lè tè nằm dưới tàng cây, được rào lại bằng những que gỗ nhỏ. Vợ chồng cháu Thùy Dương cũng qùy xuống ôm vai tôi mà khóc. Tôi ngước lên dáo dác tìm Ksor Tlang, thằng Cao Nguyên, đứa con trai duy nhất của vợ chồng tôi. Nó đang đứng bất động, hai tay đang nắm chặt hai đứa con đang trần truồng, đen đúa. Tôi chạy lại ôm hai đứa nhỏ vào lòng, nhưng cả hai đứa trố mắt nhìn tôi dửng dưng, xa lạ.
Phạm Tín An Ninh (Phỏng theo lời kể của một người vợ lính BĐQ)