VIỆT NAM: DÂN BẦU TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG LÀ “CÓ LỢI CHO ĐẢNG”

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cầu Vàng Bà Nà Hill ở Đà Nẵng 

Dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam, từ ngày cướp chính quyền vào mùa Thu năm 1945 đã biến dân Việt Nam thành một công cụ của Đảng.  Dùng mọi thủ đoạn tàn nhẫn nhất để cho người dân sợ hãi chỉ biết cúi đầu “răm rắp tuân theo Đảng”. Quốc Hội toàn thể 100% là đảng viên Cộng Sản không một công dân nào không phải đảng viên CS được lấp ló. Nay có tin các đại biểu quốc hội CSVN đòi “Dân bầu trực tiếp lãnh đạo địa phương” – Sự thật hay là trò lừa bịp quần chúng trước tình hình quá nguy ngập về kinh tế, chính trị buộc phải dàn cảnh “dân chủ cuội” từ hạ tầng cơ sở để lấy lòng các thế lực Tây Phương nhằm dễ bề đi ăn xin?  Nguyên  tắc dân chủ trước khi có cuộc bầu cử tự do phải để cho những tổ chức chính trị, các tổ chức sinh hoạt xã hội tự do hoạt động, đàng này không thấy.  Xin trích nguyên bài báo được đưa lên đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 26/05/2020

Tin RFA:

Việc người dân trực tiếp bầu lãnh đạo địa phương, như dự án thí điểm bầu Chủ tịch thành phố ở Đà Nẵng, sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên một lúc, theo một nhà nghiên cứu luật học từ Hà Nội.

“Người đứng đầu chính quyền do dân ở đấy bầu là không những có lợi cho dân, thể hiện dân chủ, mà chính ra nó cũng có lợi cho đảng cầm quyền,” PGS. TS. Phạm Đức Bảo nói với BBC News Tiếng Việt hôm 26/5/2020.

“Rõ ràng như thế người lãnh đạo của chính quyền trở nên chính danh và đảng và nhà nước có quyền giới thiệu người nào mà thực sự được dân tín nhiệm, thì như thế lại càng tăng thêm uy tín cho đảng cầm quyền cũng như là cho nhà nước.”

Giải thích quan điểm này của mình, người hiện là Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nói:

“Bởi vì đảng cũng là một chủ thể trong hệ thống chính trị và có thể giới thiệu người của mình để ra cho dân bầu và lựa chọn những người có uy tín.

“Thì như thế, bằng cách đó đảng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của mình, thì tôi không nghĩ là làm như thế, cho dân bầu trực tiếp lãnh đạo địa phương, thì đảng không lãnh đạo được, mà thực ra như thế lãnh đạo một cách chính danh hơn và uy tín của đảng cao hơn.”

‘Hoàn toàn ủng hộ’

Báo chí nhà nước Việt Nam tuần này đưa tin có Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam tán thành việc để người dân bầu lãnh đạo Chủ tịch thành phố trong một dự án được đề nghị thí điểm về chính quyền đô thị ở Đà Nẵng.

Báo Tiền Phong hôm 25/5 trong bài viết có tựa đề “Ông Dương Trung Quốc: Tôi ủng hộ người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Đà Nẵng”, dẫn lời Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nói:

“Một trong những quyền lực của người dân tốt nhất chính là trực tiếp bầu cử, để người dân bỏ phiếu, người dân chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình…

“Chúng ta không lấy chuẩn của ai được, nhưng càng để cho người dân được thực hiện quyền bầu cử trực tiếp thì càng tốt. Cũng như dư luận xã hội bây giờ càng ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc điều chỉnh hành vi của những cán bộ…” tờ báo dẫn lời vị Đại biểu Quốc hội này nói.

Trước đó, hôm 23/5, báo Thanh Tra, cơ quan thuộc Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra của Việt Nam, dẫn lời một Đại biểu Quốc hội khác, ông Vũ Trọng Kim, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương khi góp ý cho tờ trình về dự án thí điểm chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, nói:

“Bộ máy Nhà nước phải mang tính chuyên nghiệp và hướng xây dựng chính quyền điện tử, nhưng không phải vì thế những quan hệ với nhân dân bị hạn chế mà cần trực tiếp hơn.

“Tôi đề xuất phải thí điểm việc dân trực tiếp bầu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân để người dân trực tiếp lựa chọn được người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng phải đặt ra trong phạm vi thí điểm sao cho có hiệu quả.”

Bình luận về các ý kiến trên của các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Luật gia Phạm Đức Bảo, từng có nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu luật học tại Đại học Luật ở Hà Nội, nói với BBC:

“Quan điểm của các Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và Vũ Trọng Kim được tôi hoàn toàn ủng hộ và lý do là làm như vậy phát huy được dân chủ ở trong việc bầu ra chính quyền địa phương.

“Người đứng đầu chính quyền địa phương được dân trực tiếp bầu ra, họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và người dân biết rõ hơn ai hết rằng người nào xứng đáng làm lãnh đạo chính quyền địa phương.

“Họ biết về năng lực, về mối quan hệ với nhân dân, về sự liêm chính, về năng lực điều hành, thì người ta phải lựa chọn đúng thôi, tôi nghĩ người dân rất là tinh tường khi lựa chọn người thay mặt mình điều hành chính quyền ở địa phương.”

‘Không chỉ thí điểm ở Đà Nẵng’

Theo nhà nghiên cứu luật học này, cách làm mới sẽ thể hiện được sự dân chủ, điều mà nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền cũng đang nỗ lực để đổi mới việc hình thành nên chính quyền địa phương.

Trong khi cho rằng việc này là cần thiết và nên làm, Phó Giáo sư Phạm Đức Bảo cũng cho rằng không nên chỉ giới hạn mô hình này ở Đà Nẵng, mà nên mở rộng ra, ông nói:

“Tôi nghĩ là không những là thí điểm ở Đà Nẵng, mà trước hết là cả những đô thị lớn, rồi dần dần đến các tỉnh, không những là cấp tỉnh, cấp thành phố, mà cấp quận, huyện, cấp xã cũng nên tiến hành hình thức cho cử tri bầu trực tiếp người đứng đầu chính quyền địa phương.”

Khi được hỏi làm thế nào để đảm bảo được thực chất của tính dân chủ, thực chất và bền vững, mà không phải chỉ là hình thức như cũng có ý kiến trong công luận đặt ra, nhà nghiên cứu luật học đáp:

“Để đảm bảo những điều đó, tôi nghĩ việc đưa ra các ứng cử viên phải ít nhất là hai người, tránh tình trạng chỉ giới thiệu một người, để bầu một người, thì khả năng trúng cử là rất cao.

“Phải có sự tranh cử, tức là cơ quan có thẩm quyền giới thiệu để cử tri bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp đó phải ít nhất giới thiệu hai người.

“Và các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình, phải trả lời các chất vấn thuyết phục và thực sự phải có sự tranh cử.

“Và người dân sẽ lựa chọn người nào đưa ra được một chương trình hành động thiết thực và người nào mà dân thấy có năng lực hoặc là có quan hệ tốt với nhân dân địa phương, nhân dân gửi gắm vào họ, thì nhân dân sẽ bầu. Và như thế sẽ đảm bảo dân chủ…

“Và tôi nghĩ cái này là một phương pháp phải thực hiện thường xuyên, vì vậy nó phải có lộ trình và phải có một chất lượng, để làm sao cho việc bầu cử thực sự là dân chủ nhằm tránh tình trạng người ta nói là “đảng cử, dân bầu.

“Để làm được điều đó, trước hết phải thay đổi được nhận thức ở trong đảng, ở trong lãnh đạo rằng việc làm như thế chính là để đảm bảo sự lãnh đạo của đảng được tốt hơn và dân chủ hơn đối với nhân dân và lựa chọn được người có đủ uy tín, năng lực để lãnh đạo chính quyền địa phương.

“Từ chỗ thay đổi nhận thức, thì phải từ cấp ủy, cũng như là chính quyền, rồi mới đến người dân. Còn người dân, tôi nghĩ là họ sẽ sẵn sàng đón nhận, chỉ có những người này, người khác trong bộ máy nhà nước chưa thấy được tác dụng tích cực của nó, người ta chỉ nghĩ rằng như thế là mới quá cho nên có thể băn khoăn.

“Còn tôi nghĩ, người dân sẵn sàng ủng hộ, và vị vậy điều này cần phải thống nhất trước hết ở trong các cấp ủy đảng, cũng như trong những người có vai trò quan trọng trong bộ máy đảng và nhà nước.

“Khi người ta ý thức được việc đó là cần thiết, thì tôi nghĩ việc đó sau cùng sẽ vừa tốt cho đảng cầm quyền, cũng vừa tốt cho dân,” Phó Giáo sư Phạm Đức Bảo nói với BBC từ quan điểm riêng của mình.

Ngày 23/5, Quốc hội Việt Nam khóa XIV, phiên họp thứ 9 đã thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Đây là một nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội và cử tri cũng như công luận Việt Nam quan tâm, theo truyền thông, báo chí Việt Nam.

RFA