22 tuổi, không kịp từ giã người yêu, người đang mang giọt máu của tôi trong bụng mà tôi không hề biết, bước xuống con tàu định mệnh đưa tôi rời khỏi quê hương để rồi thay đổi cả số phận của cuộc đời mình.
Từ Saigon, ngày 11-6-1980 tôi về Rạch Giá cùng với gia đình anh Hai, anh của người chị kết nghĩa LNT, người cùng chung mái trường LVC và 3 người con của anh chị hai.
Hôm sau chúng tôi về Tắc Cậu và lên Tàu ở Bến cây xăng Đại Thành, nhà bác cả của tôi. Chiếc ghe dài khoảng 20m,ngang 5m, trên ghe chứa 92 người, hầu hết là đàn bà và trẻ em, đa số là người Bắc ở Ông Tạ.
Ghe rời bến khoảng 11 giờ khuya, chạy cặp ven sông Lớn để đón người ở vài điểm hẹn, rồi chạy thẳng ra cửa biển sau khi bị vướng lưới đóng đáy, cũng nhờ 10 em nhỏ ngồi thuyền thúng đẩy ra khỏi khu vực có đáy rồi các em xin được lên ghe cùng đi tiếp. Khi gần ra khỏi cửa sông, bên phải là vùng trời sáng rực của thị xã Rạch Giá, nơi tôi chào đời, bên trái là vùng biển trời mênh mông, tôi nghe lòng mình đau tê tái, có bao giờ tôi được nhìn lại nơi này không, má tôi, em tôi, nguời tôi yêu, tất cả kỷ niệm trong đời …
Ba tôi và cô Ní, người em họ của ba, đứng trên mũi ghe dẫn đường, vói qua ghe tôi để thu nhận thư từ của người ra đi nhắn gởi cho nguời ở lại, cũng là bằng chứng để trao số tiền còn lại cho những thân nhân đánh đổi tất cả ra đi tìm lẻ sống. Tôi đứng ở phía bánh lái, ba đưa mắt tìm tôi rồi khoát tay, ý như bảo con đi đi. Tôi ráng cầm nước mắt (con trai mà), dõi theo bóng chiếc ghe của ba lui lại, ghe của tôi rẽ trái, bị nuốt chững vào bóng đêm, bắt đầu cho những thảm cảnh trên biển cả.
Tàu chạy suốt đêm, tới quá trưa thì qua khỏi Hòn Chuối, thấy xa xa có bóng dáng hai chiếc tàu, tưởng sắp tới hải phận, nào ngờ đến gần thấy rõ hàng chữ QUỐC DOANH ĐÁNH CÁ VŨNG TÀU CÔN ĐẢO, ai cũng thất vọng ê chề, thôi rồi chắc là bị bắt lại.
Hai chiếc tàu áp lại bên thuyền vượt biển, bên chiếc thứ nhất, ba người nhảy qua ghe, những người còn lại trên tàu chỉa súng, như sẵn sàng nả đạn bắn nếu có chống cự. Họ đòi tiền và hứa không báo về đất liền. Mọi người gom hết tiền bạc tư trang đưa cho họ. Những người bên tàu thứ nhất vừa rời ghe, tách ra một quãng thì chiếc thứ hai sấn tới. Lần này họ lục soát trên người và lấy đi vàng của những người đi vượt biển cất dấu. Khi họ rời tàu, mọi người như mất tinh thần, nhưng cũng mừng vì không bị bắt, có điều trước khi rời tàu họ đã đập cong bánh lái để không thể điều khiển và lấy đi cái Hải bàn.
Tài công là một vị sĩ quan Hải Quân , tên Tín( tụi tôi gọi lén là Tín mặt rỗ) anh tìm cách xử dụng bánh lái, đầu tiên là đập bỏ ván xung quanh, dạy tôi cách xoay sợi dây xích mỗi khi anh cần bẻ lái. Nhờ vậy chiếc ghe có thể đi đúng hướng và anh cứ lấy sao Bắc Đẩu làm chuẩn mà thôi.
Chủ ghe mua thức ăn dự trử chất trên tàu đầy đủ nhưng vì thiếu kinh nghiệm, để phía trên boong tàu nên khi tàu ra biển khơi, sóng lớn nhồi vài đợt , mọi thứ bị hất tung xuống nuớc, đến chừng nhận ra điều đó thì đã muộn, đồ ăn thức uống đã không còn. Trên ghe lúc này ai có thức ăn mang ra chia xẻ, mỗi người chỉ có một chút ít để ăn tạm cho qua cơn đói mà thôi.
Chiếc tàu thứ ba chúng tôi gặp là tàu của những người ngư phủ đánh cá Thái Lan. Họ cho nước uống và mì gói rồi chỉ hướng cho tài công chạy tới, không ngờ đó là hướng đi định mệnh mà trên tàu ai cũng nghĩ họ đã cấu kết với nhau: Trong sáu ngày sáu đêm, chúng tôi bị tàu Thái Lan chận cuớp 15 lần
Đau lòng nhất là lần cuớp thứ 14, không còn gì để vơ vét, bọn cướp Thái xoay qua hãm hiếp 2 đứa bé gái là hai chị em, đứa 14, đứa 16. Mặc cho những người trên tàu van xin. Chúng chỉa súng vào mọi người và thay phiên nhau thỏa mãn thú tính. Chúng tôi chỉ biết khóc thương cho các em, trên tàu có cha Hiệp, ông đã cùng chúng tôi cầu nguyện xin chúa ban phước lành cho hai em, sau khi bọn cướp rời bỏ con tàu.
Chiếc tàu thứ 15 lại tấp vào để cướp bóc, lần này rõ ràng là chẳng còn gì, và rồi bọn chúng đã nhẫn tâm gỡ cả máy ghe mang đi vì nghĩ rằng những con người khốn khổ, không có khả năng tự vệ này sẽ chìm sâu vào lòng biển cả, chon vùi những tội ác tài trời đã xảy ra do chính những bàn tay của họ.
Chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng, không có máy để chạy, đói khát, ai cũng kiệt sức, chỉ còn cầu nguyện ơn trên phù hộ, hy vọng một phép lạ mà thôi. Và điều đó đã xãy ra khi chiếc tàu nhỏ đánh cá ở ven biển xuất hiện. Trên tàu chỉ có hai người đánh cá. Tuyệt nhiên họ không bước qua ghe mà chỉ ra hiệu chúng tôi quăng dây qua, một anh lấy dây neo cột vào đuôi ghe, rồi kéo đi. Họ nấu cháo mực chuyền qua ghe cho chúng tôi, tất cả mọi người trên ghe đều được ăn uống đầy đủ.
Trên ghe chúng tôi có một người phụ nữ rất đẹp có đứa con trai tên Bình. Chồng chị là sĩ quan QLVNCH, bị đi tù “cải tạo”, chị dắt con đi vượt biên, cha chị vốn làm việc ở Bộ Ngoại Giao đặt ở Thái Lan nên chị nói được tiếng Thái Lan tuy không lưu loát, có lẽ nhờ vậy nên bọn Hải tặc không làm hỗn với chị. Theo chị giải thích sau khi trao đổi với hai người đánh cá vì sao họ không có ý cuớp mà còn giúp mọi nguời, họ cho biết đó là hai cha con, người cha ngày trước đi lính cho Quân đội Đồng Minh có sang đánh trận và bị thương ở Biên Hoà, được người Việt Nam tận tình cứu chữa nên anh rất mang ơn, đây chính là cơ hội để anh trả ơn lại cho người Việt. Chúng tôi bày tỏ sự biết ơn và không biết làm sao để đáp đền, anh chỉ nói rằng vợ anh rất thích vải quần lảnh Mỹ A của người Việt, rất may cũng có một dì còn được cái quần còn nguyên vẹn, gởi tặng vợ của anh.
Anh đã kéo chiếc ghe vào gần bến và cho biết theo luật pháp anh không có quyền kéo chúng tôi vào bến, anh sẽ gọi cho tuần duyên Thái, rồi chặt dây để họ tới cứu. Điều anh dặn tôi còn nhớ như in trong đầu là khi thấy tàu cảnh sát tuần duyên Thái tới gần, phải đục lổ cho tàu vô nước không còn tiếp tục xử dụng được, nếu không, có thể sẽ bị đuổi ra biển sau khi cho lương thực. Đó là ngày 19 tháng 6 năm 1980.
Hơn ba mươi năm, nay đã là công dân Hoa Kỳ, nhưng những kỷ niệm xưa luôn còn sống trong tôi như mới hôm qua. Tôi ra đi mang theo quê hương, mang theo mối tình đầu dang dở, cũng như vẫn mang theo hình bóng đứa con trai mà vì hiểu lầm tôi là kẻ phụ bạc, tôi chưa hề được nó gọi một tiếng…BA.
(Ghi theo lời kể của anh LVT)
Vân Hà