MÁU LỆ THẤM ƯỚT QUÊ HƯƠNG (Ngô Quốc Sĩ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trong lúc dân Việt khắp nơi chuẩn bị đón mừng xuân Canh Tý, thì cộng sản Việt Nam đã cho công an quân đội và xe thiết giáp đến thảm sát những người dân Đồng Tâm đang lấy mạng sống để bảo vệ mảnh đất sống cha ông để lại. Người lãnh đạo chống bọn cướp đất là cụ Lê Đình Kình, một cựu đảng viên 84 tuổi với trên 50 tuổi đảng, đã bị bắn chết một cách man rợ, để lại niềm tiếc thương vô bờ và niềm uất hận chất ngất trên toàn thế giới. Riêng trong lãnh vực thi ca, người ta đã ngậm ngùi với những vần thơ ai oán của Quan Dương, Bùi Thế Vinh, Nguyễn Duy, thì lại càng thắt ruột với dòng nhạc buốt nhức của Tuấn Khanh.
Truớc hết, Quan Dương đã mô tả cảnh trấn áp man rợ không nương tay của bọn đao phủ, công cụ của chế độ vốn mang bản chất cướp bóc và chém giết. Người dân tay không, thấp cổ bé miệng, chỉ biết kêu than nhưng đành bất lực trước bạo quyền với thiết giáp và nòng súng:
Mặc tiếng kêu gào than khóc của trẻ thơ
Những ngón tay bóp cò không thương tiếc
Khói lửa ngút trời trộn cùng nước mắt
Của người dân bất lực truớc cường quyền
Điều mỉa mai là những kẻ phi pháp lại nhân danh luật pháp, mà thực ra chỉ là luật rừng, để trấn áp dân lành vô tội. Người ta bắt người tủy tiện, đánh đập tùy tiện và giết chết tùy tiện..Con người cộng sản đã bị tha hóa, đánh mất tình người, trở thành hoang thú:
Dân bây giờ không biết sẽ ra sao
Khi uất hận không có nơi để trút
Khi kẻ ác được nhân danh luật pháp
Và tình người như phù phiếm xa hoa
Tiếp đến, Bùi Chí Vinh cũng đã thét lên tiếng nói uất nghẹn nhìn thấy mặt trời đã tắt lịm trên quê hương khổ đau khi người cộng sản nhẫn tâm quay mặt đi trước tiếng kêu thảm thiết của dân lành. Tác giả đã tỏ lòng cảm phục và ngưỡng một sự hy sinh của cụ Lê Đình Kình như tảng đá xây tượng đài bằng nước mắt của toàn dân Việt trong ngục tối đọa đày. Cái chết của cụ là cái chết bi thảm nhưng vinh quang, sẽ được sử Việt ghi danh như một chứng tích oai hùng:
Chúng còn lâu mới nghe tiếng dân kêu
Bởi vậy cụ phải chết để động lòng trời đất
Bốn giờ sáng cụ Lê Đình Kình hóa thân thành tượng đài của nhân dân, tượng đài được xây bằng nước mắt
Và mây đen bao phủ Đồng Tâm để kết liễu mặt trời …
Nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã thẳng thắn lên án chế độ bất nhân tàn bạo, vô ơn bạc nghĩa, phản bội nhân dân, cướp đoạt tài sản và quyền sống, đày đọa nhân dân trong vũng lầy tăm tối:
Sao nên nỗi người cày không có ruộng
luật hoang vu hoang hoá nhân tình?
Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
ăn quả trên cành tè axit gốc cây?
Tác giả không ngại gọi bọn con hoang hôm nay là giặc cướp mù lòa, tịt mũi, không còn biết ai là bạn là thù, không còn phân biệt đâu là mùi thơm và hôi thối. Bọn chúng đã tự biến mình thành kẻ thù của dân tộc:
Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?
Ai nuôi cái mù loà đáy mắt
nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?
Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
tự biến thành thù địch trước nhân dân?
Bước qua dòng nhạc Tuấn khanh, người ta thật sự nghẹn lời, không biết làm sao để chia sớt nỗi đau của người dân Đồng Tâm nói riêng và cũng chính là nỗi đau của toàn thể dân Việt nói chung như bầu cùng một giàn, ngựa chung một tàu. Trước tin cụ Lê Đình Kình bị thảm sát, tác giả đã cảm thấy xúc động đến tê tái như thể địa chấn trong đêm đen chan hòa máu lệ:
Đêm qua ngước nhìn nhau
Sao không thấy mặt người
Đêm nuốt lệ nghe lời trăn trối
Với lòng yêu nước thiết tha, Tuấn Khanh hằng mơ ước nhìn thấy bình minh chiếu rạng trên quê hương, trên số phận dân tộc bị đọa đày. Nhưng oái oăm thay! Tác giả chỉ thấy dân tộc tội tình và đất nước điêu linh. Với con tim nhạy cảm, tác giả đã trải hết nỗi lòng cảm thương cho người dân Đồng Tâm cũng như cho toàn dân Việt như thể cảm thương cho chính mình:
Tôi mơ dáng bình minh
Soi sáng cho phận người
Thương ai đang tội tình
Thương ai đau như thể thương mình
Mơ rồi ước và nguyện cầu cho quê hương sớm thoát nhục hình, vui hưởng cuộc sống thanh bình. Nhưng càng trông đợi càng tuyệt vọng, bởi lẽ lũ con hoang đã biến đất nước thành ngai vàng đao phủ, chỉ nương nhau bảo vệ đặc quyền đặc lợi của cá nhân và phe nhóm:
Mẹ cứ ngóng trông hoài
Ngày không còn đao binh
Mẹ thương nhớ thanh bình
Nơi quê hương đã lắm nhục hình
Hiện thực quê hương hôm nay đang trải qua tình trạng đảo lộn mà Hà Sĩ Phu gọi là hiện tượng “lọc ngược”, khó mà nhận ra đâu là phải đâu là trái, đâu là chính nghĩa và phi nghĩa, đâu là niềm vui và nỗi khổ, đàng sau những tuyên truyền đối trá, huyền thoại và ngụy sử:
Nhưng đâu phải hát hòa bình
Là không có chiến tranh
Đâu phải có nụ cười
Là nước mắt thôi rơi!
Trước hiện thực bi đát vô phương cứu chữa, khi con nguời đã biến thành hoang thú, là “chó sói của người”, là “địa ngục”, Tuấn Khanh đã chấp tay, hòa với lời kinh của toàn dân Việt, nguyện Đấng Từ Bi đoái thương kẻ chết tức tưởi đêm qua, và người sống vất vưởng không nhà giữa cuối đông lạnh giá:
Nam Mô A Di Đà
Lạy người chết đêm qua
Lạy người sống không nhà
Lời kinh đau vang khắp sơn hà
Trước lời cầu của Tuân Khanh, chúng ta cảm nhận rằng, nguyện cầu cho người chết tức tưởi và cho người sống vất vưởng là cử chỉ đáng ca ngợi. Đó là truyền thống ngàn đời của dân Việt vốn bao dung và nhân ái. Nhưng câu hỏi căn bản là làm sao chấm dứt tình tình trạng thảm khốc hôm nay để cứu nguy tổ quốc và cứu vớt con người? Nguyễn Chí Thiện đã kêu gọi dân Việt đồng tâm “lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa”. Hôm nay Nguyễn Duy cũng kêu gọi dân Việt noi gương tổ tiên anh hùng, cương quyết biểu dương sức mạnh dân tộc để bảo vệ đất tổ:
Mảnh đất truyền đời
chát mồ hôi
đắng máu
lớp lớp anh hùng áo vải
lớp lớp xác người giữ đất
vẫn nhân dân.
Tóm lại, chỉ có nhân dân với sức mạnh dân tộc với truyền thống hào hùng của tổ tiên mới làm nên lịch sử. Tinh thần Diên Hồng, ý chí Phù Đỗng là đón bẫy kiến tạo lịch sử. Quân đội nhân dân đâu rồi? Chiến sĩ Tháng Tám đâu rồi? Sao chưa thức tỉnh như lời kêu gọi thống thiết của Nguyễn Duy: “Lai tỉnh. Hỡi lương tri. Lai tỉnh…”