(Tạp Văn)
Sau mùa bão năm ấy, tôi trở về quê. Tháng ba, lúa đương thì con gái, xanh mướt một màu, trải dài đến tận chân đê. Chưa đến mùa mưa mà nước sông Đáy đã dềnh lên, cuộn chảy như rút ruột phù sa từ nơi thượng nguồn. Mặt trời thấp dần về phía tây, những tia nắng cuối ngày hắt ngược dãy núi Hình cánh diều lên cao in vào nền trời. Lúc này, cửa cống chính Qũy Nhất bắt đầu mở. Từ trên cao nhìn xuống, nước đổ vào những nhánh sông nhỏ, như nét chì vẽ ôm lấy xóm làng, với những cánh đồng mờ xa.
Chiến tranh, dường như làng cũng vắng người. Tôi liêu xiêu đi trong gió, cùng cái rét cuối mùa trên con đường tĩnh lặng. Tới nhà, cổng vẫn mở, nhưng chị Hậu đã đi đâu đó. Để balo, sách vở vào chiếc ổ rơm ở góc nhà, tôi chạy ra đình làng. Nơi hoa gạo chín rụng đỏ sân. Thấy tôi, chị Hậu dừng tay, ngẩng lên cười rất vui hỏi, không biết em về lúc nào, nên chị đã để cửa, không khóa. Mà sao biết chị ở đây? Không trả lời ngay, song tôi hỏi lại chị, nhặt hoa gạo để làm gì. Vuốt nhẹ cánh hoa gạo trên tay, chị bảo, làm thuốc. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn cúi xuống nhặt cùng chị… Và lúc sau, hoa đã đầy chiếc nón lá chị mang theo.
Về nhà trải ra chiếc nong, chị bảo sẽ phơi trong bóng râm, khi nào hoa khô thì cho vào chiếc chóe có nắp đậy kín, dùng dần. Thấy tôi có vẻ không tin cho lắm, chị cốc cốc vào đầu tôi: Chớ có coi thường, đơn giản, mộc mạc thế thôi, hoa gạo chữa được nhiều bệnh ra phết đấy. Không may em bị cảm cúm, sốt, hay mụn nhọt…chị sắc lấy nước, uống sẽ hết bệnh liền à. Chị học ở đâu vậy? Tôi hỏi chị. Đây là phương thuốc dân gian, ngày mẹ chị còn sống, mùa nào cũng làm, dùng cho cả năm luôn. Cho nên, chẳng bao giờ cụ phải đến trạm xá, hay bệnh viện cả.
Giáp hạt, dường như cả làng thiếu đói. Thật lạ, nơi vất vả làm ra lúa gạo lại là nơi đói nhất. Thấy tôi vu vơ gợi hỏi, chị Hậu hồn nhiên giảng giải, lúa gạo có lẽ đã gửi hết ra chiến trường rồi. Chắc không hẳn như vậy, bởi từ ông thư ký, đội trưởng đến chủ nhiệm hợp tác xã…ông quái nào nhìn cũng béo tốt, no đủ thừa mứa, đài xe, nhà cửa ngon lành, vợ con gia đình nhởn nhơ.
Không hiểu sao, ngay từ lúc còn bé tẹo ấy, tôi đã có suy nghĩ, và cãi lại chị Hậu như vậy. Chị Hậu nhìn tôi, im lặng. Bất giác chị nhìn lên nơi có ảnh thờ ba liệt sĩ, cha và hai người anh của mình. Tiếng thở dài của chị làm không gian chùng xuống. Có lẽ, chị đang nghĩ đến anh Cu Lớn, người yêu, người đàn ông duy nhất còn lại của mình đang ở ngoài mặt trận.
Tuy nhiên, tôi và chị Hậu chẳng những không bị đói, mà còn được ăn uống thay đổi nhiều món là đằng khác. Bởi, chị Hậu có tài chế biến, chăm chỉ kiếm tìm thực phẩm.
Vườn, ao nhà, ngoài chăn nuôi, trồng rau quả, chị Hậu dành một khoảnh đất khá rộng cho cây dong. Sau tết, với những ngày đói kém giáp hạt, cũng là lúc tôi và Công giúp chị thu hoạch dong củ. Nguyễn Văn Công học trên tôi hai lớp, người làng bên, nhưng chị Hậu rất quí mến hắn. Có lẽ, bởi Công hiền lành, ít nói và có tài kẻ, vẽ rất đẹp. Tẩm ngẩm như vậy, song hắn thường nghĩ ra nhiều trò, và rủ tôi chơi cùng.
Khi củ dong đã được rửa sạch, tôi và Công mang chiếc guồng dong từ gác bếp xuống, chuẩn bị cho chị Hậu quay mài bột. Tôi không hỏi, cái guồng dong này, do ai đã làm, hay chị Hậu tự đóng. Bởi, nó rất đơn giản, chỉ là một đoạn lõi gỗ, được bọc bằng chiếc ống bơ đã được đục lỗ sắc nhọn, dày như bánh đa vừng vậy. Tâm lõi có hai đầu trục đặt vào ổ đỡ ở hai thành thùng gỗ, một đầu gắn tay quay. Chiếc thùng này, hình chữ nhật, có miếng gỗ đặt ngang, song song với trục quay. Đó là nơi đưa củ dong vào mài. Đáy và các góc thùng được bả kín matit. Ra giếng, chị Hậu múc đổ xâm xấp nước vào guồng dong. Một tay quay, một tay chị đẩy củ dong vào mài. Lúc lưng áo đẫm mồ hôi, thì guồng dong cũng đã đầy ự, chị đứng dậy vắt bã cho vào nồi cám lợn. Còn bột qua mấy lần lọc vải màn, chị ngâm nước để ép miến.
Khi miến phơi trên phên tre đã khô, chị Hậu cho vào, chế thành món xào với những con cua đồng, mà chúng tôi vừa móc được ở trong hang ngoài bờ ruộng. Tối đã lên đèn, dưới cái se lạnh còn luẩn quất đâu đó ngoài liếp cửa, hương của miến, mùi thơm của cua quyện lên, với ngọn lửa liu riu, thì dường như đã xua tan hết cái u tịch ngoài kia. Gắp một miếng cua đồng vàng ươm, béo ngậy cuộn tròn trong những sợi miến, sợi xu hào dai, mềm, cùng với răm, hành, ngò…cho vào miệng, chưa kịp nhai, vị ngọt đậm đà ấy, như tan ra, trôi tuột xuống nơi cuống họng vậy. Cái món ăn được chế biến từ rau củ, quả dân dã này, tưởng chừng chỉ để khỏa lấp đi những ngày đói kém, giáp hạt, thế mà nó như một con dấu, con triện đóng vào hồn tôi ngay từ buổi đầu còn non nớt ấy. Và qủa thực, cho đến mãi bây giờ, tôi đã đi nhiều nơi, ăn ở những nhà hàng khác nhau, hay tự tay mình xào nấu, song cái khung cảnh ấy, hương vị ấy, không bao giờ tìm lại được nữa.
Hè đến sớm. Chùm xoan đầu ngõ chưa kịp chín, vậy mà cái nắng đã kéo nhiệt độ ngoài trời lên đến ba mươi độ. Thấy tôi nằm ườn trên chiếc chõng tre dưới hiên nhà, Công hỏi, có biết chơi súng tre (súng phốc) không, Tôi lắc đầu. Vậy thì dậy, tao sẽ chỉ cho mày cách làm, và bắn súng. Tôi bật dậy, theo Công ra bụi hóp sau nhà. Ngắm nghía một hồi, Công cũng chọn được cây hóp thẳng, và có đốt khá dài. Hắn bảo, mỗi đốt có thể làm được một chiếc. Rồi Công cắt đốt ưng ý nhất, cưa một đoạn ngắn mấu mắt để làm cán (thụt), đoạn dài còn lại làm thân súng. Cần độ bền, cứng không bị teo tóp, que thụt dứt khoát phải làm từ chiếc đũa tre cũ, hay vót từ một đoạn tre đã phơi khô. Tất nhiên, chiếc que thụt này, phải ngắn hơn thân súng. Trong lúc đo cắt, gọt dũa cho vừa lỗ của cán thụt, Công giải thích cho tôi như vậy…
Súng làm xong, Công trèo lên cây xoan đầu ngõ, vặt những quả còn xanh non để nạp đạn. Tiếng súng nổ đanh, bắn vào người cứ rát ràn rạt. Thấy tôi cười khoái chá, Công bảo: Cho mày cái này, tao sẽ làm cái khác. Rồi hắn giảng giải, ra vẻ hiểu biết, cặn kẽ lắm: Nếu thích tiếng kêu to hơn nữa, thì phải cuốn thêm cái loa kèn ở đầu súng. Bây giờ, mới chỉ bắn được phát một. Muốn liên thanh thì phải khoét thêm một cái lỗ trên thân súng, để lắp thêm một cái ống đựng đạn, vuông góc với nòng súng. Tất nhiên, cái lỗ khoét này, và ống đạn, nòng súng phải bằng nhau. Như vậy, viên đạn mới có thể tự rơi xuống, để que thụt đẩy viên đạn vào nòng liên tục, từ đó súng có thể bắn liên thanh. Tuy nhiên, đạn phải chọn những quả xoan đều nhau…
Kể từ khi có súng, tôi được tham gia vào đánh trận giả với mấy ông bạn mới, cùng tuổi trẻ trâu. Một trò chơi hấp dẫn, có cảm giác mạnh. Dù đã được Công dạy cho cách ẩn nấp, lăn lê bò toài, song tôi bao giờ cũng bị phát hiện, và trúng đạn, loại vòng chiến đầu tiên. Tôi rất khoái trò chơi này, nhưng rất tiếc quả xoan chỉ có mùa, không chơi lâu được. Tất nhiên, súng phốc này có thể đì đẹt bắn đạn giấy. Tuy nhiên, không đanh tiếng bằng đạn xoan, mất cảm hứng. Hơn nữa, thời đó giấy, sách báo cũ cũng rất hiếm.
Chiến tranh, bom đạn, tàu bay, tàu bò quần thảo trên đất Bắc của ông Mỹ ngày càng ác liệt. Dường như, trưa nào cũng vậy, từ ngoài khơi từng tốp máy bay, phi vào, gầm rú như xé ở trên đầu. Ngưng tiếng động cơ, tôi và Công lại bê chõng ra bờ sông nằm ngủ, hoặc đùa giỡn. Tuổi chúng tôi lúc đó chỉ thấy ngột ngạt, chứ chưa hiểu nhiều về chiến tranh, song dưới bóng tre xanh, cảm thấy không khí của nó cũng dịu mát đi phần nào. Giờ này, nước sông rút xuống thấp nhất. Hai bên bờ đất bồi nước chỉ còn xâm xấp. Có lẽ, thiếu khí thở, hay đói quá từng đàn cá mương như trồi cả lên mặt nước. Đang cùng nhau tán láo, đột nhiên, Công đập vào vai, làm tôi giật cả mình: Bọn cá mương đói ăn, bây giờ xuống móc đất đắp bờ quây ô, nhử mồi cám, chắc bắt được nhiều.
Thấy tôi gật đầu, Công chạy về lấy đồ nghề… Hì hục một lúc, chúng tôi cũng hoàn thành xong mấy chiếc ô cách khá xa nhau, bờ cao ráo và vuông vức lắm. Công cẩn thận lấy cành rào khô chặn ngang cửa, để khi vãi cám không bị trôi ra ngoài ô. Hai thằng lên chõng nằm chờ. Nửa tiếng sau, cá đã chui hết vào ô, Công cầm bũng nhẹ nhàng chặn ngang, cho tôi móc đất đắp kín cửa. Thế là, tất cả những chú cá mương háu ăn bị nhốt hết vào trong rọ. Cái bũng, có lẽ là tiếng địa phương, hình thù gần như cái dậm, nhưng dài và nhỏ hơn, đánh bắt cua cá ở kênh mương nhỏ rất tiện lợi. Quả thực là nhiều cá. Chưa vét xong cái ô cuối, cá đã gần đầy cái nồi đồng.
Mệt quá, tôi bê nồi cá lên đường, định chuồn, để mình Công vét nốt. Chưa kịp ngồi xuống chõng, chẳng hiểu từ đâu, tiếng máy bay gào xé, xẹt qua đầu, thấp đến nỗi tưởng như ngọn tre bị chém gẫy gập xuống. Nồi cá tuột khỏi tay, tôi nằm úp mặt xuống đường. Chưa kịp hoàn hồn, tiếng bom nổ ầm ầm, máy bay vút lên, tiếng súng nối nhau nổ đì đẹt. Đất trời như nghiêng về một phía. Nồi cá lăn ngược về phía tôi. Lúc sau, tôi ngồi dậy, phía bắc không xa, cột khói trắng cuộn tròn lên như cắm vào nền trời. Chợt nhớ ra, tôi chạy xuống, thấy Công ngồi bệt xuống bùn, rúc đầu vào đám rễ tre. Tôi gọi, hắn quay lại, mặt xanh như đít nhái. Chiếc bũng chẳng hiểu sao, văng được ra giữa sông. Công ú ớ mấy tiếng, rồi đứng dậy. Hắn đang định lội ra lấy cái bũng, thì chị Hậu hớt hải chạy đến gọi: Hai thằng về, xuống hầm ngay, có thể chúng lộn lại. Tôi nhặt cá cho vào nồi, rồi chạy theo chị Hậu. Công về sau, vứt chiếc bũng ở giữa sân, ngồi làu bàu chửi.
Lúc sau, có tiếng khóc, tiếng í ới gọi nhau ở ngoài đường. Chị Hậu chạy ra, hỏi gì đó, quay vào ngồi thừ người xuống bậu cửa. Sao đấy chị? Tôi hỏi. Chị uể oải trả lời, bom đánh đúng kho thóc, ông Kim thủ kho, nhà ở cuối xóm chết không còn xác. Chúng tôi im lặng, nhìn nhau, nặng nề.
Tối hôm ấy, chị Hậu làm món cá om dưa. Một món mà tôi rất thích, nhưng không hiểu sao, tôi không muốn ăn. Chị Hậu cũng chống đũa, nhìn lên bầu trời. Trung tuần tháng 5 trăng sáng, bầu trời trong xanh vời vợi. Song còn có những cơn gió biển mặn chát, như sát muối vào lòng người vậy…
—-
Một chiều mùa thu năm 1984, mẹ tôi vào chùa Trung Tự. Tôi buộc phải trông và bán hàng cho cụ. Khách đang đông, có một gã bộ đội cứ đứng ở cửa, tần ngần nhìn vào. Thấy lạ, lúc vãn khách, tôi quay ra hỏi hắn, có cần gì không? Ngập ngừng hắn hỏi lại tôi: Ông có phải là Trường, Đỗ Trường? Tôi gật đầu, xác định. Mặt hắn như bừng tình, lời nói hoạt bát hẳn lên: Công, Nguyễn Văn Công đây, nhận ra không? Ký ức chợt về, mừng quá ôm chặt lấy hắn: Nhớ! Vẫn còn mang theo hình bóng hai thằng mặc quần thủng đít. Vậy mà đã mười mấy năm rồi. Bây giờ, nhìn ông ngon lành như thế này, nhận ra thế chó nào được.
Kéo Công vào nhà, chuyện trò mới biết, học xong phổ thông, năm 1976 hắn phải vào lính. Đang đánh đấm ở Cafuchia, năm 1979 hắn được lệnh chuyển ra mặt trận biên giới phía Bắc. Với những trận đánh ở mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng, năm 1982 hắn bị thương nặng. Sau khi trị thương và an dưỡng, hắn chuyển về Trường văn hóa thương binh ở Nam Dương, Nam Trực. Rồi năm 1984 này, hắn thi đỗ vào Đại học y khoa Hà Nội.
Thế cũng mừng, Công đã toại nguyện với những ước mơ nghề nghiệp của mình, dù có hơi muộn. Trường Đại học y cũng gần, nên tuần nào hắn cũng ra nhà. Tôi có nhiều bạn bè làm việc ở đó, cũng giúp cho hắn với những bỡ ngỡ ban đầu. Ngoài tiền lương, và thương tật của Công hằng tháng, tôi cũng rủng rỉnh tiền trong túi, do vậy thời kỳ này, hắn không bị đói, rất yên tâm học tập. Mấy năm sau, trước khi sang Đức, tôi có nói với Dung Tân, và mấy người bạn thân làm việc ở Đại học y khoa: Nếu Công có khó khăn gì, cố gắng giúp hắn.
Năm 1990, Công tốt nghiệp ra trường. Lúc này, nước Đức thống nhất hai miền. Do vậy, cuộc sống có nhiều biến động. Nhận được thư, biết Công có quyết định về Nam Định. Nhưng hắn chưa nhận sự điều động này. Nghĩ, có lẽ hắn muốn ở lại Hà Nội, hoặc quanh quẩn đâu đó. Nên tôi có nhờ Nguyễn Bình Minh nói với bố là Nguyễn Thiện Luân, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông Nghiệp tiếp nhận Công về Bệnh viện Bộ nông nghiệp ở Thường Tín. Nguyễn Bình Minh tuy ít tuổi, nhưng rất thân với tôi trong những năm tháng ở Đức này. Hơn nữa bố Minh lần nào sang Đức cũng ở chỗ tôi. Nên Minh gọi điện ngay. Và Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân bảo, Công cứ đến gặp, bất cứ lúc nào cũng được. Tuy nhiên, Công đã không đến. Bởi, hắn muốn vào Daklak. Đến lúc này, tôi cũng không hiểu, tại sao hắn lại có quyết định ấy. Từ đó, tôi và Công ít liên lạc được với nhau. Bởi, lúc đó điện thoại, hay công nghệ thông tin còn rất khó khăn.
Cách nay, có lẽ trên chục năm, ông em bác sỹ Nguyễn Văn Diệp (anh em chú bác với ông bạn cố tri bác sỹ Nguyên Xuân Diệm- Bệnh viện 175) đột nhiên gọi điện. Đã mấy chục năm, tôi không biết tin tức gì về Diệp, nên hỏi đang ở đâu. Diệp bảo, làm việc ở Bệnh viện tỉnh Dak Nông, nhưng hiện đang học chuyên khoa tai mũi họng ở Bệnh viện Bạch Mai. Chợt nhớ, tôi hỏi tiếp, có gặp Công không? Diệp bảo, anh Công mất mấy năm rồi. Tôi giật mình: Tại sao? Anh ấy xin xuống mãi Dak Ghềnh, Dak Mil, rồi lang thang vào rừng, vào bản chữa bệnh. Không may, một lần vào bản, bị tai nạn xe máy.
Tôi lặng người, tắt máy, bởi không còn đủ can đảm để hỏi Diệp tiếp về gia đình vợ con, cũng như mộ của Công bây giờ ở đâu.
Năm 2015, sau chục năm tôi mới có Visa về Việt Nam. Xong việc, tôi về thăm quê. Rất buồn, chị Hậu cũng đã mất, bởi uất ức về đất đai nhà cửa gì đó. Ngôi nhà cũ của chị đã thay chủ. Rất may, tôi gặp được anh Phan Việt ở nhà anh Cu Lớn chồng chị Hậu. Phan Việt là anh thứ hai của chị Hậu, trước đây tưởng anh đã tử trận. Nên có mộ gió, ảnh thờ ở nghĩa trang liệt sỹ. Chuyện trò, mới biết, sau khi bị thương nặng, anh được Quân đội VNCH cứu chữa, nên thay tên đổi họ, và chiêu hồi. Kết thúc chiến tranh, anh chuồn sang Đức, hiện ngụ ở ngoại ô thành phố Hannover. Phan Việt cùng thế hệ, cùng tới trường với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, và các thày Ngô Gia Lễ, Đỗ Trọng… Cuộc đời Phan Việt éo le, và có nhiều biến cố, mấy năm trước tôi đã viết thành truyện: Mộ Gió.
Mỗi một con người, dường như đều có một hoàn cảnh, một số phận đã định sẵn. Dù ngắn hay dài, họ đã đi qua và để lại những kỷ niệm tuyệt đẹp trong tâm hồn tôi. Nhớ và viết lại những kỷ niệm ấy, như một lời tri ân, và một lời thương nhớ, cũng như vơi đi nỗi đau trong lòng người vậy.
Leipzig ngày 26-3-2020
Đỗ Trường