PHẢI KỂ LẠI CHO CON CHÁU NGHE (Ngô Nhân Dụng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 2 people, people standing and indoor

Lệnh của lương tâm.

Câu chuyện Thuyền Trưởng Jeon Je Young cứu vớt các thuyền nhân Việt Nam năm 1985 cho các bạn trẻ người Việt khắp thế giới nghe.

Ông Jeon Je Young mới qua đời năm ngoái ; nhiều người Việt tị nạn Cộng Sản đã cử hành một lễ tưởng niệm. Ông xứng đáng được nhớ ơn. Ông cũng đáng được nêu gương cho các thế hệ tương lai, để con cháu chúng ta, người Việt cũng như người Hàn Quốc và các dân tộc khác, học cách sống làm người.

Câu chuyện cứu người vượt biển xẩy ra ngày 14 Tháng Mười Một, 1985. Một chiếc thuyền chở người Việt vượt biển tị nạn Cộng Sản lênh đênh đã ba ngày liền, gần trăm người chen chúc nhau trong một con tàu nhỏ, không có cả chỗ đi vệ sinh.

Họ thấy những tàu thủy khác đi qua, họ kêu cứu bằng tất cả các phương tiện. Nhưng không được cứu.

Rất nhiều thuyền nhân Việt Nam đã trải qua kinh nghiệm đó, kể từ những năm 1977 tới 1979 khi phong trào người Việt Nam vượt biển tị nạn Cộng Sản lên cao. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trên biển, nhiều người khác bị hải tặc tấn công. Nhưng sau mấy năm sống dưới chế độ Cộng Sản, mấy trăm ngàn người Việt vẫn liều mình vượt biển. Một nhà báo Pháp đến thăm Sài Gòn đã nhận xét: “Nếu cái cột đèn nó đi được thì nó cũng đi.”

Nhưng không phải ai cũng sẵn lòng cứu những con người lênh đênh trên mặt biển. Mỗi tàu thủy đều có một quốc tịch, đặt chân lên một con tàu cũng giống như bước vào đất nước của họ. Nếu một chiếc tàu thủy thuộc nước nào vớt người trên biển thì sau đó quốc gia của họ phải chịu trách nhiệm.

Trong những năm sau 1979, nhiều người Việt tị nạn Cộng Sản đã tới các nước khác, sống trong các trại tị nạn. Chính phủ hầu hết các nước vùng Á Đông đều không muốn gánh trách nhiệm này. Đón người tị nạn, họ sẽ phải dùng rất nhiều cảnh sát, quân đội và các nhân viên xã hội để lo việc ăn, ở, giữ trật tự, làm giấy tờ cho hàng trăm ngàn người tị nạn tràn vào nước họ. Vì vậy, chiếc thuyền tị nạn chở 96 người đã thấy ít nhất 20 chiếc tàu lớn đến gần, chắc trông thấy họ cầu cứu, nhưng đều ngoảnh mặt bỏ đi.

Chiếc tàu đánh cá Kwang Myung 87, do Thuyền Trưởng Jeon Je Young chỉ huy, đang trên đường từ Singapore trở về Nam Hàn, đã dừng lại bên con thuyền tị nạn một lát, sau đó cũng bỏ đi.

Nhưng ông Jeon Je Young, lúc đó 44 tuổi, không thể quên được hình ảnh những đàn bà, trẻ em trên con thuyền tị nạn. Ông coi tin khí tượng thì biết rằng nội trong ngày sẽ có một trận bão lớn đi qua vùng biển này. Nhưng ông, cũng như các thuyền trưởng hải hành trong vùng này đã được lệnh chủ nhân không được cứu người Việt vượt biển. Ông đã gọi về cho công ty chủ tàu để xin phép, vì biết chắc những người tị nạn sẽ chết nếu phải gánh cơn bão sắp đến. Nhưng họ lạnh lùng bảo ông hãy bỏ qua ý định đó.

Ông Jeon Je Young đã họp ban tham mưu của chiếc tàu Kwang Myung 87 trong năm phút, để hỏi ý kiến họ. Có nên cứu vớt những người trên con thuyền nhỏ đang bị bão biển đe dọa hay không? Nếu trái lịnh của công ty, họ sẽ mất việc. Họ có thể không bao giờ được làm việc trong ngành hàng hải nữa, vì phạm kỷ luật.

Cuối cùng, chính Thuyền Trưởng Jeon Je Young quyết định một mình: Phải cứu những con người có thể chết hết khi cơn bão ào tới. Sau này ông nói, “Tôi nghe tiếng nói của trái tim tôi.”

Khoảng nửa giờ sau khi bỏ đi, chiếc tàu Kwang Myung quay trở lại.

Khi đến gần chiếc thuyền nhỏ bé như chiếc lá tre trên mặt biển chuyển động, ông Jeon nhìn thấy hai đứa trẻ, anh trai đang cầm tay em gái, đứng nhìn ra biển mông mênh. Ông biết mình đang làm đúng việc mà lương tâm bảo phải làm! Phải vớt những người có thể chết trong bão biển.

Nhưng mấy ngày sau, công ty chủ chiếc tàu Kwang Myung biết tin, họ ra lệnh ông phải trả các thuyền nhân này xuống biển, không được đưa về Hàn Quốc. Ông đành làm theo kỷ luật. Ông sai các thủy thủ đóng những chiếc bè mong manh, bằng tre hay bằng gỗ tạp.

Trong khi nhân viên đóng bè, ông đứng nhìn các người tị nạn. Ông trông thấy một bà mẹ trẻ đang ôm đứa con nhỏ, chắc mới sinh vài tháng.

Không. Em bé này không thể nào sống được trên những chiếc bè giữa đại dương giông tố.

Ông Jeon Je Young bảo nhân viên ngưng đóng bè. Ông chấp nhận, một mình ông sẽ chịu trách nhiệm “bất tuân thượng lệnh.”

Nửa tháng sau, ngày 29 Tháng Mười Một, 1985, tàu Kwang Myung cập bến Busan, Hàn Quốc. Trong số 96 thuyền nhân có một bà sắp tới ngày sinh con.

Khi về bến, ông Jeon Je Young bị tước bỏ cấp bậc thuyền trưởng, bị đuổi việc, và thất nghiệp trong hai năm trời, trong khi phải nuôi vợ con. Sau hai năm ông mới được thuê chỉ huy một chiếc tàu khác.

Nhưng ông Jeon Je Young vẫn nói: “Tôi không bao giờ trách những người điều khiển công ty. Bổn phận họ là phải cho tôi nghỉ việc. Cũng như bổn phận của tôi là phải cứu những người tị nạn.”

Trong vòng một năm hầu hết những người tị nạn này đã được định cư tại Hoa Kỳ và Canada. Một người được cứu là ông Nguyễn Hùng Cường, đã kể lại chuyến đi của mình và công đức của ông Jeon Je Young trong cuốn “Trái Tim Đại Dương, The Ocean’s Heart.” Sau khi định cư ở Mỹ nhiều năm, anh đã nhờ một đồng nghiệp gốc Hàn quốc đi tìm vị thuyền trưởng cứu tinh. Bà này tìm được gia đình ông thuyền trưởng, hai vợ chồng ông đang trông coi một trại nuôi sò gần Seoul, thủ đô Nam Hàn. Năm 2004, vị ân nhân và nhiều người được cứu vớt đã hội ngộ ở miền Nam California.

Chúng ta phải nhớ mãi câu chuyện Thuyền Trưởng Jeon Je Young cứu người. Ông đã lựa chọn: Hy sinh cả địa vị, nghề nghiệp, lợi tức nuôi gia đình và tương lai nghề nghiệp, để cứu mạng sống bao nhiêu người. Ông chấp nhận một “vết nhơ” trong cuộc đời một người làm nghề thuyền trưởng, biết chắc mình sẽ bị bị sa thải vì “lý do kỷ luật.”

Ông đã nghe theo lệnh của lương tâm.

Phải kể câu chuyện này cho các bạn trẻ người Việt Nam nghe. Chúng ta có lúc cũng phải biết tự hy sinh tiền tài, địa vị, để nghe theo tiếng nói của lương tâm.

Ngô Nhân Dụng