MỸ CÂN NHẮC LỆNH CẤM NHẬP CẢNH ĐỐI VỚI ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN TÀU

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét lệnh cấm đến Mỹ đối với các thành viên của Đảng Cộng Sản Tàu (ĐCST) và gia đình họ, theo nguồn thạo tin nói với New York Times. Hành động này được cho là một cú đòn nặng ký tiếp theo hàng loạt các chế tài mà chính quyền Trump đã công bố đối với Bắc Kinh, dự báo sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai nước. 

Ngoài việc cấm nhập cảnh đối với các thành viên của ĐCST và gia đình họ, sắc lệnh dự thảo này cũng có thể bao gồm việc thu hồi thị thực của những người thuộc diện nói trên hiện đang ở Mỹ, tiến tới việc trục xuất họ ra khỏi nước Mỹ.

Một số nội dung trong dự thảo cũng đề cập tới việc hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với thành viên của Quân Đội  Trung Cộng  (PLA) và giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp nhà nước.

Sắc lệnh của tổng thống sẽ viện dẫn cùng một điều khoản trong Đạo luật Di trú và Quốc tịch được sử dụng trong lệnh cấm nhập cảnh năm 2017 đối với một số quốc gia Hồi giáo, theo đó cho phép tổng thống tạm thời ngăn chặn những người nước ngoài được coi là gây nguy hại cho lợi ích của Mỹ nhập cảnh vào nước này. 

Một lệnh cấm sâu rộng như vậy sẽ là hành động khiêu khích nhất đối với Trung Cộng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại giữa hai nước vào năm 2018, có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh Lạnh, theo New York Times.

Trong những tháng gần đây, các giới chức Mỹ đã cố gắng phân biệt rõ ràng giữa các đảng viên và những người Tàu khác, nói rằng phải trừng phạt ĐCST và ngăn chặn tham vọng toàn cầu của nó. Mỹ đã chỉ ra vai trò của ĐCST trong việc che đậy sự bùng phát virus Vũ Hán ban đầu, giam giữ hơn một triệu người Hồi Giáo Duy Ngô nhĩ trong các trại tập trung và phá hủy tự do dân sự ở Hồng Kông.

Ngôn ngữ trong dự thảo nhấn mạnh hành vi nghiêm trọng gần đây của Trung Cộng, đặc biệt là hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của các chủ thể nhà nước Trung Cộng và cái gọi là lệnh cấm xuất cảnh đối với một số công dân Mỹ muốn rời khỏi Trung Cộng.

Lệnh cấm sẽ cung cấp cho Bộ Ngoại giao quyền hạn mới để ngăn chặn các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh hàng đầu của Trung Cộng và gia đình của họ vào Mỹ. Nó cũng sẽ cho phép Bộ Ngoại giao chính thức hóa quy trình theo đó các giới chức Mỹ có thể hỏi về tình trạng “đảng viên” trong các cuộc phỏng vấn xin visa và trên các biểu mẫu. 

Các giới chức tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa đang cùng thảo luận về lệnh cấm này. Theo dự thảo, Bộ An ninh Nội địa sẽ chia sẻ trách nhiệm thực hiện lệnh cấm.

Đảng Cộng sản kiểm soát mọi mặt trong đời sống ở Trung Cộng. Trong khi các lãnh đạo chóp bu duy trì sự kiểm soát chính sách đối nội và đối ngoại, những người ở các bậc thấp hơn phụ trách mọi việc khác, từ giám sát các trường học đến quản lý quản trị cấp khu phố. Trong những thập niên gần đây, nhiều công dân đã gia nhập đảng để được thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người gia nhập đảng nhưng không hoàn toàn đi theo ý thức hệ của nó, ví dụ có một số người là tín đồ Kitô giáo. 

Theo ước tính nội bộ, nếu cộng dồn cả các đảng viên cũng như gia đình của họ, về mặt kỹ thuật lệnh cấm này có thể bao trùm tới 270 triệu người.

Ông Jude Blanchette, một học giả về Trung Cộng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định phần lớn thành viên ĐCST không liên quan hay tham gia vào việc hoạch định chính sách của Bắc Kinh, do vậy lệnh cấm này nếu được thực thi chắc chắn sẽ gây xôn xao dư luận ở Trung Cộng, vì điều này sẽ nhắm tới khoảng 10% dân số Trung Cộng. 

Cũng có ý kiến đưa ra rằng thay vì cấm tất cả đảng viên, thì có thể chỉ nhắm vào 25 thành viên của Bộ Chính trị và gia đình họ.

Giới quan sát cũng cho rằng để áp dụng được điều này vào thực tiễn cũng là một vấn đề, bởi không dễ dàng để chính phủ Mỹ xác định rõ ràng được ai là đảng viên hay không để thực hiện lệnh cấm hay trục xuất những người đã ở Mỹ.

Trước đó, chính quyền TT Trump đã đưa ra các hạn chế nhập cảnh khác, như việc hạn chế thị thực đối với các giới chức chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Hồi giáo tại Tân Cương và các nhà báo làm việc tại Hoa Kỳ.

Vào tháng 5, các giới chức Mỹ cho biết chính phủ đã hủy thị thực của các sinh viên có quan hệ với một số tổ chức quân sự Trung Cộng.

Sau khi ông Trump ký Đạo luật tự trị Hồng Kông vào hôm 14/7 vừa qua, Bộ Ngoại giao dự kiến sẽ đề xuất tên của các giới chức Trung Cộng liên quan đến việc đàn áp ở Hồng Kông để cho vào danh sách hạn chế thị thực và trừng phạt kinh tế.

Và vào hôm 15/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố cấm một số nhân viên của các công ty công nghệ Trung Cộng, bao gồm cả Hoa Vi, vì đã “cung cấp hỗ trợ vật chất cho các chế độ vi phạm nhân quyền trên toàn cầu.”

Ông nói thêm, “các công ty viễn thông trên toàn thế giới nên tự cân nhắc: Nếu họ đang làm việc với Hoa Vi, họ đang làm việc với những người vi phạm nhân quyền.”

Mỹ đang cố gắng thúc đẩy các chính sách cứng rắn đối với Trung Cộng nhằm chống lại mưu đồ bành trướng của chính quyền Bắc Kinh. Đại dịch và các hành động gần đây của Trung Cộng về Hồng Kông đã khiến quan hệ giữa hai quốc gia xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.

Trước đó, Nghị sĩ Mỹ Guy Reschenthaler hôm 15/6 đã trình dự luật cấm các cá nhân là Đảng viên, Đoàn viên, Đội viên thuộc Đảng Cộng sản Trung Cộng hoặc cả những người “theo đuôi” được cấp thẻ xanh thường trú nhân Mỹ.

Theo New York Times