NHỮNG HÌNH ẢNH KHÔNG IN RA ĐƯỢC – Nhưng mãi mãi nằm trong lòng người xem (Tiểu Tử)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: ocean, outdoor and water

NHỮNG HÌNH ẢNH KHÔNG IN RA ĐƯỢC

( Nhưng mãi mãi nằm trong lòng người xem )
Tiểu Tử

 

Tôi không có đi di tản hồi những ngày cuối

tháng tư 1975 nên không biết cảnh di tản

ở Sài gòn ra làm sao. Mãi đến sau nầy,

khi đã định cư ở Pháp, nhờ xem truyền hình

mới biết ! Sau đây là vài cảnh đã làm tôi

xúc động, xin kể lại để cùng chia xẻ…

* Chuyện 1

Ở bến tàu, thiên hạ bồng bế nhau, tay xách

nách mang, kêu réo nhau ầm ĩ, hớt hơ hớt hải

chạy về phía chiếc cầu thang dẫn lên bong

một chiếc tàu cao nghều nghệu. Cầu thang

đầy người, xô đẩy chen lấn nhau, kêu gọi nhau,

gây gổ nhau… ồn ào. Trên bong tàu cũng

đầy người lố nhố, giành nhau chồm lên be tàu

để gọi người nhà còn kẹt dưới bến, miệng la

tay quơ ra dấu chỉ trỏ… cũng ồn ào như

dòng người trên cầu thang !

Giữa cầu thang, một bà già. Máy quay phim

zoom ngay bà nên nhìn thấy rõ : bà mặc

quần đen áo túi trắng đầu cột khăn rằn,

không mang bao bị gì hết, bà đang bò nặng nhọc

lên từng nấc thang. Bà không dáo dác nhìn

trước ngó sau hay có cử chi tìm kiếm ai, có nghĩa

là bà già đó đi một mình. Phía sau bà thiên hạ

dồn lên, bị cản trở nên la ó ! Thấy vậy,

một thanh niên tự động lòn lưng dưới người

bà già cõng bà lên, xóc vài cái cho thăng bằng

rồi trèo tiếp.

Chuyện chỉ có vậy, nhưng sao hình ảnh đó

cứ đeo theo tôi từ bao nhiêu năm, để tôi

cứ phải thắc mắc : bà già đó sợ gì mà phải

đi di tản ? con cháu bà đâu mà để bà đi

một mình ? rồi cuộc đời của bà trong

chuỗi ngày còn lại trên xứ định cư ra sao ?

còn cậu thanh niên đã làm môt cử chỉ đẹp –

quá đẹp – bây giờ ở đâu ?… Tôi muốn gởi

đến người đó lời cám ơn chân thành của tôi,

bởi vì anh ta đã cho tôi thấy cái tình người

trên quê hương tôi nó vẫn là như vậy đó,

cho dù ở trong một hoàn cảnh xô bồ

hỗn loạn như những ngày cuối cùng của

tháng tư 1975…

* Chuyện 2

Cũng trên chiếc cầu thang dẫn lên tàu,

một người đàn ông tay ôm bao đồ to

trước ngực, cõng một bà già tóc bạc phếu

lất phất bay theo từng cơn gió sông.

Bà già ốm nhom, mặc quần đen áo bà ba

màu cốt trầu, tay trái ôm cổ người đàn ông,

tay mặt cầm cái nón lá. Bà nép má trái

lên vai người đàn ông, mặt quay ra ngoài

về phía máy quay phim. Nhờ máy zoom

vào bà nên nhìn rõ nét mặt rất bình thản

của bà, trái ngược hẳn với sự thất thanh

sợ hãi ở chung quanh !

Lên gần đến bong tàu, bỗng bà già vuột tay

làm rơi cái nón lá. Bà chồm người ra,

hốt hoảng nhìn theo cái nón đang lộn qua

chao lại trước khi mất hút về phía dưới.

Rồi bà bật khóc thảm thiết…

Bà già đó chắc đã quyết định bỏ hết

để ra đi, yên chí ra đi, vì bà mang theo

một vật mà bà xem là quí giá nhứt,

bởi nó quá gần gũi với cuộc đời của bà :

cái nón lá ! Đến khi mất nó, có lẽ bà

mới cảm nhận được rằng bà thật sự mất

tất cả. Cái nón lá đã chứa đựng cả

bầu trời quê hương của bà, hỏi sao

bà không xót xa đau khổ ? Nghĩ như vậy

nên tôi thấy thương bà già đó vô cùng.

Tôi hy vọng, về sau trên xứ sở tạm dung,

bà mua được một cái nón lá để mỗi lần

đội lên bà sống lại với vài ba kỷ niệm

nào đó, ở một góc trời nào đó của

quê hương…

* Chuyện 3

Cũng trên bến tàu nầy. Trong luồng người đi

như chạy, một người đàn bà còn trẻ mang

hai cái xắc trên vai, tay bồng một đứa nhỏ.

Chắc đuối sức nên cô ta quị xuống. Thiên hạ

quay đầu nhìn nhưng vẫn hối hả đi qua,

còn tránh xa cô ta như tránh một chướng

ngại vật nguy hiểm ! Trong sự ồn ào hỗn tạp

đó, bỗng nghe tiếng được tiếng mất của

người đàn bà vừa khóc la vừa làm cử chỉ

cầu cứu. Đứa nhỏ trong tay cô ta ốm nhom,

đầu chờ vờ mắt sâu hõm, đang lả người

về một bên, tay chân xụi lơ. Người mẹ –

chắc là người mẹ, bởi vì chỉ có người mẹ

mới ôm đứa con quặt quẹo xấu xí như vậy

để cùng đi di tản, và chỉ có người mẹ mới

bất chấp cái nhìn bàng quang của thiên hạ

mà khóc than thống thiết như vậy – người

mẹ đó quýnh quáng ngước nhìn lên luồng

người, tiếp tục van lạy cầu khẩn.

Bỗng, có hai thanh niên mang ba lô đi tới,

nhìn thấy. Họ dừng lại, khom xuống hỏi.

Rồi họ ngồi thụp xuống, một anh rờ đầu

rờ tay vạch mắt đứa nhỏ, họ nói gì với nhau

rồi nói gì với người đàn bà. Thấy cô ta trao

đứa bé cho một anh thanh niên. Anh nầy

bồng đứa nhỏ úp vào ngực mình rồi vén áo

đưa lưng đứa nhỏ cho anh kia xem. Thằng nhỏ

ốm đến nỗi cái xương sống lồi lên một đường dài…

Anh thứ hai đã lấy trong túi ra chai dầu từ

lúc nào, bắt đầu thoa dầu rồi cạo gió bằng

miếng thẻ bài của quân đội.

Thiên hạ vẫn rần rần hối hả đi qua. Hai thanh

niên nhìn về hướng cái cầu thang, có vẻ

hốt hoảng. Họ quay qua người đàn bà, nói gì

đó rồi đứng lên, bồng đứa nhỏ, vừa chạy

về phía cầu thang vừa cạo gió ! Người mẹ

cố sức đứng lên, xiêu xiêu muốn quị xuống,

vừa khóc vừa đưa tay vẫy về hướng đứa con.

Một anh lính Mỹ chợt đi qua, dừng lại nhìn,

rồi như hiểu ra, vội vã chạy lại đỡ người mẹ,

bồng xóc lên đi nhanh nhanh theo hai

chàng thanh niên, cây súng anh mang chéo

trên lưng lắc la lắc lư theo từng nhịp bước….

Viết lại chuyện nầy, mặc dù đã hơn

ba mươi năm, nhưng tôi vẫn cầu nguyện

cho mẹ con thằng nhỏ được tai qua

nạn khỏi, cầu nguyện cho hai anh

thanh niên có một cuộc sống an vui

tương xứng với nghĩa cử cao đẹp mà

hai anh đã làm. Và dĩ nhiên, bây giờ,

tôi nhìn mấy anh lính Mỹ với cái nhìn

có thiện cảm !

* Chuyện 4

Cũng trên bến tàu. Cầu thang đã được kéo lên.

Trên tàu đầy người, ồn ào. Dưới bến vẫn còn

đầy người và cũng ồn ào. Ở dưới nói vói lên,

ở trên nói vọng xuống, và vì thấy tàu sắp

rời bến nên càng quýnh quáng tranh nhau

vừa ra dấu vừa la lớn, mạnh ai nấy la nên

không nghe được gì rõ rệt hết !

Máy quay phim zoom vào một người đàn ông

đứng tuổi đang hướng lên trên ra dấu nói gì đó.

Bên cạnh ông là một thằng nhỏ cỡ chín mười

tuổi, nép vào chân của ông, mặt mày ngơ ngác.

Một lúc sau, người đàn ông chắp tay hướng lên

trên xá xá nhiều lần như van lạy người trên tàu,

gương mặt sạm nắng của ông ta có vẻ rất

thành khẩn. Bỗng trên tàu thòng xuống

một sợi thừng cỡ nửa cườm tay, đầu dây

đong đưa. Mấy người bên dưới tranh nhau chụp.

Người đàn ông nắm được, mỉm cười

sung sướng, vội vã cột ngang eo ếch thằng nhỏ.

Xong, ông đưa tay ra dấu cho bên trên.

Thằng nhỏ được từ từ kéo lên, tòn ten dọc

theo hông tàu. Nó không la không khóc,

hai tay nắm chặt sợi dây, ráng nghiêng

người qua một bên để cúi đầu nhìn xuống.

Người đàn ông ngước nhìn theo, đưa tay

ra dấu như muốn nói : « Đi, đi ! Đi, đi ! ».

Rồi, mặt ông bỗng nhăn nhúm lại, ông úp mặt

vào hai tay khóc ngất ! Bấy giờ, tôi đoán ông ta

là cha của thằng nhỏ đang tòn ten trên kia…

Không có tiếng còi tàu hụ buồn thê thiết khi

lìa bến, nhưng sao tôi cũng nghe ứa nước mắt !

Không biết thằng nhỏ đó – bây giờ cũng

đã trên bốn mươi tuổi — ở đâu ? Cha

con nó có gặp lại nhau không ? Nếu nó

còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến

cho nó đọc được mấy dòng nầy…

Tiểu Tử