Cách đây hai thập niên, vào thời điểm nầy, Lâm Tường Dũ bàn với tôi thực hiện Giai Phẩm Xuân cho tờ Thế Giới Nghệ Thuật. Với nhạc sĩ thì dựa vào các nhạc phẩm sáng tác về Xuân nhưng với ca sĩ thì mông lung nên dựa vào bức tranh tứ quý: mai, lan, cúc, trúc để viết. Tôi chọn 4 ca sĩ khởi đầu với chữ Mai: Mai Hương, Mai Hân, Mai Ngọc Khánh & Mai Lệ Huyền. Lâm Tường Dũ chọn 4 chữ Lan cuối cùng: Thanh Lan, Ngọc Lan, Ý Lan & Hương Lan.
Ngọc Lan sinh ở Nha Trang, qua đời năm 2001, nay đến Mai Hương sinh ở Đà Nẵng từ trần vào chiều Chủ Nhật 29/11/2020 tại Nam California. Tôi thích và thiện cảm với hai ca sĩ nầy từ tiếng hát đến nhân cách sống và gắn liền với nơi chốn cố hương và quê vợ.
Mai Hương là một trong những ca sĩ duy nhất không bị scandal nào trong tình yêu và nghiệp dĩ. Ca sĩ có công việc vững chắc ở Bank of America. Là con chiên rất ngoan đạo Tin Lành, Chủ Nhật nào cũng đi lễ ở nhà thờ Vietnamese United Methodist ở Anaheim, tuy xa nhà nhưng có đông cộng đồng người Việt. Thứ Sáu, 11 tháng 12, nhà thờ làm Lễ Dâng Xác Trương Mai Hương (lấy họ chồng) – tôi là Phật Tử thuần thành nhưng trong văn học nghệ thuật với những khuôn mặt chân chính đều bày tỏ lòng cảm mến.
Trong mùa dịch Covid-19 đang cô lập mọi người, rất tiếc có hai ca sĩ được mọi người ái mộ đã vĩnh biệt cõi trần, ca sĩ Thái Thanh qua đới 17 tháng 3, 2020 và lần nầy đến ca sĩ Mai Hương, những người ái mộ không đến để tiễn đưa lần cuối!
Về tiểu sử Mai Hương đã được đề cập khá nhiều nên ghi tổng quát:
Mai Hương nguyên danh Phạm Thị Mai Hương, gốc Hà Nội, sinh năm 1941 tại Đà Nẵng. Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, cha mẹ MH là Phạm Đình Sỹ và nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, diễn viên đoàn kịch Sao Vàng của Thế Lữ, được Bộ Thông Tin VNCH đã trao tặng danh hiệu nữ kịch sĩ xuất sắc nhất năm 1956. Ông Phạm Đình Sỹ là anh trai của các ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy), ca sĩ Thái Thanh, ca sĩ Hoài Trung Phạm Đình Viêm và nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương.
Năm 1951, gia đình ông Phạm Đình Sỹ mới trở về Hà Nội, cuối năm 1952 di cư vào Sài Gòn sống cho đến năm 1975. Năm 1953, mới 12 tuổi đã tham dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tại rạp Norodom, với ca khúc Xuân & Tuổi Trẻ (nhạc La Hối, lời Thế Lữ) được trúng tuyển. Mai Hương cộng tác với chương trình nhi đồng của nữ ca sĩ Minh Trang trên đài Phát Thanh Sài Gòn, thời gian cộng tác với các chương trình thiếu nhi, khi trao lại cho kịch sĩ Kiều Hạnh đổi tên là ban Tuổi Xanh. Khi Đài Phát Thanh Pháp Á, sau đổi tên thành Đài Phát Thanh Quốc Gia rồi Đài Phát Thanh Sài Gòn), Ban Tuổi Xanh tiếp tục cộng tác với đài phát thanh hàng tuần. Ban Tuổi Xanh đã quy tụ những tiếng hát Bích Chiêu, Mai Hương, Bạch Tuyết, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc, Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu… và Bạch Tuyết (sinh năm 1943, em gái Mai Hương vừa qua đời cách nay 3 tháng, trùng tên đào cải lương Bạch Tuyết). Mai Hương theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc (cùng thời điểm theo tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng) được khoảng ba năm về violin, ký âm pháp, đàn tranh và hợp xướng. Sau đó vì bận thi tú tài 1 nên phải bỏ dở.
Khi Mai Hương tham gia trong ban nhạc của Võ Đức Tuyết và Hoàng Lang cùng với những ca sĩ nổi danh của nền tân nhạc lúc đó là Anh Ngọc, Duy Trác, Nhật Bằng, Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà…Và, Mai Hương lần lượt xuất hiện trong nhiều ban ca nhạc khác, như Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc, ban Phương Hoa của Vũ Thành, ban Hương Quê của Hoàng Trọng… Và nổi tiếng nhất với Ban Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng năm 1967 (Ông hoàng của dòng nhạc Tango, tôi đã viết bài Hoàng Trọng, Ngàn Thu Áo Tím trong quyển Văn Nhân & Tình Sử). Ban nhạc quy tụ những ca sĩ lừng danh, thường trình bày những ca khúc tiền chiến và những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ nổi tiếng ổ Sài Gòn. Mai Hương trong tam ca của Ban Tiếng Tơ Đồng (Kim Tước, Quỳnh Giao), theo dòng thời gian từ trong nước, ở Hoa Kỳ. Tiếng hát Mai Hương thường xuyên ngoài Đài Phát Thanh Sài Gòn còn có Đài Tiếng Nói Quân Đội, Đài Tiếng Nói Tự Do và Đài Truyền Hình Việt Nam trên băng tần số 9 ở Sài Gòn.
Lập gia đình với người bạn đời Trương Dục, tuy không ở trong giới nghệ sĩ năm 1961 nhưng là người cảm thông và khích lệ. Ngày 22 tháng 4 năm 1975, Mai Hương cùng chồng Trương Dục, phục vụ tại Nha Hàng Không Dân Sự, và bốn người con rời Việt Nam tạm trú tại trại Pendleton ở Nam California. Lần đầu tiên Mai Hương được mời đi trình diễn ở thành phố New Orleans.
Năm 1980, Mai Hương phát hành băng nhạc đầu tiên tại hải ngoại mang tên Giấc Mơ Hồi Hương (Ca khúc nổi tiếng cũa Vũ Thành). Và từ đó thu âm, có nhiều CD như Nhặt Cánh Sao Rơi, Serenade, Vàng Phai Mấy Lá… Tổng cộng khoảng 10 CD với tiếng hát của Mai Hương, trong số đó có CD Tìm Nhau Bốn Mùa hát chung với Kim Tước và Quỳnh Giao. Năm 1989 Mai Hương sống ở Rowland Heights, Nam California và làm việc cho ngân hàng Bank Of America. Sau 22 năm với công việc, năm 2000 Mai Hương về hưu và thỉnh thoảng xuất hiện trong các chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ qua đời… Tiếng hát của Mai Hương là tiếng hát của hoài vọng, nhớ thương của cung thương ngày cũ.
Mỗi ca sĩ thường có những ca khúc để đời. Với giọng soprano, nhẹ nhàng, dịu dàng, thiết tha, bay bổng, cao vuốt và điêu luyện… thích hợp với những ca khúc bán cổ điển. Mai Hương đã thực hiện trong CD như: Giấc Mơ Hồi Hương, Bóng Ngày Qua, Đi Chơi Chùa Hương, Mai Hương & Những Tuyệt Phẩm Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Tình Khúc Dương Thiệu Tước, Khúc Nhạc Ly Hương, Nhạc Tiền Chiến, Nhặt Cánh Sao Rơi, Vàng Phai Mấy Lá, Như Ngọn Buồn Rơi, Sérénade, Lỡ Chuyến Đò, Tình Khúc Văn Cao với Quỳnh Giao… Với hàng trăm ca khúc đó cũng hình dung được những bài hát do Mai Hương trình bày.
Trong cuộc phỏng vấn của Nghiêm Xuân Cường thực hiện, ca sĩ Mai Hương đã chia sẻ:
“Trong các kỷ niệm của tôi về thuở niên thiếu, phải nói thời gian êm đẹp nhất là những năm tôi học từ lớp Đệ Ngũ đến Đệ Tam. Tôi nhớ lại những tháng năm ấy như một giòng sông êm đềm trôi mãi trong ký ức bởi lẽ ở tuổi mười bốn, mười lăm, tôi đã bắt đầu biết nghĩ và chớm yêu thơ nhạc nhưng vẫn chưa có gì phải lo nghĩ về thi cử hay về cuộc chiến. Những năm cuối thập niên 60, Sài Gòn vẫn còn huởng không khí tương đối yên bình…
… Từ năm 1972 đến 1975 một số người bỏ đài, không còn hứng khởi hát hò như xưa. Trong số đó có chị Kim Tước ra Nha Trang, chị Hà Thanh ra Huế. Các anh Thanh Vũ, Trần Ngọc (nhạc sĩ Tuấn Khanh) chú Anh Ngọc không hát nữa. Cô Thái Thanh cũng vậy. Trong đài bấy giờ chỉ còn tôi, Hoàng Oanh, cô Mộc Lan, chị Thể Tần và Phượng Bằng, Phương Nga. Quỳnh Giao thì không đi hát đều đặn như trước mà bận dậy đàn nhiều hơn. Ngày 22 tháng 4 năm 1975 chúng tôi rời bỏ quê hương đi lánh nạn xứ người…”
Với tâm niệm của người ca sĩ: “Tôi muốn làm công việc giới thiệu này để nhắc nhở cho những người yêu nhạc rằng kho tàng âm nhạc Việt Nam rất phong phú bằng cách ghi âm lại những bài hát ấy để lưu lại một cái gì cho người, cho mình. Tôi cũng muốn ghi lại giọng ca của mình trong lúc còn có thể hát được vì có ai trẻ mãi với thời gian. Những bản nhạc mà tôi đã chọn để hát cho khoảng hơn 10 CDs cho các trung tâm Diễm Xưa, Tú Quỳnh, Mai Ngọc Khánh… cũng không ngoài mục đích kể trên”.
Với nhạc sĩ Vũ Thành ngoài ca khúc Giấc Mơ Hoài Hương, tôi thích tình khúc Nhặt Cánh Sao Rơi với tiếng hát Mai Hương cũng là chủ đề của CD.
Giờ đây, anh Trương Dục ngậm ngùi thương tiếc hình ảnh người vợ hiền Mai Hương ra người thiên cổ với nỗi lòng trong ca khúc:
“Người năm trước còn nhớ chăng đêm nào
Đầu xanh tóc tình lứa đôi dạt dào
Bạn ngồi bên tôi tay nắm tay tim nghẹn ngào
Lặng nhìn trời xanh thẳm đẹp muôn ánh sao
… Nhưng đêm nay sao trời vẫn sáng
Ngân hà đôi hướng có riêng mình tôi
Lắng buồn đoái nhìn ngàn sao thờ ơ
Áng mây buông lững lờ
Bới trong tro tàn tìm ánh sao xưa”.
Trước đây, thỉnh thoảng tôi gặp anh Trương Dục ở quán cà phê trong khu Catinat Plaza ở Little, sau nầy chưa có dịp gặp nhau.
Tưởng nhớ người quá cố, ca sĩ Mai Hương, gởi đến anh lời chia buồn và tựa đề bài viết: Mai Hương, Một Ánh Sao Rơi trong gia đình anh và mọi người ở trong nước và hải ngoại đã một thời yêu thích tiếng hát theo năm tháng.
Little Saigon, Nov 30, 2020
Vương Trùng Dương