Đọc những tính xấu của người Tầu (của TQ ), rồi những tính xấu của người Việt do nhà văn Vương Trí Nhàn viết và biên soạn, ngẫm nghĩ thấy thấm thía, đúng và trúng quá. Ấy là bác Vương viết về người Việt ta ở trong nước. Còn người Việt ở nước ngoài ra sao?. Ở nước nào tôi không biết, không dám nói, chứ ở Đức, và Đông Âu có câu ca đồng dao nhận biết tính cách người Việt, đọc thấy hay hay. Xin thú thật, người viết cũng có đầy đủ những tính cách này. Song không biết đây là tính tốt hay tính xấu của người Việt ta, nhờ các bác nghiên cứu giùm nhé:
“Ăn nhanh, đi chậm, hay cười/ Chuyên mua đồ cũ là người Việt Nam“
Lò mổ chúng tôi là nhà máy lớn và đông công nhân lao động nhất nhì thời Đông Đức cũ. Nhà máy có nhà ăn cho công nhân khá rộng, nhưng chỉ đủ chỗ ngồi cho một phân xưởng. Do vậy, công nhân các phân xưởng lên nhà ăn thường lệch giờ nhau. Cùng phân xưởng, nên người Việt và Đức có quan hệ khá tốt, nhất là cùng cánh bù khú rượu chè, cờ bạc đàn ông với nhau. Lúc đầu người Đức và Việt ngồi lẫn lộn cùng bàn ăn uống. Sau đó có lẽ do “văn hoá“ ăn uống khác nhau, nên người Đức dần dần cụm về ngồi một góc riêng. Người Đức thường ít nói chuyện trong khi ăn. Miệng nhai thức ăn cũng kín đáo, nhẹ nhàng. Nhưng người Việt ta lại khác, vừa nhai thức ăn vừa nói chuyện ầm ĩ, nhiều khi thức ăn phụt vào cả mặt người ngồi đối diện. Nhất là gặp phải những miếng sụn khoái khẩu của người Việt ta, tiếng nhai kêu rau ráu, làm cho Tây phát hoảng. Nhai miếng to và nhồm nhoàm, nuốt vội cho nên bao giờ người Việt ta cũng đánh nhanh rút gọn, xong bữa ăn bằng nửa thời gian của bạn. Không hiểu sao người Việt cứ trở lai nơi làm việc chậm hơn bạn, đến mươi mười lăm phút, mặc cho thợ cả quát tháo ầm ĩ. Mấy ông tây bà đầm chậm tầu xe mấy phút, chạy cứ như ma đuổi, mặt xanh như đít nhái, len lét lủi vào xưởng. Còn người Việt ta bình tĩnh, đủng đỉnh, lỡ chuyến xe này ta đi xe sau, đến chậm mấy phút có chết cha thằng nào đâu, cười nói vô tư.
Lại nói đến vô tư, có lẽ người Việt ta vào dạng vô tư nhất thế giới. Chẳng cứ gì những công nhân lao động,hoặc tầng lớp bần cùng của xã hội, ngay các bác lãnh đạo cao nhất đất nước hiện nay, bác nào tôi thấy cũng vô tư. Này nhá, chúng ta coi ông bà Tổng Thống, Thủ Tướng các nước, chỉ cần sau một, hai năm nhậm chức, mặt ông bà nào cũng hốc hác, má tóp lại, hai mắt chùng xuống, theo cách nói dân ta: Má hóp, đít tóp. Nhưng lãnh đạo nước ta ngược lại. Sau khi lãnh trách nhiệm bác nào cũng phát tướng ra cả, mặt mũi tròn xoe, da dẻ lúc nào cũng căng đỏ, bóng nhẫy, cổ cứ như đeo lọng vậy. Dáng đi của các bác càng ngày càng tỏ ra chậm chạp.
Ở ký túc xá của các nhà máy thời đó thường có người Đức chuyên trách, giúp đỡ người Viêt (Betreuer). Có mấy công nhân là đồng hương cùng huyện với người đội trưởng (ở vùng Berlin), không hiểu các cô không biết, hay tiết kiệm, không chịu mua giấy Tollet. Khi đi vệ sinh các cô tương toàn giấy báo vào bồn cầu. Thế mới bỏ me. Đường ống thoát nước cả khu bị tắc. Ông phụ trách giải thích. Chẳng biết có hiểu tiếng hay không, các cô cứ toét miệng cười. Nhiều lần quá chịu hết nổi, ông phụ trách ký túc xá nổi cáu chửi nặng lời. Các cô vẫn cười tươi như hoa. Ông ngớ cả người ra, kéo người đội trưởng đến mong tìm được sự đồng cảm. Nhưng không, thay lời giải thích cho các công nhân của mình, người đội trưởng bảo vệ danh dự, tự trọng cho các đồng hương, đã phản ứng quyết liệt. Bực tức lên đến đỉnh điểm, mất hết lý trí, người phụ trách ký túc xá nắm đầu người đội trưởng Việt Nam ấn thẳng vào bồn cầu, định giật nước. Mọi người tá hoả chạy vội lai can ngăn, bằng không, không biết điều gì sẽ xảy ra.
Hồi chưa thống nhất nước Đức, thỉnh thoảng trong nước có gửi một vài đoàn ca múa nhạc sang gọi là phục vụ anh chị em lao động. Ngược lại anh chị em lao động lại giúp anh chi em văn nghệ săn hàng cũ. Ở quận Lindenau thành phố Leipzig có một cửa hàng đồ cũ (Ankauft- mua- Verkauft- bán) khá nổi tiếng và quen thuộc với người Việt. Hôm ấy nữ ca sĩ Ái Vân, vừa ca xong bài tủ “Triệu Triệu Bông Hồng“ được anh chị em lao động đưa thẳng ra cửa hàng đồ cũ quận Lindenau mua và đóng hàng mang về nước. Có lẽ, do ngẫu nhiên tên của nữ ca sĩ Ái Vân trùng với tên viết tắt cửa hàng đồ cũ của Đức A-V, nên ông bạn tinh nghịch nào đó gắn tên cho cửa hàng đồ cũ đó bằng cái tên của Ái Vân. Đến nay trải qua mấy chục năm, người Việt ở đây vẫn dùng cái tên đó để gọi, dù cửa hàng đó đã sửa chữa mới thành một siêu thị sầm uất.
Nói đến cái khoản đồ cũ này, anh em lao động, hay các văn nghệ sĩ phải gọi các bác lãnh đạo trong nước bằng sư phụ. Trình độ các bác đã đạt tới mức thượng thừa. Tiền chùa nên các bác rinh về hàng loạt các nhà máy xi măng ống đứng ống nằm, những nhà máy mía đường cổ lỗ của ông bạn lớn phương Bắc, ì ạch hoạt động không quá một năm rồi để trở thành đống sắt vụn. Nhìn hợp đồng mua bán với giá cao ngất ngưởng, nhiều người sợ quá so vai rụt cổ:
– Này này…..xin lỗi các ông, đừng nghĩ cứ đồ cũ là giá rẻ nhé!
Cái tự hào và anh hùng vặt của anh bạn tôi, làm cho anh cứ ân hận xấu hổ mãi đến nay, mỗi khi nhắc lại. Anh nguyên là bộ đội trinh sát, hay đặc công gì đó, theo anh kế anh có võ nghệ cao cường. Anh tự hào về điều đó. Hôm đó tại nhà ăn của nhà máy không hiểu do bài bạc, hay rượu chè, nhóm làm việc của anh cãi nhau với nhóm người Đức. Mọi người túm vào can, mấy người Đức im lặng vào chỗ ngồi. Riêng anh không chịu, đứng giữa nhà ăn xuống tấn kều kều tay: Komm her (lại đây) trông y trang Lý Tiểu Long trong phim vậy. Tức mình, một anh người Đức to như con gấu, nhảy bổ đến túm chặt cổ áo và chân anh nhấc bổng lên quay mấy vòng như lực sĩ đang cử tạ. Mọi người được một phen xanh cả mặt, cứ tưởng anh người Đức vứt toẹt anh xuống nền gạch. Thế thì tấm thân chẫu chàng của anh sẽ bẹp như bánh bao. Nhưng anh người Đức đã không làm như vậy. Anh từ từ hạ anh bạn tôi xuống bảo:
– Về chỗ ngồi ăn, còn làm việc, anh không chịu nổi một quả đấm của tôi đâu.
Mỗi khi nhắc đến anh bạn này, tôi lại nhớ có lần cùng Tô Vương (tứcVương Dứa) phóng viên báo Nhân Dân, đến thăm Mai Xuân Trường báo Nông Nghiệp. Hình như hôm đó có cả nhà văn Văn Chinh ở đó?. Trong lúc trà nước, có anh nào đó kể lại câu chuyện đang lưu hành trong dân gian: Ông Tố Hữu ngày đó đang giữ chức Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng (tức phó thủ tướng) – thời giá- lương- tiền, cả Việt Nam đói. Toàn dân ăn bo bo và khoai, sắn khô, trừ các bác có chế độ Tôn Đản hay Nhà Thờ. Có nhiều gia đình ở miền núi phía Bắc bị chết đói. Tố Hữu đi thăm Pháp, khi về có ghé qua Moscow. Sứ Quán Việt Nam tổ chức cho ông nói chuyện với cán bộ nhân viên Sứ quán và các lưu học sinh. Lúc này gã nhà thơ Trần Đăng Khoa đang học trường viết văn ở đó. Tất nhiên nhà thơ cũng được mời đến. Cuối bài diễn văn, đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng có chốt lại câu tràn đầy niềm tự hào:
“..Các đồng chí có biết không? Đi ra ngoài so sánh mới cảm thấy hết đất nước, con người Việt Nam ta vô cùng tươi đẹp và thông minh. Tôi ví trái đất này như là chiếc nón, Việt nam đang ở trên đỉnh chóp vậy.“
Chờ chàng vỗ tay rầm rầm kết thúc, đồng chí Phó Chủ Tịch hỏi có ai muốn nói hoặc ý kiến gì không? Gã Trần đăng Khoa đứng dậy:
– Thưa bác, không biết chiếc nón đó đang úp hay NẰM NGỬA ạ!
Đồng chí Phó chủ tịch không trả lời, mặt xám xầm lại, ra thẳng xe về nhà khách của Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô. Chờ mọi người về hết, đồng chí Đại sứ ( Nguyễn mạnh Cầm? ) kéo Khoa lại hỏi như trách:
– Sao cậu lại dám nói với đồng chí phó chủ tịch như vậy?
– Báo cáo anh, em nói với bác Tố Hữu với tư cách nhà thơ với nhau thôi ạ.
Tôi không rõ, giữa Trần Đăng Khoa và Phó chủ tịch Tố Hữu có mối giao tình hay quan hệ gì đặc biệt? Chứ các nhà thơ bình thường khác, dám nói như vậy trong thời điểm đó, bảo đảm phải ngược về nước ngay, và không thể lên đến chức Giám đốc, giám điếc hay Trưởng ban văn nghệ đài phát thanh tiếng nói VN hiện nay.
Tôi bán tín bán nghi, nhưng gã phóng viên Báo Nông Nghiệp nói cứ như đinh đóng cột, đó là sự thật. Việc này chỉ có người trong cuộc Trần Đăng Khoa trả lời chính xác được mà thôi.
Leipzig 21-2-2010
Đỗ Trường